Hãy trả lời câu hỏi này của tôi thành thật nhất có thể: Đã bao giờ bạn nghe về một vụ giết người nào đấy hệ trọng, như Lê Văn Luyện chẳng hạn, rồi sau đấy liên tục đọc chắc phải ít nhất 5 trang báo đăng tin tương tự và mong tìm thêm nhiều thông tin về vụ án lẫn Luyện? Nếu câu trả lời là có, vậy liệu nếu tôi kể bạn "Vào những năm 1800 thời Victoria ở London có 1 gã Jack Đồ tể giết người hàng loạt và vẫn chưa phá được án của hắn" liệu bạn có muốn tìm thêm tài liệu về hắn? Nếu câu trả lời vẫn là có, xin chúc mừng, bạn nằm trong số rất rất nhiều người có hành vi tương tự. 

Và không chỉ có chúng ta đâu, đến cả ngành nghệ thuật cũng đâu có thoát khỏi việc phải đem lên màn ảnh về những sự kiện liên quan đến 1 gã sát nhân cả từ thật đến hư cấu cơ mà, ai biết đến những phim như Silence of the lamb, Zodiac, American psycho, Challenging hay series Dexter sẽ hiểu tôi muốn nói gì... và dĩ nhiên rất nhiều khán giả yêu thích những phim đẫm máu và kinh dị như vậy về lũ sát nhân. Trong comic, nổi tiếng nhất vẫn là gã Joker- 1 tên sát nhân tâm thần và hắn là 1 trong những nhân vật được yêu thích nhất mọi thời đại.

Tại sao chúng ta lại thích thú về những mẩu thông tin "đáng sợ" về những kẻ giết người như vậy? Dựa vào 1 bài viết của 8-bit philosophy từ Wisecrack, hãy cùng nhau khám phá bí ẩn tâm lý này xem.

Theo nhà sử học Shane McCorristine, cách chúng ta phản ứng như thế thật sự xuất phát từ chính nỗi sợ về mạng sống của mình, nhưng lại muốn trải qua cái cảm giác sợ hãi đó chứ không hẳn là trải qua sự việc đó- đơn giản là muốn biết tay này giết người kinh thế nào nhưng không hề muốn bị giết... 

Nghe có vẻ quái lạ, ngược đời vì khi sợ chúng ta né tránh chứ tại sao lại tò mò thêm? Stephen King gọi đây là hành động, hay hiện tượng "cho cá sấu ăn", còn nhà tâm lý học Carl Jung gọi nó là "xáp nhập vào mặt tối của tính cách" (dịch thoáng thôi)... Trong bài viết "Vì sao chúng ta thích phim kinh dị?", Stephen Kinh bảo rằng cái cảm giác la hét kinh hoàng khi xem phim kinh dị, khi nhìn thấy việc giết chóc hay hành hạ ai đó lại là một kiểu "mua vui" thì cũng đừng lo là bạn bị thần kinh, vì đôi khi cơ thể lẫn tâm hồn của chúng ta cần điều đó, như 1 cách nhắc nhở về bản năng của chúng ta. Jung gọi khao khát đó là "bóng tối" của chúng ta và ông bảo rằng phần bóng tối ấy "là 1 cách phản chiếu tâm lý con người mà theo nhiều người là nhẫn tâm và vô đạo đức", tuy nhiên ông cũng đồng ý rằng việc thực hiện, hay trải qua những "ước muốn đen tối" có giúp cho tinh thần chúng ta được "ổn định" hơn.

Plato cũng cho rằng chứng kiến những bi kịch, như việc 1 gã con thất lạc lâu năm quay về giết cha rồi cưới mẹ lên ngôi vua, giúp con người có thể "thanh tẩy" những cảm giác kinh tởm ấy ở một "thế giới khác" trên sân khấu khỏi cơ thể để bình tâm hơn, còn Aristotle cho rằng nó sẽ là 1 tiền đề để ta có thể phòng ngừa ở thế giới chúng ta đang sống.

Nói tóm lại thì theo những người trên thì việc chúng ta tò mò về những thứ ghê tởm như vậy âu cũng chỉ là để giải trí, và phần nào đó nhìn những hậu quả, cả thực tế lẫn giả sử, để có thêm những trải nghiệm về bản năng và giúp chúng ta "dũng cảm" hơn theo một nghĩa nào đó, hay chỉ đơn giản là thở phào "Ghê quá, nhưng ít ra mình không phải nạn nhân".

Thế nhưng, có 1 thuyết khác "đen tối" hơn. Hãy tin khi tôi nói thế này, bản năng của con người rất khao khát sự chinh phục hay sự vượt trội, hay như tôi đùa là được ở "cửa trên" so với bất cứ ai hay vật gì. Như nếu bạn chơi một trận bóng đá, dù đã ăn 3-0 nhưng bạn vẫn có một khao khát muốn ghi nhiều bàn hơn và con số càng cao càng "đã". 

Nhà triết học người Đức Theodor Adorno cho rằng nỗi sợ hãi về những điều không nằm trong nhận thức sẽ càng thúc đẩy khao khát chinh phục trong con người. Và thứ chúng ta không biết dĩ nhiên chúng ta sợ hơn hẳn thứ chúng ta quen thuộc, và vì thế lại đẩy cao ý muốn chinh phục của ta. Có lẽ vì "nỗi sợ" này mà con người phần nào đấy đã chinh phục thiên nhiên của Quả Đất này hay thậm chí vươn xa ra vũ trụ.

Và đó cũng chính là cảm nhận của đa số những kẻ sát nhân thông qua các đánh giá tâm lý: muốn chi phối các nạn nhân, muốn vượt trội hơn họ khi thực hiện những hành động dã man khi họ đang bị động và sợ hãi... Điểm đen tối tôi muốn nói ở đây chính là chúng ta ám ảnh về lũ sát nhân vì chính chúng ta cũng đang muốn trải qua cái cảm giác chinh phục ấy, đại khái như nếu ta đang cầm dao xả lũ người đáng ghét ấy và chúng đang sợ hãi ta, ta được hoà mình vào cảm nhận của têns át nhân và giải toả hết tất cả gánh nặng tâm lý bên trong... Và như Carl Jung nói ở trên, tận hưởng một niềm khoái lạc tăm tối hoàn toàn có thể giúp ta bình tâm. Sử dụng bạo lực và trải nghiệm bạo lực thật ra lại là 1 liều thuốc "an thần" liều cao vô cùng hiệu quả. (Còn ai nhớ vì sao Fight Club có mặt không?)

Tổng kết lại có 2 cách nhìn: Nếu ở góc nhìn là nạn nhân, chúng ta được trải qua cảm giác sợ hãi tột cùng cận kề cái chết mà không bị hại gì; còn ở góc nhìn là hung thủ, chúng ta được trải qua cảm giác của một kẻ chủ động, một kẻ nằm quyền thế và chinh phục mọi thứ mà không làm hại ai cả... Sự lẫn lộn lẫn pha trộn giữa 2 thái cực này tạo ra một cảm giác khá là gây nghiện, kích thích chúng ta tò mò đào sâu vào những vụ án kinh khủng ấy với niềm say mê và sau tất cả vẫn là 1 cảm giác khá là thú vị.

Nếu bạn vẫn tiếp tục thích những thứ kinh dị như xem về 1 gã sát nhân hay thậm chí liều lĩnh tìm hiểu về chúng như 1 chuyên gia thật sự, hãy cứ tiếp tục đi vì "thú vui tội lỗi" ấy chẳng hại gì đâu. Xin trích 1 câu nói của Carl Jung để kết thúc bài: "Chúng ta không được khai sáng khi cứ cố tìm lấy ánh sáng, mà là khi chúng ta nhận thức được bóng tối."

Nguồn thông tin: Why we crave horror movies?

http://theawakenedstate.tumblr.com/post/74493412736/the-shadow-self-integration-of-the-soul

http://webpages.uidaho.edu/engl257/Classical/tragedy_as_catharsis.htm