Tại sao phải BÃI BỎ NHÀ TÙ? - Angela Davis (2/2)
Khám phá tư tưởng của Angela Davis trong tác phẩm "Are prisons obsolete?" (Nhà tù có lỗi thời rồi không?) để hiểu tại sao theo bà, chúng ta phải đấu tranh bãi bỏ nhà tù.
Đây là phiên bản văn bản của tập 83 của podcast Just Another Rant, là phần tiếp theo/cuối cùng của 2 tập về tác phẩm "Are Prisons Obsolete?" (Nhà tù có lỗi thời rồi không?) của Angela Davis. Các bạn có thể nghe trên Youtube hoặc trên các ứng dụng podcast yêu thích của bạn.
Xin chào các bạn đã trở lại với Just Another Rant, mình là Mai và trong tập 83 hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục nói về quyển sách “Nhà tù có lỗi thời rồi không?” của Angela Davis, cụ thể là chương 4, 5 và 6. Lẽ ra là tập này đăng tuần trước rồi mà tuần trước mình bệnh nên dời sang tuần này. Thì vì đây là phần tiếp theo của tập trước cho nên nếu bạn chưa nghe tập 82 thì bạn nên đi nghe tập đó trước rồi hãy quay trở lại đây sau nha. Và cũng như mọi lần, podcast của tụi mình là 1 podcast rất là cây nhà lá vườn và mình sẽ rất vui nếu các bạn có thể ủng hộ tụi mình bằng cách, like, share, subscribe nếu bạn coi trên youtube hay rate 5 sao nếu bạn đang trên Spotify hay app podcast mà bạn đang dùng. Các bạn cũng đừng quên follow tụi mình trên instagram @just.another.rant hay trên facebook, tất cả link sẽ ở dưới nếu bạn cần. Tụi mình cũng đăng nhiều thứ vui vui trên đó lắm á nên lên follow tụi mình cho đông vui nha. À, quên, trước khi bắt đầu vô tập 83 thì phải thông báo 1 tin vuiiii. Đó là sắp tới Quỳnh sẽ trở lại với tụi mình và tụi mình sẽ lại có thể nói xàm rồi. Cho nên là các bạn hãy đón chờ nhiều tập 2 đứa tụi mình nói xàm trong thời gian sắp tới nha. Ừa, thôi không mất thời gian của mọi người nữa, chúng ta bắt đầu nói về chủ đề của ngày hôm nay nha.
Thì trong tập 82 chúng ta đã đi qua chương 1, 2, 3 của “Nhà tù có lỗi thời rồi ko?” của Angela Davis. Thì không biết là các bạn có còn nhớ không nhưng trong cái phần mình giới thiệu tác phẩm trong tập 82 á, thì mình có tóm tắt luận điểm của Angela Davis cho việc tại sao phải bãi bỏ nhà tù như sau: Hệ thống nhà tù là công cụ duy trì chủ nghĩa tư bản, chế độ phụ quyền và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Cho nên, bạn không thể vừa có xã hội hậu tư bản, hậu phụ quyền, hậu phân biệt chủng tộc mà vừa có hệ thống nhà tù được. Tức là, nếu chúng ta bãi bỏ các hệ thống đàn áp nói trên thì cũng phải bãi bỏ luôn hệ thống nhà tù.
Thì các bạn có thể thấy là trong chương 1, Angela Davis đặt ra vấn đề bãi bỏ nhà tù. Qua chương 2 thì đã chứng minh được hệ thống nhà tù Hoa Kỳ là công cụ duy trì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đến nỗi người ta nói là hệ thống nhà tù Hoa Kỳ sau Nội chiến là chế độ nô lệ tái sinh. Qua chương 3, thì chúng ta đã chất vấn việc giam cầm một con người và việc cải tạo họ, và thấy rằng từ những buổi đầu của nhà tù đến hiện nay, thì nhà tù thất bại trong việc cải tạo và càng ngày càng cho ta thấy là nó không quan tâm đến cải tạo con người. Vậy thì nếu quay trở lại cái lời giới thiệu của mình tuần trước, thì chúng ta vẫn còn chưa được nghe gì về: thứ 1 là, yếu tố giới trong hệ thống nhà tù và thứ 2 là, yếu tố chủ nghĩa tư bản. Thì trong chương 4 và 5, Angela Davis sẽ trình bày về 2 vấn đề này. Còn chương 6 thì sẽ nói về các giải pháp. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào chương 4, mang tên How Gender Structures the Prison System (Giới kết cấu hệ thống nhà tù như thế nào?). Mình nói trước là chương này có đề cập tới các chủ đề nặng nề như là hiếp dâm và bạo lực tình dục đối với phụ nữ nha. À, nói luôn mắc công quên, trong tập này, nếu mình xài chữ “giới” hay “giới tính” thì mình đều muốn nói đến chữ “gender” trong tiếng Anh nha, còn khi nào mình muốn đề cập tới khái niệm “sex” (hay là giới tính sinh học) thì mình sẽ nói rõ.
Chương 4: How Gender Structures the Prison System (Giới kết cấu hệ thống nhà tù như thế nào?)
Angela Davis nói là trong những cuộc thảo luận về hệ thống nhà tù gần đây, phụ nữ rất ít được nhắc tới, tức là yếu tố giới trong các cuộc thảo luận về nhà tù vẫn chưa được xem trọng. Và ở đây chúng ta phải cẩn thận, không nên chỉ nhắc về yếu giới một cách hời hợt, ví dụ như là chèn 1-2 đoạn văn về nữ tù nhân trong hệ thống nhà tù vào là xong chuyện. Tại vì nếu làm vậy thì chúng ta vẫn đang nhìn nhận vấn đề nhà tù là vấn đề nam giới, còn phụ nữ trong nhà tù là vấn đề phụ. Thay vào đó chúng ta phải nhìn thấy rằng: có những chuyện xảy ra trong nhà tù phụ nữ là đặc biệt của phụ nữ và cũng có những chuyện xảy ra trong nhà tù nam giới là đặc biệt của nam giới. Và vì vậy, Angela Davis mới đặt tên chương này là “Giới kết cấu hệ thống nhà tù như thế nào” mà không phải là “Phụ nữ và hệ thống nhà tù”.
Chúng ta biết về trải nghiệm của nữ tù nhân qua văn học của họ. Một ví dụ tiêu biểu mà Davis kể cho chúng ta nghe ở đây là hồi ký của Assata Shakur, một nhà hoạt động chính trị Mỹ và được gọi là “Linh hồn của Quân đội Giải phóng Da đen”. Vào năm 1977, bà bị kết án tù với tội danh giết một cảnh sát bang New Jersey. Thì bà bị tù chung thân và vô tù nhưng đến năm 1979 thì trốn tù và chạy qua Cuba tị nạn và ở đó đến giờ luôn. Năm 1987, thì Assata xuất bản tự truyện của mình và trong đó có kể về trải nghiệm của bà trong tù, và nhờ đó chúng ta biết được hoàn cảnh của phụ nữ trong hệ thống nhà tù. Dĩ nhiên, chuyện Assata là một tù nhân chính trị da đen chắc chắn đã khiến các cơ quan chức năng sử dụng những hình phạt độc ác một cách khác thường với bà ví dụ như là bị giam trong nhà tù nam giới, bị chú ý giám sát đặc biệt, vân vân. Nhưng trải nghiệm cá nhân của Assata cũng phản ánh trải nghiệm chung của nhiều phụ nữ khác, đặc biệt là các nữ tù nhân người da đen hay người Puerto Rico. Thì một trong những trải nghiệm chung đó là bị “lục soát khỏa thân” (strip search). Đại loại là nếu bạn là một nữ tù nhân và bạn bị lục soát khỏa thân, thì bạn sẽ bị bắt lột đồ ra và sẽ có người giữ tay chân bạn lại rồi chọt ngón tay họ vô âm đạo và đôi khi vừa âm đạo vừa hậu môn của bạn, để… “lục soát”. Bản thân Davis cũng từng vào tù và bà cũng nói là mình có thể làm chứng cho các vụ “lục soát khỏa thân” trong nhà tù phụ nữ ở Mỹ.
Ngoài tự truyện của Assata thì văn học của nữ tù nhân cũng còn rất nhiều tác giả khác, đa dạng về thể loại. Dù vậy, vai trò trung tâm của giới trong hệ thống nhà tù vẫn chưa được đề cập đến nhiều. Lời biện hộ thường gặp nhất là hầu hết tù nhân là nam giới nên không nói về nữ giới nhiều là đúng rồi. Tuy nhiên, từ những năm 80, ở Hoa Kỳ và trên thế giới, số lượng nữ tù nhân ngày càng tăng và ở Mỹ, phụ nữ là nhóm tù nhân tăng nhanh nhất. Và vì vậy, chúng ta cần phải xem xét những khía cạnh tư tưởng và lịch sử của hình phạt nhà nước (state punishment) dành cho phụ nữ.
Thì từ khoảng cuối thế kỷ 18, hệ thống nhà tù lên ngôi và trở thành cách trừng phạt mặc định của nhà nước, đầu tiên là ở châu Âu và Mỹ và sau đó là đến các nước bị thuộc địa. Thì dĩ nhiên là cũng từ lúc này chúng ta mới có nữ tù nhân, còn trước đó thì không. Chúng ta thấy trong lịch sử, là cách trừng phạt nữ giới và nam giới đã luôn khác nhau. Davis lưu ý là nhiều phụ nữ không bị vô tù nhưng chịu hình phạt tương tự trong bệnh viện tâm thần. Nếu nhà tù là nơi để kiểm soát nam giới thì bệnh viện tâm thần là nơi để kiểm soát nữ giới. Dấu vết của mối liên hệ với bệnh viện tâm thần vẫn có thể được nhìn thấy trong hệ thống nhà tù phụ nữ hiện nay ở Mỹ: người ta phân phối thuốc tâm thần cho tù nhân nữ nhiều hơn tù nhân nam rất nhiều. Ở đây, chúng ta cũng nên lưu ý yếu tố giai cấp và chủng tộc. Ví dụ như một người phụ nữ giết chồng, mà người phụ nữ này da trắng và khá giả thì khả năng cao sẽ được xem là bị điên và sẽ bị cho vào bệnh viện tâm thần nhưng nếu người phụ nữ đó là người da màu và nghèo thì khả năng cao sẽ được xem như là tội phạm và sẽ bị cho vào tù.
Với vd về bệnh viện tâm thần, Davis muốn nói rằng “hình phạt nhà nước” (state punishment) dành cho phụ nữ không chỉ gói gọn trong nhà tù mà nằm trong nhiều thiết chế khác. Ở đây, ta có thể thấy là Davis đang mở rộng cái khái niệm “hình phạt nhà nước” ra, bao gồm các loại hình phạt khác ngoài hệ thống nhà tù nhằm kiểm soát, đàn áp các thành phần cho là bất hảo trong xã hội. Thì ngoài thiết chế bệnh viện tâm thần, thì còn có chế độ nô lệ đối với nô lệ nữ da đen (có những hình phạt chỉ dành cho phụ nữ đa đen nô lệ thôi, vd hiếp dâm và bạo lực tình dục), ngoài ra còn có bạo lực gia đình – cũng là một hình thức hình phạt dùng để kiểm soát phụ nữ được luật pháp cổ súy và tạo điều kiện cho xảy ra, nhất là ngày xưa nữa. Thì Davis chỉ ra các hình phạt cho phụ nữ này, và nói là chúng cũng là hình phạt nhà nước. Những hình thức hình phạt này nằm ngoài hệ thống nhà tù nhưng cũng là các cách mà nhà nước trừng phạt và kiểm soát phụ nữ, cũng giống như để trừng phạt và kiểm soát nam giới thì nhà nước sử dụng hệ thống nhà tù.
Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nổ ra các phong trào đòi phân chia nam riêng nữ riêng trong nhà tù. Và từ đó nhà tù phụ nữ ra đời, chứ ban đầu ko có. Thì nhà tù phụ nữ nó khác biệt so với nhà tù nam giới như thế nào? Nó sẽ có quản tù và nhân viên là nữ cho nên sẽ an toàn với phụ nữ hơn so với trước đó phải ở trong tù mà quản tù là nam. Và nhà tù phụ nữ thì được thiết kế nữ tính hơn với mục đích là cải tạo những người phạm nhân nữ thành những người phụ nữ của gia đình. Ví dụ như nhà tù cải tạo phụ nữ đầu tiên ở Mỹ thành lập năm 1853 và họ tuyên bố mục tiêu của mình là đào tạo cho tù nhân vai trò quan trọng của nữ công gia chánh. Và để làm điều này, họ thiết kế nhà tù có nhà bếp, phòng khách, thậm chí phòng em bé và họ dạy tù nhân nấu ăn, thêu vá và dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, nếu phụ nữ da trắng được vô những nhà tù này, thì phụ nữ da đen và bản địa thường bị tống vào nhà tù nam giới. Ở miền nam nước Mỹ sau Nội chiến, thì phụ nữ da đen khi bị bắt vô tù phải làm việc y như nam giới, không hề có sự giảm nhẹ. Tóm lại, phương thức trừng phạt “nữ tính hóa” được thiết kế cho phụ nữ gia trắng chứ ko phải phụ nữ da màu.
Bây giờ chúng ta đến thể kỷ 20 và đầu thể kỷ 21. Ở Hoa Kỳ, số phụ nữ trong hệ thống nhà tù tăng chóng mặt và nhất là đối với phụ nữ da màu. Ví dụ như trong nghiên cứu về tù nhân nữ người Mỹ bản địa trong hệ thống nhà tù bang Montana của Luana Ross thì cô thấy người Mỹ bản địa chiếm 6% dân số nhưng chiếm đến 17.3% trong nhà tù, đặc biệt là phụ nữ người Mỹ bản địa chiếm 25% tù nhân nữ bang Montana. Trong khoảng thời gian cuối thể kỷ 20 này, thì vấn đề phụ nữ trong tù mới được nói đến nhiều hơn nhất là với sự bùng nổ của phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, cũng có những chuyện hết sức chán đời xảy ra. Cụ thể là có những nổ lực thúc đẩy “bình đẳng” trong nhà tù giữa nam và nữ tù nhân. Davis kể ra 3 vụ việc và mình sẽ không kể lại hết cho các bạn nghe ở đây, nhưng mà đại loại là có những người thấy là nữ tù nhân bị phạt nhẹ hơn nam nên muốn “bình đẳng”, yêu cầu phải phạt nữ tù nhân nặng hơn cho giống tù nhân nam.
Cũng trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 20, vấn đề bạo lực tình dục trong nhà tù phụ nữ được nói đến nhiều hơn. Bạo lực tình dục đối với nữ phạm nhân được bình thường hóa đến mức nó được xem như 1 phần của phạt tù. Trong báo cáo về bạo hành tình dục đối với phụ nữ trong hệ thống nhà tù Mỹ mang tên “All too familiar: Sexual abuse of women in US State Prisons”, các tác giả cho biết: nhiều nhân viên nam hiếp dâm đường âm đạo, đường hậu môn và đường miệng các tù nhân nữ và tấn công và bạo hành tình dục họ. Những người đàn ông này không những sử dụng bạo lực thể xác mà còn sử dụng uy quyền của mình để đạt được cái họ muốn, ví dụ như bằng cách ép tù nhân nữ quan hệ tình dục nếu không đồng ý sẽ không cho cái này cái họ, hoặc là nếu đồng ý thì sẽ cho cái này cái nọ. Ngoài ra họ còn lợi dụng lúc làm công tác để quấy rối tình dục tù nhân và xúc phạm họ bằng lời nói. Đáng sợ hơn là chúng ta biết chắc những người trong hệ thống nhà tù biết chuyện này xảy ra nhưng để cho nó xảy ra và bình thường hóa nó. Davis có trích dẫn thêm các báo cáo khác và mình sẽ không kể ra hết nhưng nói chung ở Hoa Kỳ thì tình trạng bạo lực tình dục đối với tù nhân nữ xảy ra rất nhiều và tệ hơn so với mặt bằng chung của thế giới.
Như vậy, bạo hành tình dục được thiết chế hóa trong hệ thống nhà tù và trở thành một phần của hình phạt mà phụ nữ gánh chịu trong tù, ngoài chuyện bị giam cầm, cướp lấy các quyền tự do và bị bóc lột lao động. Như nhiều nhà hoạt động xã hội khác đã chỉ ra, chính nhà nước đã trực tiếp bình thường hóa, hợp thức hóa và cho phép bạo lực tình dục xảy ra đối với phụ nữ trong tù. Trên luật pháp và ở ngoài tù, hiếp dâm và bạo lực tình dục là tội phạm và bị cấm nhưng ở trong tù thì được cổ súy, củng cố, cho phép xảy ra hàng loạt. Nếu một thiết chế sử dụng các công cụ đàn áp của chế độ phụ quyền nhằm để đàn áp phụ nữ và củng cố cho sự đàn áp đó trong xã hội, nhất là đối với phụ nữ da màu, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ nghèo,… thì thiết chế đó không thể tồn tại trong một xã hội hậu phụ quyền. Vì vậy, bất kỳ ai đấu tranh bãi bỏ chế độ phụ quyền, cần phải đồng thời đấu tranh bãi bỏ nhà tù.
Chương 5: The Prison Industrial Complex (Tổ hợp công nghiệp nhà tù)
Chúng ta đến với chương 5, mang tên Tổ hợp công nghiệp nhà tù. Thì từ chương 2 đến chương 4, chúng ta đã đi qua rất là nhiều những hình ảnh dã man trong tù, những số liệu không thể tưởng tượng được về hệ thống nhà tù Hoa Kỳ. Và chắc chắn chúng ta sẽ tự hỏi là: Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Làm sao chuyện này có thể tiếp tục xảy ra như ở hiện tại? Lí do chính và to bự mà những chuyện này có thể xảy ra là tư bản. Và mình nghĩ đây cũng là lí do Angela Davis để chương 5 ở vị trí này. Ok, chúng ta bắt đầu ha.
Tổ hợp công nghiệp nhà tù là từ dùng để chỉ mạng lưới các mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ, các phương tiện truyền thông và hệ thống nhà tù. Để tạo ra lợi nhuận từ hệ thống nhà tù, không thể nào ai trong số họ có thể hoạt động riêng lẻ được mà họ phải kết nối với nhau để cùng nhau khai thác lợi nhuận, cho nên mới cho ra đời tổ hợp công nghiệp nhà tù. Ngành công nghiệp nhà tù ở Hoa Kỳ là một ngành công nghiệp lớn với lợi nhuận ước tính hằng năm là khoảng 4 tỷ đô, và cái này là chỉ tính riêng các nhà tù tư nhân. Câu hỏi đặt ra là, người ta tạo ra lợi nhuận từ nhà tù như thế nào? Lợi nhuận ở đâu mà ra?
Đầu tiên, chúng ta phải nói đến tổ hợp công nghiệp quân sự (là cũng giống tổ hợp công nghiệp nhà tù luôn nhưng mà ngành quân sự). Thì Angela Davis mới là tổ hợp công nghiệp quân sự và tổ hợp công nghiệp nhà tù có mối quan hệ chặt chẽ và cộng sinh với nhau. 2 tổ hợp công nghiệp này ủng hộ và thúc đẩy nhau và thường chia sẻ công nghệ kỹ thuật với nhau. Ví dụ như tổ hợp công nghiệp nhà tù là thị trường cho tổ hợp công nghiệp quân sự, với các mặt hàng vũ khí, thiết bị, máy móc giám sát chẳng hạn. Với ngành công nghiệp sản xuất vũ khí thì những chính sách “mạnh tay với tội phạm” sẽ là cơ hội cho bạn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Đơn giản là bây giờ người ta có nhu cầu “mạnh tay với tội phạm” và bạn đáp ứng nhu cầu đó bằng cách cung cấp những vũ khí mới, những máy móc tinh vi mới thì bạn sẽ giàu. Và với vũ khí mới và chính sách đối với tội phạm mới thì sẽ tăng số tù nhân và từ đó tăng số nhà tù lên, thì tức là tổ hợp công nghiệp nhà tù mở rộng quy mô ra hơn, phát triển nhanh hơn và thu hút được nhiều nguồn vốn hơn nữa. Và tiếp tục cái vòng tròn đó, cả 2 tổ hợp công nghiệp này hưởng lợi từ nhau. Điểm tương đồng giữa 2 tổ hợp công nghiệp này là cả 2 đều tạo ra lợi nhuận từ sự phá hủy, tàn phá đối với xã hội. Nếu những cộng đồng nghèo, da màu hay thậm chí người dân của những quốc gia khác bị tàn phá bởi tổ hợp công nghiệp nhà tù và quân sự thì sự tàn phá này mang lại lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp, các chính trị gia, các cơ quan nhà nước có liên quan. Vậy, một trong những cách tổ hợp công nghiệp nhà tù tạo ra lợi nhuận là trong mối quan hệ cộng sinh của nó với tổ hợp công nghiệp quân sự.
Ngành công nghiệp thứ 2 tạo ra lợi nhuận từ tù nhân là ngành công nghiệp y tế dược phẩm. Ở Hoa Kỳ, sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì các công ty dược phẩm thử nghiệm sản phẩm lên tù nhân. Thử nghiệm thuốc lên tù nhân thì các doanh nghiệp có thể lách được rất nhiều quy định mà nếu thử nghiệm trên người bình thường sẽ không được cho phép hoặc bị coi là phi đạo đức hoặc đơn giản là đắt tiền hơn. Những thử nghiệm này đã giúp họ kiếm ra rất nhiều tiền, mặc cho những tổn hại lên cơ thể của tù nhân. Một số doanh nghiệp dược phẩm trục lợi từ thử nghiệm dược phẩm phi đạo đức lên tù nhân là Johnson and Johnson, Ortho Pharmaceutical và Dow Chemical.
Thúc đẩy bởi lợi nhuận, hệ thống y tế Hoa Kỳ bắt đầu tư hữu hóa từ những năm 80-90 và nếu các bạn để ý, đây cũng là thời gian các chính sách “mạnh tay với tội phạm” bắt đầu và số nhà tù và tù nhân tăng vọt ở Mỹ. Sự tư hữu hóa hệ thống y tế đẩy những cộng đồng nghèo và không có điều kiện nhất đến gần với con đường phạm tội hơn. Những người nghèo mà bây giờ lỡ bị bệnh hay tai nạn gì đó mà tiền viện phí, tiền thuốc quá đắt, không được nhà nước lo; thì họ bị đẩy vào thế đường cùng ví dụ như phải đi ăn cắp, đi buôn ma túy, nói chung là phải vi phạm pháp luật để kiếm tiền. Và khi họ bị đẩy vào thế đó thì lại có các chính sách “mạnh tay với tội phạm”, sẵn sàng hốt họ vào tù. Và khi vào tù họ trở thành người lao động cho các doanh nghiệp. Lao động tù nhân là một nguồn lợi rất lớn cho các doanh nghiệp. Bởi vì họ không có công đoàn, họ không có cách biệt ngôn ngữ như lao động nước ngoài, họ rẻ hơn lao động bình thường rất nhiều, bạn không cần phải trả tiền bảo hiểm cho họ, họ sẽ không bao giờ đình công hay đòi tăng lương cả, vân vân. Thì với nguồn lao động rẻ và tiện lợi như vậy, nhà tù trở thành địa điểm lí tưởng cho doanh nghiệp tư nhân tìm lực lượng lao động. Như vậy, ngành công nghiệp y tế hợp tác chặt chẽ với hệ thống nhà tù để tạo ra lợi nhuận cho nhau và cho các ngành công nghiệp khác nữa.
Một ngành khác cũng bắt tay với tổ hợp công nghiệp nhà tù để tạo ra lợi nhuận là truyền thông. Trong thập niên 90, tin tức tội phạm là chủ đề số 1 trên các chương trình tin tức buổi tối. Các kênh truyền hình tranh nhau đưa tin giết người, tội phạm và cổ súy cho suy nghĩ là ở Mỹ tội phạm ngày càng nhiều và không thể kiểm soát nổi. Từ năm 1990 – 1998, số tin giết người lại tăng lên gần 4 lần, mặc dù trong thực tế, tỷ lệ giết người trên cả nước giảm 1 nửa.
Chưa dừng lại ở đó, điều mà làm hệ thống nhà tù ở Mỹ trở nên tệ hơn rất nhiều đó là sự tư hữu hóa nhà tù. Khi mà nhà nước sử dụng dịch vụ nhà tù của tư nhân thì nhà nước sẽ trả tiền cho các công ty tư nhân này để họ quản lý nhà tù giùm. Thì với những công ty tư nhân này, càng giữ tù nhân lâu bao nhiêu thì sẽ được thêm tiền bấy nhiêu, tức là họ có động lực kinh tế để giữ tù nhân ở lại trong tù lâu nhất có thể. Ví dụ như ở Texas, ở thời điểm viết cuốn sách này thì có 34 nhà tù nhà nước sở hữu nhưng được vận hành bởi tư nhân. Và những nhà tù này tạo ra lợi nhuận khoảng 80 triệu đô mỗi năm cho Texas.
