Tại sao phải làm “NGƯỜI LỚN”???
Theo Wikipedia “Người lớn, người trưởng thành hay thành nhân là con người ở độ tuổi trưởng thành, thường là những người đã trưởng thành...
Giá mà gặp được cậu Hoàng Tử Bé để hỏi cậu cách tìm thấy đóa hồng của mình mà những người tự vỗ ngực xưng là mình lớn không tài nào tìm được. Giá mà những ngày trăng đẹp thế này, cậu từ hành tinh B612 của mình đáp xuống ngồi bên cạnh để mình thủ thỉ đôi điều, rằng: “Sống với người lớn chán phết cậu ạ?”
Mình đã có một giai đoạn cứ chạy theo cái mác gọi là người lớn, đó là vào thời gian lên đại học. Mình trầm tính, ít nói, làm gì cũng suy đi xét lại cho kĩ càng, kể cả thói quen và cách sinh hoạt cũng thay đổi. Mình được những người lớn tính nhiệm, được mọi người ở chỗ làm thêm yêu mến, nhưng, đổi lại mình đã không có một người bạn cùng lớp nào kể từ khi rời trung học. Dần dà, mình đã trở thành một đứa sống khép mình và tách biệt. Mãi cho đến lúc, ngồi nói chuyện với một ông anh lớn tuổi, anh khuyên mình nên sống cởi mở hơn, đừng cố sống hoàn hảo vì chẳng có ai trên đời là hoàn hảo và không bao giờ phạm sai lầm cả. Tuy nhiên, mãi đến khi rời đại học mình mới trở lại là chính mình, sống như mình của những năm cấp 3. Lúc đó mình mới chợt nhận ra, mình đã dồn nén con người mình lâu quá. Tất nhiên không phải là ăn chơi hay tụ tạp quậy phá, mà là mình thích gì làm đó và cảm nhận cuộc sống nhiều hơn.
Ba tháng sau khi tốt nghiệp, mình vào làm ở mảng kinh doanh và quản lý sale cho chi nhánh của một tập đoàn nước ngoài. Vì công việc của mình phải tiếp xúc và làm việc với con người mỗi ngày nên mình lại gặp được rất nhiều loại người khác nhau. Và y như rằng, nơi đây lại có thêm vài chuẩn mực của người lớn nơi công sở. Vậy người như thế nào mới được gọi là người lớn? Phải đi nhẹ nói khẽ? Phải khéo ăn khéo nói? Phải nói về những con số? Phải bàn về chuyện cưới sinh? Phải cân đo đông đếm từng milimet “lời” với người khác? Uầy, người lớn- LỚN quá nhỉ???
Có khi bị xem là trẻ con (vì mình là đứa nhỏ tuổi nhất công ty) mình lại nghĩ: “Hay là mình trở lại hình mẫu như trước?” Nhưng nhìn lại khoảng thời gian đó, mình được nhiều nhưng mình mất cả cuộc đời mình để sống cho cái chuẩn vớ vẫn gắn mác “sự trưởng thành” đó. Mệt không? Mệt. Tại sao mình phải dành thời gian để giữ hình tượng “chuẩn” trong mắt người khác mà mình lại không giữ trách nhiệm trong chính cuộc đời mình?
Con người cứ réo gọi nhau lớn nhanh, lớn vội rồi lại hoài niệm về tuổi thơ. Trên Facebook cứ lập đi lập lại mấy cái Status nhảm nhí về người trưởng thành, rồi lại ước mình bé lại! Quăng vài dòng triết lý rồi lại đâu vào đấy! Đấu tranh, chỉ trích rồi vờ như mình vô cang. Con nít như mình không chịu nổi “nhiệt” nên đã bỏ Facebook từ lâu, nhường sân chơi lại cho các bác “người lớn” tha hồ thể hiện!
Với mình, người lớn trong thế giới quan mỗi người điều có chuẩn mực riêng của họ. Mọi người thường đánh đồng giữa nhận thức và vẻ bề ngoài. Người được xem là trưởng thành không phải là cách ăn mặc, đi đứng, hay tính cách của họ mà nằm ở suy nghĩ và tư duy, khi họ đưa ra lựa chọn mang tính quyết định cuộc đời họ, khi họ chọn những sai lầm trong tầm kiểm soát và khi họ biết được thứ họ cần trong cuộc đời này.
Trưởng thành ấy mà, đơn giản là sống thật với bản chất con người mình thôi. Mình thích sống trọn vẹn từng giây từng phút, nổi loạn trong phạm vi cho phép, cá tính nhưng biết lớn nhỏ, lễ độ, phiêu lưu nhưng không quên gia đình, không cần hiền lành nhưng phải lương thiện, quan trọng hơn hết là dẹp bỏ mọi khuôn khổ của xã hội về ABC, XYZ các kiểu. Mỗi người điều có một chuẩn mực “lớn” riêng của họ.Đừng bị ám ảnh về "trưởng thành" nữa, trưởng thành làm quái gì khi cứ mãi hò hét muốn được như trẻ con? Xời... Làm ơn! Sống tốt đời mình là được rồi, không cần phải sống như người "trưởng thành" làm gì đâu!
#Chém gió đến đây xin gác kiếm, xem tập One Piece tuần này rồi đi ngủ cho mau lớn! :))))
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất