Trên thế giới, có khoảng 60% dân số - 4,7 tỉ người sử dụng mạng xã hội với thời gian trung bình lên đến 2 tiếng 30 phút. Trong khi đó, chúng ta còn chẳng dùng đến hai tiếng để ăn cơm. Và ta dường như không thể bỏ điện thoại xuống. Tại sao lại như thế?
Tại sao bạn không thể ngừng lướt mạng?
Ảnh bởi
ROBIN WORRALLtrên
Unsplash1. Vì các mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện.
Mạng xã hội kích thích bộ não sản sinh ra dopamine. Dopamine là một loại hormone có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, cải thiện tâm trạng, tăng sức sáng tạo của con người.
Dopamine được sản xuất nhiều khi cơ thể mong muốn được tặng thưởng, trong các hoạt động như tập thể dục, ăn uống, mua sắm, quan hệ tình dục và sử dụng mạng xã hội.
Mạng xã hội có thể cho bạn những phần thưởng nhỏ ngay lập tức với cực ít nỗ lực: khi bạn đọc được một bài viết hay, xem được một video vui vẻ, khi có người bình luận hoặc nhấn like bài post của bạn…. Cảm giác thành tựu này giúp sản sinh dopamine - hormone hạnh phúc. Và tất nhiên, chúng ta nghiện cảm giác này.
2. Chúng ta không thể dự đoán được những gì chúng ta sẽ đọc.
Để nghiên cứu hành vi con người, các nhà khoa học đã thí nghiệm với chuột. Họ cho một con chuột vào một cái hộp. Chiếc hộp được thiết kế với nút bấm. Khi con chuột nhấn nút, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện thức ăn. Đa số những lần khác thì không.
Và con chuột tiếp tục bấm nút đến khi có đồ ăn, liên tục không ngừng.
Việc liên tục lướt newfeed khiến chúng ta hành động không khác gì con chuột cả. Đa số những bài post bạn gặp phải chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí bạn vừa lướt vừa tự hỏi sao mình lại phí thời gian vào cái trò vô bổ này, cho đến khi bạn bắt gặp một bài viết bạn thích.
Bạn vui vẻ, nhấn like và tiếp tục lướt mạng.

3. Bộ não của chúng ta muốn biết thêm nhiều thông tin - kể cả những thông tin tiêu cực và vô giá trị.
Đa phần chúng ta đều có một nỗi sợ: sợ bị bỏ lại. Vậy nên chúng ta cố nhồi nhét vào đầu một đống thông tin: từ việc hôm nay diễn viên nam nào cưới vợ, ca sĩ nữ nào không đi đám cưới đến tình hình chính trị - kinh tế thế giới… Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Bạn biết thêm những chuyện đó để làm gì? Trong số những thông tin bạn nạp hàng ngày, bao nhiêu % giúp ích cho cuộc đời bạn?
Con người sinh ra với khao khát được kết nối - và mạng xã hội giúp bạn đạt được điều đó. Trong bộ phim The Social Network kể về sự hình thành của mạng xã hội Facebook, người đóng vai Mark Zuckerberg đã nói “Bọn sinh viên dùng facebook vì bạn bè chúng nó dùng”. Nhưng lại thêm một câu hỏi nữa “Trong số những bạn bè trên mạng xã hội của bạn, những người like, comment hoặc trạng thái hoạt động xuất hiện đầy trên newfeed của bạn - bạn biết được bao nhiêu % trong số đó?”
4. Chúng ta thích trạng thái không suy nghĩ gì.
Khi cuộc sống của bạn gặp vấn đề, bạn có thể trốn tránh bằng cách uống rượu, dùng chất kích thích, chơi cờ bạc, xem phim… - những hoạt động này giúp bạn không suy nghĩ gì và trốn tránh thực tại.
Mạng xã hội cũng có chức năng tương tự. Khi lướt mạng, bạn sẽ rơi vào trạng thái không có suy nghĩ và cảm xúc nào hết. Hàng giờ trôi qua và bạn còn chẳng biết mình đã xem gì.
Và cũng giống như dùng thuốc lá, rượu bia, bạn sẽ càng suy sụp hơn khi phải quay trở lại đối mặt với hiện thực.
Tác hại của mạng xã hội.
