Trước khi vào bài viết mình muốn nói: mình không hề cho rằng học sinh Việt Nam không sáng tạo, có rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, giải thưởng về các lĩnh vực đã được trao cho học sinh người Việt. Tuy vậy, nếu so với mặt bằng chung, chúng ta vẫn chưa thể so được với nhiều nước trên thế giới.
            Mình có một câu chuyện thế này. Hồi mình còn đi học, mình từng là một đứa học sinh khá ngang bướng, kiểu không thích các quy củ, phép tắc ấy. Hồi đó mình làm bài luôn bị điểm kém, nhất là môn Văn. Mình nhớ hồi đó có phân tích nhân vật Chí Phèo, (bản thân mình không đi học thêm Văn lúc đó nên toàn làm theo cảm nhận riêng) mình làm một bài tấu dài 5 trang, nêu hết cảm nhận và suy nghĩ về anh Chí, và rồi kết quả thế nào nhỉ ? Mình ăn nguyên một con 4 vì "lạc đề" và "thiếu ý". Thế nào là thiếu ý, thế nào là lạc đề ? Mình không đổ lỗi cô giáo bộ môn "dìm" vì không học thêm, mình chỉ thắc mắc vì cách dạy cứng nhắc của cô.
            Đối với mình, Văn học là để cảm nhận, mà đã là cảm nhận thì làm sao 10 người 1 ý được ? Người này nhìn từ phía họ sẽ thấy như thế này, người kia nhìn từ hướng ngược lại sẽ thấy khác hẳn đi, đâu thể nào cứ răm rắp theo khuôn mẫu được ?
            Không chỉ Văn, cả Toán, Lí, Hóa, Sử, Địa,.... đều bị giáo viên ép làm theo khuôn mẫu, khiến cho sự sáng tạo của học sinh bị kém đi.
            Mình mong rằng, trong tương lai gần, những con người làm nghề giáo sẽ tạo nhiều cơ hội hơn để học sinh có thể phát huy tối đa tính sáng tạo của mình. Đương nhiên, việc phát huy kĩ năng này còn phụ thuộc vào bạn nữa.