Thực tế ảo tăng cường (AR) là một công nghệ sở hữu khả năng biến hoá cao, luôn đổi mới, đánh thức được sự tò mò nhờ tính cá nhân hóa trải nghiệm cho từng tập khách hàng trong từng chiến dịch truyền thông của thương hiệu. Vì vậy, ứng dụng AR vào các hoạt động marketing đang trở thành một trong những xu hướng tại Việt Nam và chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. 

Công nghệ AR là gì?

Augmented Reality (AR) - Thực tế ảo tăng cường, là sự kết hợp giữa những nội dung ảo và thế giới thật thông qua camera của thiết bị di động như: điện thoại, máy tính bảng,... Hiểu đơn giản hơn, công nghệ AR sẽ tái hiện hình ảnh, đồ vật dưới định dạng 3D ngay trong môi trường thực tế để tăng cường sự trải nghiệm và tương tác của người dùng. Nhờ đó, họ có thể vừa nhìn thấy không gian thực xung quanh, vừa thấy những hình ảnh hay nội dung ảo và dễ dàng tương tác (chạm, bắt,...) với chúng.

Công nghệ AR gồm có bao nhiêu loại?

Trong thực tế, công nghệ AR được ứng dụng dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng của người dùng. Nó có thể sẽ là một hiệu ứng trên mạng xã hội hoặc một trò chơi tương tác đơn giản. Và một số loại AR thường gặp gồm:
AR Filter: Là những đồ họa được thiết kế và thêm vào khuôn mặt của người dùng thông qua camera của thiết bị di động. Công nghệ AR sẽ nhận diện điểm mặt và các chuyển động cơ bản của mặt, mắt, chân mày, miệng. Qua đó, người dùng có thể điều khiển khuôn mặt để sử dụng các tính năng như: son môi, thử nón, mắt kính hay những trò chơi tương tác đơn giản trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram.
AR Image Target: Là hình thức nhận diện một hình ảnh cố định đã được lập trình từ trước và phân tích điểm ảnh để hiển thị nội dung ảo trên ảnh bằng công nghệ AR. Người dùng sẽ sử dụng camera của điện thoại quét hình ảnh và nội dung ảo sẽ hiển thị song song với nền ảnh thật. Vì vậy, AR Image Target thường được ứng dụng trên bao bì/poster sản phẩm,... để nội dung truyền tải trở nên sống động và có khả năng tương tác với khách hàng nhiều hơn.
AR Event: Hình thức này thường được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo lớn hoặc trong những sự kiện như một backdrop, banner sinh động để tương tác với người dùng xung quanh thông qua nội dung ảo sẽ xuất hiện.
AR Product Viewer: Đây là hình thức tái hiện hình ảnh của sản phẩm dưới định dạng 3D và cho phép hiển thị trong môi trường thực tế thông qua camera của thiết bị di động. Từ đó, người dùng có thể đặt chúng ở bất kỳ mặt phẳng nào và tương tác 360 độ để trải nghiệm sản phẩm. 
AR Space: AR sẽ tái tạo không gian xung quanh của người dùng bằng những yếu tố đồ họa bắt mắt và cho hiển thị song song nội dung ảo với thực để người dùng có thể trải nghiệm chúng. Hình thức này thường được ứng dụng vào trò chơi tương tác hoặc cũng có thể kết hợp với AR Filter.
AR Geo Location: Bằng cách liên kết với tính năng định vị, công nghệ AR có thể đính kèm những nội dung ảo vào các địa điểm đặc biệt được đánh dấu và cho phép hiển thị nội dung đó trên bản đồ. Nhờ đó mà nhiều trò chơi như: Pokemon Go, Hado The Hunter,... đã gặt hái được nhiều thành công trên thị trường.

Ứng dụng của công nghệ AR trong hoạt động marketing của doanh nghiệp

Đầu tiên, công nghệ AR sẽ giúp cho các chiến dịch truyền thông về sản phẩm, dịch vụ trở nên sống động và thú vị hơn rất nhiều. Khách hàng có thể trực tiếp tương tác với sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu dù ở bất kỳ đâu. Vì vậy, trải nghiệm của khách hàng trong quá trình mua sắm cũng trở nên ấn tượng và tốt hơn, từ đó mối quan hệ giữa hai bên sẽ duy trì được lâu dài hơn.
Ngoài ra, với hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, rõ ràng ứng dụng AR sẽ cho khách hàng những trải nghiệm sản phẩm chân thật nhất và có cái nhìn tổng quan về món hàng mình sắp mua. Đặc biệt, với những sản phẩm như nội thất thì được xem trước và sắp đặt thử trong không gian sống hiện tại là điều mà mọi khách hàng đều yêu thích, mong muốn được trải nghiệm để có thể dễ dàng đưa ra quyết định hơn.
Như vậy, nhìn chung công nghệ AR sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng không chỉ với những hoạt động truyền thông mà còn trực tiếp tác động đến quá trình ra quyết định mua sản phẩm/dịch vụ của họ. Tuy nhiên, với sự tiến bộ công nghệ hiện nay, chắc chắn trong tương lai AR sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa nếu được ứng dụng phù hợp vào hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Một số case-studies ứng dụng công nghệ AR

Quay lại thời điểm 2019, AR còn là một công nghệ mới với nhiều tính năng hấp dẫn, lạ. Vì vậy, hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu trẻ trung và năng động của mình, Kichi-Kichi (chuỗi nhà hàng buffet lẩu băng chuyền độc đáo hàng đầu Việt Nam) đã ứng dụng công nghệ AR hiện đại để triển khai chiến dịch “Cam kết mát lạnh”. 
Kết quả, chiến dịch đã thành công đưa Kichi-Kichi trở thành “top-of-mind” về LẨU trong mùa hè năm ấy, đặc biệt là với nhóm khách hàng trẻ thích cập nhật và trải nghiệm những xu hướng công nghệ mới trên thị trường. 
Tháng 09/2019, trong chiến dịch ra mắt mạng xã hội Lotus của mình, VC Corp đã giới thiệu chiếc thiệp mời sự kiện dành riêng cho khách VIP trên nhiều kênh truyền thông. Và đó chính là chiếc thiệp trông như thẻ ATM có dòng chữ Lotus và biểu tượng hoa sen 6 cánh với tính năng tái hiện hiệu ứng AR sáng tạo, vô cùng độc đáo.
Nhằm truyền thông cho sản phẩm âm nhạc của mình, Amee đã kết hợp cùng Việt Tương Tác triển khai một Filter AR dạng Gaming, được thiết kế dựa trên cốt truyện của MV về một cô nàng theo đuổi crush của mình. 
Game có lối chơi đơn giản, dễ dàng, người chơi chỉ cần vượt qua các chướng ngại vật như nhiều tựa game quen thuộc khác (Mario, Flappy Bird,...). Tuy nhiên, ở chiến dịch lần này, sự khác biệt của game chính là người chơi sẽ điều khiển nhân vật của mình bằng những “nụ hôn” thay vì phải qua “những cái tap” vào màn hình, bám sát thông điệp của chiến dịch.  
Nhờ đó, chỉ trong hơn một tuần triển khai (từ 18/7 - 25/7), sức lan tỏa của chiến dịch đã được thể hiện rõ ràng qua lượt hiển thị game lên tới 1.39 triệu, có 427.8 nghìn lượt mở, 159.4 nghìn lượt sử dụng.
Xuất phát từ Big Idea “Stay Playful”, Oreo đã thành công trong việc biến chiếc thiệp nhạc thành chìa khoá kết nối giữa khách hàng và nhãn hàng nhờ sự ứng dụng công nghệ AR hiệu quả trong chiến dịch Tết năm 2020 của mình. 
Cụ thể, để tham gia trải nghiệm đặc biệt này, đầu tiên khách hàng sẽ phải cắn miếng bánh Oreo sao cho khớp với hình có sẵn trên tấm thiệp đính kèm. Sau đó, khi dùng camera điện thoại để scan chiếc bánh đã đặt trên hình ảnh có in sẵn của nhãn hàng tại website: www.playoreo.com, điện thoại của họ sẽ phát lên giai điệu nhạc truyền thống rộn ràng dành riêng cho ngày Tết Việt Nam.
  "Cô Vy đi đi" là một trong những chiến dịch ý nghĩa thu hút được đông đảo người tham gia giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đầu năm 2020. Và "Chơi game filter #Covydidi" chính là thử thách thứ 9 trong 14 thử thách của chiến dịch. 
Với lối chơi đơn giản, nghiêng đầu sang trái - phải để né virus rơi xuống kết hợp khẩu trang AR đã tạo nên một filter vui vẻ và thú vị trong thời điểm đại dịch. Không chỉ vậy, bộ game filter #Covydidi rất đa dạng để người dùng lựa chọn. Ngoài game né "Cô Vy" giống như Trang Hý đã chơi còn có 2 đầu game khác dễ hơn là "Ở nhà vẫn vui" và "Bạn đánh bật Cô Vy bao nhiêu mét".