Xét ở góc độ giống loài, suốt dòng chảy lịch sử, việc tăng dân số có tác động tích cực đối với sự phát triển của loài người, nền kinh tế phát triển ở những cộng đồng có quy mô dân số lớn, tạo ra những quốc gia có tổ chức xã hội cao, là cơ sở cho những phát kiến vĩ đại được tìm ra, nếu tỷ lệ tạo ra thiên tài chỉ là 0,000001%, thì cứ đẻ một triệu người thì sẽ tạo ra một thiên tài. Biết đâu được, trong thời đại hiện nay, việc tăng dân số sẽ thúc ép con người bước qua một thời kỳ vàng son mới, chinh phục vũ trụ để tìm thêm chỗ ở cho giống loài đang chen chúc nhau nơi Trái Đất chật hẹp, hay tự hủy diệt nhau, và nhường chỗ cho tự nhiên có khoảng trống để thở. Dù cái giá phải trả là không hề nhỏ, thì linh hồn bạn cũng có thể tự hào ở trên thiên đường/ địa ngục/ niết bàn..., là mình từng là một giống loài đã hủy diệt cả một hành tinh. Nghe cũng oách lắm.
Xét ở góc độ quốc gia, ở thời điểm hiện tại thì việc sinh đẻ chính là nghĩa vụ quốc gia, tăng tỷ lệ sinh, kéo dài thời kỳ dân số vàng, giúp đất nước có thêm thuận lợi dể ganh đua với cường quốc năm châu. Rồi mai đây, bạn sẽ tự hào nói với con cháu rằng, đất nước này có được như ngày hôm nay là do bạn đã không quản ngại khó khăn để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ quốc.
Còn về góc độ gia đình, một đứa trẻ là một chất keo siêu dính, gắn kết người cha với người mẹ, tuy có thể không phải là thứ có thể giải quyết triệt để các vấn đề mâu thuẫn ( hoặc bản thân đứa trẻ là vấn đề mâu thuẫn), nhưng những đứa con sẽ giúp vợ chồng có thời gian “buộc phải gần nhau” để suy nghĩ, điều chỉnh bản thân, không chỉ vì một chút mâu thuẫn, một cuộc cãi nhau và đã vội vàng nói lời chia tay, nhất là trong thời kỳ mà cái tôi cá nhân được đề cao một cách quá đáng.
Với cá nhân thì sao? Việc sinh con cũng giúp con người ta ( buộc) thay đổi, đánh thức những đức tính cao đẹp trong bản năng của mỗi con người, không còn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, mà giờ đây, đã có một sinh linh nhỏ bé, yếu đuối,vô dụng và ồn ào gắn chặt với ta, phụ thuộc vào ta. Liệu phải tu bao nhiêu năm, đọc bao nhiêu kinh sách để có thể đánh thức đức hi sinh, hi sinh cái tôi cá nhân, hi sinh những nhu cầu của bản thân mà chăm lo cho nhu cầu của một cơ thể sống khác. Ôi, một đứa tính cao quý gần như tồn tại trong mọi giống loài, gắn chặt vào gen như một thứ tất yếu cho sự tồn tại của sự sống.
Sự nghiệp cá nhân thì sao? Hầu hết mọi người đều sợ đẻ, vì nó ảnh hưởng nhiều đến “sự nghiệp” ( nghiệp tốt hay nghiệp báo gia đình gì đó), nhưng thật sự việc có thêm một trách nhiệm ( với giống loài, với tổ quốc, với gia đình như đã nói ở trên) cũng không hẳn tệ, đứa con sẽ là một động lực vô cùng lớn, để buộc chúng ta phải phấn đấu hơn, phải giỏi hơn. Có thể đối với xã hội, ta chỉ là một người bình thường, một con tốt nhỏ trong bàn cờ, một chấm mực bé xíu trong dòng chảy lịch sử, nhưng đối với đứa trẻ ta luôn là một vĩ nhân, là một “người cha, người mẹ”, ta sẽ tự thấy mình phải xứng đáng với trách nhiệm ấy, ngủ nướng ư, quên đi, sống mặc kệ đời ư, bỏ đi mà làm người phụ huynh tốt. Chính sự tự tôn hình thành trong mối quan hệ ấy, sẽ giúp ta có thêm tự tin mà vênh mặt lên với xã hội, với những thách thức của cuộc đời.
Còn nếu ta còn hơi trẻ, lỡ bị khủng hoảng hiện sinh, không biết lý do của sự tồn tại của mình là gì, mình là ai, kiếp trước mình là cái gì, thì khi có con, ta sẽ không phải suy nghĩ về những điều đó nữa, chính xác là không thể suy nghĩ về những điều đó nữa, nhẹ đầu lắm thay.
Ta còn có thêm lý do để từ chối những cuộc vui vô bổ, đem con ra làm bình phong để bảo vệ sức khoẻ bản thân.
Dù gì ta cũng đang sống, gen của ta đáng được truyền lại, hoà vào dòng chảy của sự sống, và hi vọng rằng, sinh linh mà ta tạo ra sẽ đóng góp gì đó vào sự phát triển chung. Còn nếu thấy gen mình không đáng truyền lại, thì thôi.
Bài viết không đề cập về những tác động tiêu cực của việc dân số quá lớn, vượt mức độ tài nguyên ở khu vực đó có thể đáp ứng. Bỏ qua những vấn đề của thời đại, những gánh nặng tài chính và trách nhiệm đang đè lên vai của những người trẻ, những áp lực hoàn cảnh vượt qua tất thảy những điểm tích cực trên. Mỗi người sẽ có một cuộc sống riêng, một hoàn cảnh riêng với rất nhiều các nỗi sợ ( sợ không nuôi được con, sợ ảnh hưởng công việc, sợ hao mòn nhan sắc), nhưng, cuộc sống vốn là một canh bạc, được chơi hàng ngày, hàng giờ, ta đâu thể biết được, buổi sáng hôm nay ta bước ra khỏi nhà, thì buổi tối ta có về nhà được hay không. Nên, cứ tiến lên, với hành trang là hi vọng vào những điều tốt đẹp.
Sinh con rồi mới sinh cha, không ai sinh ra là đã có kinh nghiệm làm cha cả. Đừng sợ hãi, đừng lo lắng việc đẻ con sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của mình, tuy nhiên, hãy tỉnh táo nhìn nhận rõ những điểm quan trọng, để chuẩn bị một hành trang kỹ càng về tâm lý và tài chính trước khi lên chức, có con thì tốt, nhưng để "một đứa trẻ ham chơi" làm cha của một đứa trẻ ham chơi khác thì không tốt chút nào.