Davis kể về một vụ scandal 1997, trên truyền hình phát sóng một đoạn video quay cảnh tù nhân bị đối xử trong 1 nhà tù được vận hành bởi công ty tư nhân. Và theo lời của tù nhân thì cái video đó chỉ là 1 phần thôi, thực tế còn ghê hơn nữa. Scandal này khiến mọi người đặt câu hỏi về những gì xảy ra trong nhà tù vận hành bởi tư nhân và ảnh hưởng của tư hữu hóa hệ thống nhà tù. Đáng lo hơn là mô hình tư hữu hóa nhà tù càng ngày càng trở nên phổ biến hơn không chỉ ở Mỹ mà ở các quốc gia khác như Úc, Anh, Nam Phi, các nước châu Âu,… Ở đây Davis kể ra rất là nhiều số liệu luôn mà mình không tiện đọc ra nhưng mà thôi, cứ biết là nhiều đi.
Với ngành công nghiệp nhà tù mở rộng quy mô lớn như vậy thì ngày càng nhiều các ngành công nghiệp khác bắt đầu bán hàng, trao đổi với nhà tù và khám phá ra những cách kiếm tiền mới từ nhà tù. Ví dụ như ngành công nghiệp thực phẩm, ngành công nghiệp hóa chất tẩy rửa, ngành điện tử, thông tin,.. Davis nói là cho dù có dẹp nhà tù tư nhân đi nữa thì hệ thống nhà tù công hữu nó đã quá tràn ngập trong mạng lưới các dịch vụ và sản phẩm của tư nhân rồi. Cho dù quá trình tư hữu hóa nhà tù không xảy ra vào những năm 80 trở đi thì hệ thống nhà tù nó cũng đã không thể tách khỏi doanh nghiệp tư nhân rồi. Như vậy, nhà tù công hữu hay tư hữu cũng đều gắn chặt với kinh tế thị trường và đóng góp một phần quan trọng trong nguồn lợi nhuận tư bản.
Davis nói là những người hoạt động xã hội ở thời điểm hiện nay, phải có nhiệm vụ đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản toàn cầu và sự lan rộng của mô hình nhà tù kiểu Mỹ trên thế giới. Ngành công nghiệp nhà tù toàn cầu bị thống trị bởi Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất lớn lên các mặt hàng, sản phẩm, ý tưởng, dịch vụ liên quan đến nhà tù và họ marketing những thứ này đến các quốc gia khác. Ví dụ như mô hình nhà tù supermax mà tập trước có nói, đã lan ra một số nước khác dưới ảnh hưởng của Mỹ. Điều đáng lo ngại là, cuốn sách này xuất bản năm 2003 tức là sau 11/09/2001. Thì từ ngay sau đó chúng ta đã thấy hệ thống nhà tù Hoa Kỳ tiếp tay duy trì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người đạo Islam và người gốc Trung Đông. Và nếu chúng ta không chịu nhìn nhận vai trò của hệ thống nhà tù trong việc duy trì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà ngược lại để hệ thống này lan ra các quốc gia khác, ảnh hưởng đến các cộng đồng khác thì chúng ta sẽ càng ngày càng xa một tương lai bình đẳng và công lý.
Davis muốn người đọc phải nghĩ rộng ra đến tác động của hệ thống nhà tù Mỹ lên thế giới, và nghĩ rộng ra đến hệ thống nhà tù trên toàn cầu. Phong trào bãi bỏ nhà tù phải chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa tư bản, chế độ phụ quyền. Phong trào bãi bỏ nhà tù đấu tranh cho việc bãi bỏ nhà tù với tư cách là hình thức trừng phạt nổi trội, mặc định và đồng thời đoàn kết với hàng triệu người đằng sau song sắt. Vậy thì câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì? Giải pháp của những người trong phong trào bãi bỏ nhà tù là gì? Davis trả lời trong chương 6.
Chương 6: Abolitionist Alternatives (Giải pháp thay thế của phong trào bãi bỏ nhà tù)
Trong chương này, Angela Davis nói về các giải pháp thay thế cho nhà tù. Nếu không có nhà tù thì chúng ta phải làm gì? Điều đầu tiên bà nhìn thấy đó là vì nhà tù đóng vai trò quá chủ chốt trong xã hội hiện tại của chúng ta nên khi câu hỏi được đặt ra nhiều người sẽ không nghĩ ra được gì khác, ngoài các giải pháp tương tự như nhà tù. Để nghĩ ra được giải pháp chúng ta cần nhìn vấn đề không chỉ ở nhà tù mà các vấn đề gốc rễ, toàn bộ tổ hợp công nghiệp nhà tù và các hệ thống đàn áp khác trong xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra là không thể có 1 giải pháp thay thế cho nhà tù được.
Chúng ta có thể đặt việc giảm số người vào tù làm chiến thuật trọng tâm thì chúng ta sẽ có giải pháp gì? Phát triển giáo dục ở mọi cấp. Xây dựng hệ thống y tế công cộng miễn phí cho tất cả mọi người (bao gồm cả sức khỏe tâm lý). Xây dựng hệ thống pháp lý dựa trên sửa đổi, phục hồi thay vì trừng phạt và trả thù. Trong hệ thống giáo dục, y tế và công lý mới, cần phải giải quyết những vấn đề phân biệt chủng tộc, giai cấp, nam nữ,… phải đảm bảo, các thiết chế này phục vụ tất cả mọi người. Những giải pháp nào mà không nhắm đến giải quyết các chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự thống trị của nam giới, thiên kiến giai cấp, và các hệ thống đàn áp khác, thì đều sẽ thất bại và không thúc đẩy mục tiêu bãi bỏ nhà tù.
Với trường hợp Hoa Kỳ, chúng ta có thể nghĩ đến vấn đề người nhập cư không giấy tờ bị bắt và bỏ vào trong những trại tập trung và nghĩ ra các giải pháp để xóa bỏ vấn nạn này. Chúng ta cần thật sự suy nghĩ về phi tội phạm hóa (decriminalize) những hành vi mà hiện nay vẫn được cho là phạm tội. Ví dụ như mua bán, sử dụng cần sa hay là mại dâm hay là quan hệ tình dục đồng giới ở một số nước. Ngoài ra chúng ta có thể nghĩ đến các chương trình làm việc, đòi tăng lương, trợ cấp xã hội, phòng chống bạo lực giới,…
Rồi, đến đây sẽ có người hỏi: Nếu bãi bỏ nhà tù thì còn những kẻ tội phạm tệ nhất ví dụ như những kẻ hiếp dâm hay giết người hàng loạt thì sao? Thì thứ 1, cho dù nếu cách tốt nhất để giữ an ninh cho cộng đồng là nhốt cái kẻ giết người hàng loạt này hay kẻ hiếp dâm nọ lại, thì tại sao chúng ta lại áp dụng hình phạt của những kẻ đó cho tất cả các tù nhân khác? Cho nên cho dù có nhà tù có là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cộng đồng khỏi một vài kẻ tội phạm thì chúng ta vẫn nên bãi bỏ hệ thống nhà tù. Và thứ 2, ngay cả đối với những người phạm tội nặng thì cũng có những biện pháp thay thế mà tập trung vào sửa chửa sai lầm hơn là trả thù và trừng phạt. Chúng ta phải rời bỏ mô hình công lý dựa trên tội ác và trừng phạt và hướng đến một mô hình mà người phạm pháp không được xem như 1 kẻ tội phạm mà là 1 người đã làm sai và có nhiệm vụ, trách nhiệm sửa chửa việc sai mình làm. Những biện pháp này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, thử nghiệm và tìm tòi khám phá liên tục.
Và yeah, vậy là xong chương 6 của “Nhà tù có lỗi thời rồi không?” của Angela Davis rồi. Bà ấy không có liệt kê ra nhiều giải pháp nhất có thể mà chỉ định hướng cái cách suy nghĩ để cho người đọc nghĩ ra giải pháp. Và tuy là cuốn sách này nói về hệ thống nhà tù Mỹ nhưng mình hi vọng là các bạn cũng học được rất nhiều điều từ nó. Và một lần nữa mình cực kỳ gợi ý các bạn tìm đọc quyển sách này tại vì nó thật sự là một cuốn sách rất tốt để bắt đầu tiếp cận và suy nghĩ về bãi bỏ nhà tù. Và nếu có góp ý, trao đổi gì thì hãy comment cho mình biết ở phía dưới hoặc nhắn tin trên insta cho tụi mình cũng được. Mình hẹn gặp lại các bạn trong tập tiếp theo nha, hi vọng là lúc đó sẽ được hội ngộ với Quỳnh ha. Ok, bye.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất