Dưới góc nhìn của một người Công giáo
Nhớ lại dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng theo Kinh Thánh Matthew (13, 24-30): "Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?". Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!". Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?". Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".
Cỏ lùng: đại diện cho những kẻ sống không công chính hay dân gian thường gọi là kẻ ác. Lúa mì: đại diện cho những người ngay lành hay còn gọi là người lành. Họ là những người ăn ở hiền lành và sống công chính.
Như trong bản văn Kinh Thánh, cỏ lùng và lúa mì đều được giữ lại nơi mảnh ruộng. Chúng đều chịu những tác động như nhau đến quá trình sinh trưởng của chúng: đều lấy dinh dưỡng từ một mảnh ruộng, đều hút cùng một nguồn nước, đều hứng được lượng ánh sáng mặt trời như nhau, đều hưởng cùng một sự chăm sóc của người nông dân,... Người lành và kẻ dữ cũng vậy, họ đều sống trong một môi trường, mọi sự may rủi, lành dữ đến với họ với một xác suất là như nhau. Kẻ lành và kẻ dữ đều hưởng hưởng những hồng ân dạt dào, vô bờ từ Thiên Chúa.

Vậy thì, ta lại đặt ra câu hỏi: Vậy thì ở hiền để làm gì?

Câu trả lời nằm ngay trong ngụ ngôn trên: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".
Hình ảnh "đốt đi""thu vào kho lẫm" đại diện cho hai trạng thái sau khi chúng ta kết thúc sự sống ở trần gian. - "đốt đi" là hình ảnh của hoả ngục - nơi chúng ta mất đi mối tương quan đối với Thiên Chúa, không còn được hưởng ân nghĩa với Ngài nữa. - "thu vào kho lẫm" là hình rảnh của thiên đàng - nơi con người được sống trong ân sủng của Thiên Chúa, nơi con người tìm được hạnh phúc vĩnh cửu. Như vậy, chúng ta sống hiền ở đời này để "mua" lấy hạnh phúc trọn hảo ở đời sau. Thiết nghĩ, cái giá này là xứng đáng với những cố gắng sống lành ở đời này của chúng ta.

Liệu Thiên Chúa có công bằng không khi người ở hiền vẫn gặp nhiều trắc trở, gian nan như vậy?

Dân gian vẫn có câu "lửa thử vàng" những gian nan, khó khăn ở đời này như là những phép thử cho sự bền tâm, cố gắng sống lành của chúng ta. Nhờ có những khó khăn này, sự sống lành, sống thiện của chúng ta mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Giả như, lúc làm chúng ta cũng gặp điều thuận lợi: nhà cửa khang trang, công việc thuận lợi, con cái khôn ngoan, gia thất hạnh phúc,... thì việc sống lành có khó gì?
Những kẻ ác, họ cũng được Thiên Chúa ban cho muôn ân phúc nhưng lại cứng đầu, không chịu hiểu, không chịu thấu sự nhân từ của Ngài. Họ cố chấp, u mê đi theo con đường gian ác thì cái giá phải trả là sự đau khổ đời đời liệu có quá đáng?

Làm thế nào để con người tin tưởng vào sự công bằng của Thiên Chúa để cố gắng sống ngay lành?

Đọc và suy nghiệm Lời Chúa hàng ngày để có thể lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe điều Ngài muốn nói với ta. Vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng yêu thương nên Ngài luôn muốn chúng ta được hạnh phúc và đi trên con đường hạnh phúc. Người cha, người mẹ nào cũng luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con cái. Nhưng muốn con cái trưởng thành, vững vàng, cha mẹ không thể lúc nào cũng tay đỡ tay nâng con cái qua những khó khăn. Cha mẹ chấp nhận nhìn con cái vấp ngã, chấp nhận con cái chịu đau đớn. Các vị chỉ động viên và đưa ra những lời mời gọi, góp ý để con cái bớt vấp ngã. Khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân này, chúng ta cũng có thể hình dung ra Thiên Chúa của chúng ta cũng vậy. Ngài luôn luôn đồng hành, yêu thương, đưa ra hướng dẫn cho con cái của Ngài. Lắng nghe Ngài, chúng ta sẽ tìm được sự an ủi, sự hướng dẫn trong những lúc đau khổ, u tối và cùng cực nhất.
Chiêm nghiệm lại các sự kiện xảy ra trong ngày, trong tháng, trong năm cũng là cách ta thấy được Thiên Chúa đã đồng hành và nâng đỡ ta thế nào. Những người ta gặp, những việc ta làm, những quyết định ta chọn chắc chắn sẽ có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong đó.
Cố gắng sống lành, chúng ta sẽ tạo ra được một môi trường lành Thánh xung quanh chúng ta; chúng ta sẽ mang những năng lượng tích cực. Như chúng ta vẫn nói "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", chúng ta tin tưởng rằng với năng lượng và môi trường tích cực chúng ta tạo ra thì những người xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng tích cực. Nhiều nhân tố tích cực như vậy hợp lại sẽ tạo nên những cộng đoàn tích cực và xã hội tích cực.
Dẫu biết rằng sống thiện là một điều vô cùng khó khăn nhưng chúng ta sẽ luôn cố gắng trong sự nâng đỡ của Thiên Chúa cùng gương lành của các Thánh là động lực và là cứu cánh của chúng ta.
Hy vọng, chúng ta sẽ là những bông lúa trĩu hạt để vào giờ sau hết được thu vào kho lẫm, được Thiên Chúa ôm vào lòng và nói: "Con đẹp lòng ta" (Mt 3, 17).