Sau khi bại trận trong Thế chiến 2, tàn quân Phát Xít tìm cách bỏ trốn khỏi châu âu từ Đức, Ý và các nước đồng mình khác. Kế hoạch này được gọi là Con đường chuột. Những đường thoát này chủ yếu dẫn đến các thiên đường chạy trốn ở Châu Mỹ Latinh như là Argentina, Chile, Paraguay, Colombia, Brazil, Uruguay, Mexico, Guatemala, Ecuador và Bolivia, cũng như Hoa Kỳ và Thụy Sĩ.
Có hai tuyến chính xuất phát từ Đức: tuyến đầu tiên qua Tây Ban Nha đến Argentina; tuyến thứ hai qua Rome đến Genoa, sau đó là Nam Mỹ. Hai tuyến phát triển độc lập nhưng cuối cùng đã hợp tác với nhau. Các tuyến trốn chạy được hỗ trợ bởi các giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Rôma, như của giám mục Alois Hudal. Nhà sử học Michael Phayer xác định được rằng sự hỗ trợ này được Tòa Thánh ủng hộ. Vì thế con đường chuột còn được giới tình báo Mỹ gọi theo tiếng Đức là Klosterrouten  (đường tu viện)
Đặc biệt hàng ngàn sĩ quan, nhân vật cấp cao của Đức Quốc xã đào thoát sang Argentina và được chính quyền thời đó dung dưỡng. Trong số này, nhiều nhà khoa học đã được tuyển dụng để phát triển chương trình chiến đấu cơ lợi hại dựa trên các thiết kế còn dang dở của không quân Đức Quốc xã như Luftwaffe (Lúp váp-phờ).
Theo hồ sơ giải mật của Đức, gần 9.000 nhân vật bị liệt vào tội phạm chiến tranh đã trốn đến Nam Mỹ sau Thế chiến 2. Trong đó, gần 5.000 người cập bến Argentina, 1.500 - 2.000 người đến Brazil, khoảng 500 - 1.000 người đến Chile, số còn lại chạy sang Paraguay hoặc Uruguay. Khét tiếng nhất trong số này phải kể đến Adolf Eichmann, “kiến trúc sư trưởng” của chính sách diệt chủng người Do Thái. Ông ta lẩn trốn ở Argentina từ năm 1950 và đến 1960 thì bị tình báo Israel bắt cóc mang về xét xử rồi bị tử hình năm 1962. Năm 2015, FBI từng công bố tài liệu đặt nghi vấn Adolf Hitler cùng người tình Eva Braun cũng kịp trốn chạy đến Argentina và chết già ở nước này chứ không phải tự sát tại Berlin.
Mối liên kết giữa Buenos Aires với chế độ Adolf Hitler đã tồn tại từ trước và thậm chí tiếp tục đến sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc. Đúng 1 năm trước, một triệu phú bí ẩn người Argentina đã bỏ ra 700.000 USD để mua chiếc áo khoác quân sự của Hitler và bộ đồ lót của Hermann Goering trong một cuộc đấu giá ở Munich. 
Hành trình lẩn trốn
Hầu hết những thành viên Đức quốc xã tìm cách lánh nạn tại Argentina thường dựa vào mối quan hệ giữa Giáo Hội, Hội Chữ thập đỏ quốc tế và quan chức nhập cư Argentina. Thông qua con đường này, các sĩ quan Đức quốc xã thường đào tẩu tới Italy, sau đó bắt tàu tới Nam Mỹ.
Nổi bật nhất trong số những sĩ quan Đức quốc xã trốn chạy tới Argentina là Adolf Eichmann, Trung tá mật vụ SS, nhân vật then chốt trong chiến dịch “Giải pháp cuối cùng” nhằm xóa sổ người Do Thái ở châu Âu. Dưới lệnh của Eichmann, hàng chục nghìn người Do Thái đã bị đưa đến các trại tử thần. Sau chiến tranh, Eichmann bị bắt trong một thời gian ngắn nhưng đã trốn thoát và ẩn náu dưới tên giả tại châu Âu.
Năm 1950, Eichmann có được một hộ chiếu với tên giả Ricardo Klement do Hội Chữ thập đỏ cấp và thị thực đi Argentina. Với hộ chiếu này, Eichmann đã đi từ Geneva đến Argentina, sau đó định cư và làm việc cho một công ty của Mercedes Benz tại San Fernando, tỉnh Buenos Aires. 
Một sĩ quan Đức quốc xã nổi danh khác cũng đào thoát tới Argentina là “Thần Chết” Josef Mengele, nhà nhân chủng học, bác sĩ y khoa phụ trách trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan kể từ năm 1943. Cũng như Eichmann, Mengele nhận được hộ chiếu giả danh một công dân Italy với cái tên Gregor Helmut do Hội Chữ thập đỏ quốc tế cấp và đến Argentina vào ngày 20/6/1949. 
Argentina cũng là nơi Eduard Roschmann, kẻ được mệnh danh là “đồ tể vùng Riga” vì đã gây ra nhiều tội ác trong khu ổ chuột của người Do Thái ở Latvia, chọn làm nơi ẩn náu. Roschmann bị bắt vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhưng đã trốn thoát vào năm 1948. Cùng năm đó, nhờ sự giúp đỡ của vị linh mục người Áo Alois Hudal ở Italy, Roschmann đã nhận được hộ chiếu với tên giả Federico Wegener và thị thực đi Argentina do Hội Chữ thập đỏ cấp. “Đồ tể vùng Riga” đã di chuyển từ Geneva đến Buenos Aires và sống tại quốc gia Nam Mỹ cho tới những năm 70.
Erich Priebke, Đại úy mật vụ SS từng tham gia vụ tàn sát 335 thường dân Italy ở ngoại ô thành Rome, cũng thực hiện hành trình đào tẩu tới Argentina. Như những trường hợp khác, Priebke đã bị bắt sau chiến tranh, nhưng trốn thoát khỏi trại giam và nhận được một hộ chiếu với tên giả Otto Pape, công dân của Latvia. Cùng vợ và hai đứa con, hắn đến Argentina vào tháng 11/1948 và sinh sống tại vùng Bariloche.
Lý do để Argentina chấp nhận tàn quân của Phát Xít ?
Lúc bấy giờ tổng thống của Argentina là Juan Domingo Peron - một người có tư tưởng phát xít. Năm 1938 Perón đến nhiều quốc gia Châu Âu để nghiên cứu chủ nghĩa phát xít, và bày tỏ ấn tượng tích cực về chủ nghĩa liên hiệp quốc gia trong chính phủ của Benito Mussolini ở Ý, Ioannis Metaxas ở Hy Lạp và Adolf Hitler ở Đức. Những năm đó ông cho rằng những quốc gia đó sẽ trở thành những nền dân chủ xã hội. Sau Thế chiến II Perón nổi lên thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng. Argentina trở thành nơi ẩn náu của tội phạm chiến tranh phát xít, với sự bảo vệ rõ ràng từ Perón. Tác giả Uki Goñi cáo buộc rằng các cộng tác viên của phe Trục, như Pierre Daye, đã gặp Perón tại Casa Rosada (Nhà hồng), nơi ở chính thức của Tổng thống. Trong cuộc họp này một mạng lưới sẽ lập ra có sự hỗ trợ của Cơ quan ngoại vụ Argentina và Bộ Ngoại giao. Cảnh sát trưởng Thụy Sĩ Heinrich Rothmund và linh mục Công giáo La Mã Croatia Krunoslav Draganović cũng đã giúp tổ chức ra Con Đường Chuột (ratline) cho các tội phạm chiến tranh.
Các sĩ quan Đức vốn giàu có, ngoài tài sản tự có họ cũng cướp được khá nhiều trang sức quý giá từ các cuộc diệt chủng và cướp bóc. Họ sẵn sàn bỏ tiền ra để được đón tiếp và thông hành qua các chốt kiểm soát của quân đồng minh. Đặc biệt nhiều người Argentina gốc Đức cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để bảo lãnh cho những người này.
Kết cục tất yếu 
Hầu hết danh tính của các sĩ quan Đức quốc xã kể trên sau đó đều bị vạch trần và họ đã phải trả giá cho những tội ác mà mình đã gây ra trong quá khứ. 
Tháng 5/1960, sau khi danh tính thật sự bị bại lộ, Adolf Eichmann đã bị Mossad (Cơ quan Tình báo Israel) bắt cóc đến Israel, nơi ông bị xử kết án treo cổ vào ngày 31/5/1962. 
Về phần Josef Mengele, cảm thấy an toàn sau 7 năm lẩn trốn tại Argentina, cựu sĩ quan SS đã công khai danh tính và yêu cầu trở lại với tên thật của mình. Tuy nhiên, thông tin này đã bị tiết lộ và Chính phủ Đức đã yêu cầu dẫn độ bác sĩ Mengele vì đã tiến hành thí nghiệm con người trong quá trình hoạt động tại trại tập trung Auschwitz. Mengele đã quyết định chạy trốn, ẩn náu 1 năm ở Paraguay, sau đó chuyển đến Brazil, nhưng qua đời vì đột quỵ vào năm 1979. 
Tương tự như vậy, tới thập niên 70, khi phong trào dẫn độ các sĩ quan Đức quốc xã của Berlin đang ở cao trào, Eduard Roschmann đã trốn sang Paraguay và qua đời vào tháng 8/1977. 
Ngay sau khi bị phát hiện danh tính bởi các nhà báo tại nơi sinh sống Bariloche, tin tức về Erich Priebke được đăng trên trang nhất của tất cả các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phải đến năm 1998, Priebke mới bị chính quyền Argentina và sau đó là chính quyền Italy quản thúc tại gia cho tới khi chết ngày 11/10/2013, thọ hơn 100 tuổi.
Đóng góp cho Argentina
Một trong những chuyên gia được chính quyền Tổng thống Argentina Juan Peron trọng dụng nhất là kỹ sư máy bay người Pháp Emile Dewoitine. Ông chính là tác giả của D.520, chiến đấu cơ tốt nhất của Pháp đối mặt với lực lượng Luftwaffe vào thời điểm Đức tiến đánh Pháp vào năm 1940. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng vào tháng 6 năm đó, Dewoitine quay sang hợp tác với các chuyên gia Đức để phát triển máy bay cho Luftwaffe. Bị chính phủ hậu chiến Pháp xem là kẻ phản quốc, ông trốn sang Tây Ban Nha rồi vượt Đại Tây Dương và đầu quân cho Tổng thống Peron.
Chọn Argentina làm nơi nương náu còn có Kurt Tank, kiến trúc sư trưởng của dự án Ta.152 - phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ Focke-Wulf 190. Máy bay này được đánh giá là có khả năng vượt trội so với các loại tiêm kích lừng danh Mustang và Thunderbolt của Mỹ. Theo giới sử gia, nếu dự án này của Tank hoàn thành sớm hơn thì Luftwaffe đã có thể đập tan ưu thế trên không của phe Đồng minh. Sau chiến tranh, ông từng tìm cách thương thảo đầu quân cho Anh, Trung Quốc và Liên Xô nhưng cuối cùng chỉ có Argentina là chịu dung nạp.
Bên cạnh đó, năm 1960, nhà khoa học Đức Reimar Horten tìm đến Viện Kỹ thuật hàng không Argentina trình bày dự án “bom bay siêu thanh”. Ông này cũng nằm trong số những nhà khoa học trốn đến Argentina sau Thế chiến 2. Theo mô tả của Horten, “bom bay siêu thanh” có nhiều nét tương đồng với tên lửa hành trình siêu thanh hiện đại.
Tuy nắm trong tay nhiều bộ óc xuất sắc của Đức Quốc xã nhưng cuối cùng Argentina vẫn không thể hiện thực hóa được tham vọng quân sự của mình vì không đủ công nghệ để làm đúng theo thiết kế. Do thực lực tài chính có hạn nên nước này cũng không thể theo đuổi các dự án dài hơi và nhanh chóng “xếp xó” mỗi khi thử nghiệm thất bại.
Một dự án tên là FMA I.Ae. 27 Pulqui I của Dewoitine được công nhận là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên ra đời tại khu vực Mỹ Latin. Thế nhưng, do vấn đề kỹ thuật lắp ráp và vật liệu nên máy bay này chỉ đạt vận tốc hơn 700 km/giờ và chất lượng bay cực thấp nên chỉ được sản xuất đúng một phiên bản mẫu để thử nghiệm. Không còn được trọng dụng, Dewoitine đến Thụy Sĩ rồi trở về Pháp và qua đời lặng lẽ năm 1979. Các dự án có bàn tay của kỹ sư Tank cũng không khả quan hơn. Ông tiếp tục phát triển máy bay Ta 183 nhưng không thể thu nhỏ kích thước để thích hợp thực chiến. 
Sau đó, các thiết kế của Dewoitine và Tank được hợp nhất thành dự án Pulqui II, tiến tới giai đoạn bay thử nghiệm vào năm 1950 với vận tốc hơn 1.100 km/giờ. Mẫu máy bay này cũng đạt tầm bay hơn 3.200 km và mang được 4 pháo 20 mm. Tuy nhiên, với công nghệ yếu kém của Argentina thời điểm đó, các đợt bay thử nghiệm bộc lộ vô số khuyết điểm về khí động học. Thậm chí, một phi công đã tử nạn vì trục trặc kỹ thuật. Dù Pulqui II được không quân Argentina đặt hàng 100 chiếc nhưng chỉ có 5 chiếc được sản xuất. 
Những bất ổn về chính trị và kinh tế sau đó buộc chính quyền Buenos Aires hủy đơn hàng và sa thải luôn kỹ sư Tank vào năm 1955. Ông rời Argentina tới Ấn Độ và hỗ trợ thiết kế máy bay phản lực đầu tiên của nước này là chiếc HF24. Tới năm 1970, ông về Đức và qua đời năm 1983.
Trong khi đó, nhà khoa học Horten chung tay cùng các kỹ sư Argentina thiết kế 2 mẫu máy bay chiến đấu I.A.37 và I.A.48 nhưng cả hai đều bị hủy bỏ vào năm 1960. Quyết định này đồng thời khai tử luôn dự án “bom bay siêu thanh”, vốn được lên kế hoạch cho thử nghiệm phóng từ các máy bay nói trên. Theo trang War is Boring, nếu đúng như thiết kế của Horten thì loại vũ khí này có thể đạt vận tốc Mach 2.5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh) và tạo ra một cuộc cách mạng về tên lửa. Khác với các đồng nghiệp, Horten vẫn ở lại Argentina và qua đời năm 1993.