1. Mạng xã hội khiến bạn đánh mất bản thân mình.
Bạn có nhớ được MÌNH LÀ AI trước khi xã hội định nghĩa BẠN NÊN LÀ AI không?
Với mạng xã hội, chúng ta là SẢN PHẨM - và chúng ta để những người khác đánh giá giá trị của mình. Một cái like hoặc một comment khen ngợi có thể khiến bạn tự hào và vui vẻ. Ngược lại, một bình luận chê bai sẽ khiến bạn hoài nghi về giá trị của mình.
Có một thuật ngữ gọi là mimetic desire - bắt nguồn từ nước Pháp - diễn tả việc chúng ta khao khát những thứ người khác muốn, chứ không phải những gì bản thân chúng ta muốn. Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng này.
Nhìn những bức ảnh của hàng loạt siêu mẫu không chút mỡ thừa nào trên mạng, bạn sẽ nghĩ rằng mình béo lắm và vội vàng giảm cân. Nhìn một người khoe cuộc sống hào nhoáng với nhà, xe, tiền bạc, bạn khao khát những thứ tương tự.
Chỉ cần một công ty chi đủ mạnh vào tiền quảng cáo, mời hàng loạt KOL trên tiktok quảng cáo sản phẩm của họ, bạn sẽ nảy sinh mong muốn sở hữu những món đồ ấy.
2. Mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Nhờ facebook, instagram, tiktok, những người nổi tiếng và thành công chưa bao giờ dễ gặp đến thế. Nhiều lúc mình tự hỏi tại sao có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp trường khủng, đi làm công ty to, đi du lịch khắp thế giới, có một tình yêu đẹp đến thế nhỉ?…
Cuộc sống của tất cả mọi người từ siêu sao nổi tiếng đến bạn cùng lớp đại học có vẻ đều hào nhoáng, thành công và thú vị hơn bạn.
Vậy nên đi cùng với niềm ngưỡng mộ, bạn bắt đầu rơi vào tự ti, thấy cuộc đời mình chán nản và thất bại. Nhưng không ai mang sự thất bại của mình lên mạng xã hội để khoe khoang cả. Ai cũng có nỗi khổ của riêng mình và không ai hoàn hảo. Thay vì nhìn ngắm cuộc đời người khác, hãy sống cuộc đời của mình.
Đừng hiểu lầm, mình không anti mạng xã hội hay ghét bỏ những ai khoe thành tựu cá nhân lên đó. Việc đạt được thành công và mong muốn chia sẻ là chuyện bình thường. Việc có một hình tượng để mình phấn đấu trở thành sẽ mang lại kết quả tích cực. Nhưng nếu bạn có những cảm xúc tiêu cực sau khi nhìn ngắm cuộc đời người khác thì đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Ngoài ra, nhiều thông tin và bình luận trên các trang mạng xã hội khá độc hại. Con người thường quan tâm đến những vấn đề tiêu cực hơn - và các tin tức được đăng tải biết cách làm thế nào để thu hút sự chú ý . Liên tục tiếp xúc với lượng thông tin kiểu này sẽ khiến bạn nảy sinh lo lắng, cáu kỉnh và khó chịu.
3. Mạng xã hội khiến bạn không ở thì hiện tại.
Khi nhìn thấy một món ăn ngon hoặc đứng trước một cảnh đẹp, thay vì chỉ đơn giản tận hưởng, bạn lấy điện thoại ra chụp.
Khi nói chuyện với một người, thay vì tập trung lắng nghe vào câu chuyện của người đó, bạn lướt điện thoại.
Khi làm việc, thay vì cố gắng hoàn thành những việc cần làm, bạn liên tục check thông báo.
Điện thoại nói chung - hoặc mạng xã hội nói riêng - sẽ làm giảm khả năng tập trung, giảm hiệu quả làm việc, phá hủy mối quan hệ của bạn với mọi người và khiến bạn không nhận ra những thứ đẹp đẽ đang diễn ra ngay trước mắt.
Mạng xã hội là công cụ. Một loại công cụ có thể dùng với mục đích tốt, để tiếp xúc với những điều tích cực, để bạn học hỏi thêm nhiều kiến thức và có những trải nghiệm vui vẻ. Nếu đã bỏ ra hai tiếng cho mxh mỗi ngày, hãy dùng sao cho xứng đáng.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất