Tất nhiên là không phải tất cả mọi người đều thờ ơ rồi. Vẫn có những người không màng nguy hiểm, thậm chí cả tính mạng mình để giúp đỡ người khác. Nhưng chắc không ít lần bạn đọc được những bài báo như "Bỏ mặc người khác chết giữa đường, xã hội đối mặt sự vô cảm đang lấn lướt?", "Sự vô cảm "bệnh hoạn" trước tai nạn giao thông: Vì đâu nên nỗi?", "Giới trẻ với sự vô cảm", hoặc khi mình còn học cấp 2, đề bài nghị luận phổ biến nhất là bàn về sự vô cảm của con người trong xã hội hiện đại. Vậy có phải nhân phẩm của con người đang càng ngày càng đi xuống? Có phải xã hội hiện đại làm con người ta càng ngày càng trở nên vô cảm không? 
Bàn về một vấn đề thì có vô vàn góc nhìn, riêng mình chọn nhìn dưới góc độ tâm lí để viết bài này. Không biết bạn đã từng nghe qua cụm từ "Phân tán trách nhiệm" hay chưa? 

Phân tán trách nhiệm (Diffusion of responsibility)

Phân tán trách nhiệm là một hiện tượng tâm lý khi con người ta ít có khả năng hành động khi có sự có mặt của một nhóm nhiều người khác.
Hay nói dễ hiểu hơn là, khi xảy ra chuyện, càng nhiều người có mặt thì khả năng người bị hại được giúp đỡ sẽ thấp đi. Sự tồn tại của những người chứng kiến khác sẽ hạn chế hành động giúp người của một cá nhân. Người càng đông, con người sẽ càng có khuynh hướng khoanh tay đứng nhìn. Tình huống này còn được gọi là hiệu ứng bàng quan trong tâm lí học xã hội (The bystander effect).
Nói đến sự phân tán (khuếch tán) trách nhiệm thì không thể không kể đến series thí nghiệm nổi tiếng của hai nhà nghiên cứu John Darley và Bibb Latané. Họ chia thí nghiệm của mình thành hai bối cảnh. Bối cảnh thứ nhất là cho một người ngồi trong một căn phòng để điền một bảng câu hỏi nào đó. Bối cảnh thứ hai là cho họ ngồi cùng với hai người khác (đều thuộc nhóm nghiên cứu), sau đó cho khói bao phủ các căn phòng này. Kết quả là hơn 75% những người ngồi một mình sẽ rất nhanh đi báo cho nhóm nghiên cứu về sự xuất hiện của làn khói. Còn ở bối cảnh thứ hai vì hai người được gài vào cố ý ngó lơ, nên chỉ có 10% những đối tượng nghiên cứu kia mới quyết định đi báo. 
Một người đơn độc sẽ cảm thấy có trách nhiệm phải hành động trong các tình huống như trên, nhưng sự có mặt của nhiều người khác khiến trách nhiệm này bị phân tán. Mọi người sẽ thắc mắc tại sao những người kia cũng thấy mà không làm gì? Có phải chuyện không nghiêm trọng lắm đâu? Hoặc người kia chỉ đang giả bộ thôi? Chúng ta cũng có thể cho rằng bản thân không đủ kĩ năng, điều kiện để giúp đỡ, giúp không đúng lỡ còn làm hại người ta thì sao? Hoặc mình không giúp thì lát nữa cũng có người giúp thôi. Các nhà nghiên cứu cho rằng để có thể thực sự hành động con người ta phải trải qua một quá trình gồm nhiều giai đoạn của lí trí, mà vấn đề ở đây là chúng ta phải đưa ra quyết định ấy trong một thời gian rất ngắn, nên rất nhiều người đã bỏ cuộc. 

Các yếu tố ảnh hưởng lên sự phân tán trách nhiệm

Một số tác nhân có thể làm tăng giảm khả năng chúng ta hành động để giúp đỡ người khác. Các yếu tố giúp tăng khả năng có thể kể đến là mức độ kết nối của chúng ta với người bị hại, các kĩ năng giúp đỡ liên quan tới một tình huống cụ thể, hoặc sự tiên phong của một số cá nhân nào đó trong đám đông. 
Nói rõ hơn là nếu người bị hại là người quen của bạn, hoặc nhìn giống người quen của bạn, bạn sẽ có xu hướng đưa ra quyết định nhanh hơn. Bởi vì bạn cảm nhận được sự kết nối giữa bạn và người kia, nên bạn cảm thấy trách nhiệm phải hành động của mình lớn hơn những người khác.
Nếu rơi vào tình huống gặp phải một nạn nhân tai nạn giao thông ở trên đường, một người có kĩ năng về sơ cứu, hoặc đã từng trải qua trường hợp tương tự trong quá khứ sẽ tự tin giúp đỡ người bị hại hơn những người khác. Chúng ta thường lo sợ là bản thân mình không đủ kĩ năng để giúp đỡ người khác, hoặc điều kiện lúc đó chưa cho phép.

Một số biện pháp bạn có thể dùng trong các trường hợp trên

Khi tham gia giao thông, mình đã nghe rất nhiều người thể hiện nỗi sợ của họ với việc bị người đi đường bỏ rơi nếu gặp phải tai nạn. Khi mà báo chí, người thân, bạn bè hằng ngày đều kể về những trường hợp ngã xe, va chạm mà người xung quanh không một ai giúp đỡ. Cảm giác lúc đó không những đau vì vết thương mà còn cảm thấy rất tủi thân nữa. Trước đây mình cũng rất lo sợ, nhưng khi tai nạn ập đến, hóa ra những điều mình lo sợ đã không xảy ra. Mình nhớ là lúc mình ngã xuống, đúng là mong người khác ngay lập tức tới giúp thì là điều không thể, và có những chiếc xe vô tình né mình ra để đi tiếp, nhưng rất nhanh sau đó một người, hai người, rồi nhiều người nữa đã kéo đến giúp đỡ mình. Nhưng mình vẫn cảm thấy chúng ta vẫn nên trang bị một số kiến thức cơ bản để dù cho là người bị hại hay người chứng kiến thì đều có thể bảo vệ được bản thân.
Thứ nhất là trừ khi bạn bất tỉnh nhân sự, không còn biết trời chăng mây gió gì nữa, thì thay vì kêu cứu bâng quơ thôi, bạn hãy chỉ vào một người gần đó và yêu cầu được giúp đỡ. Người được chỉ định đa số sẽ dừng lại và tiến đến chỗ bạn. Bởi vì bạn đã tạo ra sự kết nối giữa bạn và họ, hoặc vì họ không muốn mang tiếng là thấy người gặp nạn cầu cứu mà không giúp đỡ. Dù sao thì cũng không ai muốn hình ảnh của mình bị xấu đi ở nơi công cộng cả. 
Nếu ở trong lớp học, bạn muốn yêu cầu học sinh làm gì đó, thì mình nghĩ không nên hỏi bâng quơ như "Ai giúp cô/thầy đi photo tài liệu này với", "Bạn nào lên lau bảng cho lớp đi", "Bạn nào giặt giùm cô/thầy cái khăn, mượn giùm cô/thầy cục phấn", vì những gì bạn nhận lại sẽ là một sự im lặng kéo dài và sự đùn đẩy trách nhiệm điển hình. Để tránh trường hợp này thì mình nghĩ bạn có thể gọi đích thân một bộ phận có liên quan tới nhiệm vụ bạn yêu cầu, chẳng hạn như lau bảng giặt khăn thì là tổ trực của ngày hôm đó, photo tài liệu này nọ thì là lớp phó học tập, vân vân. Nếu những học sinh này vắng mặt hoặc không khỏe thì lớp sẽ chỉ định người khác thay thế. 
Còn nếu bạn là người chứng kiến, trực tiếp một mình giúp đỡ không phải là ý kiến hay và cũng không được khuyến khích. Vì bạn chưa thể chắc chắn sự việc đang diễn ra có tính chất như thế nào. Bạn hãy dừng lại và gọi một số người đi đường khác để thu hút sự chú ý, sau đó cùng với họ tiến đến người bị hại để xem có thể giúp đỡ được gì không. Bởi biết đâu trong đám đông kia có một y tá, bác sĩ, cảnh sát sẽ cứu được mạng sống của người kia thì sao. Nếu chỉ có một mình thì đa số chúng ta sẽ chần chừ, nhưng nếu có nhiều người ngỏ ý giúp đỡ thì thường chúng ta sẽ hợp tác và góp sức vào việc giúp đỡ hơn. Nếu biết tận dụng sự đa dạng của đám đông thì hiểu quả mang lại rất tích cực.
Kết: Ngoại trừ trường hợp một số người thực sự có dã tâm muốn bỏ mặc để người kia nguy kịch, thì với mọi người đây là một hiệu ứng tâm lí xã hội bình thường mà đôi khi bạn sẽ có thể nhận ra chính bản thân mình trong đó. Hiểu thêm một chút về hiện tượng này giúp bản thân giảm bớt cái nhìn tiêu cực về cuộc sống đồng thời tìm ra các biện pháp để vừa bảo vệ được bản thân vừa có thể giúp đỡ được người khác.
Hy vọng bạn thích bài viết này! Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!
Nguồn tham khảo: https://trangtamly.blog/2019/11/25/phan-tan-trach-nhiem-diffusion-of-responsibility-trong-nhom-la-gi/