"Tại sao mẹ phải xin lỗi vì "không có gì cho con"?"

Đó là câu mà chị Trọc của mình vẫn thường nói, khi mà mẹ nói rằng "Các con vất vả quá, vì bố mẹ chẳng có đất bán đi cho các con."
Mẹ hay thương chị em mình phải vất vả, luôn phải nỗ lực học tập, bươn chải tìm kiếm cơ hội mới có thể có việc làm, có nhà, có xe. Chị mình tốt nghiệp đại học được 6 năm rồi, ra trường tự xin việc, lương cũng ổn. Còn nhà thì đến bây giờ mới tích góp đủ tiền để mua 1 căn chung cư ở Hà Nội (thực ra là vay ngân hàng vài trăm triệu nữa), trước đó chị chuyển hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Trong khi đó có những bạn của chị học bằng hoặc kém hơn chị, nhưng cuộc sống lại không vất vả, lo toan, vì họ ra trường đã có sẵn vị trí làm việc, hoặc bố mẹ có thể dễ dàng liên hệ người quen để giúp con nhận công việc phù hợp. Nhà họ cũng có đất đai ông bà để lại, hoặc đất đai tích trữ được nên khi con tốt nghiệp sẽ dễ dàng mua được cho con một căn nhà đàng hoàng.
Vì vậy mà mẹ mình luôn trăn trở vì cho rằng bố mẹ không có tiền, không có đất, cũng không có quan hệ để xin cho con một công việc ổn định, lương tốt. Mẹ bảo: "Em Yob nhà dì Hiên vừa ra trường đã mua được cái nhà to đẹp, vì bố nó mất để lại miếng đất 5 tỷ cho nó. Anh Lo nhà bác N học hành bình thường, công việc làng nhàng nhưng mà nhà cao cửa rộng giữa thành phố không phải lo chỗ ở, bố mẹ chả thiếu gì. Mà cái Trọc nhà mình ở lay ở lắt bao nhiêu nhà trọ, giờ mới mua được cái nhà bé, tại vì bố mẹ không có đất mà bán đi cho các con. Rồi con Đốn sau này cũng thế, đến lúc tốt nghiệp thì bố mẹ cũng sắp về hưu, tiết kiệm được đồng nào thì bố mẹ để cho, chứ không có gì bán đi mà cho được con ạ."
Mỗi lần như vậy, chị Trọc lại bảo: "Mẹ việc gì cứ phải nghĩ như thế cho mệt? Bản thân con cũng chỉ muốn tự tìm công việc nhờ khả năng của mình, tự mua nhà bằng tiền của mình, cái gì cũng là tự mình làm hết. Những người có nhà, có xe, có việc là nhờ bố mẹ lo cho, con không bao giờ coi trọng. Con có vất vả con cũng thấy tự tin, còn xin của ai cái gì, kể cả của bố mẹ, con cũng không tự tin mà sống nổi. Con thấy con với em Đốn được đầu tư học hành như thế này là may lắm rồi, em Đốn cũng học hành tử tế, sẽ lo được cho bản thân, nên chúng con không trông chờ gì vào tiền bạc, đất đai hay quan hệ của bố mẹ đâu. Bố mẹ tích góp được tiền thì hãy sửa cái mái nhà sắp hỏng ấy."
"Nhưng có được những cái đó sẽ giống như những bệ phóng, con không phải lo toan chuyện nhà cửa, không mang gánh nặng nợ ngân hàng thì sẽ có thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư cho sự nghiệp và phát triển lớn mạnh hơn nữa, con ạ."
Mỗi lần nghe mẹ và chị nói với nhau về chuyện này, mình lại tự hỏi: "Vậy tiền bạc, đất đai, hay các mối quan hệ mà bố mẹ có sẽ là bệ phóng, hay là vật kéo lùi ý thức cầu tiến của con cái lại?"

Phải chăng nguồn gốc sức mạnh của một quốc gia có thể giải thích câu hỏi này?

Có một nghịch lý là, quốc gia nào có nhiều tài nguyên thiên nhiên thì lại không phát triển được như những quốc gia ít tài nguyên.
Nhật Bản là đất nước thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ 2, vừa chịu thiệt hại nặng nề vừa phải bồi thường chiến phí, cộng thêm thiên tai như động đất, sóng thần thỉnh thoảng quật cho vài phát, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản cũng không có gì đặc sắc. Nhưng Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 của thế giới, một trong những nguyên nhân chính là do bản thân lao động Nhật Bản có chất lượng tốt và tinh thần làm việc hết mình. Đức cũng vậy, bị tàn phá nặng nề sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, bồi thường chiến phí, không giữ ghế thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để chiếm ưu thế chính trị, ngoại giao. Tài nguyên thiên nhiên của Đức hạn chế, chủ yếu phải nhập khẩu, nhưng Đức cũng là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vì người Đức luôn có ý thức làm việc tốt, tạo ra cái gì cũng phải hoàn hảo không chê vào đâu được. Như vậy, sức mạnh quốc gia tuy có nhiều yếu tố hợp thành, nhưng yếu tố năng lực của con người là yếu tố quan trọng nhất.
Ở nhiều quốc gia khu vực Trung Đông, Tây Á, nơi được cho là ngã ba của 3 lục địa Á, Âu, Phi, là rốn dầu của thế giới. Người dân cứ múc dầu lên bán là cuộc sống no đủ, sung túc rồi. Tuy nhiên, sự giàu có đó không được đánh giá cao vì bản thân quốc gia đó không sản sinh được dầu mỏ, năng lượng không tái tạo mà khai thác mãi cũng phải hết. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, các quốc gia đó, đặc biệt là Saudi Arabia (nước xuất khẩu dầu hàng đầu) đang từng bước đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.
Nếu dầu mỏ có thể trở thành bệ phóng về kinh tế, chính trị, đối ngoại, còn đất nước đi lên nhờ chính nguồn lao động chất lượng của đất nước đó, sự phát triển đó sẽ bền vững hơn, nhanh chóng hơn và đảm bảo an ninh quốc gia hơn. Ngược lại, một quốc gia có nhiều ưu thế về vị trí địa chính trị cũng như nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của thế giới nhưng bản thân không tự chủ được, sẽ trở thành miếng mồi cho những nước lớn nhúng tay vào, gây bất ổn chính trị trong khu vực.
Quay trở lại bàn về tài sản của bố mẹ, đối với nhiều người, đó là bệ phóng, họ ngày càng phát triển và tự khẳng định mình. Nhưng cũng không ít người vì được bố mẹ hậu thuẫn quá nhiều mặt trong cuộc sống, không phải lo toan gì nên mới trở thành ỷ lại, dựa dẫm, sống làng nhàng, được bố mẹ lo cho công việc biên chế nhà nước thì cứ sống vậy đến khi về hưu.
Bản thân mình cảm thấy mình được bố mẹ cho đi học, như vậy đã là một bệ phóng rất lớn, mình thấy rất may mắn. Mình lên thành phố học, thấy các bạn vừa học tốt vừa sang chảnh, còn mình ăn mặc trông khá... phèn! Công việc thì còn mơ hồ, cứ học rồi tính chứ bố mẹ không lo được. Nhưng mình chưa bao giờ ganh tị với ai vì bố mẹ họ làm trong bộ ngoại giao, tương lai họ sẽ được dẫn dắt để bước tiếp con đường đó dễ dàng hơn mình, chưa bao giờ ganh tị bạn này bạn kia được bố mẹ đầu tư học nhiều thứ, cho tiền đi du học... Đó chỉ là động lực cho mình cố gắng phấn đấu mỗi ngày mà thôi.
Vậy nên các bố mẹ cũng đừng quá băn khoăn vì không thể chu cấp, lo liệu "đàng hoàng" được cho con cái nhé. Không cần xin lỗi vì không có gì cho con.
Gửi những lời yêu thương tới các ông bố bà mẹ vì đã luôn là động lực của con!