Hôm nay,thứ sáu,  ngày 19, tháng 7, năm 2019. Hà Nội một ngày oi nóng, nghĩ vẩn vơ rằng mình muốn viết một thứ gì đó có ích cho bản thân và mọi người, chọn tới, chọn lui, bỗng thấy chủ đề về " Radio" hay hay nên người viết bài có vài dòng như thế này gửi tới những ai đã hoặc đang có một thời thích nghe Radio. Bài viết của người viết bài gồm ba phần: Phần thứ nhất, là những kí ức của thế hệ trước về chiếc Radio, phần thứ hai là lý do tại sao người viết vẫn thích nghe " Radio" và phần ba( phần cuối) đó là những suy tư, trăn trở của người viết bài về tương lai, sự phát triển của radio trong thời đại kĩ thuật số.
Một chiếc đài của những năm xưa cũ
 Phần thứ nhất: " Radio" phương tiện truyền thông vua của người Việt Nam những tháng năm về trước.
Nghe từ " Radio" có vẻ xa lạ hơn đối với người Việt Nam hơn từ " đài". Đài, một phương tiện truyền thông quen thuộc đối với các bác, các ông đã trải qua thời chiến tranh, thời khó khăn của dân tộc. Cách đây không lâu, người viết bài có xem chương trình " Quán thanh xuân " phát sóng trên VTV 1 hàng tháng của nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, số đầu tiên( số xuân năm 2019) với chủ đề " Mùa chim làm tổ " có đề cập đến những tháng năm của các cô , các chú, các bác nghe radio. Thời đó, nghe các cô, các bác, các chú kể lại rằng do  điều kiện kinh tế  của nước ta còn khó khăn nên nhà nào có được một chiếc đài là đã khá giả lắm rồi, chiếc đài nghiễm nhiên trở thành một vật để phân biệt nhà nào giàu, nhà nào nghèo. Không chỉ có vậy, giữa những chiếc đài  với nhau còn là sự phân chia thứ bậc trong tầng lớp xã hội lúc đó. Thời đó việc nhận được một chiếc đài do Nhà nước phân phát sẽ phụ thuộc vào chức vụ anh đang giữ, anh chức to thì được đài to và tốt hơn còn chức nhỏ thì được đài nhỏ và chất lượng không tốt bằng. Do khó khăn mà thời đó người ta quý trọng đài , nâng niu chiếc đài của mình, chuyện kể rằng có  một ông bố làm cán bộ Nhà nước được tặng một chiếc đài của Liên Xô mỗi khi cho cả nhà nghe ông bố còn dặn người con của mình không được thở quá mạnh không thì hỏng đài của mình. Thời ấy phương tiện nghe, nhìn chưa nhiều cho nên có một chiếc đài như là một người bạn tâm giao, chương trình của đài và các kênh, chất lượng nghe không như bây giờ nhưng đã bao nhiêu năm nay mà những con người của thế hệ trước chỉ cần nghe nhạc hiệu là biết được ngay chương trình yêu thích của mình. Đã có những người mấy chục năm trời vẫn thích nghe chương trình " Đọc truyện đêm khuya" trên VOV 2 hay những chương trình như " Câu chuyện cảnh giác", " kịch truyền thanh". Những con người ấy, có lẽ sẽ không bao giờ quên nhạc hiệu mở đầu ngày mới của Đài tiếng nói Việt Nam : " Đây là đài  tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Những ký ức đẹp đã qua và ....
Phần thứ 2: Tại sao bây giờ tôi vẫn thích nghe " Radio" ?
Thứ nhất, tôi thích những gì hoài niệm và radio chính là người bạn cho tôi cảm giác hoài niệm tốt nhất đó. Mỗi lần nghe radio thì những ký ức về những năm tháng xưa cũ của tôi chợt ùa về.  Ở radio luôn có những chương trình đưa thính giả quay trở lại những năm tháng xưa cũ qua những chương trình đọc thư thính giả. Những câu chuyện, những hồi ức và quan trọng hơn tôi thấy mình trong những câu chuyện đó, thấy tâm hồn mình đồng điệu cùng những lá thư của tác giả.
Thứ hai, radio là nơi tôi lắng nghe những âm thanh của cuộc sống một cách gián tiếp  thú vị hơn truyền hình, mạng xã hội. Bước vào thế giới của radio là một thế giới đầy rung cảm. Một thế giới mà chúng ta chỉ tưởng tượng mọi điều chỉ qua âm thanh, đó là tiếng phóng viên phát thanh từ một " điểm đen " tắc đường hàng ngày, đó là giọng trầm ấm của chị phát thanh viên còn rất trẻ về một bức thư của một đôi tình nhân gửi cho nhau, là bức thư của người bố gửi cho con, là lời động viên, an ủi của chuyên gia tâm lý dành cho những tâm hồn bị tổn thương, là câu chuyện tiếu lâm mỗi sáng đi làm khi ngoài kia là tắc đường, khói xe, bụi bặm..... Bước vào thế giới của radio là thế giới của những sắc màu, là màu xanh của tuổi trẻ hừng hực trên Xone FM, là màu trắng tinh khôi tình những sáng tác nghệ thuật trên VOV 2, là màu tím mê hoặc từ những chương trình trên VOV 6... Radio quyến rũ tôi như vậy đó.
Thứ ba, khi nghe radio tôi thấy tâm hồn mình trong sạch hơn giữa cuộc đời còn nhiều sạn ngoài kia. Khi từ giảng đường đại học về, tôi thường nghe radio, có thể từ radio  trên xe bác tài hoặc là từ chiếc điện thoại di động của tôi. Khi xe chạy, cũng là hành trình nghe radio của tôi bắt đầu, nhiều khi mệt mỏi thì chỉ cần nghe một bài phát ngẫu nhiên trên radio là thấy tinh thần mình thêm khỏe khoắn hơn, khi không muốn nghe nhạc thì có thể là vài dòng tin tức, thú vị hơn là những tin tích cực, câu chuyện đẹp khiến tôi thấy cuộc đời này thêm ý nghĩa hơn. Khi nghe radio tôi như quên cuộc đời với những khó khăn, vất vả ngoài kia.
Phần 3: Radio sẽ đi về đâu trong thời kì đại kĩ thuật số hiện nay?
Mạng xã hội phát triển không ngừng, internet ngày càng phủ rộng tới khắp ngõ ngách, các phương tiện nghe nhìn đang và đã thay thế radio. Vậy ai còn nghe radio? Còn chứ, còn nhiều lắm. Là các bác tài, là những người đã có một quá khứ đẹp với chiếc đài... Mặc dù radio không còn là sự lựa chọn duy nhất của mọi người nữa nhưng đâu đó trên đất nước này âm thanh của radio vẫn vang lên đều đặn hàng ngày, mọi sự trên cuộc đời này sẽ đổi thay và những kênh trên radio cũng đang thay đổi để phù hợp với xu hướng hiện nay và tôi mong rằng những âm thanh phát ra từ chiếc radio sẽ là điều cứu rỗi cho những tâm hồn lạc lối trên thế giới này. Thân gửi!