Rối loạn lo âu là tình trạng tâm lý không thể kiểm soát được, có biểu hiện vững chắc, mãn tính và khuếch tán, thậm chí có thể xảy ra dưới dạng kịch phát. Vậy Rối loạn lo âu hay Anxiety Disorder là bệnh gì và chúng ta nên đề phòng như thế nào?
Vì sao bạn bị Rối loạn lo âu?
Vì sao bạn bị Rối loạn lo âu?
Tôi vẫn còn nhớ cái thời đi học, cứ mỗi lần thi là bắt đầu lo lắng, thức khuya dậy sớm cày ngày cày đêm. Ngày thi thì tay cứ lăm lăm cuốn đề cương, dù có ngồi nói chuyện với chúng bạn, thì mấy tờ ôn tập đó vẫn ở trên tay, lâu lâu lại nhẩm đọc vì sợ quên thì là toi. 
Vậy mới nói lo lắng nhiều khi nó là động lực để chúng ta làm việc và học tập. Nhưng cái gì cũng có lợi và hại. 
Thú thật thì tôi không nghĩ lo lắng nhiều là tốt, bởi tôi từng chứng kiến có những người chỉ từ cảm xúc lo lắng mà dẫn thành bệnh rối loạn lo âu, một căn bệnh rất khó phát hiện nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến người mắc bệnh. Vậy Rối loạn lo âu là gì? Chúng ta có đang mắc bệnh mà không biết không? Và nó thì khác gì với cảm xúc lo lắng thông thường? 

Câu chuyện về Rối loạn lo âu - Anxiety Disorders  

Câu chuyện 1

Đã bao giờ các ông cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi khi đứng ở nơi công cộng? Với một người bình thường thì đó chỉ là cảm giác bồn chồn, và nó nằm trong tầm kiểm soát, nhưng ở một diễn biến khác của chứng Rối loạn lo âu thì đó lại là một “cuốn phim”. 
Peter mắc một trong những chủng bệnh của Rối loạn lo âu. Chàng trai rất sợ hãi mỗi khi tiếp xúc với đám đông. Cậu kế rằng, từng có lần cậu cảm thấy khó thở vì với các buổi tiệc tùng đông người, tay sẽ bắt đầu run bần bật khi trò chuyện với một người lạ. Đỉnh điểm nhất là thời đại học, câu kể rằng mình xin gia đình nghỉ học vì cảm thấy sợ hãi với môi trường đông đúc và xa lạ. 

Câu chuyện 2

Câu chuyện của chị Bình chia sẻ trên báo Dân Trí vào năm 2019 về bệnh tâm thần của mình cũng xảy ra những ám ảnh thái quá tương tự.
Chị Bình kể lại “năm 27 tuổi, sức khỏe tinh thần của tôi hoàn toàn tốt, sinh lực tràn trề. Nhưng kể từ khi rơi vào cú sốc, không thể vực dậy mình, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về những thứ tiêu cực, nhiều đêm không ngủ được, cảm thấy hồi hộp, lo âu rồi chân tay dần run sợ. Tệ nhất là tôi luôn có cảm giác sợ không an toàn, sợ rằng ai đó sẽ giết mình mà khi ngủ được thì lại gặp ác mộng.” 
Và cứ thế ngày qua ngày với những triệu chứng trên, tinh thần của chị Bình cũng dần hao mòn và kiệt quệ. Chị Bình cho biết, bản thân chị đã trải qua 7 năm bị rối loạn lo âu kèm theo bệnh trầm cảm. Và trong thời gian đó, chị từng nghĩ rằng chỉ có kết thúc cuộc đời thì mới thoát khỏi câu chuyện tệ hại mà mình đang trải qua. 
Nhưng cú sốc nào đã dẫn đến những bất ổn cho tinh thần chị? 
Nguồn cơn đến từ việc chị phát hiện chồng ngoại tình, bỏ chị và đi sống cùng nhân tình mới. Trước đó chị luôn cho rằng mình đang có một gia đình êm đềm và hạnh phúc, và khi phát hiện ra điều này chị đã vô cùng bất ngờ và suy sụp, bản thân tiều tụy hơn kể từ ngày đó. 

Câu chuyện 3

Câu chuyện thứ 3 này là một bài nghiên cứu tại thị trường Việt Nam. Tại hội thảo Tâm lý học đường do Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) và trường ĐH Quốc gia Hà Nội báo cáo cho thấy căn bệnh này còn xảy ra ở lứa tuổi học sinh, và đó là một con số khá cao. 
Nghiên cứu cho thấy có 20,65% học sinh lớp 1 mắc bệnh lo âu học đường ở mức độ vừa, và nguyên nhân chủ yếu là đến từ những áp lực kiến thức mà các em phải tiếp thu mỗi ngày. 
Và cuộc nghiên cứu này còn chưa kể đến các em học sinh có năng khiếu thể thao thay vì là môn học chính như Toán - Văn - Tiếng Anh, đủ để cho thấy các em này còn phải trải qua những áp lực tâm lý ở mức cao hơn. 
Theo các bác sĩ, người mắc bệnh rối loạn lo âu thường có những hành vi và cử chỉ tiêu cực quá độ. Có thể nói thế giới quan của họ tiêu cực hơn một người bình thường rất nhiều, mà một số biểu hiện thông người bạn có thể quan sát đó là run rẩy, mất ngủ, tệ nhất ở mức muốn chấm dứt cuộc sống này. 
Chính vì nó có những biểu hiện cảm xúc na ná như các chứng bệnh tâm thần khác, và một phần đây cũng là căn bệnh không quá phổ biến, chính vì vậy mà người ta thường nghĩ bản thân mình mắc bệnh trầm cảm, sức khỏe yếu thay vì là rối loạn lo âu. 
Thông thường những trường hợp rối loạn cho âu đến từ việc họ lo lắng quá độ về điều gì đó, mà khi nói ra thì người ta thường sẽ nói rằng “tại mày nhạy cảm quá thôi.” Vậy liệu rối loạn lo âu có phải là người quá nhạy cảm và thường xuyên không kiểm soát được cảm xúc? Nếu không thì chính xác rối loạn lo âu hay còn gọi là Anxiety Disorder là gì thì chúng ta sẽ cùng biết ngay sau đây. 

Rối loạn lo âu là gì?

Định nghĩa

Theo viện nghiên cứu tâm thần quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa, Rối loạn lo âu liên quan nhiều đến cảm xúc lo lắng hơn là hoảng sợ. Nhiều người lo lắng và sợ hãi khi bản thân mắc Covid, hay họ vừa “đâm” tiền vào trái phiếu thì nó lao dốc hoặc là việc bạn lỡ lời nói cái gì đó thì lại bị cả đám bạn cười. 
Với một người bình thường thì họ sẽ không sợ hay bị ám ảnh các vấn đề trên. Trái lại, đối với một người rối loạn lo âu, cảm xúc lo lắng và nỗi sợ sẽ được kéo dài theo giời gian. Người bệnh rối loạn lo âu sẽ cố gắng tránh các tình huống khiến họ tái hiện lại các triệu chứng hoặc tránh làm nặng thêm cảm giác lo âu. Khi bệnh nhân cảm thấy bất an, họ thường giải quyết vấn đề không hiệu quả, như học hành sa sút, các mối quan hệ xung quanh bị mất dần vì không ai chịu được tính cách khác lạ của họ. 
Tuy nhiên, bệnh tâm lý không phải do một chủng loại vi-rút nào xâm nhập vào cơ thể, mà nó đến từ tâm trí tiêu cực của một người đã được hình thành qua năm tháng. Đến một ngày thích hợp, nó sẽ  trở thành căn bệnh rối loạn lo âu, mà đã bệnh thì rất là khó chữa trị.
Vì vậy, trước khi để căn bệnh này “thâu tóm tâm lý bạn”, thì hãy lưu ý đến các triệu chứng sau đây

Triệu chứng Rối loạn lo âu

Bệnh nhân rối loạn lo âu thường gặp phải các triệu chứng như hoảng loạn, lo sợ, luôn cảm thấy không chắc chắn, sơ bị lừa gạt, khó ngủ, và khi ngủ được thì lại hay gặp ác mộng, không thể giữ được bình tĩnh và kết quả giải quyết vấn đề thì thường là gây ra bất lợi nhiều hơn cho bản thân mình.
Và trong những trường hợp căng thẳng, rối loạn, người bệnh thường xuất hiện một số biểu hiện như cảm thấy ớn lạnh, hơi thở bị mất kiểm soát, đổ mồ hôi, tay hoặc chân bị tê hoặc ngứa ran, chóng mặt, tim đập nhanh, khô miệng, buồn nôn, cơ bắp bị kéo căng, giảm khả năng tập trung, bị ám ảnh và phải lặp đi lặp lại hành động chỉ để giải quyết một vấn đề như rửa tay hay kiểm tra khóa cửa nhiều lần thì mới khiến bản thân an tâm. 
Tuy nhiên, trên đây chỉ là một số biểu hiện phổ biến sẽ xuất hiện trong các chứng bệnh của người mắc rối loạn lo âu, vì trong quá trình nghiên cứu và chữa trị cho bệnh nhân, các nhà tâm lý đã phát hiện ra có đến 4 kiểu bệnh rối loạn lo âu đang tồn tại cho đến thời điểm hiện tại. 

Phân biệt các nhóm Rối loạn lo âu

1/ Đầu tiên và cũng phổ biến nhất đó là rối loạn lo âu lan tỏa, là cảm giác lo lắng dai dẳng. Nó không giống như cảm giác lo lắng mà bạn có thể nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và giải quyết, mà có sẽ đưa tâm trí và cảm xúc lên trạng thái căng thẳng mức cao và kéo dài trong nhiều tháng, tệ hơn nữa sẽ là nhiều năm, đủ khiến bạn trở nên ám ảnh và kiệt quệ về tinh thần.
2/ Loại thứ 2 đó chính là Rối loạn hoảng sợ sẽ tái bệnh đối với tình huống cụ thể như sợ đi máy bay, sợ không gian hẹp, sợ máu, sợ kim tiêm,...ngay cả khi nó không thật sự nguy hiểm đối với họ. Cụ thể là đối với một người sợ rắn, thì dù con rắn đó đã chết thì họ cũng không dám cầm, và nếu như ai đó cố tình ném con rắn đó vào họ thì trong một số trường hợp họ có thể ngất xỉu. Cho nên là vui thôi đừng vui quá các ông ạ! 
3/ Và thứ 3 đó là Rối loạn lo âu xã hội là cảm giác sợ bị người khác nhìn hoặc đánh giá mình, những người mắc bệnh này thường sẽ khó nhìn trực tiếp hoặc né tránh ánh nhìn của người nói chuyện, hoặc sợ hãi khi phải đến những nơi công cộng đông người là vì họ sợ người khác sẽ nhìn và đánh giá mình. Điều này làm hạn chế các mối quan hệ cần cho cuộc sống của họ, vì người bệnh thường sẽ trốn ở một góc nào đó của buổi tiệc và chờ cho đến khi tiệc tàn. 
4/ Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là người bệnh sẽ tự vẽ nên trong đầu mình những suy nghĩ, hình ảnh mang tính ám ảnh, như việc nỗi sợ bị nhiễm trùng, từ đó thôi thúc họ làm liên tục và thường xuyên một hành vi nhằm giải tỏa mối lo đó cho họ. Tôi từng biết một người có thói quen rửa tay thường xuyên để giữ cho vết thương luôn sạch, vậy thì mới mau lành, họ tự nhủ như thế.
Thực tế điều này hoàn toàn không có một sách vở nào viết lại, và tất cả những gì bạn làm là hoàn toàn đến từ những gì bạn hình dung trong đầu. Nói cách khác là người bệnh đang tự đe dọa mình.  
Nhưng không phải ai trải qua cảm giác lo lắng hay sợ hãi cũng đều sẽ bộc phát thành căn bệnh rối loạn lo âu này. Vậy căn bệnh này đến từ đâu?

Chẩn đoán

Theo báo Sức khỏe và Đời Sống, hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân của bệnh. Theo đó, họ tìm ra được một số yếu tố gây nên bệnh: 
- Yếu tố đầu tiên đó là môi trường sống, bao gồm cả gia đình và xã hội. Một số người không chịu nổi những áp lực đến từ bên ngoài như áp lực về KPI, áp lực kết quả học tập hay áp lực trang trải cuộc sống gia đình,vân vân mà một số người tinh thần không vững, cái tôi thấp, dễ bị lung lay và suy nghĩ rất nhiều nên dễ mắc bệnh.
- Thứ hai đó là yếu tố di truyền: Nếu bạn đã có một trong những triệu chứng bên trên, kèm theo đó cha mẹ hoặc ông bà cũng từng mắc bệnh thì hãy kể điều này với chuyên gia tâm lý, bởi khả năng mắc bệnh của bạn khá cao. 
- Thứ 3 là yếu tố tâm lý: Một số người trong quá trình trưởng thành về tâm lý thì gặp phải một số biến cố như bị bạo hành, bị tẩy chay hoặc đánh hội đồng cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Từ đó, chỉ cần có thêm yếu tố áp lực từ môi trường cũng đủ khiến họ dễ dàng mắc bệnh nếu không biết cách chữa trị kịp thời. 

Cách thoát khỏi rối loạn lo âu

Mặc dù là bệnh tâm lý, nhưng rất may là Rối loạn lo âu có thể điều trị, thậm chí là hết hẳn, và điều bạn cần là sự nỗ lực và mong muốn thoát bệnh của mình. Vậy, bệnh này sẽ được chữa trị bằng cách nào? Có hai cách
Cách thứ nhất là chữa lành bằng tâm lý trị liệu
Đây là một trong những phương pháp khá phổ biến. Chuyên gia sẽ lắng nghe và phân tích vấn đề của người bệnh mà đưa ra cách chữa trị. Theo trang viện sức khỏe tâm thần quốc gia, có hai phương pháp được áp dụng với căn bệnh này. 
Thứ nhất Liệu pháp tâm lý hành vi (Cognitive behavior therapy, viết tắt là CBT). Liệu pháp này giúp người bệnh đối mặt với nỗi sợ tiềm ẩn, học cách thay đổi suy nghĩ và hành vi đối với vấn đề đó và dần dần chuyển đổi bản thân. 
Bạn có thể hình dung rằng từ một người lo âu mỗi khi bị Sếp mắng và nghỉ việc, sau khi được điều trị để xóa đi cảm xúc tiêu cực quá độ, mang họ trở về trạng thái ổn định, công việc đạt kết quả. 
Và thứ 2 đó là Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and commitment therapy, viết tắt là ACT) Liệu pháp này do Tiến sĩ Steven C. Hayes, là một là tâm lý học tại trường Đại Học Nevada phát triển. Phương pháp này giúp người bệnh chấp nhận thay vì trốn tránh cảm xúc  và suy nghĩ tiêu cực thông qua chánh niệm. Khi đó, người bệnh sẽ trải qua 5 giai đoạn thay đổi: Chấp nhận - đánh lừa nhận thức - Xem bản thân là bối cảnh - Hiện diện với thực tại - Làm rõ giá trị - Cam kết.

Chữa bằng thuốc Tây

Sự thật là thuốc uống Tây chỉ giúp bạn giảm các triệu chứng rối loạn lo âu mà thôi. Nhưng vì sao các bác sĩ tâm lý vẫn cho phép áp dụng cách này để chữa bệnh của người Rối loạn lo âu?
Hẳn bạn vẫn còn nhớ, một số trường hợp của bệnh rối loạn lo âu có thể khiến tim đập nhanh, tay chân run rẩy hoặc có thể khiến họ tiêu cực đến mức trầm cảm mà chấm dứt cuộc sống. Chính vì vậy, một số loại thuốc chữa bệnh trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc chẹn Beta,...như một cách tức thời để chữa cháy trong các tình huống cấp thiết.
Tóm lại, từ đầu đến giờ chúng ta biết rằng muốn hết rối loạn lo âu thì phải do bản thân mình có muốn hay là không, bởi vì tự chúng ta phải là người kết thúc nó. Nhưng tự kết thúc nó thì sao lại khó đến vậy? Một phần là vì bản thân chúng ta ít nhận ra mình mắc bệnh, mặt khác là đến từ xã hội. 

Rối loạn lo âu tồn tại trong xã hội như thế nào? 

Thực trạng sử dụng mạng xã hội

Một nghiên cứu được công bố từ trường Đại học Bath của Anh trên tạp chí Cyberpsychology, Behavior and Social Networking đã chứng minh sức ảnh hưởng của MXH lên tâm trí con người. 
Cuộc nghiên cứu là sự tham gia của 154 tình nghiện viên từ 18 đến 27 tuổi. Họ đều là những người có tiền sử về trầm cảm và lo âu, đặc biệt là thường xuyên dùng mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu chia các sinh viên thành 2 nhóm, trong đó, 1 nhóm sẽ yêu cầu không được sử dụng mạng xã hội trong vòng 1 tuần, nhóm còn lại thì cứ sinh hoạt bình thường. 
Kết quả sau một tuần là nhóm không sử dụng mạng xã hội đã có những cải thiện rất tốt, chứng trầm cảm và lo lắng của họ giảm đi đáng kể so với trước đây. 
Đến đây, chắc sẽ có vài ông bạn sau khi xem xong video này thì ném luôn cái điện thoại, bởi chỉ có cách đó mới tách bản thân mình khỏi thói quen lên FB, vô insta ngắm gái xinh hoặc lướt Tik Tok 180 phút. Tin mừng là chúng ta không nên cắt hẳn MXH, trên thực tế, mạng xã hội có thể là một công cụ giúp người Rối loạn lo âu kết nối dần dần với xã hội. 
Theo bài viết “Social Media and Social Anxiety Disorder” do Arlin Cuncic, chuyên gia nghiên cứu về rối loạn lo âu ở Đại Học Western Ontario chia sẻ rằng lợi ích của mạng xã hội là giúp người rối loạn lo âu dễ dàng tham gia vào việc kết nối với người khác hơn. 
Một người bình thường luôn cảm thấy thoải mái để trò chuyện và kết thân trong từ một đến hơn hai tiếng. Và điều này sẽ là cực hình đối với người rối loạn lo âu, vì họ sẽ cảm thấy bất an khi ngồi với ai đó thật lâu. 
Thay vì vậy họ chỉ cần một cuộc hội thoại vừa đủ và rời đi với một kết nối trên FB với người bạn vừa quen. Ngoài ra mạng xã hội còn cho phép người rối loạn lo âu chia sẻ cảm giác và câu chuyện của mình đến với người khác bằng một chiếc blog ẩn danh, đây cũng là một cách để giải tỏa những vấn đề trong đầu. Và đó chỉ là một cách trong ty tỷ cách mà người Rối loạn lo âu có thể dần dần kết nối với xã hội mà không cảm thấy sợ hãi. 
Vậy cho nên, tốt nhất là sử dụng mạng xã hội hay Internet khi cảm thấy an toàn, nếu không, nó sẽ làm tăng mức nghiêm trọng của bệnh, lý do vì sao thì, ngay sau đây sẽ là câu trả lời. 

Thực trạng sử dụng internet của giới trẻ 

Nội dung kể về thực trạng sử dụng internet của giới trẻ đã được chia sẻ rất cụ thể trong video MẠNG XÃ HỘI nguy hiểm đến thế nào? Vậy nên sau đây chúng ta sẽ chỉ lướt qua những thông tin cơ bản mà thôi. 
Không chỉ tại Việt Nam, mà chứng nghiện Internet đã được nghiên cứu từ năm 1996 trên thế giới. Và cho đến ngày nay chúng ta lại càng không thể nào ngừng hoặc ngăn cấm việc sử dụng mạng internet. Một số người sử dụng nó vào  mục đích chính đáng như công việc và học tập. Tuy nhiên, số khác sử dụng mạng xã hội với mục đích công kích, kích động hoặc thực hiện các hành vi lừa lọc nhằm xâm hại đến người khác, chính là đối tượng sử dụng Internet với tư tưởng dễ dàng đón nhận và cởi mở.
Theo thống kê từ Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ công thương đã đưa ra những minh chứng khá rõ cho việc khẳng định Internet là “mai thúy” của giới trẻ. 
Hãy bỏ qua vấn đề là chúng ta, những người trẻ sử dụng gì để online, mặt khác tỷ lệ người dùng internet từ 3-9 tiếng trong năm 2021 có xu hướng giảm so với năm 2020. Và tỷ lệ người dùng truy cập internet từ 5-7 tiếng mỗi ngày cũng giảm từ 28% của năm 2020 xuống còn 23% trong năm 2021. Nhưng một điều bất ngờ đó là, số lượng truy cập internet hơn 9 tiếng mỗi ngày trong năm 2021 lại tăng mạnh lên 22% so với 9% trong năm 2020. 
Đồng thời cuộc khảo sát cũng đưa ra kết quả cho việc truy cập internet của họ, trong đó 69% người tham gia khảo sát trả lời dùng internet cho nghiên cứu và học tập, 61% sẽ dùng để xem phim và nghe nhạc, và 51% dung để mua sắm trực tuyến. 
Internet hiện tại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chính vì vậy mà lượng người sử dụng ngày càng đông và khó kiểm soát, tạo cơ hội cho các nội dung gây hại, các nội dung tiêu cực bắt đầu xâm chiếm, điều này chỉ làm cho tinh thần của người bệnh Rối loạn âu lo vốn đã bất ổn khi đọc được sẽ càng mất niềm tin vào cuộc sống và trở nên tiêu cực hơn, đặc biệt nhất là thế hệ người trẻ có tư duy cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận thông tin và là những người dễ bị tác động nhất.

Ảnh hưởng của mạng xã hội lên giới trẻ

Mạng xã hội ngày càng được giới trẻ đón nhận đã tạo nên một thị trường đầy cạnh tranh, nhưng thay vì tạo nên những nhu cầu giúp con người phát triển tốt hơn, thì nó lại tạo ra những loại hình làm thỏa mãn con người, khiến họ thay vì sử dụng chúng như công cụ học tập và phát triển, thì giờ đây, mạng xã hội có xu hướng làm con người tụt lùi bởi một trong các lý do được Unicef chia sẻ bên dưới đây. 
Khiến con người trở nên phụ thuộc: Thụ động sử dụng internet, nghĩa là người xem không còn chủ động tìm kiếm thông tin mới mẻ, thay vào đó chỉ việc lướt ngón tay một cái thì nội dung mới đã bắt đầu hiện ra. 
Gia tăng cảm giác cô đơn: Thay vì thanh thiếu niên cần nên ra ngoài để giao lưu và học hỏi, Internet khiến con người lười biếng hơn khi chỉ cần một cú click là có thể kết bạn. Hay một số người thường xuyên vào FB chỉ để xem bài viết của mình đã được bao nhiêu lượt tym. Có Internet, dường như người rối loạn càng trở nên cơ đơn và bế tắc hơn.
Gia tăng nạn bắt nạt trực tuyến: mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ cảm nghĩ của mình một cách ẩn danh và công khai. Từ đây, làn sóng chỉ trích cũng bắt đầu hình thành. Phía sau một cái nick ảo, người ta lại tự do comment theo cảm xúc bằng những lời tổn thương nhau. 
Nhưng chúng ta phải công nhận rằng, Internet là một phần của cuộc sống, mạng xã hội là cần câu kiếm tiền của nhiều người trẻ hiện nay, chỉ một bộ phận lớn chúng ta đã sử dụng nó sai cách. Một điều quan trọng đó là chúng ta không thể dừng lại những comment tiêu cực, hay những video độc hại, vì nó quá tràn lan có thể xuất hiện bất cứ đâu. Vậy chúng ta nên làm gì để ngăn chặn những vấn đề tiêu cực đến với mình, để mình không bị đọc hại và mắc bệnh Rối loạn lo âu?

Tự chữa lành

Nghiên cứu từ Đại học George cho biết, việc thiền có thể giúp bạn làm giảm rối loạn lo âu tương đương với tác dụng của việc dùng thuốc “chữa cháy” trong một số trường hợp. 
Và vì Thiền là một trong các phương pháp chỉ cần không gian luyện tập, vô cùng đơn giản mà bạn có thể thực hành tại nhà, do vậy chữa lành bằng việc Thiền là một trong những cách thuận tiện nhất trong việc chữa bệnh rối loạn lo âu. 

Cai nghiện số - Digital detoxing 

Digital Detoxing hay còn gọi là Cai nghiện kỹ thuật số là một cách khác. Như chúng ta đã cùng tìm hiểu trên, Kỹ thuật số, mạng xã hội hay Internet đều chỉ nên dùng ở một mức thích hợp và vừa phải thì Rối loạn lo âu mới không có cơ hội tấn công mình. 
Đối với nhiều người, chính việc kết nối kỹ thuật số khiến họ vừa phải liên tục check tin nhắn từ sếp và đồng nghiệp vừa phải tập trung làm việc đã trở thành một sự căng thẳng cho họ.
Digital detoxing đề cập đến việc bạn sẽ dành ra một khoảng thời gian không dùng hay chạm tay đến các thiết bị điện tử và công nghệ. Thói quen “detox” các thiết bị kỹ thuật trong một khoảng thời gian giúp bạn xây dựng thói quen làm việc không quá ôm đồm một lúc, không bị lan man, giúp bạn tránh được cảm giác lo âu không biết nên”trả lời” tin nhắn trước hay nên tiếp tục làm việc vì deadline. 

Chia sẻ

Rối loạn lo âu không phải là bệnh khó trị, nhưng cũng không phải là bệnh dễ nhận biết, bởi nó mang một số triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng không phải là trầm cảm, stress nhưng không chỉ là stress hay tim đập nhanh nhưng cũng không phải bệnh tim. Mà nó chính là Rối loạn lo âu. 
Các tư liệu trên đây chỉ phần nào giúp các bạn có thêm hiểu biết về căn bệnh này. Nếu các bạn nghi ngờ mình mắc bệnh, đừng tự tìm đến các trang google để khiến bản thân thêm hoang mang. Các bác sĩ mới là người có khả năng quyết định giúp bạn.

Lời kết

Vừa rồi là chia sẻ về bệnh rối loạn lo âu, một khái niệm vừa quen thuộc lại vừa xa lạ với đại chúng. Hy vọng sau video này các bạn sẽ có thêm nhận thức về những gì đã và đang diễn ra trên thế giới của chúng ta và cùng chung tay giúp đỡ những người mắc bệnh để phòng tránh việc những người thân phải chịu đựng nỗi khổ tâm lý. 
Nếu các bạn thích nội dung này, bạn có thể chia sẻ đến cho những người xung quanh, hoặc share cho chúng mình để ủng hộ kênh. Và nếu các bạn muốn làm thành viên kênh, có thể bấm vào nút Join bên dưới. Cảm ơn tất cả đã lắng nghe và hẹn gặp lại. Peace! 

SAMURICE - Youtube

Nội dung sau được tham khảo từ các nguồn như:
NIHM - Viện sức khỏe tâm thần quốc gia.
Thanhnien.vn
Suckhoedoisong.vn