Tại sao lại phải bám víu khắp nơi? Có hai nguyên nhân chính, một là muốn nhân duyên, hai là muốn nhân mạch (quan hệ xã hội).
NGƯỜI THÔNG MINH KHÔNG XÃ GIAO VÔ BỔ --------------------- Người xưa thường nói, chỉ cần bạn mở lòng, gió mát tự tìm đến. Nếu bản...
NGƯỜI THÔNG MINH KHÔNG XÃ GIAO VÔ BỔ
---------------------
Người xưa thường nói, chỉ cần bạn mở lòng, gió mát tự tìm đến. Nếu bản thân không có bản lĩnh vững vàng, không có nền móng vững chắc, thì dù cúi đầu chắp tay thi lễ, cười cợt nịnh hót cũng không thể cầu cạnh được một chút chiếu cố.
Từng có người đặt câu hỏi trên mạng rằng: "Làm thế nào để nhận biết những người thông minh xung quanh chúng ta?"
Trong đó có một câu trả lời khá ấn tượng: "Khi bạn gặp một người, người đó có thể hiểu được hoàn cảnh của bạn, tôn trọng quan điểm và tín ngưỡng của bạn, cùng bạn xây dựng một khoảng không gian thoải mái.
Khi bạn muốn tiến xa hơn với họ, bạn sẽ phát hiện ra rằng họ thường giữ khoảng nhất định với mình, khiến bạn cảm thấy giữa bạn và họ luôn
có một vách ngăn, người ngày chắc chắn thông minh hơn bạn nhiều".
Đúng là như vậy. "Người thông minh", trong xã giao thường là những người "thân thiện, thân thiết nhưng vẫn luôn giữ khoảng cách". Bởi họ hiểu rằng: "lý thuyết nhân mạch" là một lý thuyết sai. Thứ thực sự giúp mình thuận buồm xuôi gió, tiến về phía trước mà không có trở ngại đó là "thực lực" chứ không phải thứ gì khác.
Có người nói, nhiều lúc tính bằng "đống" chính xác và trực quan hơn là tính bằng "cái". Điều này cũng rất có lý.
Mỗi lần có việc lớn, việc nhỏ, một số người thường tìm đủ mọi lý do tổ chức ăn uống, tiệc tùng, hội đồng lớp, hội đồng hương… Cả một đống người tụ tập bên nhau ăn uống náo nhiệt, vui quên cả lối về.
Dù rượu say nát hơn tương bần, dù dạ dày quặn đau hơn cả xoắn, dù gia đình lo lắng, càm ràm cũng chẳng hề hấn gì.
Nếu hỏi họ tại sao lại như vậy? Câu trả lời chắc không gì khác ngoài câu: "Chỉ có ăn uống tới bến, thì quan hệ mới tốt, mới được việc".
Thực sự là như vậy sao ? Dĩ nhiên là không rồi!
Tôi có anh bạn tên Cương. Lúc mới bắt đầu kinh doanh công ty quảng cáo, vì muốn tích lũy thêm mối quan hệ, kiếm đơn hàng, Cương thường ra vẻ "mình rất rỗi", "có hẹn là đi, có ăn là đến".
Có lần, vì tiếp đãi khách hàng tiềm năng lớn, Cương dứt khoát qua đêm không về nhà. Cùng khách hàng vui chơi hết điểm này đến điểm khác thâu đêm suốt sáng.
Đúng lúc, vợ Cương cũng đi công tác xa. Con cái ở nhà không ai trông, quấy khóc liên tục khiến bố Cương bị tăng xông.
Vậy mà sau lần đó, khách hàng cũng không đưa đơn quảng cáo cho công ty Cương. Với lý do đây là dự án KPI của năm, nên phải tìm công ty hoành tráng hơn để làm.
Nói thẳng ra, khách hàng rất lý tính. Sự tiếp đón nhiệt tình và chu đáo của Cương không thể bù đắp được "điểm yếu chuyên môn" của công ty.
Cương từng đưa ra kết luận rằng: "Tôi ngốc quá, hành tẩu giang hồ, tâm lý ai cũng là một cán cân. Bạn có bản lĩnh hay không, có thể làm được việc hay không, người khác đều nhìn thấy rõ cả".
Tác gia Chu Quốc Bình từng nói: "Thứ chi phối chủ đạo các mối quan hệ xã giao không phải là tình hữu nghị mà là lợi ích cá nhân".
Tụ tập náo nhiệt vô bổ, chẳng qua chỉ là điểm xuyết cho những tình cảm đã qua, chứ không phải là minh chứng để người khác khẳng định bạn.
Tửu lượng không phải là thực lực, tình cảm "ly đi chén lại" bắt đầu trên bàn rượu và cũng sẽ kết thúc tại bàn rượu. Nó không thể biến hiện, càng không thế kéo dài. Nếu cứ mãi sa lầy trong đó, sẽ chỉ khiến bản thân hao tâm tổn tứ mà thôi.
Tiều phu lên núi đốn củi, gặp người chăn dê. Người chăn dê vì muốn giết thời gian nên vừa trông dê ăn cỏ, vừa lôi kéo tiều phu nói chuyện với mình.
Để thỏa mãn người chăn dê, anh tiều phu gác lại công việc trong tay, dốc sức chuyên tâm vào cuộc trò chuyện.
Trời đã tối, người chăn dê vui vẻ đuổi đàn dê ăn no tròn bụng về nhà. Còn tiều phu, hai tay không thất thểu ra về, trở thành câu chuyện cười trong mắt mọi người.
"Cậu là người đốn củi, còn anh ta là người chăn dê, cậu trò chuyện với người ta cả ngày trời, dê người ta ăn no căng bụng, còn củi của cậu ở đâu?"
Trong cuộc sống cũng có không ít người như vậy, vì muốn "hòa đồng", vì muốn "có cảm giác tồn tại" mà bấu víu khắp nơi, đến nỗi quên mất cả đường của mình.
Trong sách truyện cổ tích "Ali's Eternal Stop" có viết: "Mỗi người trong đời sẽ gặp khoảng 8.263.563 người, chào hỏi 39.778 người, quen biết 3.619, thân thiết 275, nhưng cuối cùng đều li tán trong biển người".
Duyên đến duyên tàn, người đến người đi đều là chuyện thường, không phải ai cũng đều có thể kết giao làm bạn. Nên buông tay với những người bạn không cùng chung chí hướng.
Quản Ninh và Hoa Hâm là hai người bạn từng dính với nhau như hình với bóng. Trăng thanh gió mát, phẩm rượu ngâm thơ, bàn luận thế sự thật hoan hỉ biết bao.
Nhưng gặp cảnh náo nhiệt, xe sang ngựa quý, Hoa Hâm bứt rứt phải đi xem bằng được. Đến khi trở lại, Quản Ninh đã cắt đôi chiếc chiếu hai người ngồi chung, tuyệt giao với Hoa Hâm.
"Không đồng chí hướng, khó làm bạn bè".
Lỗ Tấn và Nhuận Thổ lúc trẻ qua lại thân thiết với nhau. Hai người cùng nhau trông dưa hấu, canh con Tra, bắt chim sẻ, nhặt vỏ sò. Nhưng nhiều năm sau gặp lại, Nhuận Thổ cung kính gọi Lỗ Tấn là "Ông", khiến giữa hai người mọc lên một bức tường ngăn cách, coi như chấm dứt duyên phận thời trẻ.
Tác giả Tuyết Tiểu Thiền từng nói: "Con người đến một độ tuổi nhất định nào đó sẽ dần thu hẹp lại mọi thứ. Đến cuối cùng, còn lại 2,3 người tri kỷ, một cốc trà nhạt, sống cuộc sống mà mình muốn".
Quãng đời còn lại, không nhất thiết phải mời tất cả mọi người bước vào cuộc sống của mình. Trải qua sự gột rửa của thời gian, chỉ còn lại 2,3 người tri kỷ vốn đã chiến thắng nghìn vạn mối tương giao trôi nổi.
Từng xem một đoạn phim ngắn về thực nghiệm xã hội mang tên "Trong điện thoại của bạn có bao nhiêu người bạn thường xuyên liên lạc?".
Những người tham gia thực nghiệm trong phim đều là những người có hàng trăm bạn bè trong danh bạ. Nhưng sau khi đạo diễn yêu cầu họ xóa hết những người xã giao không quan trọng, danh bạ của họ chỉ còn lại 2,3 người.
Quen biết hàng trăm người, nhưng những người quan trọng thực sự lại chỉ có 2,3 người. Thì ra, chúng ta bận rộn cả ngày "săn đón, tiếp đãi này nọ" đều chỉ là những người không quan trọng.
Dĩ nhiên, con người là động vật quần cư, xã giao là điều không thể tránh. Nhưng trong hơn 3 vạn ngày ngắn ngủi của đời người, thực sự không cần thiết phải bỏ thời gian và sức lực vào những mối quan hệ xã giao vô ích. Những người rạng rỡ, xán lạn đều có những khoảng thời gian ở một mình nhất định.
Họa sĩ, nhà văn Mộc Tâm người Trung Quốc từng ẩn cư trên núi Mogan 6 năm. Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gió lạnh thấu xương, tuyết rơi mù mịt, ông vẫn không hề nản chí. Trong khoảng thời gian đó, ông sáng tác được hơn 100 tiểu thuyết ngắn và vô số những bức tranh sơn thủy.
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ O.Henry sau khi phải vào tù vì vấn đề sổ sách ngân hàng, ông đã tận dụng khoảng thời gian khô khan trong ngục tù để suy tư, chiêm nghiệm và sáng tác ra hàng loạt các tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng.
Nhà văn người Mỹ Thoreau cũng từng ẩn cư sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden. Trong khoảng thời gian 2 năm ẩn cư đó, ông điềm nhiên tự lạc, hòa mình vào thế giới tự nhiên bao la rộng lớn. Khi có người hỏi ông có cảm thấy cô đơn không, ông nói:
"Tôi nghĩ rằng thường xuyên ở một giúp giúp tinh thần khỏe mạnh. Kết bạn, xã giao, dù ở cùng những người giỏi cũng cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán. Đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy một người bạn nào khiến tôi cảm thấy thân thiết và thoải mái như khi ở một mình".
Giống như những gì mà nhiều người hiện nay thường nói: "Thà ở một mình chất lượng cao còn hơn là xã giao chất lượng thấp".
Nếu như cảm thấy không tự tại trong bầy người ồn ã, không có phúc hưởng thụ náo nhiệt, thì hãy một mình sải cánh trên không trung như chim ưng, một mình luồn qua những khe núi như nước, một mình chống chọi với đêm lạnh như hoa, rồi tự cập bến đỉnh cao trong sự cô đơn vắng vẻ.
Dù gì, con người sống ở đời không chỉ có ồn ã, không chỉ có sôi sục, mà còn phải có những lúc yên tĩnh một mình.
Tại sao chúng ta lại phải tham ra những cuộc tụ tập vô bổ, tại sao lại phải bám víu khắp nơi? Có hai nguyên nhân chính, một là muốn nhân duyên, hai là muốn nhân mạch (quan hệ xã hội).
Hai điều này, khiến một số người thường mang tâm lý ôm hy vọng vào sự may mắn. Luồn lách khắp các nhóm bạn bè hư danh ảo mộng. Được vào "nhóm bạn sang quý" giống như mượn được gió trời lên tận mây xanh.
Nhưng thực ra, giống như nhiều người vẫn thường nói: Muốn gặp được "quý nhân", thì đầu tiên bản thân mình phải là "một người có năng lực".
Nhân vật Tống Vận Huy trong bộ phim truyền hình Trung Quốc "Like a Flowing River", dù thành phần gia đình không tốt, không bao giờ xã giao hay bám víu nhân mạch nhưng vẫn từng bước từng bước lên cao. Thứ mà anh ta dựa vào đó chính là bản thân mình.
Thi đứng đầu toàn huyện, nhưng kiểm tra chính trị không đạt khiến Vận Huy lỡ duyên với đại học. Anh đi khắp nơi cầu cứu hết lần này đến lần khác, thậm chí còn đội nắng chói chang đọc hết các chính sách trên Nhật báo nhân nhân để thuyết phục lấy lại thông báo trúng tuyển bị giữ.
Vận Huy tự biết cơ hội đến không dễ, nên trong trường đại học, anh chịu khó vươn lên, không bỏ qua bất cứ cơ hội học tập nào. Bạn bè rong ruổi vui chơi ngoài sân bóng, còn anh miệt mài đọc sách.
Bạn bè bám víu quan hệ chạy chọt khắp nơi, còn anh bỏ ngoài tai mọi thứ. Cuối cùng, với tư cách là thủ khoa tốt nghiệp loại ưu anh được nhận vào làm trong một nhà máy hóa chất tốt nhất thành phố.
Người xưa thường nói, chỉ cần bạn mở lòng, gió mát tự tìm đến. Nếu bản thân không có bản lĩnh vững vàng, không có nền móng vững chắc, thì dù cúi đầu chắp tay thi lễ, cười cợt nịnh hót cũng không thể cầu cạnh được một chút chiếu cố.
Dù gì, xã giao có hiệu quả thực sự từ trước đến nay không luận anh hùng bằng độ rộng, không định thắng thua bằng độ sâu.
Hãy dừng lại mọi mối quan hệ xã giao vô bổ. Bởi khi năng lực, tài nguyên và địa vị của bạn không xứng với dã tâm xã giao của bạn, thì mọi thứ mà bạn làm chẳng qua chỉ là xã giao vô bổ. Hãy từ bỏ những suy nghĩ đi đường tắt, vứt bỏ những suy nghĩ giả tưởng.
"Phải trồng cây ngô đồng thì mới có phượng hoàng đến". Bạn phải nỗ lực thì mới tiềm tàng sức mạnh, tự tạo tương lai, thì mới không phải uốn mình theo người khác, không phải tự mình hạ thấp mình.
Nịnh bợ người khác không bằng tự rèn luyện chính mình, phụ thuộc vào người khác không bằng tự nâng cao chính mình. Bởi quý nhân lớn nhất của đời người chẳng ai khác là chính mình.
( Bài viết hay- sưu tầm Tri Thức trẻ)
15.05.2021 Miệt mài tìm kiếm lý tưởng sống, học tập, trau dồi để đánh đổi lấy thành công bằng THỰC LỰC.
15.05.2021 Miệt mài tìm kiếm lý tưởng sống, học tập, trau dồi để đánh đổi lấy thành công bằng THỰC LỰC.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất