Tại sao bạn nên tìm một nỗi đau để cam chịu trong cuộc đời này?
Đây là phần dịch của mình từ bài viết The Most Important Question of Your Life của tác giả Mark Manson....
Đây là phần dịch của mình từ bài viết The Most Important Question of Your Life của tác giả Mark Manson.
Chúng ta ai ai cũng muốn được bồng bềnh trong những xúc cảm êm ái. Ai cũng mơ về một cuộc đời vô tư, dễ dàng và hạnh phúc, một cuộc đời mà ta yêu và được yêu, ta có những đêm làm tình thật cháy bỏng và những mối quan hệ khăng khít bền bỉ. Ở cuộc sống đó, ta trông hoàn hảo và giàu sang làm sao, chẳng gì tuyệt hơn được nổi tiếng và kính trọng, khi mỗi bước ta đi đều được đám đông lập tức dạt ra hai bên để nhường đón.
Chúng ta ai ai cũng đều có thể mê mẩn những điều đó, bởi nghe chúng tuyệt đến như vậy mà.
Nếu đó là những gì bạn mong cầu, thì tôi đoán rằng đứng trước câu hỏi “Bạn ước gì trong cuộc sống này?”, bạn sẽ có ngay câu trả lời đại khái là “Tôi muốn được sống thật hạnh phúc, có một gia đình ấm êm và làm một công việc mình đam mê bùng cháy”. Nhưng bạn có thấy câu trả lời ấy thật chung chung và chẳng có ý nghĩa gì cả không?
Tôi có một câu hỏi thú vị hơn cho bạn này, một câu hỏi mà tôi dám chắc là trước nay bạn chưa từng nghĩ tới, đó là Bạn muốn nỗi đau nào trong cuộc đời này? Bạn sẵn sàng vì cái gì mà chịu đựng mọi khó khăn nhọc nhằn thế? Bởi vì trả lời được câu hỏi như vậy, bạn mới nắm được yếu tố quyết định đến việc cuộc sống của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào.
“Bạn muốn nỗi đau nào trong cuộc đời này? Bạn sẵn sàng vì cái gì mà chịu đựng mọi khó khăn nhọc nhằn thế?”
Chúng ta đều muốn một công việc xịn đét và tự chủ về mặt tài chính - nhưng chẳng mấy ai muốn chịu đựng xuyên suốt 60 tiếng làm việc 1 tuần, với những lần di chuyển mệt mỏi để đến nơi làm việc, với việc phải đối mặt cả mớ thủ tục giấy tờ rườm rà, để làm lụng dưới sự chỉ đạo của một đống ban bệ tùy tiện, rối rắm, để bị giam trong một khối vuông chật hẹp có tên văn phòng mà không thấy ngày độc lập. Con người ta đều muốn được trở nên giàu có mà không phải bỏ sức đương đầu với những rủi ro, những hy sinh cá nhân, và cũng không muốn phải chờ thật lâu tới khi tích lũy đủ của cải thì mới được mỉm cười hài lòng.
Chúng ta đều thèm khát những lần ân ái đê mê và một mối quan hệ chỉ có thăng mà không có trầm - nhưng chẳng mấy ai sẵn sàng cùng người mình yêu thương vượt qua những cuộc đối thoại khó khăn, những lần tranh cãi căng thẳng, những khoảng lặng như cào xé tâm can, những cảm xúc đau quặn không ngớt, và cả những cơn giông bão của cảm xúc và tinh thần, để đạt được sự thèm khát ấy.
Họ nhìn nhận nỗi đau như một thứ tiêu cực cho mối quan hệ và họ muốn tránh nó bằng mọi giá, trong khi đó nỗi đau thực tế mà nói thì phức tạp hơn. Chúng ta đều có khả năng, mà theo tôi là có trách nhiệm, gán cho nỗi đau của chúng mình một ý nghĩa, để những nỗi đau cũng có thể trở thành mục đích sống.
Nhưng đa số mọi người không hề nhận ra điều này. Và vậy nên họ sống một cách ổn định. Họ trôi đi trong sự bình lặng và tự hỏi “Sẽ ra sao nếu…?” trong hàng chục chục năm cho tới khi câu hỏi biến chuyển từ “Sẽ ra sao nếu…?” thành “Điều đó đã có thể rất khác, đúng không?” Và mọi chuyện cứ thế diễn ra cho đến khi luật sư của bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, thông báo tiền trợ cấp sau ly hôn đã nằm trong email, còn câu hỏi lúc này đã trở thành “Thứ này giờ thì có nghĩa lý gì?” Nếu hình ảnh này không phải là minh chứng cho hậu quả của việc con người ta hạ thấp tiêu chuẩn sống và kỳ vọng cuộc sống suốt ngần ấy năm cuộc đời, sống một cách thả trôi, thì nghĩa lý của chúng còn có thể là gì?
Hạnh phúc đòi hỏi ta phải gặp trắc trở và nỗ lực đấu tranh để giải quyết chúng. Sự tích cực thực chất chính là tác dụng phụ ta nhận được trong quá trình xử lý những tiêu cực trong đời. Bạn có thể né tránh đối diện với sự tiêu cực, nhưng không thể ngăn chúng trở lại và gào thét vào một lúc nào đó khác trong đời.
Về mặt bản chất của hành vi, nhu cầu của mỗi chúng ta đều ít nhiều có điểm tương đồng. Ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận những điều tích cực. Nhưng chính những thứ tiêu cực mới là thứ đáng để chúng ta “lao tâm khổ tứ”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó, những gì chúng ta nhận được trong cuộc sống chẳng đến từ những cảm xúc dễ chịu, hài lòng mà chúng ta mong cầu; mà nó đến từ những cảm xúc đau buồn, chạm đáy, những cảm xúc mà chúng ta sẵn sàng đối mặt và đi qua để rồi chúng đưa ta đến hạnh phúc thật sự.
“Những gì chúng ta nhận được trong cuộc sống chẳng đến từ những cảm xúc dễ chịu, hài lòng mà chúng ta mong cầu; mà nó đến từ những cảm xúc đau buồn, chạm đáy, những cảm xúc mà chúng ta sẵn sàng đối mặt và đi qua để rồi chúng đưa ta đến hạnh phúc thật sự”
Chúng ta ai cũng muốn có một vóc dáng thật nóng bỏng. Nhưng ta sẽ chẳng thể chạm được đến điều ấy nếu như ta không thực sự “tận hưởng” những thớ cơ, những vùng da thịt đau nhức nhối, những lần cơ thể bị đẩy đến giới hạn vì tập luyện với cường độ không tưởng ở phòng tập hàng giờ; hay ta không “dám yêu” lối ăn uống bắt buộc phải tính toán và định lượng trong từng thứ ta đưa vào miệng, cái lối ăn uống yêu cầu kỷ luật đến tận từng phần ăn bé tí ti.
Chúng ta ai cũng muốn bắt đầu một cơ ngơi kinh doanh hào nhoáng của riêng mình hoặc được độc lập tài chính dài lâu. Nhưng ta nào có thể trở thành một doanh nhân thành công mà không tìm được ra cách để “nâng niu” những rủi ro, những trúc trắc bất ổn, những thất bại xoay vòng, và lao động điên cuồng cho một thứ mà ta chẳng thể biết nổi liệu nó có thành hay bại.
Chúng ta ai cũng muốn có một người bạn đời, một tri kỷ hoàn hảo. Nhưng sau cùng, ta sẽ không thể thu hút, hay ở cạnh ai dài lâu khi mà chính ta không thể bao dung với những dòng cảm xúc hỗn loạn, những lần bị chối bỏ, những “cuộc yêu” khốn khó, và thờ ơ trước những cuộc gọi tìm đến nhau. Đó là một phần của trò chơi có tên tình ái. Ta chẳng thể thắng nếu như không chấp nhận dấn thân vào trò chơi.
Thứ mà định hình nên thành công trong cuộc sống của bạn không phải là “Bạn muốn hưởng thụ điều gì?” đâu. Câu hỏi đúng phải là “Nỗi đau nào làm bạn muốn chịu đựng, vượt qua?” Chất lượng của cuộc sống này không được hình thành từ những điều tích cực dễ dàng, mà sẽ là “trái ngọt” ta hái được sau những trải nghiệm tiêu cực. Thế nên, khi bạn biết cách đối phó với những điều tiêu cực, cũng là khi bạn biết cách để tạo ra sự hài lòng thực sự trong cuộc sống này.
“Khi bạn biết cách đối phó với những điều tiêu cực, cũng là khi bạn biết cách để tạo ra sự hài lòng thực sự trong cuộc sống này”
Có quá nhiều lời khuyên dở ói ở ngoài kia đang ra rả: “Bạn sẽ có được mọi thứ bạn muốn, miễn là bạn muốn nó đủ nhiều!”
Ai mà chẳng muốn một thứ gì đó. Và chúng ta luôn thèm khát thứ ấy đủ nhiều. Nhưng ta chỉ là chẳng cả biết “thứ gì đó” ấy là gì, hay đúng hơn là, ta không hiểu thứ gì là thứ đang làm ta sống “đủ thèm khát”.
Bởi lẽ nếu như bạn muốn có được thứ gì đó trong đời, bạn buộc phải “thèm khát” cả những đánh đổi tương ứng. Bạn muốn có một thân hình ngon nghẻ ư? Bạn cần phải “muốn” cả những lần tắm trong mồ hôi, quặn vì đau nhức, hi sinh những buổi sáng dễ chịu trong chăn ấm nệm êm, và để cho cơn thèm ăn hành hạ. Bạn muốn mỉm cười cưỡi sóng trên chiếc du thuyền sang chảnh ư? Bạn cũng phải mỉm cười trong những lần thâu đêm làm việc, khi bạn bước những bước kinh doanh đầy rủi ro, và khả năng đối mặt với sự căm phẫn của 1, hoặc 10 nghìn người khác.
Nếu như bạn thấy bản thân mình đang hằng ao ước một thứ này từ ngày này qua tháng kia, năm này tới năm khác, mà đến tận giờ đây bạn vẫn chưa có gì xảy đến, và bạn chưa tiến được thêm bước nào lại gần để chạm tay vào thứ ấy, thì có lẽ điều bạn mơ ước ấy chỉ là một mơ tưởng viển vông, thứ được lý tưởng hóa và là một điều hứa hẹn hão huyền. Có lẽ điều bạn mơ ấy chẳng phải thứ bạn muốn đâu - bạn chỉ đang thích thú với cảm giác mong muốn nó thôi. Có lẽ bạn chẳng thật sự thèm khát thứ này đến thế.
Có đôi khi tôi cũng hỏi người ta rằng, “Bạn sẽ chọn được chịu cực khổ như thế nào?” Những người đó sẽ nghiêng đầu khó hiểu và nhìn tôi như thể tôi có 24 cái lỗ mũi vậy.
Nhưng tôi hỏi điều đó vì chính nó sẽ nói cho tôi biết về bạn sâu hơn là những sự thèm khát và mộng tưởng đơn thuần. Bởi vì bạn phải chọn một thứ mình dám đau đời vì nó. Bạn nào có thể sở hữu một cuộc sống trơn tru. Cuộc sống này đâu thể tràn đầy hoa hồng mọi lúc.
Và sau cùng mà nói thì, câu hỏi khó nhằn đó vẫn luôn là câu hỏi thực sự quan trọng. Đâu là điều làm ta thỏa mãn mãi là một thứ dễ hỏi dễ trả lời. Và gần như tất cả chúng ta đều có câu trả lời sêm sêm không mấy khác biệt. Câu hỏi thú vị thực sự ở đây phải là về nỗi đau.
“Nỗi đau nào làm bạn muốn chịu đựng, vượt qua?”
Khi trả lời được câu hỏi này, cuộc đời bạn sẽ thực sự bước sang trang mới. Nó chỉ ra cái gì làm nên tôi, còn cái gì mới làm nên bạn. Nó là thứ định nghĩa mỗi cá thể trong chúng ta một cách hoàn toàn tách biệt khỏi nhau, và sau cùng cũng là thứ gắn kết chúng ta lại.
Hầu như trong suốt quãng niên thiếu và tập trưởng thành của mình, tôi đã luôn mơ mộng đến một ngày bản thân sẽ trở thành một nhạc sĩ - đặc biệt là một ngôi sao nhạc Rock cừ khôi. Cứ mỗi khi tôi nghe một bài hát đỉnh cao, tôi đều nhắm nghiền đôi mắt và mường tượng ra viễn cảnh bản thân mình đứng trên sân khấu và say mê chơi bài hát ấy cho đám đông đang gào thét trong đê mê vì ngón đàn thần sầu của tôi.
Ảo mộng này có thể níu giữ tôi hàng giờ liên trong đó. Và sự mộng mơ vẫn được tôi ấp ủ trong suốt những tháng năm đại học, kể cả là sau khi tôi đã bỏ trường nhạc và bỏ cả chơi nhạc một cách nghiêm túc rồi.
Nhưng ngay cả sau loạt sự kiện ấy xảy ra, câu hỏi ám ảnh lấy tôi vẫn chẳng phải là tôi có đủ khả năng để chơi nhạc và khuấy động một đám đông không, mà tôi chỉ chăm chăm nghĩ lúc ấy là khi nào. Tôi cứ chờ đợi thời gian phù hợp để dồn tâm huyết của mình vào, biến ước mơ của mình ra ngô ra khoai. Trước tiên, tôi sẽ tốt nghiệp đại học đã. Sau đó, tôi sẽ dùng tấm bằng ấy để kiếm tiền nuôi đam mê. Tiếp theo, tôi cần chờ thời điểm để đầu tư cho ước mơ. Rồi sau đó thì… làm gì còn sau đó.
Mặc cho thân tôi đã ôm ảo mộng kia tới hơn nửa quãng đời mình, thì thực tại vẫn chẳng bao giờ có được nó. Và ảo mộng ấy đã cuỗm mất của tôi một quãng thời gian dài hơi, cũng như cả tá những trải nghiệm tiêu cực, chỉ để sau cùng giúp tôi tìm ra một chân lý: Tôi không thực sự muốn trở thành ngôi sao nhạc Rock như trong tưởng tượng ấy.
Tôi đúng là đã mê mệt với kết quả - đó là hình ảnh của tôi trên sân khấu sáng đèn, với người hâm mộ vây quanh cuồng nhiệt, tôi sẽ đứng giữa họ cháy hết mình với cây đàn, với âm nhạc và đam mê - nhưng tôi lại không hề thích thú quá trình khổ luyện cho ngày ấy. Và vì lẽ đó, tôi thất bại ê chề. Điều này cứ lặp đi lặp lại. Mà đùa ai vậy chứ, tôi còn chẳng cố gắng đủ để mà gọi là thất bại. Tôi gần như chẳng buồn thử cố gắng một chút nào.
Hãy thử nghĩ về chuỗi ngày nối ngày vất vả luyện tập, rồi phải tự mình ngược xuôi đi tìm thành viên để lập band, tiếp theo là nỗi đau bị liên tiếp chối từ trước khi có được hợp đồng biểu diễn, và vượt qua thực tế là làm thế nào để khán giả sẽ xuất hiện và chịu ngó ngàng tới một gương mặt mới toanh trên sân khấu. Chuyện gì có thể xảy ra tiếp đây? Dây đàn có thể đứt, âm thanh có thể bị trục trặc, rồi ai sẽ là người phải vác cả vài chục ký lô nhạc cụ sau mỗi buổi tập về nhà ngoài tôi đây.
Để lên được đỉnh cao của ước mơ thì ta có cả một trái núi sừng sững chờ chinh phục. Và tôi đã tốn cả một quãng thời gian dài chỉ để nhận ra tôi không hề thích việc leo núi. Tôi chỉ đơn giản là thích mê cái viễn cảnh khi nhìn xuống từ đỉnh cao mà thôi.
Xã hội này sẽ chửi vào mặt tôi rằng tôi là một kẻ thất bại toàn tập. Người theo đạo self-help thì sẽ nói tôi chưa đủ dũng cảm và niềm tin vào bản thân. Hội doanh nhân ngoài kia sẽ bảo tôi mới chết nhát làm sao khi đầu hàng để bằng lòng với những điều tầm thường trong cuộc sống.
Nhưng sự thật thì nhạt nhẽo hơn thế nhiều: Tôi đã nghĩ tôi muốn một thứ này, như trở thành một ngôi sao âm nhạc đình đám, nhưng hóa ra tôi không hề muốn thế. Chấm hết.
“Tôi của khi ấy chỉ muốn trái ngọt chứ đâu phải chuỗi ngày trồng cây. Tôi của khi ấy chỉ chăm chăm đợi kết quả mà không chịu đựng một quá trình để đến đấy. Sự mê mẩn của lòng mình tôi đâu có dành chỗ cho những cuộc chiến đâu, tôi chỉ lưu tâm về hào quang rực rỡ.”
Mà cuộc đời thì không hề xảy ra theo cách ấy.
Bạn là ai trong cuộc đời này được định nghĩa bởi những giá trị bạn sẵn lòng để chịu đựng để đạt được. Những ai yêu thích được sự đánh vật của phòng gym đều là những người sẽ có được thân hình như ý. Những ai tận hưởng hàng tuần làm việc dài và thích nghi được với bộ máy công ty đều rồi sẽ thăng tiến trong sự nghiệp. Những người cảm nhận được niềm vui trong cái bấp bênh của làm nghệ thuật cuối cùng sẽ là những người thực sự rạng danh tên tuổi.
Đây không phải lời tôi kêu gọi bạn hãy gan góc lên, hay mấy lời khuyên tạo động lực kiểu “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai”.
Đây chỉ là điều cơ bản nhất trong cuộc sống thôi, rằng những nỗ lực vượt khó khăn của chúng ta mới chính là thứ quyết định thành công ta đạt được. Nên là, bạn thân mến à, hãy chọn lựa nỗi đau mà mình sẽ trải qua thật khôn ngoan vào nhé.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất