Và tại sao việc đưa ra những quyết định mang lại lợi ích tốt đẹp, hoặc tuân theo các chỉ dẫn về sức khỏe, như đi ngủ sớm, uống nhiều nước, tập thể dục, hạn chế các loại đồ ăn, thức uống nhiều chất béo, có cồn,... lại khó khăn đến vậy?
Nếu bạn đã từng trải qua trường hợp mặc dù đã tự hứa với bản thân rằng sẽ đi ngủ trước 23h, hoặc không dùng điện thoại 1 tiếng đồng hồ trước khi ngủ, nhưng đến cuối cùng bạn vẫn thức tới 1-2h sáng xem một bộ phim, chat-chit hoặc lướt newsfeed Facebook, Instagram, Twitter,...miệt mài đến khi không thức nổi nữa thì thôi, rồi sáng hôm sau tỉnh dậy với một cảm giác tội lỗi ngập tràn, thì bạn hoàn toàn không phải trường hợp cá biệt đâu. Rất nhiều người ngoài kia, bao gồm cả mình, cũng lâm vào trường hợp tương tự. Đến nỗi mà trong y khoa, người ta còn cho rằng, nếu bằng cách nào đó có thể khiến những người bệnh cao huyết áp uống thuốc đều đặn để tránh đột quỵ, rất nhiều mạng sống có thể được cứu chỉ bằng việc giải quyết đúng một chuyện đó mà thôi. Đáng tiếc là, hầu như một nửa trong số họ, đã dừng uống thuốc chỉ trong một năm.
Cái chết có đáng sợ không? Đây đúng là một câu hỏi nực cười phải không. Trừ khi bạn xem cái chết là một sự giải thoát cho mình, hoặc không còn thiết sống nữa, thì bạn mới tìm đến nó. Vậy tại sao chúng ta, những người rất trân trọng sự sống, thậm chí là muốn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, trong vô thức lại không ngừng đưa ra những quyết định có hại, hoặc làm gia tăng nguy hiểm cho bản thân? 
Thức khuya là có hại cho sức khỏe, hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, lái xe với tốc độ cao là nguy hiểm, không làm bài tập về nhà, không ôn bài trước khi thi, không nghe giảng trong lớp, không đi làm đúng giờ, tám trong giờ làm việc,...Bạn hoàn toàn có thể liệt kê ra hàng tỉ tỉ thứ mà hằng ngày chúng ta vẫn đang làm trong vô thức được cho là có hại, hoặc mang lại kết quả tiêu cực. Nhưng tại sao chúng ta vẫn làm? Là vì chúng ta chưa được giáo dục đầy đủ về các tác hại của chúng ư? Chúng ta không biết rằng lái xe với tốc độ cao là nguy hiểm sao? Học sinh không biết rằng lười học thì sẽ dẫn đến kết quả học tập kém sao? Tất nhiên là không rồi. Vậy thì vì sao?
Image result for healthy decisions making

David Asch, một nhà kinh tế học hành vi, chuyên gia về các chính sách y tế, cho rằng sự vô lí này có liên quan tới một khái niệm được gọi là "present bias", trong đó các kết quả trước mắt thu hút và hẫn dẫn hơn nhiều so với các kết quả quan trọng trong tương lai. Chẳng hạn như nếu bạn đang ăn kiêng, và ai đó tặng bạn một miếng bánh chocolate trông thật hấp dẫn, bạn biết bạn không nên ăn chiếc bánh đó. Nhưng biết làm sao đây, khi nó ở ngay trước mặt bạn, còn chế độ ăn kiêng kia thì có thể đợi đến ngày mai. Steven Wright, một diễn viên hài mà ông David yêu thích, có một câu nói rất hài hước như sau:
Hard work pays off in the future, but laziness pays off right now.
Dịch đại ý: Nỗ lực sẽ được đền đáp trong tương lai, nhưng sự lười biếng sẽ được đền đáp ngay bây giờ.
Một yếu tố tâm lí khác cũng có thể dẫn bạn tới các quyết định kém khôn ngoan hơn hoặc các quyết định sai lầm, đó chính là cảm giác tiếc nuối và hối hận khi bạn đã không làm một việc gì đó. Chẳng hạn như việc mua vé số. Mặc dù chúng ta đều biết rằng xác suất trúng là không cao, nhưng vẫn có rất nhiều người đâm đầu vào "khoản đầu tư" may rủi này, thay vì dùng các cách kiếm tiền khác. Lý do có thể kể đến là dẫu cho cơ hội thấp, nhưng lỡ may bạn trúng thì sao? Chẳng phải là sẽ đổi đời, cuộc sống của bạn một bước sang trang sao? Nếu không mua bây giờ, đợi lúc nào đó người khác trúng rồi, thì lúc đó bạn chỉ có thể đứng đó mà tiếc hùi hụi thôi. Điều này càng được củng cố hơn khi bạn ở trong cùng một nhóm người, thường là nếu mọi người đều mua vé số, bạn cũng sẽ có xu hướng mua theo, dù cho từ trước tới giờ bạn chưa từng có suy nghĩ đó. Bởi vì bạn lo lắng rằng, hey, nếu một trong số họ trúng thì sao? Bạn sợ phải đối diện với cảm giác tiếc nuối vì giây phút đó nếu mình mua thì rất có thể người vui mừng bây giờ đã là mình rồi.
Áp dụng thủ thuật tâm lí này, các bác sĩ đã nghĩ ra một cách rất hay để giúp người bệnh thường xuyên uống thuốc hơn. Ông David và các đồng nghiệp của mình đã làm rất nhiều cuộc thử nghiệm với bệnh nhân. Họ được nhận các chai thuốc điện tử giúp kiểm tra xem họ có uống thuốc hay chưa, rồi sau đó sẽ tặng họ một tờ vé số như một phần thưởng. Nhưng họ chỉ có thể nhận nó nếu ngày hôm trước họ đã uống thuốc. Nếu không, họ sẽ nhận được một thông điệp với nội dung như sau: "Bạn có thể đã trúng 1000 dollars, nhưng ngày hôm qua bạn đã không uống thuốc, nên bạn đã để vụt mất cơ hội ấy."
Theo ông David, hóa ra là các bệnh nhân rất ghét cảm giác này. Họ ghét cảm giác đứng ngoài cuộc, cảm giác đáng lẽ ra mình đã có thể tránh được sự tiếc nuối này, bằng một động tác đơn giản như uống thuốc. Đây là lí do vì sao một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người ta phản ứng mạnh mẽ với cảm giác sợ mất đi, hơn là cảm giác được nhận lại. 
Tiền bạc có thể là một động lực lớn, nhưng không phải lúc nào nó cũng mang lại kết quả tích cực. Ở Irasel, người ta đã áp dụng một phí phạt dành cho các bậc phụ huynh đón con ở nhà trẻ trễ, vào khoảng 10 shekels, tương đương 3 dollars. Nghiêm túc ư? Chỉ 3 dollars cho mỗi lần đón trễ? Kết quả là số lượng phụ huynh đón con trễ thậm chí còn tăng cao hơn lúc trước. Lý do là vì chính quyền đã ra giá cho một nỗ lực lớn để đón con đúng giờ của các bậc phụ huynh, bằng một cái giá quá rẻ. Tệ hơn nữa là, sau khi nhận ra được sai lầm này, họ đã bỏ phí phạt, nhưng con số vẫn không hề giảm mà giữ nguyên mức cao như vậy. Họ đã hoàn toàn làm biến đổi các giá trị chung của xã hội.
Nếu vậy thì có cách nào giải quyết, hoặc giảm thiểu tình trạng này không? Ông David đã đề cập tới hai phương pháp đối phó rất hay. Cả hai phương pháp này đều chú trọng tới mối quan hệ và sự tương tác xã hội giữa con người với con người.
Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta rất để ý tới những gì người khác nghĩ về mình. Chúng ta sẽ cư xử khác hơn nếu các hành động chúng ta đều được đặt dưới ánh nhìn của mọi người. Có một số nhà hàng không thiết kế bồn rửa tay ngay trong nhà vệ sinh, mà họ để ở bên ngoài. Như vậy, sau khi bước ra từ nhà vệ sinh, chúng ta thường sẽ dừng lại để rửa tay. Đó là bởi vì bây giờ mọi người đều có thể nhìn thấy được rằng bạn có rửa tay sau khi đi vệ sinh hay không. Điều này tác động rất lớn tới suy nghĩ và hành vi của chúng ta. 
Không chỉ quan tâm tới người khác nghĩ gì về mình, chúng ta còn có xu hướng hành động theo những gì số đông làm. Bởi vì chúng ta không thích cảm giác bị tách biệt, hoặc chúng ta không muốn phải là người tiên phong làm một việc gì đó. Chúng ta sẽ quan sát người khác làm trước, rồi sau đó mới làm theo để tránh được các rủi ro nhất định. Nên nếu càng nhiều người làm một hành động, thì khả năng cao các người khác cũng sẽ làm theo. Trong tâm lí học có một hiệu ứng giải thích rất hợp lí về hiện tượng này, gọi là hiệu ứng đoàn tàu. 
Hiệu ứng đoàn tàu là khuynh hướng ta tiếp nhận một dạng hành vi, phong cách hay thái độ nào đó đơn giản chỉ bởi vì mọi người khác đều đang làm như vậy. Càng nhiều người đi theo “đoàn tàu” này thì càng nhiều những người khác cũng nhảy lên theo làm thành từng toa trong đoàn tàu này.
Source: trangtamly.blog
Ví dụ như khi thấy nhiều người bắt đầu một chế độ ăn uống nào đó, và trở thành xu hướng, thì những người khác rất có thể sẽ hưởng ứng và làm theo. Hiệu ứng đoàn tàu có thể giúp mọi người tiếp nhận hành vi nhanh hơn, và nó đặc biệt hữu ích khi dùng để giúp mọi người tiếp nhận các hành vi lành mạnh. 
Việc chỉ ra những sự bất hợp lí trong tâm lí con người không phải là một dạng khuyến khích hay cổ vũ các thói quen này. Nó cũng không hạ thấp hay chỉ trích những người có ý chí mạnh mẽ, những người có khả năng cam kết với việc mình làm cao, và không cần tới các thủ thuật hay biện pháp tâm lí nói trên. Tuy nhiên, việc phân tích, tìm hiểu và chỉ ra các diễn biến tâm lí này là rất quan trọng, nó giúp chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn hơn với các trường hợp liên quan, thay vì làm lơ hoặc kịch liệt lên án hay phản đối nó. Mình tin rằng bất kì phần nào trong bộ não phức tạp và thú vị của con người cũng cần được khám phá và tìm hiểu, vì đó là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát, chữa trị và phát huy tác dụng của chúng.
Cảm ơn đã đọc bài viết của mình! Mình hy vọng bạn thích nó.