Tại sao người Hàn Quốc làm việc nhiều nhưng năng suất không cao?
Hàn Quốc là một quốc gia nằm ở vùng Đông Bắc châu Á, trong thế kỉ 20, Hàn Quốc được biết đến là một nền kinh tế công nghiệp hóa mới...
Hàn Quốc là một quốc gia nằm ở vùng Đông Bắc châu Á, trong thế kỉ 20, Hàn Quốc được biết đến là một nền kinh tế công nghiệp hóa mới (NIC - Newly Industrialized Country) thành công với những thành tựu đáng kinh ngạc về phát triển kinh tế. Từ một nước nghèo nhất thế giới trong thập niên 50 của thế kỉ XX, do chiến tranh và đói nghèo, chỉ trong ba thập kỉ sau đó, vào thập niên 80, Hàn Quốc đã trở thành một trong bốn con rồng của Châu Á, tức 4 quốc gia công nghiệp mới (NICs) cùng với Singapore, Đài Loan và Hồng Kong, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 223 lần so với năm 1953 – thời điểm kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Góp công lớn nhất vào quá trình này không thể không kể đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tầng lớp lao động Hàn Quốc và các tập đoàn công nghiệp lớn (chaebol) như Sam Sung, LG, Hyundai...Người Hàn Quốc nghĩ rằng công sức mình bỏ ra vì đất nước là xứng đáng và rất tự hào về thành quả của mình, và trên thực tế, họ đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa điển hình trong môi trường kinh doanh tại Hàn Quốc, một trong số đó là văn hóa làm việc ban đêm hay làm thêm giờ/tăng ca (야근).
Làm việc đêm hay làm việc ngoài giờ đã từng là cách thức hiệu quả giúp các nhà máy/công ty Hàn Quốc tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, giúp nền kinh tế trỗi dậy, thế nhưng trong xã hội hiện đại, nó đang gặp một số vấn đề khiến người ta nghi ngờ về tính phù hợp của nó trong thời đại này.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development, gọi tắt là OECD), thời gian lao động trung bình của người Hàn Quốc đã giảm 748 giờ từ 2.911 giờ làm việc năm 1986 xuống còn 2,113 giờ năm 2015, nhưng vẫn đứng thứ ba về số giờ làm việc sau Mexico và Costarica. [Hình 1]
Đọc thêm:
Trong khi đó, năng suất làm việc của người Hàn Quốc lại ở vị trí áp chót bảng, chỉ đứng trên Mexico so với các nước thành viên khác trong khối theo số liệu của năm 2017. Người Hàn Quốc chỉ làm được 37 USD/giờ, thấp hơn đáng kể so với các nước ở top đầu như Ireland (99.5 USD/giờ), Na Uy (83.1 USD/giờ) (Hình 2)
Trong bài viết này, người viết sẽ chỉ ra lí những đặc trưng cơ bản của văn hóa làm việc ban đêm của các doanh công ty/doanh nghiệp Hàn Quốc, và những vấn đề của nó gây ra trong bối cảnh xã hội hiện nay.
I. VĂN HÓA LÀM VIỆC BAN ĐÊM (야근 문화) LÀ GÌ?
Làm việc ban đêm (야근) là một khái niệm chỉ tình trạng làm việc đến tối muộn sau giờ làm việc. Theo điều 56 của Luật Tiêu chuẩn Lao động Hàn Quốc, định nghĩa làm việc ban đêm là “Làm việc từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Làm việc từ sau giờ tan làm đến trước 10 giờ tối, theo luật tiêu chuẩn lao động, sẽ được coi là “làm thêm giờ”. Nói một cách ngắn gọn, khái niệm "làm đêm" bao gồm cả "làm thêm giờ" và "làm việc qua đêm".
Tại Hàn Quốc, các chaebol (tập đoàn lớn) - những doanh nghiệp đã góp công lớn vực dậy và đưa nền kinh tế cất cánh như Sam Sung Group, Hyundai Group... được cho là những doanh nghiệp đặt nền móng cho văn hóa làm việc ban đêm, cùng với chính sách tiền lương và phúc lợi nhân viên cực kì tốt.
II. ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA LÀM VIỆC BAN ĐÊM (야근 문화) CỦA HÀN QUỐC
Theo kết quả khảo sát 1,486 nhân viên làm việc vào ngày 17/4/2017 của tờ Yonhap News, 78,9% số nhân viên làm việc trả lời rằng họ phải làm thêm giờ. Số ngày làm đêm trung bình trong một tuần là 4 ngày.
Lý do làm việc đêm nhiều nhất là "Vì khối lương công việc quá nhiều (56,2%)". Cũng có nhiều người nói rằng "Vì đặc điểm công việc nên không còn cách nào khác (38,7%)", và lí do thứ ba là "Không khí ép buộc phải làm thêm đêm (30.3%)". [Hình 3]
Văn hóa làm việc ban đêm của các công ty Hàn Quốc là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể kể đến: sự phát triển kinh tế thần tốc từ một quốc gia nghèo thành một cường quốc, cấu trúc phân bậc trên-dưới rõ ràng, cách thức quản lí kiểu cũ, nhận thức về sự trung thành và cống hiến, văn hóa noonchi (눈치).
Đọc thêm:
1. Văn hóa Noonchi (눈치)
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm Noonchi (눈치). Điều đó thường đề cập đến cách một người cảm nhận bầu không khí xung quanh bằng cách im lặng quan sát mà không có bất kì sự giao tiếp nào. Đồng thời, trong bối cảnh văn phòng làm việc, nó còn có nghĩa là các kì vọng, quy tắc ngầm được đặt lên người lao động. Thông thường, trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, mọi người thường đề cập đến một thứ gọi là "Kim tự tháp Noonchi" - khái niệm cho rằng các nhân viên cấp dưới đang "để ý" đến các hành động và tín hiệu không bằng lời nói của các quản lí cấp trung. Các quản lí cấp trung "để ý" các quản lí cấp cao hơn, quản lí cấp cao "để ý" trưởng bộ phận, trưởng bộ phận "để ý" giám đốc, và cuối cùng, giám đốc "để ý" đến chủ tịch.
"Để ý" có lẽ là từ khóa chính xác nhất để mô tả khái niệm Noonchi và cách từng cấp bậc nhân viên lưu tâm về hành động, xác định nhu cầu của các cấp quản lí cao hơn.
Noonchi sẽ dẫn đến một tình huống, ví dụ như, một nhân viên cấp dưới vì sợ bị đánh giá thấp nên sẽ không dám hỏi "Tại sao/Làm như thế nào?" khi được giao nhiệm vụ từ cấp trên, thay vào đó sẽ là câu trả lời "Vâng" đầy tự tin và nhanh chóng trước khi quay trở lại chỗ ngồi mà không biết làm thế nào để giải quyết nhiệm vụ được giao. Một trong những điều "níu chân" người Hàn Quốc ở lại công sở làm đến tối muộn chính là Noonchi và niềm tin rằng họ chưa thể về nhà vì "vỏ bọc" họ muốn tạo với cấp trên, vì họ nghĩ rằng cấp trên sẽ muốn họ ở lai càng muộn càng tốt, cống hiến càng nhiều càng tốt. Các cấp trên cũng chưa thể rời văn phòng nếu sếp của họ chưa về vì họ nghĩ đó là điều sếp mong muốn. Người duy nhất được ra về đúng giờ trong tình huống này là vị trí trên đỉnh kim tự tháp Noonchi. Đôi khi, người Hàn Quốc thường ngồi lại văn phòng đến sau tan ca mà không có một lí do cụ thể nào, chỉ đơn giản là vì Noonchi.
2. “Nghệ thuật” tỏ ra bận rộn và cách thức quản trị lỗi thời
Tỏ ra bận rộn ở Hàn Quốc được xem là một điều tích cực hơn là tiêu tực. Người Hàn Quốc thường gửi tin nhắn mong nhận được sự thông cảm với một lí do thường thấy là “Tôi bận quá không nghĩ được gì” (너무 바빠서 정신이 없었다). Rất hiếm khi, trong bất cứ bối cảnh nào, người Hàn Quốc tự nhận mình không bận gì cả, dù điều này là thiếu trung thực, nhưng ở xã hội Hàn Quốc không bận rộn thường được hiểu là lười biếng.
Hoàn thành mọi công việc và về nhà đúng giờ không được xem là chăm chỉ mà ngược lại - vị trí của bạn không quan trọng và bạn không làm việc đủ chăm chỉ. Nếu các doanh nghiệp coi đây là một điều đương nhiên thì có ích lợi gì khi bạn hoàn thành công việc và tan làm đúng thời gian quy định? Không một ai muốn tỏ ra rằng công việc của họ rất dễ dàng, họ không còn việc gì khác để làm nữa vì đó chính là lời thú nhận rằng họ không tạo ra giá trị gì cho công ty, không làm việc đủ chăm chỉ, họ sẽ nhanh chóng bị thay thế. Trong một thị trường việc làm đầy cạnh tranh và khốc liệt, cách chơi an toàn nhất là tạo cho người khác ấn tượng rằng công việc của bạn, bản thân bạn là một phần không thể thiếu đối với công ty.
Luật bất thành văn thường thấy trong một công ty Hàn Quốc là không được ra về đến khi quản lí trực tiếp của bạn ra về, điều này sẽ ổn nếu quản lí trực tiếp của bạn không nghĩ rằng mình cũng cần làm điều tương tự để tạo ấn tượng làm việc chăm chỉ.
Tư tưởng này đã thống trị các văn phòng làm việc ở Hàn Quốc trong một thời gian dài, và tỏ ra làm việc chăm chỉ bằng cách ở lại văn phòng đến đêm là điều mà tất cả người Hàn Quốc đã, đang và sẽ làm. Trên thực tế, mặc dù hợp đồng lao động quy định giờ làm việc là từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, tuy nhiên, làm việc từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối hoặc lâu hơn mới là chuyện bình thường.
Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã khiến việc tỏ ra bận rộn, chăm chỉ và văn hóa Noonchi vẫn được thực thi? Nhiều người cho rằng đó là kết quả của những lối quản trị đã lỗi thời của người đứng đầu công ty. Những người này đã trưởng thành và trải qua một trong những cú nhảy vọt về kinh tế ngoạn mục nhất trong lịch sử đương đại mang tên "Kì tích sông Hàn". Họ đã từng làm việc chăm chỉ, làm thêm ngoài giờ liên tục, hi sinh bản thân vì lợi ích của công ty, đổi lại là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Những người này nghĩ rằng các nhân viên thế hệ sau cũng phải làm việc và cống hiến như những gì mình đã làm thì công ty mới có thể phát triển.
3. Tối đa hóa lợi nhuận và phân tầng cấp bậc
Một số bộ phận và một vài công ty tại Hàn Quốc thiếu nhân sự trầm trọng. Tuy nhiên, họ không có ý định tuyển thêm người, vì họ nghĩ rằng nếu một người có thể làm việc 80 giờ/tuần thì tại sao phải tuyển thêm người để chia sẻ công việc đó? Họ chỉ cần một nhân viên làm việc 80 giờ/tuần là đủ. Trước đây họ cũng vậy thì bây giờ tại sao phải thay đổi? Điều này cho thấy rằng vẫn có những nhân viên sẵn sàng làm phần việc của 2-3 người vì lợi ích của công ty. Với những công ty muốn tối ưu hóa lợi nhuận lên hàng đầu, họ có rất nhiều lí do để biện minh cho việc này.
Một vấn đề khác nữa là thứ tự cấp bậc và yêu cầu. Điều này có liên quan chút ít lịch sử của nước này, khi Tổng thống Park Chung Hee – vị tổng thống có công lớn nhất giúp kinh tế Hàn Quốc đi lên nhờ vào các chính sách quyết liệt và khắc nghiệt, xuất thân từ quân đội, ông cũng là vị tổng thống nắm giữ chức vụ trong thời gian lâu nhất (16 năm, 5 nhiệm kì). Cùng với đó là việc mọi nam thanh niên Hàn Quốc phải thực hiện nghĩa vụ trong quân đội hai năm trong độ tuổi từ 16 đến 30. Khi nhiệm vụ được giao từ người đứng đầu, họ được ra lệnh phải ưu tiên nó trước. Điều này có nghĩa là công việc thực sự đang đóng góp giá trị cho công ty bị bỏ qua vì nhân viên buộc phải đáp ứng các yêu cầu của lãnh đạo cao nhất. Không thể tránh khỏi việc ở lại muộn khi bạn và nhóm của bạn buộc phải chuẩn bị báo cáo theo lệnh của Giám đốc dù đó không phải chuyên môn của bạn và cũng không liên quan trực tiếp đến công việc của bạn.
Giả sử như, khi Giám đốc điều hành cần một bản báo cáo về sự khác biệt giữa hệ thống nhân sự của Australia và Hàn Quốc vào ngay ngày mai, bạn không còn cách nào khác ngoài việc thức suốt đêm chuẩn bị báo cáo. Bạn buộc phải hi sinh thời gian và sức khỏe của bản thân nếu không muốn bị sa thải. Vì Giám đốc điều hành yêu cầu bạn không chỉ báo cáo bằng lời nói, nếu bạn muốn được công nhận là hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều đó có nghĩa bạn phải tỏ ra một cuộc họp đơn giản trong 10 phút về một chủ đề sẽ kéo dài thành một giờ, 40 slide powerpoint chứa đầy biểu đồ là một việc đơn giản, không là gì đối với bạn.
4. Nhận thức về sự cống hiến và trung thành
Xã hội Hàn Quốc là một xã hội tập thể. Lợi ích cá nhân được hi sinh vì cộng đồng, nhìn từ góc độ người lao động thì thời gian và hạnh phúc cá nhân được cống hiến vì sự phát triển của công ty (và cho toàn thể nền kinh tế nói chung). Một quan điểm hoài nghi cho rằng, các ông chủ được hưởng lợi rất nhiều từ việc giáo dục các nhân viên của mình thấm nhuần tư tưởng này, đặc biệt trong các chaebol lớn.
Đối với việc ở lại công ty đến đêm muộn - nhìn vào mô hình kim tự tháp Noonchi đã được đề cập trước đó - những nhân viên trẻ sẽ phải ở lại muộn tương đương với các quản lí cấp trung của họ, điều này thể hiện rằng họ sẵn sàng cống hiến hết mình cho công ty giống như quản lí của họ.
Sự hy sinh ở đây được đề cao và kì vọng. Tất nhiên, có những người thích ở lại văn phòng chỉ đơn giản họ muốn vậy hoặc có thể đang trốn tránh cuộc sống ở nhà của mình, nhưng có một điều chắc chắn rằng họ đang hy sinh thời gian, sức khỏe và tinh thần của họ. Trong một xã hội mà các cá nhân được kỳ vọng là một phần của nhóm, người lao động ngày càng khó tránh khỏi việc "hy sinh" để ở lại muộn vì sợ bị tẩy chay và bị loại.
5. Gánh nặng về kinh tế ngày càng lớn
Về phía người lao động, không phải ai cũng muốn rời văn phòng đúng giờ và có nhu cầu cân bằng cuộc sống và công việc (Work-life balance), bởi vì làm thêm giờ giúp họ kiếm thêm một chút thu nhập trong một xã hội Hàn Quốc vốn đã đắt đỏ, theo Luật lao động Hàn Quốc, nhân viên có thể được trả mức thù lao 150-200% so với mức lương đã thỏa thuận trên hợp đồng nếu làm thêm giờ.
Vào ngày 28/2/2018, Quốc hội Hàn Quốc thông qua đạo luật giảm giờ làm tối đa từ 68 giờ/tuần (40 giờ trong ngày làm việc, tăng ca tối đa 12 giờ/tuần, 16 tiếng làm việc trong ngày nghỉ) xuống còn 52 giờ (40 giờ trong ngày làm việc, tăng ca tối đa 12 giờ/tuần, không làm việc vào ngày nghỉ). Đạo luật cắt giảm giờ làm tối đa là một trong những nỗ lực của tổng thống Moon Jae In trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ khi đạo luật mới được ban hành, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp.
Tờ Hankook Ilbo lưu ý rằng luật mới sẽ tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc giảm giờ lao động có thể dẫn đến việc giảm lương của nhân viên, làm gia tăng khoảng cách giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tờ Maeil Business bình luận: "Vấn đề là việc giảm giờ làm việc mà không tăng năng suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc, dẫn đến sự chậm lại trong sản xuất và tăng chi phí lao động."
Donga Ilbo, trích số liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, cho biết nếu cắt giảm giờ làm thì chi phí phát sinh khi thuê thêm nhân viên để duy trì sản lượng sản xuất hiện tại sẽ lên tới 12,1 nghìn tỷ won (11,2 tỷ đô la) hàng năm.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ GÂY RA BỞI VĂN HÓA LÀM VIỆC BAN ĐÊM
Ngoài ưu điểm là tăng thêm thu nhập cho người lao dộng, văn hóa làm thêm giờ, kéo dài thời gian làm việc một cách không cần thiết đang tạo ra nhiều vấn đề hơn trong xã hội Hàn Quốc.
Làm việc quá sức, dù là các công việc "chân tay" hay "trí óc" đều có tác động tiêu cực đến chính sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, bởi vì chúng ta dành quá nhiều thời gian để làm việc, trong khi đó khoảng thời gian để cơ thể và trí óc hồi phục lại thì quá ít. Làm việc nhiều, tuy nhiên chất lượng công việc và năng suất làm việc không cao. Báo cáo của OECD vào năm 2017 chỉ ra rằng Hàn Quốc là quốc gia có số giờ lao động cao gần nhất nhưng lại có năng suất làm việc thấp thứ 2 sau Mexico. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi bản thân những người lao động không có được sức khỏe thể chất, tinh thần tốt vì chuỗi ngày làm việc dài liên tục.
Hơn nữa, làm việc nhiều giờ còn đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho toàn xã hội nói chung. Tỉ lệ sinh ở phụ nữ Hàn Quốc là 1.2 vào năm 2014, thấp nhất trong khối OECD. Trên thực tế, Hàn Quốc bắt đầu trở thành quốc gia có tỉ lệ sinh sản thấp từ thập niên 80, cũng là khoảng thời gian nền kinh tế nước này đạt được những thành tựu khởi sắc, và bắt đầu vào thập niên 2000 cho đến nay, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có tỉ lệ sinh siêu thấp (ultra-low birthrate society) với không quá 1.3 con/phụ nữ. (Hình 4)
Làm việc liên tục, nhiều giờ tại công sở đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để có con. Dan Wie, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Tokyo (National Graduate Institute for Policy Studies) cho rằng “Phụ nữ dành ít thời gian ở công sở hơn đàn ông, nhưng nếu cộng cả việc nhà vào thì họ vất vả hơn đàn ông rất nhiều. Họ không có nhiều thời gian để có con”.
Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn tỉ lệ sinh thấp là tỉ lệ tự sát. Theo thống kê của tờ Chungang Illbo, từ năm 2006 cho đến năm 2017, Hàn Quốc luôn là nước dẫn đầu về tỉ lệ tự sát trong khối OECD, đến năm 2018 là lần đầu tiên kể từ năm 2005 Hàn Quốc "hạ" xuống vị trí thứ 2. Ở Hàn Quốc, trung bình mỗi ngày có 36 người và hàng năm có 13,092 người tự sát. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên quan giữa làm việc đêm và tỉ lệ tự sát ngày càng cao, nhưng có một điều có thể dễ dàng nhận ra là việc làm thêm giờ có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ hài lòng cuộc sống của người Hàn Quốc.
Cuối cùng, việc các doanh nghiệp bắt ép nhân viên làm thêm quá nhiều sau giờ làm còn còn gián tiếp tác động đến tỉ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc. Xét về mặt kinh tế, nguyên tắc của thị trường tự do là phải được thực hiện một cách công bằng trong khi giữ gìn quyền cơ bản được bảo đảm bởi hiến pháp và luật pháp ban đầu, thế nhưng thực tế là các doanh nghiệp lại cố điều khiển thị trường theo ý của họ, và hậu quả là sự quay lưng của người lao động với các doanh nghiệp. Khi nhu cầu và tầm nhìn của thế hệ trẻ Hàn Quốc đang ngày một cao lên, không ai muốn làm việc cho những ông chủ bóc lột nhưng không trả lương thỏa đáng và khiến cuộc sống cá nhân bị mất cân bằng nghiêm trọng. Đối với họ, đây không phải làm chệch hướng thị trường mà chính là sự điều chỉnh thị trường về đúng nguyên tắc ban đầu.
Nguồn tham khảo:
1. Michael Kocken, 2015. Korean overtime and why Korea is number two in the OECD. [online] Asia Options. Available at: https://www.asiaoptions.org/korean-overtime-and-working-hours/
2. Kentaro Iwamoto, 2016. South Korea's work-life imbalance. [online] Available at: https://asia.nikkei.com/Economy/South-Korea-s-work-life-imbalance
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất