Tại sao chúng ta lo xa đến vậy?
Giờ thì tôi ngẫm ra một điều rằng: có lẽ, hầu như mọi lo lắng trông cuộc đời này, nghiễm nhiên, là thừa thãi.Hồi còn nhỏ, tôi nhớ khoảng...
Giờ thì tôi ngẫm ra một điều rằng: có lẽ, hầu như mọi lo lắng trông cuộc đời này, nghiễm nhiên, là thừa thãi.Hồi còn nhỏ, tôi nhớ khoảng 7, 8 tuổi gì đó, một thầy cắt thuốc bắc sống gần chỗ nhà tôi và có vẻ thân thuộc với họ hàng nhà tôi, bèn nhìn tôi và nói: “Con bé này hay lo lắng.” Ông nhìn vào cặp mắt của tôi, đôi môi của tôi, và tất tần tật thần thái của tôi và bảo thêm: “Hãy thả lỏng và dừng lo lắng lại!”. Dường như chúng ta luôn bị mê hoặc bởi những lời tiên tri, và câu nói phát ra từ lời thầy bói chẳng phải cũng mang hàm nghĩa tiên tri đó thôi. Và chúng ta cứ liên tục hấp dẫn vào lời tiên tri đó, không ăn không ngủ, cho đến khi nó thành hiện thực.
Tôi thì, dẹp bỏ lời tiên tri đấy qua một bên và tiếp tục sống. Tôi vẫn sống như bình thường, vẫn lo lắng như bình thường, vì tôi nhận ra rằng dường như càng cố gắng lại càng khiến sự lo lắng căng phồng trong lồng ngực. Tôi sống bình thường và nỗi lo lắng dù có nhiều đi chăng nữa, thì nó cũng là bình thường, đối với tôi, như trước khi nghe lời tiên tri.Đỉnh điểm cơn lo lắng của tôi rơi vào những lúc tôi mong đợi kết quả. Đó là một kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi bồn chồn, nhịp đập phập phồng trong lồng ngực. Và tôi nhận ra, khi bản thân càng lo lắng, trí tưởng tượng của tôi càng làm việc nhiều hơn. Nhưng viễn cảnh tưởng tượng lại rất địa ngục. Nào là rớt kỳ thi thì tôi sẽ thảm hại ra sao. Tưởng tượng một năm ôn lại sẽ như thế nào. Nhưng cuối cùng, tôi đỗ. Không phải vì lo lắng nhiều mà tôi đỗ, tôi biết chứ, nhưng mọi chuyện xảy ra cứ như thể: không lo lắng thì không được. Ít ra cũng phải lo lắng để thấy rằng mình là người biết quan tâm và coi trọng chuyện học hành. Ta xem lo lắng như một trạng thái cần có để thể hiện rằng ta quan tâm và chú tâm việc đó/người đó như thế nào.
Đỉnh điểm lo lắng lần hai là khi tôi xin visa Mỹ. Tôi bồn chồn suốt một tuần đó. Và cuối cùng, tôi lấy lại được bình tĩnh. Nhưng kết quả, tôi lại rớt visa. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng chuyện ấy xảy ra là do mình không đủ lo lắng. Sau bao nhiêu lo lắng và bao nhiêu đêm mất ngủ, tôi mới tự hỏi: mình đang sống vì cái gì? Vì sự chờ đợi? Vì sự an toàn và thăng tiến? Hay vì danh vọng? Tất cả những cái “vì” đó đều khiến tôi không được an yên. Nó khiến tôi lo lắng nhiều hơn. Bồn chồn nhiều hơn. Bất an nhiều hơn. Đó chỉ là một cuộc thi marathon tinh thần vô cùng tiêu cực và có hại. Rồi tôi nhìn lại suốt thời gian ấy, bạn bè và gia đình tôi đều lo lắng quá xa vời. Họ lo lắng những thứ mà họ chẳng thể kiểm soát để rồi cơn lo lắng diễn ra khiến họ chệch khỏi sự kiểm soát ấy. Họ chọn trường đại học và rồi họ lo lắng rằng 4 năm sau, ngành học ấy sẽ lạc hậu và họ không tìm được việc làm. Họ lo rằng trường học ấy rồi học phí sẽ đắt đỏ hơn và họ không thể trụ vững giữa dàn sinh viên giỏi giang và năng động. Họ lo sợ Hà Nội quá xô bồ nên quyết định ở lại Vinh. Họ lo lắng giá xăng dầu sẽ tăng cao. Họ lo lắng dịch bệnh virut corona sẽ cuốm luôn những ngày đẹp và cả tương lai rạng rỡ phía trước của họ.Thế nhưng, lo lắng không hề là một cây đũa thần. Nó không hô biến nổi một cái gì thành cái ta mong muốn. Nhưng nỗi lo lắng ấy sẽ hô biến thành một đêm mất ngủ và bồn chồn, và thậm chí cướp luôn mạng sống của con người nếu họ lo lắng đủ lâu và đủ sâu.
Sẽ đến một lúc nào đó, bạn sẽ lo lắng chính nỗi lo lắng của mình.
Bạn sẽ tự hỏi sao bản thân lo lắng nhiều đến vậy và bằng cách nào để dừng chúng lại? Điều đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất, hãy chấp nhận một sự thật rằng lo lắng sẽ không thể giải quyết bất cứ điều gì mà thậm chí nó còn khiến tình cảnh thậm tệ hơn, và chủ nhân của cơn lo lắng là nạn nhân trực tiếp. Bạn hãy hít vào một hơi thật sâu, thả hơi thở ấy ra, làm đi làm lại như vậy nhiều lần. Bạn sẽ nhận ra rằng được hít thở là một đặc ân, và là đặc ân cho bạn biết rằng bạn hãy còn sống. Khi lo lắng, đầu óc của bạn sẽ giống như một quả bóng nhét đầy hơi, và nó không thể chứa thêm bất cứ cái gì nếu bạn không muốn nó nổ tung. Vậy thì, hãy đừng nghĩ gì cả. Có thể sẽ khó khăn ngay lúc này vì bao viễn cảnh sẽ đổ xô ập tới. Nhưng nhắm nghiền mắt lại và cảm nhận hơi thở, vì khi cảm nhận hơi thở cũng là lúc chúng ta chẳng thể tập trung nhét suy nghĩ nào khác vào đầu. Hãy nghe một bản nhạc piano, hãy ăn một món thật ngon, hãy đi dạo trong công viên đầy cây xanh và tránh đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào lúc này vì đầu óc của bạn hoàn toàn chưa thể tỉnh táo (trừ trường hợp thật sự khẩn cấp).
Khi thế giới xung quanh đều làm việc hừng hực và bạn lo sợ mình không bao giờ có thể đuổi kịp, hãy áp dụng quy tắc 1%. Chỉ 1% thôi nhưng sẽ tạo ra kết quả hết sức bất ngờ đó nhé!
1,01^365 = 37,8 (1,01 mũ 365)
0,99^365 = 0,03 (0,99 mũ 365)
Và đừng quên, cuộc đời này, chả có cuộc thi nào hết ngoài cuộc thi bạn với chính bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất