"Để đến khi nào ổn định đã", đó là câu trả lời của tôi mỗi khi được hỏi khi nào lấy vợ. 
Hôn nhân là chuyện cả đời, không phải cứ tới tuổi là phải lấy. (Photo: Getty Images)
Thực tế thì ổn định không được định nghĩa bằng thời gian, không phải cứ đến một độ tuổi nhất định thì bắt buộc phải ổn định, ít ra đối với tôi là vậy. Nhìn về tương lai ở thời điểm hiện tại, một thằng sinh viên mới ra trường chân ướt tay ráo đi xin việc tôi vẫn không chắc lúc đó tôi sẽ ra sao, như việc tự mò đường đến cái kho báu mà bản đồ bị đứa nào chôm mất rồi. 
Tôi vẫn hay thắc mắc tại sao nhiều người lại quá thần thánh hóa sự ổn định, và tự định nghĩa cho nó rằng ổn định là cái giàu cái sang là đầy đủ cho cuộc sống ấm no, còn việc một người đang phải đối mặt với những cái bất ổn thì lại bị cho là một thằng thất bại sống trong nghèo khó. 
Mỗi người có một định nghĩa về sự ổn định riêng, anh A thì thích trồng rau nuôi cá, chị B thì muốn có xe sang nhà đẹp, chú C thì chỉ muốn con mình được giáo dục tốt để sau này là một con người có ích cho gia đình và xã hội, và vân vân mây mây. Nếu ai cũng tôn trọng quan điểm ổn định của nhau thì đã không có chuyện vài năm sau này ngại đi họp lớp người đi người không.

Khi bước vào thế giới người lớn, xoay cuồng với những công việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, người ta hay quên mất cái lý do mình tồn tại, trong đầu luôn nghĩ đến việc làm sao để không phải gặp những bất ổn, làm sao để mọi người tôn trọng mình vì mình có nhiều tờ giấy in hình Bác Hồ Kính Yêu. Thú thực thì chúng ta dành cả cuộc đời chỉ để đi gom khách cho đám tang của mình.
Mỗi người ta gặp mặt trong đời sẽ là vị khách tiềm năng cho đám tang của mình(Photo: davidford, Getty Images/iStockphoto)
Rồi một khi sự bất ổn chợt ập đến, ai cũng nhảy cẫng hết cả lên, như thể tận thế phải chạy qua chạy lại giải quyết này nọ lọ chai, cũng chính vì thế mà người đàn ông trụ cột của gia đình càng ngày càng trở nên gắt gỏng và bạo lực
Bản chất của sự bất ổn như là thử thách đối với mỗi người, ai cũng ít nhiều phải đối mặt với nó dù ít hay nhiều, chúng ta sợ sự bất ổn bởi vì ngặt nhiên ta phải hy sinh một thứ nào đó của bản thân để giải quyết sự bất ổn, và bản tính con người vốn ghét việc hy sinh cho thứ gì đó không mang lại giá trị chắc chắn và có thể nhìn thấy được
Con người đã trải qua khoảng hai phẩy tám triệu năm tồn tại trên trái đất này, là sinh vật duy nhất có khả năng tạo ra những cấu trúc xã hội phức tạp để lấn át những sinh vật còn lại, từng đứng trước bao nhiêu nguy hiểm để có được nền văn minh như ngày hôm nay. Nhưng khi xã hội càng lúc càng trở nên văn minh độ phức tạp của cấu trúc xã hội cũng trở thành như vậy, sự phân hóa giàu nghèo trở nên hết sức rõ rệt thì hiển nhiên những cái định kiến áp đặt lên cho từng cá nhân không thể tránh khỏi
Trong cuộc đời tôi từng trải qua khá nhiều lần được thuyết giáo về sự ổn định và bất ổn của người thân và bạn bè, con phải có này có kia thì mới được cho là bằng con nhà người ta, mày phải biết này biết kia và tao sẽ gắn mác cho mày là một người hiểu chuyện. Còn tôi thì chỉ biết nhún vai vài cái cho qua vì tôi biết khả năng tôi tới đâu, nhưng không có nghĩa không nhắc nhở bản thân phải cố gắng không ngừng.
Khi ra ngoài xã hội, hầu như mọi người đều mong bạn gặp sự bất ổn để bản thân họ cảm thấy tốt hơn vì có người đang phải đối mặt với điều mình đang rất sợ hãi, những người như thế tôi không bao giờ muốn làm bạn hoặc ít nhất cũng chỉ ừ ừ cho hết cái đại học rồi không bao giờ liên lạc nữa.
Nói tóm lại, ổn định và bất ổn là hai khái niệm không thể thiếu trong cuộc sống, người ổn định chưa chắc không gặp bất ổn, người hay phải đối mặt với bất ổn lại cho đó là sự ổn định, khi cứ liên tục áp đặt cái định nghĩa của mình lên người khác chỉ làm tăng thêm sự kém cỏi ở trong con người mình.
Bất ổn ở đây nó tùy thuộc vào người trải nghiệm nó , tác giả không áp đặt một cái định nghĩa nhất định, để người đọc tự hình dung qua cách nhìn nhận của bản thân.
By Khuong Duy Pham