Có bao giờ bạn thắc mắc: Tại sao nước Nga lại rộng lớn như vậy? Tại sao một quốc gia chỉ có 144 triệu dân (cỡ một nửa dân số Mỹ, hoặc hơn dân số Nhật một ít) lại phải có lãnh thổ trải rộng khắp 11 múi giờ, từ biển Baltic tới Thái Bình Dương?
Bản đồ mật độ dân số Nga
Chúng ta có thể nhận ra một điều: phần lớn lãnh thổ Nga rất hoang vắng và ít người sinh sống, trong khi đại bộ phận dân số lại tập trung ở quanh thủ đô Moskva. Với một lãnh thổ trải dài như vậy, chúng ta có thể tưởng tượng được áp lực về vận chuyển hàng hóa, lương thực, khai thác tài nguyên hiệu quả cũng như bảo trì hệ thống giao thông khắp chiều dài lãnh thổ nước Nga. Nếu vậy thì, tại sao người Nga lại mở rộng lãnh thổ tới một mức độ khủng khiếp như vậy?
Câu trả lời không đâu khác nằm ở chính địa lý của nước Nga.

Đồng bằng Âu châu


Đồng bằng Âu châu khiến nước Nga có thể bị tiến công từ nhiều hướng
Như ta có thể thấy ở hình trên, trung tâm của nước Nga nằm trên một bộ phận của đại đồng bằng Âu châu rộng lớn, trải dài từ tận miền Đông nước Pháp. Xung quanh Moskva không có nhiều hệ thống sông lớn, cũng như không có những dãy núi cao hiểm trở để che chắn. Tất cả những gì thủ đô nước Nga có là một vùng đồng bằng khổng lồ, tạo nên một điểm yếu chết người trong an ninh quốc phòng của nước này kể từ thời lập quốc.
Khi vó ngựa Mông Cổ vượt sông Volga vào thế kỷ 13, họ 2 lần đánh bại người Nga, thiêu rụi thủ đô Kiev, khiến giới quý tộc Nga phải đầu hàng và làm chư hầu đế quốc Mông Cổ. Ở thế kỷ 17, kỵ binh Ba Lan đánh quân Nga tan tác ở trận Kluszyn, tràn vào Moskva và phế truất Sa hoàng. Quân đội của bất kỳ nước nào cũng có thể dễ dàng hành quân thẳng tới Moskva mà không gặp phải chướng ngại địa lý lớn nào, cũng như có thể tấn công từ mọi hướng. Quân đội Nga phải phòng thủ dàn trải trên một mặt trận rộng hàng ngàn cây số, và không có cách nào ép kẻ thù phải đi vào những điểm chốt quan trọng. Và từ đó, người Nga đã tạo nên chiến lược quốc gia: mở rộng cương thổ để bảo vệ trái tim Moskva.

Chiến lược quốc gia

Tô xám: đồng bằng Châu Âu

Bắt đầu từ thời Sa hoàng Ivan Bạo chúa, người Nga liên tục mở rộng các cuộc chiến tranh xâm lược tới tất cả mọi hướng. Mục tiêu của họ là thôn tính càng nhiều đất đai càng tốt, không cần quan tâm quá nhiều tới giá trị đất đai hay tài nguyên thiên nhiên. Họ đặc biệt nhắm tới các dãy núi lớn và hiểm trở, có thể tạo thành những bức tường phòng thủ tự nhiên như dãy Carpathian, dãy Caucasus, hay dãy Ural. Một vị trí quan trọng nữa (mũi tên đánh dấu màu cam) là nơi đồng bằng Âu châu hẹp nhất trước khi mở rộng thẳng tới Moskva. Đất nước Ba Lan án ngữ ở vị trí yết hầu này, nên đây là một mục tiêu khác mà nước Nga luôn muốn thôn tính.Tất cả những cuộc chiến tranh xâm lược này đều nhằm mục đích tạo ra một vùng đệm khổng lồ cho thủ đô Moskva, buộc kẻ thù phải hành quân qua một lãnh thổ rộng lớn trước khi tới được cửa ngõ Mạc Tư Khoa.

Đọc thêm:

Nước Nga phát triển thành một đế quốc khổng lồ với đỉnh điểm là thời Liên bang Xô Viết
Từ đây, bất cứ kẻ thù nào muốn xâm lược nước Nga cũng sẽ phải đối diện với cơn ác mộng mang tên “Mùa đông nước Nga”. Lịch sử đã cho chúng ta thấy Napoleon và Hitler đã thất bại đắng cay như thế nào khi cố gắng xâm lược đế quốc của núi rừng mùa đông này. Trong chiến tranh, hậu cần là một điều tối quan trọng (các bạn có thể đọc thêm loạt bài "Lịch sử quân sự qua góc nhìn chuỗi cung ứng" của Huskywannafly). Việc thiết lập một hệ thống tiếp tế dài hàng ngàn cây số vào lãnh thổ quân địch, phải liên tục chống chọi với du kích, gặp sự bạc đãi của thiên nhiên, là nỗi ám ảnh của 2 lãnh đạo gần như bất bại ở chiến trường Tây Âu. Quân đội của Napoleon và Hitler không bị người Nga đánh bại, mà họ bị mùa đông nước Nga tàn sát, cộng với hậu cần thiếu thốn, trong khi tuyệt vọng nhìn thành Moskva sừng sững giữa gió tuyết mùa đông.
Ngoài ra, việc có lãnh thổ rộng lớn còn giúp nước Nga có một vùng đất để "rút lui chiến thuật" khi cần. Trong Thế chiến thứ hai, khi quân đội phát xít tràn vào nước Nga, Stalin đã ra lệnh dỡ tất cả các công xưởng, nhà máy, cũng như chuyển tất cả các thiết bị nông nghiệp ở Ukraine và vùng Moskva để vận chuyển về sản xuất ở vùng núi Ural, tránh bom đạn của máy bay Đức. Và sau đó họ chỉ việc kiên nhẫn đợi chờ mẹ thiên nhiên làm việc của mình.

Cảng biển

Một điểm yếu chí mạng khác khiến nước Nga luôn lo lắng chính là: cảng biển nước ấm.
Vận tải đường thủy, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn là phương pháp vận chuyển rẻ tiền và nhanh chóng nhất. Có cảng biển đồng nghĩa với việc sẽ thông thương được với cả thế giới, cũng như phục vụ công cuộc phát triển kinh tế (xuất nhập khẩu) hay phát triển hải quân phục vụ quốc phòng. Thế nhưng, mùa đông nước Nga lại khiến nước này lâm vào tình trạng dở khóc dở cười: hầu hết cảng biển sẽ bị đóng băng.

Đọc thêm:

Trong suốt lịch sử hiện đại của mình, các vị lãnh đạo nước Nga luôn cố gắng tìm đường ra biển, mở ra con đường thông thương cho nước Nga với toàn thế giới. Sa hoàng Peter Đại đế đã liên tục gây chiến suốt 20 năm với đế quốc Thụy Điển chỉ để giành lại vùng đồng bằng sông Neva, mà sau này là thành phố cảng - cố đô Sankt Peterburg, “chìa khóa tới Tây Âu” của nước Nga. Các đời Sa hoàng sau luôn tìm cách xâm lược Crimea, chiếm lấy cảng Sevastopol, mở đường cho Nga ra biển Đen. Ở vùng Viễn Đông, Nga tìm mọi cách chèn ép nhà Thanh, chiếm đóng cảng Vladivostok ở Mãn Châu, cũng như ép thuê các cảng biển Trung Hoa ở Liêu Ninh, Hồ Bắc, Sơn Đông… Ngay cả khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga cũng bằng mọi giá giữ lại vùng lãnh thổ Kaliningrad nằm giữa Ba Lan, bảo vệ căn cứ hải quân của mình.

Kết luận

Địa lý nước Nga đã buộc nước này phải lựa chọn: mở rộng hay là chết. Trong suốt lịch sử của mình, đất nước to lớn này đã nuốt chửng không biết bao nhiêu quốc gia khác, để hình thành nên nước Nga ngày nay. Nhân tố địa lý, tuy không phải là nhân tố duy nhất, nhưng có lẽ là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định văn hóa, lãnh thổ, thậm chí vận mệnh của một quốc gia.
Cho dù thể chế chính trị có là gì - chế độ Sa hoàng, Cộng sản hay Tư bản thân hữu – thì cảng biển vẫn đóng băng, và đồng bằng Bắc Âu vẫn bằng phẳng (Tim Marshall - Prisoners of Geography)
Tài liệu tham khảo:
Prisoners of Geography - Tim Marshall (chưa có bản dịch)
Đọc thêm: