Đi ngang cầu Bình Lợi, nhìn về phía tay phải (hướng theo Thủ Đức tiến về trung tâm thành phố) có một trung tâm tiếng Anh, mình vừa ngang qua đó để tới công ty, đúng giờ tan của các bạn với hàng dài xe phụ huynh đợi đón con. Bất chợt mình nhớ về ngày xưa, mình ước mình có thể nhỏ lại lần nữa để được bố mẹ tới đón mình khi tan học. Cảm giác có người đợi chờ mình là cảm giác thật sự hạnh phúc, nó có nghĩa rằng bạn là một phần của cuộc sống người kia, rằng bạn có một ý nghĩa nhất định đối với họ.
Mỗi khi nghe mọi người tường thuật về kỉ niệm hồi nhỏ của bản thân, mình tự hỏi rằng tuổi thơ mình có gì nhỉ, mình thật sự không nhớ nhiều về hồi đó. Nhưng cảnh phụ huynh đợi đón con ở trung tâm hồi tối giúp mình hồi tưởng không ít.
—-----------------------------------
Gia đình mình thuần nông, ông bà nội ngoại, bố mẹ, họ hàng đều chủ yếu làm nông hoặc chí ít một vài người có công việc mà không phải là “Làm nông”. Mình từ nhỏ đến lớn cũng quen với việc người thân “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đến khi lên đại học mình mới thôi không giúp gia đình làm việc vườn nữa. Cấp Ba mình từng xin mẹ cho đi làm ở tiệm bánh nhưng lại thôi, vì mình đi làm ngoài thì việc vườn ai giúp mẹ. 
Gia đình mình có bố, mẹ, và một người anh trai. Họ hàng, ông bà nội, ngoại đều ở xa. Bố rất nuông chiều mình, mẹ khó tính hơn, và anh trai thì thương mình.
Mình ước có thể nhỏ lại lần nữa để được bố mẹ chở đi học rồi đón mình về. Việc đưa đón này chỉ diễn ra khi mình học mẫu giáo và năm đầu đi học; lớp 2, lớp 3 được anh chở bằng xe đạp vì hai anh em trường gần nhau; từ lớp 4 đến bây giờ - lớp 15 (a.k.a năm Ba đại học), mình tự đi một mình. Cả từ trong nhận thức của mình đến cả sách tâm linh, bói tarot, nhận xét của người thân,...đều nhận định mình là con người tự lập. Nếu chọn một từ để nhận xét về bản thân thì mình nói luôn “Tự lập” không cần suy nghĩ nhiều.
Tự lập, cũng tốt thôi, nhưng nhiều lúc nó khiến mình tủi thân và mệt mỏi. Như một cái cây trơ trụi giữa cánh đồng, phải tự đứng vững chứ không dựa vào đâu được.
—-----------------------------------
Kể ra thì rất nhiều yếu tố khiến mình phải tự lập như vậy.
Năm mình lớp Năm, anh trai lớp Tám, gia đình mình gặp chuyện, mẹ, từ việc chỉ là một người mẹ, giờ đã phải gánh thêm trọng trách của một người cha. Nhà tài chính chẳng dư dả gì, cuộc sống theo kiểu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cộng thêm hai đứa con chưa đủ chín chắn về nhận thức, cộng thêm sức ép từ phía bên nội, cộng thêm cả lời bàn tán mà xã hội đồn thổi, mình không biết mẹ đã vượt qua kiểu gì nữa. Mẹ đảm đang, nhanh nhẹn, khéo léo, và mạnh mẽ nữa. Mình nhớ cảnh những giọt nước mắt của mẹ rơi và những tiếng thở dài trong đêm khi nằm cạnh mẹ. Mẹ có những đức tính mà mình chẳng bao giờ học được.
Anh trai mình đã và đang luôn là một người anh tuyệt vời đối với mình. Dù mình có quen, có yêu người con trai nào, thì anh trai vẫn luôn là một thước đo mà người mình quen phải vượt qua. Mẹ mình rèn dũa đức tính của mình, còn anh trai là người dạy bảo mình về kỹ năng sống: cách dùng máy tính, cách đi xe máy, cách sửa xe, cách mình tồn tại ở Sài Gòn này,...
Còn bố, con chỉ bên bố được đâu đó hơn 10 năm. Bố cưng con hơn cưng anh trai, tên đệm con cũng giống tên đệm của bố nữa. Bố là người dạy con cách đi xe đạp. Tối tối, bố và con đạp xe đạp quanh thôn. Có lần con chở bố, bố nặng quá, con đi lảo đảo nên người bên kia đường nói mình “đánh võng”. Con cũng chẳng hiểu đánh võng là gì, liền hỏi bố. Lần khác, con cũng chở bố, nhưng không còn đánh võng nữa mà trúng phải ổ gà nên bị ngã xe, đầu gối xước để lại sẹo. Chính vết sẹo này giúp con tin rằng đã thật sự từng có sự tồn tại bố bên cạnh trong tuổi thơ.
Con nhớ cả cảnh bố đứng tựa lưng vào tường, tay cầm điếu thuốc, ánh mắt vô định trong những ngày cuối mà bố còn trên đời.
Bố là kỷ niệm vui, nhưng mang lại nước mắt buồn cho con.
Kể từ khi bố đi xa, dường như mình chẳng dám nũng nịu thêm được với ai nữa. Mẹ và anh đều bận rộn với cuộc sống để giúp gia đình tiếp tục tồn tại. Rồi còn việc mình chuyển cấp từ Tiểu học lên Trung học cơ sở nữa, môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới, trong khi những đồn thổi từ ngoài kia vẫn văng vẳng quanh gia đình mình. Mà trẻ con thì cứ vô tư làm tổn thương người khác thôi: bạn bè cùng lớp nói với mình những điều mà chúng nghe được từ người lớn, những điều mà mình chẳng thể hiểu nổi tại sao xã hội lại có thể phóng đại, bóp méo như vậy. Ngày tháng đó thật sự u uất.
Mình giống hệt bố, từ ngoại hình, tính cách, cho đến cả vị trí nốt ruồi mình cũng giống. Theo nhận xét khách quan từ vị trí người con gái, bố mình hiền nhưng cục tính, ít nói, hướng nội, sống nội tâm, khá nghệ thuật, bay bổng, chậm rãi. Bố thích cây nên trồng nhiều lắm, cây mai, cây xoài, cây đa, cây nha đam,.... Bố trồng nhiều cây, nhưng mẹ lại chỉ giữ lại những cây “có giá trị” cho quả ăn, còn hoa thì mẹ phá đi hết. Mình cực giận mẹ vụ này (cho tới cả bây giờ), và cả thấy buồn cùng bố nữa. 
Khi tức giận, bố rất cục, mặt đỏ tía tai, có khi còn dùng đến cả bạo lực trong khi chẳng nói câu nào. Mình vẫn luôn tự hỏi rằng bố có tự ti không. Chẳng hiểu tại sao mình lại nghĩ như vậy nữa, thắc mắc thì thắc mắc thôi.
Có một bức ảnh mình chụp cùng bố, mà lúc rửa ảnh xong thấy ghét cái bản mặt nhõng nhẽo của mình quá nên đã lấy bút tô lên mặt mình. Giờ thì vẫn ghét bản thân thôi, nhưng ghét bản thân lúc lấy cái bút đó để tô đó hơn. Bức ảnh vẫn còn, vết mực vẫn còn, và mình muốn táng vô đầu con bé Hằng khi đó vì nó không biết rằng bức ảnh đó đáng trân quý biết bao.
Mình hiện tại quen với việc không có bố rồi, dù sau đó có vài người đàn ông ngang qua cuộc đời mẹ. Không chắc rằng sẽ có một người cha nào mà mình dành tình cảm như mình dành cho bố được. Chứng kiến mọi người xung quanh có bố bên cạnh, được trò chuyện với bố, được bố quan tâm săn sóc, sự tồn tại của người bố là điều đương nhiên, mình không quen. Trong thâm tâm mình vẫn muốn lắm một người bố, nhưng…, mình không biết nữa, mình sẽ bỡ ngỡ lắm khi bây giờ mình có bố, và cũng chắc chắn là mình sẽ khóc nữa. Vì nếu coi một người xa lạ là bố thì mình hẳn phải dành nhiều tình cảm cho người đó lắm.
Mình thừa nhận tính cách mình cực giống bố, nhưng thời gian mình bên mẹ lại nhiều hơn. Thế nên mình là sự kết hợp giữa hai bản thể trái ngược nhau: hướng nội - hướng ngoại, chậm rãi - nhanh nhẹn, nhẹ nhàng - nóng hổi. Cả hai người, mình vừa thương lại vừa giận.
—-----------------------------------
Những năm đầu sau khi gia mình gặp chuyện, những năm đầu của môi trường học mới, mọi thứ thật tệ, nhưng không ai làm mình chùn bước được cả, thậm chí mình còn nhận được sự tôn trọng nhất định vì thành tích học tập mình khá. 
Mình không dám sử dụng từ “Giỏi” ở đây, vì giỏi hay kém chỉ là thước đo chủ quan. 12 năm đi học, năm nào mình cũng giữ chức vụ gì đó trong lớp: Chi đội Trưởng, Lớp Phó, Sao đỏ, Tổ trưởng,... Mình thầm cảm ơn vì mẹ mình không bao giờ phải lo lắng về việc học tập của hai đứa con, cũng không phải tốn tiền mua vở vì số vở được tặng năm nào cũng dư. Dù mình chẳng hài lòng với bản thân mình đâu, nhưng cũng giúp đỡ mẹ được phần nào những lắng lo mà mẹ phải đối mặt. 
Dòng chảy cứ thế kể từ khi nhà mình gặp chuyện, mình chẳng có thể mè nheo với ai được, mình bắt buộc phải tự lập thôi. 
—-----------------------------------
Có những điều là không thể, vậy nên mới có ước mơ. 
Và mình ước được trở lại cái thời ấy, cái thời mình có quyền được làm nũng, được mè nheo, nhõng nhẽo.