Sử Việt chính thống hiện nay đã dành cho vua Quang Trung Nguyễn Huệ một sự ưu ái đặc biệt. Có thể nói, Quang Trung đã được lịch sử tô hồng với những chiến công oanh liệt và những huyền thoại khiến người đời ngưỡng mộ. Một trong những huyền thoại như thế chính là việc ông có ý định thu hồi Lưỡng Quảng (tức Quảng Đông, Quảng Tây). Ngược với những luồng ý kiến tự hào hiện tại, quan điểm của tác giả Đoàn Nhật Quang dưới đây sẽ chứng minh rằng: Tại sao Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông?

1. Ý định của Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng:

Hình ảnh của Bách thắng Vương Quang Trung gắn liền với những chiến công oanh liệt. Không chỉ có thế, người Việt hâm mộ vị vua này còn nằm ở khí thế hiên ngang của ông khi ứng xử với nhà Thanh bên Trung Quốc. 
Việc vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng không chỉ là một truyền thuyết hay một giai thoại dân gian mà nó đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Theo Ngụy Tây liệt truyện, sau khi đánh đuổi quân Thanh khỏi bờ cõi rồi thiết lập lại quan hệ ngoại giao hòa hảo với vua Càn Long, hoàng đế Quang Trung đã nhiều lần có động thái thách thức và đưa ra yêu sách về chủ quyền với triều đình Mãn Thanh. Những hành động của ông đều thể hiện rõ chủ đích này. Bắt đầu từ việc dùng các chiến hạm thủy quân – một sức mạnh nổi trội của quân Tây Sơn để phô trương thanh thế với triều Thanh.
Sau đó, Vua Quang Trung gửi thư cho tổng đốc Lưỡng Quảng xin phân rõ biên giới cũ. Tổng đốc Lưỡng Quảng cho rằng biên giới đã định xong mà trả thư lại.
Do đó vua Quang Trung có ý bất bình, khuyến khích quân sĩ làm thuyền tàu, âm thầm nuôi chí nhòm ngó đất Quảng Đông, Quảng Tây. Vua Quang Trung thường nói với các tướng: Được thêm vài năm bồi dưỡng uy lực nhuệ khí ta nào sợ chúng”.
Ngoài những việc làm trên, vua Quang Trung còn dùng kế sử dụng các lực lượng đối kháng trong lòng Để chế Mãn Thanh để làm suy yếu an ninh biên ải của đối thủ phương Bắc.
Việc vua Quang Trung cầu hôn một công chúa của vua Càn Long chính là động thái mở màn kế hoạch đầy tham vọng của ông. Ngụy Tây liệt truyện viết: “Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung sai làm tờ biểu cầu hôn để thăm dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây hấn. Nhưng vua Quang Trung lại bị bệnh mà việc ấy phải thôi”.
Những hoài bão của vị hoàng đế vĩ đại trong lịch sử Việt Nam không chỉ dừng lại ở các mảnh đất bị mất vào tay nhà Thanh. Vua Quang Trung còn muốn mở rộng cương giới của người Việt bằng cách giành lại toàn bộ hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây – vốn thuộc nước Nam Việt thời Triệu Ðà, bị nhà Hán thôn tính.
Có thể khẳng định, mong muốn của vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng về cho nước Việt là một ý định nghiêm túc. Nhưng nó sẽ không khả thi và sẽ chỉ là ước vọng viễn vông dù ông có sống thêm 5 năm nữa. Dưới đây là những dẫn chứng.

Đọc thêm:

2. Vị tướng giỏi cầm quân nhưng không có tầm nhìn chiến lược

Có lẽ đây sẽ là một ý kiến gây tranh cãi khi tôi cho rằng Quang Trung là một vị tướng chỉ giỏi cầm quân chứ không hề có tầm nhìn chiến lược. Hay nói cách khác, ông là một người giỏi về chiến thật hành binh đánh trận, nhưng không phải là người có tầm nhìn xa trông rộng, có thể lên kế hoạch để phục hồi và mở mang đất nước trong 10 năm hay 20 năm. Vì sao?

Chinh chiến liên miên, đất nước kiệt quệ.

Nếu tính từ khi ba anh em họ Nguyễn dựng cờ khởi nghĩa năm 1771 đến khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời năm 1792, đó là khoảng thời gian 22 năm mà đất nước phải trải qua chinh chiến liên miên. Không chỉ là những cuộc chiến chống ngoại xâm mà còn là nội chiến giữa các thế lực đương thời. Trong thời gian gần ⅓ đời người đó, hầu như không có khoảng trống để khoan thư sức dân, hồi phục kinh tế cho đất nước.
Không chỉ là 22 năm. Hãy cùng nhìn xa hơn nữa về nước Việt thời kỳ tiền Tây Sơn. Đó là cuộc nội chiến mà chúng ta đặt tên là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627. Tính đến năm 1771 khi Tây Sơn nổi dậy thì đã có ngót nghét 145 năm. Trong 145 năm dài đằng đẵng ấy, có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình để xây dựng nhưng đất nước vẫn là đang trong giai đoạn loạn lạc. Đặc biệt từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18 là giai đoạn mà đất nước trở nên kiệt quệ ở cả 2 Đàng khi các gian thần như Trương Phúc Loan lũng đoạn đất nước ở Đàng trong và nạn kiêu binh ở Đàng ngoài.
Hãy cùng tưởng tượng xem, 145 ưu tiên khai thác nhân lực vật lực cho chiến tranh, được đẩy lên đến đỉnh điểm với 22 năm chinh chiến không ngừng nghỉ khi Tây Sơn nổi lên. Nền kinh tế của một đất nước vốn nhỏ bé và phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp như Đại Việt sẽ suy sụp đến mức nào. Thương nghiệp sẽ không có đất phát triển. 
Những khó khăn nói trên không phải hoàn toàn là lỗi của vua Quang Trung. Nhưng với tư cách của một quân vương đang trên đà chiến thắng, Quang Trung có lẽ nên nghĩ lại về việc đòi Lưỡng Quảng. Đưa một đất nước đang kiệt quệ vào một cuộc chiến tranh mới với đế chế phương Bắc, trên một chiến trường rộng lớn hơn rất nhiều liệu có phải là điều khôn ngoan mà một vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược nên làm?

Đánh mất lòng dân khiến vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng là điều không thể

Tiền nhân của vua Quang Trung là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hậu nhân về sau có Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là hai vị tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam được vinh danh trên các bảng xếp hạng Tướng soái vĩ đại của Thế giới. Không có bảng xếp hạng uy tín nào trên thế giới nói về Quang Trung Nguyễn Huệ. Tại sao vậy?
Hai vị Tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam có chung một đặc điểm nổi bật trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đó là rất được lòng dân và thực hiện chiến lược chiến tranh dựa vào nhân dân. Không phải là tất cả nhưng là phần lớn nhân dân trong nước ủng hộ hai vị tướng ấy. Còn Quang Trung Nguyễn Huệ thì sao?
Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài sự kiện sau đây và tự mỗi người hãy suy xét thêm, lòng dân và lòng quân có thật sự ủng hộ Quang Trung nói riêng và triều đại Tây Sơn nói chung :

Những cuộc tàn sát và đốt phá

Tàn phá Hội An – Thương cảng châu Á đương thời

Hội An thời chúa Nguyễn là một trong những hải cảng quốc tế nổi tiếng với sự giao thương tấp nập. Rất nhiều thương nhân từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đến đây giao thương, biến Hội An thành hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á. Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài.
Tại sao Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông
Thương cảng Hội An
Thế nhưng quân chúa Trịnh và quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Nam đã tàn phá tất cả Hội An. Không chỉ sử liệu thời nhà Nguyễn mà nhiều thương gia phương Tây cũng chứng kiến ghi nhận cảnh này. Một bức thư năm 1775 của Halbout đã ghi nhận:
“Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”
Một người Anh Charles Chapman phải thốt lên rằng:
“Khi tới Hội An, thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi”
Hội An là một trung tâm giao thương và là một đô thị lớn ở miền Trung đất nước. Không quá xa với nơi khởi nguồn của triều đại Tây Sơn.

Tàn sát người Hoa kiều ở Cù Lao Phố và cướp bóc sản vật

Cù Lao Phố trước khi Tây Sơn tiến vào vốn là một trung tâm thương mại nổi tiếng của vùng Nam Bộ. Nơi đây tập trung số đông người Hoa tha hương sinh sống và mưu sinh. 
Khi quân Tây Sơn đánh vào Nam bộ, lịch sử ghi nhận rằng cù lao Phố bị tàn phá, người Hoa kiều bị tàn sát. Quân Tây Sơn cướp bóc của cải chở về Quy Nhơn, những gì còn lại đều bị đốt sạch. Các cơ sở thủ công bị phá, dân chúng bị tàn sát, nước đỏ ngầu vì máu. Những người Hoa may mắn sống sót chạy về Bến Nghé, sau này thành lập lại trung tâm thương mại ở vùng Chợ Lớn.
Trịnh Hoài Đức mô tả sự việc này trong “Gia Định thành thông chí” rằng từ khi bị Tây Sơn tàn phá, “nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước”.

Vùng kinh tế Mỹ Tho ở Tây Nam Bộ cũng bị tàn phá

Vùng Nam Bộ thời bấy giờ có 2 trung tâm thương mại lớn là Cù Lao Phố ở phía Đông và Mỹ Tho ở phía Tây. Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là cù lao Phố). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông – ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại.
Tiếp theo sau việc cướp phá Cù Lao Phố, quân Tây Sơn tiến xuống miền Tây và “làm cỏ” luôn Mỹ Tho.  Quân Tây Sơn đã tàn phá vùng kinh tế hưng thịnh này một cách không thương tiếc. Nhà nghiên cứu Sơn Nam đã mô tả trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” rằng:
“Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa”. Thậm chí người ta đã coi quân Tây Sơn như cường đạo. Tại Vĩnh Thanh, trong lúc Tây Sơn vào chiếm cứ thì dân chúng “đều chôn cất của cải không dám phơi bày ra, cho nên bọn cường đạo không cướp lấy được vật gì”.
Cù Lao Phố và Mỹ Tho ở miền Nam nước Việt đương thời. Ngoài ra, hành vi của Tây Sơn ở 3 trung tâm lớn là Hội An, Mỹ Tho, Cù Lao Phố đã cho thấy bản chất thật của họ chỉ là giặc cướp nhân danh khởi nghĩa nông dân mà thôi.

Hai lần bị tạo phản

Tai tiếng của quân Tây Sơn ở miền Nam và miền Trung đã rõ ràng. Bây giờ chúng ta cùng tiếng sang đất Bắc để xem lòng dân ở đây đối với quân Tây Sơn thế nào?
Sử cũ có ghi lại rằng, Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ đưa quân tiến ra Quảng Bình. Tại đây, ông được Nguyễn Hữu Chỉnh là một tướng cũ của nhà Trịnh đưa ý kiến về việc tiến ra Bắc tiêu diệt nhà Trịnh. Năm 1786, nghe lời Chỉnh, Nguyễn Huệ đưa quân tiến ra đất Bắc và nhanh chóng kết thúc triều đại vua Lê chúa Trịnh kéo dài gần 200 năm. Sau đó, cùng với sự kiện Nguyễn Nhạc ra Thăng Long, Nguyễn Huệ giao quyền lại cho vua Lê Hiển Tông và về Nam. Quyền lực ngoài Bắc sau đấy không lâu lại thuộc về Nguyễn Hữu Chỉnh điều hành dưới danh nghĩa vua Lê Chiêu Thống.
Biết tin Nguyễn Hữu Chỉnh tạo phản, Nguyễn Huệ liền phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm đánh bại Nguyễn Hữu Chỉnh, khiến Chỉnh và hoàng gia họ Lê phải chạy trốn khỏi kinh thành. Vũ Văn Nhậm lập chú Chiêu Thống là Sùng nhượng công Lê Duy Cận làm giám quốc, bây giờ mọi việc do Vũ Văn Nhậm quyết định. Đến lượt Vũ Văn Nhậm tỏ ra chuyên quyền và có ý chống lại quân Tây Sơn.
Biết tin Vũ Văn Nhậm âm mưu tạo phản, Nguyễn Huệ nhanh chóng đưa quân tiến ra Bắc lần thứ hai tiêu diệt Nhậm rồi trao quyền cho Ngô Văn Sở rồi rút về.
Như vậy, Nguyễn Huệ đã 2 lần bị tạo phản kể từ khi đưa quân ra đất Bắc. Và tính luôn cả lần đánh quân Thanh thì Nguyễn Huệ phải ba lần tiến ra Bắc Hà mới có thể an định được thế cuộc.
Chúng ta có một vài câu hỏi ở đây. 
Thứ nhất, tại sao vua Quang Trung không ở lại Thăng Long để xưng Vương, nắm giữ miền Bắc để cùng hai anh em Nhạc, Lữ trấn giữ 3 miền đất nước. Ông thật sự chỉ muốn ở lại vùng đất của chúa Nguyễn ngày xưa (và giẫm chân Nguyễn Nhạc) hay ông nhìn nhận được một thực tế rằng lòng dân Bắc Hà không quy thuận mình?
Thứ hai, tại sao các tướng được Nguyễn Huệ giao phó trách nhiệm, mang ân huệ và thuận lợi dưới bóng cờ Tây Sơn để quyền uy một cõi nhưng cứ có cơ hội là tạo phản?
Thứ ba, những lần tạo phản như thế, quân đội của họ (có cả quân Tây Sơn) vẫn thuận theo là vì cớ gì?

3. Không phù hợp với lý tưởng của quân đội nông dân.

Thông qua những sử liệu đã công bố mà chúng ta được biết hiện nay. Xuất phát điểm của khởi nghĩa Tây Sơn một phần là giặc cướp. Phần còn lại là nông dân. Đó là những người đã gắn bó với triều đại Tây Sơn từ những ngày đầu. 
Về sau này, quân Tây Sơn khi mở rộng chiến tranh thì còn có những đợt tuyển mộ quân tại các địa phương. Như khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Nghệ An đã nghe theo ý kiến của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mà tuyển mộ một số lượng lớn quân sĩ ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh để tiến ra Bắc đánh quân Thanh.
Người nông dân ban đầu đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của ba anh em họ Nguyễn là vì họ đã sống quá lâu trong một chính quyền suy tàn ở hai đầu đất nước. Họ phải chịu đủ mọi sự áp bức hà khắc nên không còn cách nào khác là phải đứng lên lật đổ chính quyền. Và mong muốn của họ cũng chỉ đến thế.
Phong trào Tây Sơn từ khi nổi lên thì gần như ở trong tình trạng lâm chiến triền miên. Ngoài những trận ban đầu đánh chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đánh nhau với quân Trịnh năm 1786, đánh nhau với quân Xiêm, sau đó nhiều lần tấn công ra Bắc, rồi xâm lăng Lào năm 1791, các trận đánh với quân Nguyễn Phúc Ánh ở phía Nam…Giữa các anh em nhà Nguyễn cũng hay có xung đột quân sự như trận Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc năm 1787.
Một cuộc chiến đã đi quá xa với ước nguyện ban đầu của người lính áo vải cờ đào. Đó là chưa kể với lệnh cưỡng ép tòng quân và chính sách quân dịch tàn khốc của quân Tây Sơn đã khiến cho sự hăng hái của quân đội không còn như những ngày đầu nữa. 
Sau khi đánh bại quân Thanh xâm lược, đất nước hầu như đã yên ổn phần nào, theo lẽ thường tình đội quân ấy chỉ muốn được nghỉ ngơi. Giải giáp về làng. Chứ nào đâu có tâm trạng hay lý tưởng mà sang đất người ta đòi thu hồi đất cũ.
Một đội quân không có lý tưởng, không còn sự hăng hái, trải qua 22 năm chiến loạn liệu còn có tinh thần để đối chọi với một ông lớn phương Bắc nữa hay không? Đó cũng là một phần lý do giải thích tại sao vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông.

4. Mối lo nội chiến còn đang tồn tại khiến cho việc Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng không thể thành hiện thực

Tại sao vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng, vọng tưởng về vùng lãnh thổ phương Bắc trong khi mặt Nam vẫn còn chưa lo xong. Vẫn còn đó nguy cơ đến từ Nguyễn Ánh nay đã trở lại với sự yểm trợ của súng đạn nước Pháp.
Kể từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó tình hình Bắc Hà, Nguyễn Lữ qua đời, Nguyễn Nhạc bất lực, Ánh nhanh chóng chiếm lại đất đai ở Nam Bộ rồi đánh lấn ra Diên Khang, Bình Thuận – đất của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc già yếu không cứu được chỉ còn lo giữ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên.
Nguyễn Ánh có thể không phải là đối thủ của Quang Trung Nguyễn Huệ, nhưng không phải là một nhân vật tầm thường. Giai đoạn sau khi Quang Trung từ trần, Nguyễn Ánh đã một mạch đánh thẳng từ Nam ra Bắc tiêu diệt Tây Sơn thống nhất đất nước là minh chứng cho tài năng của ông. Có thể nói, ngoài Nguyễn Huệ ra thì triều Tây Sơn Nguyễn Ánh không ngán ai.
Thử nghĩ xem, nếu Quang Trung đem binh đánh nhau với nhà Thanh ở Lưỡng Quảng, đó không phải là cuộc chiến ngày một ngày hai. Vậy ai sẽ đủ sức đương đầu với Nguyễn Ánh ở phía Nam?

5. Quân Nhà Thanh không dễ đánh bại

Sự thật là, dù quân Thanh vừa thất bại muối mặt tại đất Việt nhưng cũng hãy dành cho họ một sự tôn trọng nhất định. Hãy cùng tìm hiểu những dữ liệu khô khan hơn là những bài ca anh hùng, để hiểu rằng quân Thanh ở Đại lục thực chất không dễ nuốt như cái quân đoàn vừa sang nước Việt kia đâu.
Thứ nhất, Tôn Sĩ Nghị là Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc bấy giờ. Theo lệnh vua Càn Long mà huy động được 29 vạn quân để cùng Lê Chiêu Thống tiến đến Thăng Long. Đã có nhiều sử liệu chứng minh rằng quân của tướng họ Tôn kia là quân địa phương được huy động ở vùng đất ông ta cai quản. Nó khác với quân chính quy nhà Thanh là Bát kỳ quân danh tiếng lừng lẫy.
Trong 29 vạn quân đấy, thực tế quân chiến đấu không quá một nửa. Vì phần còn lại phải lo công tác hậu cần, vận chuyển, xây dựng cơ sở vật chất, phòng thủ các tuyến đường từ biên giới đến Thăng Long…
Thứ hai, quân Thanh sang xâm lược Đại Việt đã là không hợp lý về danh nghĩa. Dù mang tiếng phò vua Lê (chỉ còn cái tiếng chứ không còn miếng) nhưng vẫn là quân xâm lược nên đại cuộc vẫn nằm ở nghĩa quân Tây Sơn. Lòng người dù không hoàn toàn ủng hộ đoàn quân này nhưng khi đứng trước nguy cơ mất nước, lòng dân chắc chắn sẽ hưởng ứng một cuộc kháng chiến do Quang Trung lãnh đạo.
Vậy nếu Quang Trung đưa quân sang Lưỡng Quảng thì sao? Danh nghĩa lúc này sẽ mất và đội quân Tây Sơn trở thành quân xâm lược. Người Việt yêu nước chống ngoại xâm chẳng lẽ người Trung Hoa không có?
Cũng cần phải nhớ rằng, trong giai đoạn này, Nhà Thanh đang ở thời kỳ đỉnh cao của một triều đại dưới sự trị vì của vua Càn Long. Họ cơ bản đã dẹp yên tất cả các cuộc nổi loạn trong nước, chiếm Tân Cương, Mông Cổ, Tây Tạng… và bắt hầu hết nửa phía đông châu Á phải thần phục mình, dân số của nước họ khoảng 100 – 120 triệu người. Gấp 20 lần dân số của nước Việt lúc đó (khoảng 6-7 triệu người).
Thứ ba, Theo “Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc” (sách của Nxb Sư phạm Bắc Kinh) từ thời vua Hàm Phong triều Thanh (1850-1861) trở về trước, binh lực nhà Thanh cực mạnh. Chỉ riêng quân thường trực đã có 700.000 – 800.000 lính, gồm 10 đến 20 vạn lính Bát kỳ (chủ yếu là người Mãn, Mông Cổ) và 60 vạn lính Lục doanh (chủ yếu bộ binh người Hán). Đây là quân thường trực mà chưa cần tổng động viên cho chiến tranh. 
Liệu rằng vua Quang Trung có thể huy động được bao nhiêu quân để tiến sang Lưỡng Quảng? 5 vạn hay 10 vạn? Và khi ấy, quân đội Tây Sơn sẽ phải đối đầu trực tiếp với Bát kỳ quân của nhà Thanh với quân số đông vượt trội và độ thiện chiến cũng không phải dạng vừa. Quân đội ấy lại đang đại diện cho chính nghĩa. Quang Trung dù là thiên tài quân sự nhưng liệu có cửa thắng không? Tại sao vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng và đưa quân đội mình vào thế khó như vậy, liệu đó là điều nên làm?

Kết. Tại sao vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông?

Chúng ta sẽ kết thúc bài viết này bằng một đoạn lập luận để tóm gọn lại những lý do trên. Chứng minh tại sao Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chỉ là ước vọng viễn vông?
Khởi nghĩa Tây Sơn dựng cờ trong tình cảnh đất nước rối ren, kiệt quệ, suy tàn ở cả hai đàng trong – ngoài. Đội quân đấy ban đầu bao gồm các thành phần là giặc cướp và nông dân ở vùng Tây Sơn, có cả người Việt và người Hoa. Trải qua hơn 20 năm chinh chiến liên miên, nền tảng kinh tế và nhân lực vật lực của đất nước vốn đã kiệt quệ nay còn bị suy sụp thảm hại hơn. Một phần vì chiến loạn. Phần khác từ sự tàn phá của quân đội Tây Sơn. Đánh nhau thì cũng phải có cái ăn cái mặc, khí tài phương tiện thì mới đánh được. Tây Sơn lấy ở đâu ra nguồn lực lớn như thế để chiến tranh tiếp?
Về sau, quân đội Tây Sơn phát triển lên đông đảo hơn với sự bổ sung quân từ các vùng khác trên cả nước dưới chính sách cưỡng ép tòng quân. Lòng dân lúc này đang phân tán cực độ. Một bộ phận dân Nam Bộ thù oán Tây Sơn và hướng về Nguyễn Ánh. Dân Bắc Hà thì không tin phục Quang Trung vì những gì họ đã làm với Hội An, Mỹ Tho, Cù Lao Phố.
Tâm lý của quân đội ấy chỉ muốn nghỉ ngơi sau khi đất nước đã tiêu diệt hầu hết các thế lực quân phiệt và giặc ngoại xâm. Nay chẳng còn lý tưởng gì mà đi đòi lại vùng đất đã mất hơn ngàn năm.
Cuối cùng là, vẫn còn đấy nỗi lo thù trong giặc ngoài khi Nguyễn Ánh đã trở lại dưới sự hỗ trợ của Pháp. Trong khi Bát kỳ quân của nhà Thanh còn chưa hề xuất trận, quân Tây Sơn xuất quân sang đất địch và giao chiến với quân chủ lực của nhà Thanh sẽ khác hoàn toàn với việc đánh nhau với 29 vạn quân địa phương xâm lược.
Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng có lẽ sẽ mãi mãi chỉ là một huyền thoại khi mà thực tế dù có nguồn lực hay không thì số phận cũng không cho phép ông kịp làm điều đó. Hậu thế ngày nay chỉ biết trông vào giai thoại đấy mà tiếc nuối, mà cũng có cái để tự hào.
Đoàn Nhật Quang.

Đề xuất: