Hôm nay là ngày thứ 8 mình viết. Cách đây không lâu, mình xem bói Tarot (mình là đứa thích xem bói cực, đôi khi vì chênh vênh, có khi chỉ là vì tò mò thích thú không biết “thầy” sẽ nói gì về cuộc đời mình, mặc dù sau khá nhiều lần xem, mình gần như không rút ra được bài học gì cụ thể cho bản thân nhưng thỉnh thoảng mình vẫn muốn xem tiếp, không biết tại sao nữa ;)
Quay lại chủ đề chính ngày hôm nay về động lực “học viết” của mình. Ở lần xem bói Tarot gần đây, mình cảm thấy có kết nối đặc biệt với “vị thầy” này (nếu mình nói vị thầy lần này mình xem là một con bot AI thì mọi người có cười mình không hihi nhưng đúng là như vậy ạ). Trong trải nghiệm xem bói từ trước đến nay của mình, đây là “người” nói chạm đến mình nhất, mặc dù đó chỉ là “máy” thôi. Một trong những lời khuyên của “thầy” là “hãy quay về với thứ mà trước đây mình từng trăn trở nhất, đam mê nhất, tập trung vào nó, mình sẽ có được thành quả”. Ngay lúc đó, mình thực sự không chắc chắn thứ thầy đang nói tới là gì.
Có 3 người ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định “học viết lại từ đầu của mình”. Đó là những tác động trực tiếp, thôi thúc mình viết ngay và luôn, không sợ hãi, không chần chừ, đơn giản chỉ là cứ thế viết thôi.
Người thứ nhất nói:
“Ngôn từ là hình hài của tư duy, học viết là học cách để tư duy trở nên gọn gàng sắc bén hơn. Cảm xúc là một thứ trừu tượng, cho đến khi ta gọi tên nó ra. Học cách viết chính là học cách đưa cảm xúc ra ánh sáng, để chính mình hiểu mình hơn. Quyền lực mềm được hình thành bằng khả năng ảnh hưởng. Ngôn từ không phải đao kiếm nhưng đôi khi lại có sức mạnh hơn cả súng đạn. Học viết không phải là học content. Content là thứ hướng ra ngoài, nó phụ thuộc phần lớn vào đối tượng. Muốn làm content tốt thì tư duy phải tốt, phải nhạy bén với xã hội. Viết là kỹ năng cơ bản, là thứ hướng vào trong. Luyện viết là luyện thói quen sử dụng ngôn từ sao cho hiệu quả nhất. Nếu đã viết tốt, thì chỉ cần nắm được cái khung là sẽ viết được bài PR, viết được thông cáo báo chí,.... Trong thời đại video ngắn, liệu có ai còn muốn học Viết?” (Anh Phùng Thái Học - Founder cộng đồng về content lớn nhất VN “Tâm sự con sen”)
Ý đáng giá nhất đối với mình là: “học viết không phải là học content, content là thứ hướng ra ngoài, còn viết là thứ hướng vào trong”. Tư duy này phá vỡ ngay rào cản “muốn được viết” trong mình. Mình nhận ra, trước nay bản thân không còn cảm thấy thích viết vì mình mặc định viết chính là content, và mình cảm thấy khá mệt mỏi vì điều đó. Khi mình viết để cố tình hướng đến một đối tượng nào đó khác nhằm thu hút sự chú ý của họ, những điều mình viết ra không hẳn là thứ mình muốn nói nữa.
Người thứ 2 nói:
“Viết là một kỹ năng tuyệt vời, nó có thể che giấu, lấp đầy khiếm khuyết của bạn, và làm người khác cảm thấy yêu mến, kết nối với mình một cách tự nhiên mà sâu sắc.
Viết, viết, và viết là cách duy nhất để viết tốt hơn. Viết vừa là khó khăn và vừa là giải pháp cho mọi khó khăn khi viết. Bạn phải bắt tay vào viết và viết thường xuyên thì mới có thể viết lên tay được, và một khi đã viết lên tay rồi bạn sẽ thích viết và viết đều hơn.”
(The Present Writer Chi Nguyễn)
Một điều quan trọng nhất trong bài viết của chị Chi đã nhắc nhở mình, viết là một trong những cách sẽ giúp bù đắp khiếm khuyết trong giao tiếp face-to-face vốn không phải thế mạnh của một người hướng nội như mình. Khi có những cuộc gặp mặt trực tiếp còn hơi vụng về và chưa trọn vẹn, về nhà mình sẽ cố gắng nhắn thêm những ý mình chưa kịp nói. Mình cảm nhận được thiện cảm đối phương dành cho mình tăng lên chính nhờ vào những dòng tin nhắn được viết chỉn chu, với giọng điệu chân thành sau khi đã được mình suy nghĩ rất kỹ đó.
Người thứ 3 là chị Linh Phan, Founder cộng đồng “On writing daily - Viết đi đừng sợ”. Mình không nhớ nguyên văn lời chị ấy nói là gì. Mình nhớ câu chuyện chị ấy kể về việc viết đã giúp chị kết nối lại với những người bạn cũ, những mối quan hệ tưởng chừng chỉ còn là kỷ niệm quá khứ nhưng nhờ viết mà họ tìm lại được sự kết nối sâu sắc và truyền động lực cho nhau. Thông điệp mình nhớ nhất chị bảo là cứ viết đi, sẽ có người cần và được truyền cảm hứng bởi câu chuyện mà bạn kể, đừng sợ không có ai đọc bài viết của bạn. Và thế là mình viết.
Cho đến hôm nay mình mới chợt nhớ lại lời “thầy” bói tarot: “Hãy quay về với thứ mà trước đây mình từng trăn trở và đam mê nhất”…phải chăng là viết. Mình cũng từng có những tháng ngày gọi là đam mê con chữ, từ thuở còn đi học luôn ở trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của trường, nhớ những tháng ngày chẳng ngại đạp xe 20 cây số giữa cái nắng trưa hè để được ôn thi ở trường thị trấn huyện. Mình cũng được truyền cảm hứng và khích lệ từ nhiều người về khả năng viết lách. Cho đến khi có ý niệm về “content” như đã kể ở trên, mình quyết định không theo đuổi viết nữa, cho đến bây giờ.
Mình sẽ học viết lại từ đầu ;) Mong rằng qua từng con chữ và câu chuyện kể, mình và mọi người có thể kết nối được với nhau, bằng một cách nào đó. Đây là mong ước đầu tiên của mình trên hành trình này, hi vọng không viết chán đến nỗi bị mọi người block, hi 😂

"BẠN THỰC SỰ, THỰC SỰ MUỐN TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI VIẾT NHƯ THẾ NÀO?"

Đây là một đề bài trong cộng đồng OWD.
Mình muốn trở thành một người viết có tầm ảnh hưởng. Mình muốn những bài viết của mình chạm đến nhiều người, ảnh hưởng tích cực lên tư duy, suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống của họ, từ những người bảo thủ, cứng nhắc, định kiến, close-minded.
Mình nói thay tiếng lòng của nhiều người khác. Thông qua viết, mình kết nối với mọi người một cách sâu sắc, tự nhiên.
Mình muốn viết chính là một phần con người chân thật nhất của mình, viết giúp mình thể hiện bản thân, tốt đẹp và sâu sắc. Mình được là chính mình, thể hiện quan điểm cá nhân và chiều sâu suy nghĩ, góc nhìn trọn vẹn trong tâm trí. Nó bù đắp cho những thiếu sót của bản thân mình khi không phải là người giỏi nói chuyện trực tiếp. Nhờ viết, mọi người xung quanh hiểu và yêu thương mình như đúng bản chất mà mình vốn có.
Một người viết có cách biểu đạt nhẹ nhàng, chân thật, kể cả đang cố gắng diễn tả những giằng xé, xung đột, trong ngôn từ của mình vẫn chứa nét ôn hòa, từ từ chậm rãi đi vào sâu bên trong, đủ thuyết phục.
Sau tất cả, những trang viết của mình tạo cảm giác chữa lành và bình yên, chân thành là thứ níu giữ người ta ở lại.