Những người được cho là tự tin nhất có thể lại là những người yếu đuối nhất. (Bên cạnh bài viết trên Spiderum, nội dung này còn được xất bản dưới dạng video trên Youtubepodcast, các bạn có thể bấm vào để nghe)
Trong công việc thực tế, tôi được tiếp xúc với nhiều học sinh, từ những bé ở độ tuổi mầm non, tiểu học, cho đến những bạn sinh viên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Và tôi nhận thấy rằng hình ảnh về một người tự tin trong mắt các em, trong mắt phụ huynh, trong mắt toàn xã hội là khá tương đồng.
Hãy gặp Tuấn, một chàng trai tự tin điển hình theo quy chuẩn của xã hội hiện đại. Tuấn không ngại xuất hiện trước đám đông. Cậu thích sự ồn ào náo nhiệt của nó. Tuấn muốn mình luôn là tâm điểm chú ý. Và quả thật không khó để cậu đạt được điều đó. Tuấn có vẻ ngoài ưa nhìn, ăn nói trôi chảy trước công chúng. Tuấn không thích chạy theo đám đông. Thay vào đó, cậu muốn phá cách để tạo nên chất riêng của bản thân. Những lời phản đối không khiến Tuấn e ngại. Thậm chí chúng càng khiến cậu có động lực để theo đuổi phong cách của riêng mình. Tuấn đăng lên facebook hình ảnh của mọi sự kiện mà cậu xuất hiện. Cậu muốn công chúng được biết về những nơi cậu ghé thăm, những hội nghị cậu tham gia, những nhân vật quan trọng cậu gặp, những chức danh bóng bẩy cậu nắm giữ. Tuấn muốn mọi người phải khâm phục mình, mến mộ mình. Tuấn muốn là một hình mẫu về sự thành công trong mắt công chúng, là tấm gương “con nhà người ta” mà các bà mẹ lấy ra để dạy con mình. Ngoài những lần check-in, trang facebook cá nhân của Tuấn còn tràn ngập những bài viết có nội dung tốt, những hình ảnh chuyên nghiệp mà cậu chụp ở một studio nào đó. Còn trong các bức ảnh tập thể, cậu thường xuyên đứng ở vị trí trung tâm. Trong mắt phần lớn các bạn, có lẽ Tuấn là một anh chàng tự tin điển hình. Nhưng trong mắt tôi, Tuấn lại rất thiếu tự tin.
Để hiểu tại sao tôi lại nói như vậy, trước tiên, chúng ta hãy định nghĩa xem thế nào là tự tin. Tôi đã thử hỏi Google, nhưng đáng tiếc là tôi chưa tìm thấy một tổ chức uy tín nào đưa ra định nghĩa chính thức về hai chữ này. Vì thế mà mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Cũng bởi vậy, tôi xin phép tự xây dựng định nghĩa của mình, và tôi tin đây cũng là cách định nghĩa của nhiều người khác. Hai chữ “tự tin” hàm ý rằng bạn tự đặt niềm tin vào bản thân. Đây có lẽ là cách hiểu sát nghĩa nhất. Nhưng có một vấn đề. Đó là khái niệm này tập trung hoàn toàn vào nội tâm của mỗi cá nhân. Nó không nhắc tới những biểu hiện bề ngoài để mọi người có thể sử dụng làm dấu hiệu nhận biết. Niềm tin là thứ vô hình mà ngoại trừ chủ nhân của nó thì không ai có thể khẳng định chắc chắn. Bạn có thể vờ tỏ ra tin tưởng tôi ngay cả khi bạn luôn nghi ngờ tôi. Và mọi người xung quanh không thể kiểm chứng xem liệu bạn có thật sự tin tưởng tôi hay không. Họ chỉ có thể dựa vào hành vi bề ngoài, như lời nói, cử chỉ để phỏng đoán.
Bất kể bạn đặt niềm tin vào đâu thì bạn cũng nắm quyền tự quyết và chịu hoàn toàn toàn trách nhiệm. Bạn muốn tin vào anh bạn mới quen, bạn không thể tìm đến người thân của anh ta để xin niềm tin được. Bạn không thể nói rằng:
“Hey, tớ mới quen anh trai cậu nhưng chưa tin anh ta lắm. Tớ biết là cậu tin anh ta. Cậu có thể chia sẻ một nửa niềm tin của cậu cho tớ được chứ?”
Niềm tin không phải một cái bánh để người ta có thể chia sẻ hoặc đem cho nhau. Bạn tự tạo ra niềm tin từ bên trong mình. Có thể nó cần đến những kích thích bên ngoài, nhưng nó thuộc về thế giới nội tâm do mỗi người tự tạo ra.
Giờ thì quay trở lại với Tuấn, ắt hẳn cậu phải đặt niềm tin lớn vào bản thân. Và niềm tin ấy xuất phát từ bên trong cậu chứ không phải được ai đó ban cho. Nhưng nếu vậy thì tại sao Tuấn lại cần được mọi người chú ý? Nếu niềm tin vào bản thân chỉ phụ thuộc vào chính cậu thì những lời tung hô của thiên hạ ngoài kia đóng vai trò gì? Thật mỉa mai, Tuấn cần được thiên hạ ngợi khen để thấy bản thân có giá trị. Cậu không hề tự tin.
Nếu Tuấn tự đặt niềm tin vào bản thân, tại sao cậu cần đến niềm tin của đám đông?
Nếu Tuấn tự đặt niềm tin vào bản thân, tại sao cậu cần đến niềm tin của đám đông?
Đối nghịch với Tuấn là Anna, một người tự tin thật sự. Cô không cần những đánh giá của thiên hạ để biết vị trí của mình ở đâu. Cô nhận thức một cách sâu sắc giá trị của bản thân. Cô hiểu rằng giá trị ấy xuất phát từ chính con người cô, sâu bên trong con người cô. Những lời tâng bốc không làm giá trị ấy tăng lên. Những lời dè bỉu không làm giá trị ấy giảm xuống. Nó không phục thuộc vào sự đánh giá của thiên hạ. Cô là cô, đơn giản vậy thôi. Cũng giống như một tờ 50 nghìn, bất kể người ta dẫm đạp hay nâng niu, khen ngợi hay nguyền rủa, thì giá trị của nó vẫn là 50 nghìn. Giá trị ấy thuộc về nội tại của chính nó. Vì hiểu được điều này một cách sâu sắc nên Anna chẳng hề bận tâm chuyện người khác nghĩ gì và nói gì về mình. Cô chỉ đưa lên facebook những thứ cô thích, không phải những thứ thiên hạ thích. Cô không cố gắng trở nên nổi bật, không có nhu cầu thu hút sự chú ý. Anna đơn giản là sống như cô muốn. Nếu thiên hạ vì thế mà chú ý thì cũng không phải việc của cô.
Cũng giống như Tuấn, Anna có thể hành động khác đám đông. Nhưng lý do không phải vì cô muốn khác biệt. Cô không quan tâm đến đám đông, không so sánh bản thân với họ. Cô chỉ muốn sống thật với con người mình chứ không phải là sống khác với đám đông. Khi nhìn bề ngoài, cả Tuấn và Anna chọn cho mình con đường riêng. Nhưng một người vì muốn đi ngược lại đám đông, còn người kia thì chẳng quan tâm đến đám đông mà chỉ muốn đi theo niềm tin của chính mình. Thuận theo đám đông hay chống lại đám đông đều là bị đám đông chi phối. Đó là điều mà Tuấn không bao giờ hiểu được.
Thuận theo đám đông hay chống lại đám đông đều là bị đám đông chi phối
Tuấn không hề tự tin. Trái lại, cậu rất yếu đuối. Cậu không nhận thức được giá trị con người mình. Cậu cần những lời ngợi khen của thiên hạ để thấy bản thân có giá trị. Tâm hồn cậu có 1 khoảng trống lớn. Cậu phải lấp đầy nó bằng những đánh giá của người đời. Cậu làm mọi việc để khiến đám đông chú ý. Khen cũng được, chê cũng được, miễn sao là họ chú ý đến cậu. Tuấn không đủ mạnh để chịu đựng nỗi cô đơn, để sống cho riêng mình trong thế giới của riêng mình.
Đối với Tuấn, bị coi như không tồn tại đáng sợ hơn rất nhiều so với bị ghét. Khi bạn ghét ai đó tức là bạn đã dành cho họ 1 vị trí trong tâm trí. Thử hình dung xem, người ta thậm chí còn không thèm ghét bạn. Họ coi bạn như không tồn tại. Mọi việc bạn làm chẳng khiến ai chú ý. Bạn đăng ảnh lên facebook mà không có lấy 1 like hay comment. Bạn trôi qua cuộc đời như một sinh vật thừa thãi, một kẻ vô hình, xuất hiện và biến mất mà chẳng ai thèm bận tâm. Cảm giác đó đáng sợ hơn bị ghét rất nhiều. Đó chính là nỗi ám ảnh của Tuấn. Cậu phải làm mọi thứ để trốn chạy khỏi nó. Câu chuyện cuộc đời Tuấn cũng có thể tóm gọn trong một câu mà tôi rất tâm đắc được tác giả Paul Auster viết trong cuốn “Khởi sinh của cô độc”: Những việc người ta đã và đang làm không phải là để đạt được hạnh phúc, mà để xây một bức tường ngăn cách họ với nỗi bất hạnh. Tiền bạc, quyền lực, sự tung hô của đám đông... tất cả những thứ đó vô nghĩa với một người thật sự tự tin và hạnh phúc. Nhưng là phao cứu sinh cho những người thiếu tự tin và bất hạnh. Họ cần chúng để xây một bức tường ngăn không cho nỗi bất hạnh ập vào cuộc đời mình.
Đến đây, có lẽ mỗi chúng ta đều có thể thấy một Tuấn và một Anna bên trong chính mình, và bên trong những người xung quanh. Đây là cơ hội cho bạn và tôi, mỗi người trong chúng ta, tự nhìn lại bản thân để thấu hiểu chính mình hơn. Và nếu may mắn, từ sự thấu hiểu ấy, một cuộc hành trình hạnh phúc sẽ bắt đầu. Bởi vì sự tự tin xuất phát từ việc thấu hiểu bản thân. Bởi vì mọi trí tuệ xuất phát từ việc thấu hiểu bản thân. Hoặc như Aristotle từng nói:
Thấu hiểu bản thân là khởi nguồn của mọi trí tuệ
PS:Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!