Cùng với màu xanh dương, màu vàng là một màu Van Gogh cực kỳ yêu thích, đến độ phát cuồng. Do ông thực sự mê màu vàng hay có một lý do nào khác?

XANTHOPSIA

Lâu nay người ta vẫn đồn đại rằng ông ám ảnh với màu vàng do mắc Xanthopsia. Đây là một chứng rối loạn thị lực, khiến cho người bệnh có xu hướng nhìn mọi sự vật ngả sang màu vàng.
Nếu quả thực ông mắc chứng bệnh này, thì hẳn lý do là tác dụng phụ của việc dùng chất digoxin từ năm 1889, hồi nằm trong viện tâm thần ở Saint-Rémy. Digoxin là chất được chiết từ cây mao địa hoàng (digitalis), dùng để điều trị các chứng bệnh về tim.
The Siesta (Chợp mắt), Vincent van Gogh, 1890, tại Saint-Rémy
The Siesta (Chợp mắt), Vincent van Gogh, 1890, tại Saint-Rémy
Tuy nhiên có nhiều ý kiến phản bác giả thuyết này.
Thứ nhất, không có bằng chứng cho thấy bác sĩ Gachet, người kê đơn thuốc cho Van Gogh, đã dùng quá mức digoxin. Thậm chí, chính bác sĩ Gachet đã từng viết về tác dụng phụ nguy hiểm của mao địa hoàng trong một chuyên luận không xuất bản.
Thứ hai, Van Gogh đã thích dùng màu vàng trước khi nhập viện tâm thần vào năm 1889. Ví dụ, vào năm trước đó (1888), Van Gogh đã bắt đầu sáng tác loạt tranh hoa hướng dương nổi tiếng.
<i>Portrait of Dr. Gachet (Chân dung bác sĩ Gachet), Vincent van Gogh, 1890. Trên bàn là một nhánh cây mao địa hoàng, dùng để chiết ra chất digoxin.</i>
Portrait of Dr. Gachet (Chân dung bác sĩ Gachet), Vincent van Gogh, 1890. Trên bàn là một nhánh cây mao địa hoàng, dùng để chiết ra chất digoxin.
Thứ ba, trong các tranh ngập màu vàng, Van Gogh thường sử dụng màu xanh dương hoặc màu trắng để cân bằng (chẳng hạn bức tranh The Siesta bên trên). Giả sử mắc xanthopsia thật, thì ông sẽ khó mà phân biệt được màu trắng và màu vàng, đồng thời màu xanh dương sẽ thành xanh lục. Đằng này ông phân biệt các màu sắc đó rất rõ.
Thứ tư, bác sĩ Gachet đã kiểm tra thị lực cho Van Gogh vào năm 1889. Thị lực của Van Gogh rất tốt ở cả khoảng cách gần và khoảng cách xa. Khả năng nhận diện màu đạt mức hoàn toàn bình thường.
Từ các luận cứ trên có thể thấy giả thuyết "Van Gogh mắc chứng xanthopsia" cũng chỉ là một suy đoán thiếu căn cứ.
Nếu không phải vì khiếm khuyết thị lực, thì tại sao ông ưa dùng màu vàng? Màu đó có ý nghĩa gì với ông?

HOA HƯỚNG DƯƠNG CỦA TÌNH BẠN

Still Life: Vase with Fifteen Sunflowers (Tĩnh vật: Bình hoa gồm 15 bông hướng dương), Vincent van Gogh, 1888, tại Arles
Still Life: Vase with Fifteen Sunflowers (Tĩnh vật: Bình hoa gồm 15 bông hướng dương), Vincent van Gogh, 1888, tại Arles
Nhắc đến màu vàng không thể không đề cập đến loạt tranh hoa hướng dương - một biểu tượng trong sự nghiệp của Van Gogh.
Van Gogh bắt đầu vẽ hoa hướng dương vào năm 1887 tại Paris, lúc này các bức tranh hoa hướng dương vẫn chưa ngập tràn màu vàng.
Năm 1888, tại Arles (miền Nam nước Pháp), Van Gogh bắt tay vào sáng tác loạt tranh hoa hướng dương cắm trong bình nổi tiếng. Có bức, như bức bên trái, màu vàng còn kín cả nền tranh.
Ông muốn dùng những bức tranh này để trang trí phòng của người bạn sắp tới sống cùng ông: họa sĩ Paul Gauguin. Gauguin đã nhận xét chúng "đúng chất Vincent" (completely Vincent).
Có lẽ với Van Gogh, hoa hướng dương cùng với màu vàng rực rỡ của nó, là biểu tượng cho tình bạn nồng nhiệt, cho niềm phấn khích khi sắp được sống cùng người bạn ông yêu quý. Không chỉ vậy, ông còn coi hoa hướng dương là biểu tượng cho "lòng biết ơn". Ông từng muốn đưa tranh hoa hướng dương vào một bộ "tam liên họa" để ca ngợi hình ảnh người mẹ.
Vậy nên có thể nói, Van Gogh yêu màu vàng chính vì ông yêu hoa hướng dương. Ở chiều ngược lại, cũng có thể ông yêu hoa hướng dương bởi chính màu vàng của nó.

MẶT TRỜI VÙNG ARLES

Năm 1888, rời Paris hoa lệ, Van Gogh tới vùng Arles đầy nắng và gió ở phía Nam nước Pháp. Thời kỳ một năm rưỡi sống tại đây đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của Van Gogh, đồng thời cũng là vực thẳm đau đớn tột cùng của ông (tại đây ông đã cắt tai mình).
Cái nắng chói chang của Arles chắc hẳn đã có ảnh hưởng sâu đậm tới Van Gogh. Tranh của ông ngày càng bừng sáng hơn, nhiều gam màu nóng hơn, và tương phản mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những ngôi nhà vàng, cánh đồng lúa vàng, bầu trời vàng, con người cũng màu vàng. Mọi thứ dưới con mắt của Van Gogh, đều say mèm cái nắng miền Địa Trung Hải.
Mặt Trời, nguồn ánh sáng mà tôi không biết dùng từ nào tốt hơn để miêu tả, tạm gọi là màu vàng thôi, màu vàng lưu hoàng rực sáng, màu vàng chanh phớt nhẹ. Màu vàng ấy mới đẹp làm sao!
Vincent van Gogh viết cho em gái, 1888, gửi từ Arles
<i>The Sower (Người gieo hạt), Vincent van Gogh, 1888</i>
The Sower (Người gieo hạt), Vincent van Gogh, 1888
Cũng phải nói, có một yếu tố góp phần giúp Van Gogh có thể thỏa sức quệt màu vàng trên toan, đó là sự ra đời của màu vàng cadmium (1820) và vàng chrome (1809).
Trước thời Van Gogh, màu vàng thường được chế từ đất sét, nước đái bò và một số chất tự nhiên khác. Đầu thế kỷ 19, người ta đã sản xuất được màu vàng từ chất tổng hợp, do đó giúp hạ giá thành và tăng mức độ sử dụng lên cao. Họa sĩ Van Gogh của chúng ta đã sinh đúng thời đại của màu vàng.
Những màu vàng mới được phát minh đã giúp Van Gogh mặc sức "đốt cháy" tranh. Họa sĩ Paul Gauguin, người bạn đã chứng kiến thời kỳ bùng nổ của Van Gogh ở Arles, đã nhận xét:
"Mặt trời vàng rực bùng lên từ mặt vải, nhấm chìm nhà cửa và hoa cỏ. Đúng vậy, chàng Vincent tài ba, người họa sĩ Hà Lan ấy, rất đam mê màu vàng; mặt trời gột rửa tâm hồn cậu ấy. Cậu ấy là người sợ bóng tối. Cậu ấy cần sức nóng."
Có rất nhiều suy đoán về ý nghĩa của màu vàng đối với Van Gogh. Từ biểu tượng cho tình bạn, cho mặt trời, cho đến niềm tin vào sự sống, đức tin tôn giáo của Van Gogh... Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn đâu là lý do thực sự, nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm.
Quan trọng hơn cả là màu vàng ấy có ý nghĩa như thế nào với mỗi người chúng ta, với mỗi người ngắm tranh. Có khi, đó chính là điều Van Gogh mong mỏi.
Wheatfield with a Reaper at Sunrise (Cánh đồng lúa mì và thợ gặt vào lúc bình minh), Vincent van Gogh, 1889, tại Saint-Rémy
Wheatfield with a Reaper at Sunrise (Cánh đồng lúa mì và thợ gặt vào lúc bình minh), Vincent van Gogh, 1889, tại Saint-Rémy
Still Life with Red Grapes and Lemons (Tĩnh vật gồm nho đỏ và chanh), Vincent van Gogh, 1887, tại Paris
Still Life with Red Grapes and Lemons (Tĩnh vật gồm nho đỏ và chanh), Vincent van Gogh, 1887, tại Paris
<i>Chân dung bưu tá <a href="https://en.wikipedia.org/wiki/The_Roulin_Family">Joseph Roulin</a>, Vincent van Gogh, 1888, tại Arles</i>
Chân dung bưu tá Joseph Roulin, Vincent van Gogh, 1888, tại Arles
<i>Chân dung tự họa, Vincent van Gogh, 1888, tại Arles</i>
Chân dung tự họa, Vincent van Gogh, 1888, tại Arles
<i>Arles: View from the Wheat Fields (Arles: Cảnh cánh đồng lúa mì), Vincent van Gogh, 1888, tại Arles</i>
Arles: View from the Wheat Fields (Arles: Cảnh cánh đồng lúa mì), Vincent van Gogh, 1888, tại Arles
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1." Vincent van Gogh’s yellow vision", Anna Gruener, www. ncbi.nlm.nih.gov
4. "Yellow", en.wikipedia.org