1. Tiêu tiền mình chưa có

Tôi đã từng hí hửng tải app quản lý tài chính về dùng và xóa app một tuần sau đó vì mệt mỏi với việc phải ghi ghớ và chép lại từng chi tiêu hàng ngày. Tôi biết bản thân mình không có khả năng kiểm soát chi tiêu nên tôi chưa bao giờ  dám nghĩ đến việc mở tài khoản tín dụng. Ai cũng biết thẻ tín dụng cho chúng ta rất nhiều ưu đãi về các dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí nhưng đó cũng chính là một cái bẫy ngọt ngào. Dù hoàn toàn có thể đặt hạn mức chi tiêu nhưng tôi cứ có cảm giác là khi xài trước trả sau kiểu ấy sẽ khiến tôi có xu hướng dùng tiền vào những mục đích vô bổ. Rất có thể là tôi sẽ tụ tập nhậu nhoẹt thường xuyên hoặc mua những món đồ không thật sự cần thiết.
Lời khuyên cho những bạn nào “không tin tưởng chính mình” như tôi là TUYỆT ĐỐI KHÔNG MỞ THẺ TÍN DỤNG!

2. Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu

Cuộc sống là vô vàn những tình huống không “mong đợi” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy việc có một khoản tiền tiết kiệm là thật sự cần thiết. Sẽ luôn là một việc làm thông minh nếu như mỗi khi nhận lương bạn chuyển ngay một phần vào tài khoản tiết kiệm. Chưa bàn đến việc bạn dành ra được bao nhiêu tiền, đó đã là một việc làm đúng đắn. Nhiều người chỉ có thể tiết kiệm được vài trăm ngàn mỗi tháng nhưng bạn đừng vội coi thường giá trị nó mang lại. Số tiền đó trong tương lai có thể sẽ không giúp bạn mua nhà, mua xe hay mở công ty khởi nghiệp. Nhưng ít ra nó sẽ không khiến bạn lâm vào thế bị động trong trường hợp có bệnh phải chữa, nghỉ việc chưa có việc mới ngay, hỏng điện thoại phải mua mới và ti tỉ thứ có thể bất ngờ xảy ra mà bạn cần có tiền phòng hờ.
Tin tôi đi! Cảm giác an toàn không phải đến từ một ai đó mà là khi xe đầy xăng, điện thoại đầy pin và trong ví đầy tiền nha các bạn!

3. Sa vào vòng lặp vay – trả

Người trẻ, nhất là các bạn trẻ lương 7 con số thường có cách chi tiêu khá là hào phóng. Ỷ mình làm ra tiền, lương cũng nhiều, thế là tiêu không biết đến ngày mai, sau đó khi hết tiền là hồn nhiên đi vay mượn.
Chẳng ai thích vay mượn cả nhưng cái nhịp tiêu khi đã vào guồng thì khó mà kìm hãm. Nhìn thấy cái gì vừa mắt là muốn sở hữu ngay, cộng thêm cái tâm lý “mình làm ra tiền cơ mà, vay rồi  đến kỳ lương lại trả” thế là nhắm mắt ngửa tay đi vay tiền tiêu. Tất yếu, đến cuối tháng hụt ngay một khoản mấy triệu bạc đã vay mượn từ trước. Cứ thế, vì ngân sách bị tiêu lẹm ngay từ đầu tháng nên đến cuối tháng lại hết tiền và cần “viện trợ”. Dần dần, nếu không thoát ra được, bạn sẽ chỉ đi làm để trả nợ.

4. Ném tiền vào những trò giải trí đắt đỏ

Có một điều hài hước là chúng ta làm việc cật lực để kiếm tiền sau đó lại dùng tiền đó cho các các hoạt động vui chơi giải trí nhằm giải tỏa áp lực do công việc.
Thời buổi hiện nay, cứ ra đường là xác định sẽ phải tiêu tiền. Nếu bạn sống ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn thì điều này lại càng đúng. Cuối tuần mà hẹn gặp bạn bè thì làm gì?  Các bạn sẽ đi ăn uống, đi xem phim, đi shopping và rất nhiều hoạt động tốn tiền khác, đúng không? Hãy dừng lại vài giây để làm một phép tính nho nhỏ. Tôi cá là buổi đi chơi đó của bạn sẽ mất không dưới 1 triệu đâu. Nếu bạn là nhân viên văn phòng lương tháng 5 triệu thì có nghĩa là một tháng các bạn đã tiêu hết 4/5 số tiền kiếm được chỉ để đổi lấy niềm vui trong tức thời.
Đừng vội hiểu lầm, tôi không có ý nói rằng các bạn không được phép gặp gỡ bạn bè hay tham gia những cuộc vui sau giờ làm. Tôi muốn nói đến “sự chừng mực”. Bạn là người nắm rõ nhất về khả năng tài chính của mình. Hơn ai hết bạn phải biết đâu là điểm dừng. Có thể bạn bè của bạn có nguồn thu nhập cao hơn bạn, sau cuộc hò hẹn đó cuộc sống của họ không chút ảnh hưởng. Nhưng bạn thì sao? Những ngày tháng sau đó có thể bạn phải đi vay mượn để sống. Điều đó ổn chứ?
Nhiều bạn sẽ nói đôi khi chúng ta phải tiêu tiền cho những hoạt động như thế để duy trì mối quan hệ. Tôi đồng ý. Đó là cách cuộc sống diễn ra. Nhưng bạn có nhiều phương án tốt hơn mà. Thay vì hẹn gặp bạn bè tại một quán cafe đắt đỏ bị giới hạn giờ mở cửa, các bạn có thể ngồi quán trà chanh ven đường chém gió tới đêm muộn. Năm ngàn một cốc trà chanh nhưng tôi tin nó sẽ không làm tình cảm của các bạn vơi bớt chút nào đâu. Cũng đừng suốt ngày ăn ở ngoài nữa. Thử mua đồ về nhà tự nấu một lần các bạn sẽ thấy nó thoải mái và tiết kiệm cỡ nào.

5. Mua thứ mình muốn, không phải thứ mình cần

Bạn muốn mua tặng nhỏ bạn thân chiếc túi xách vào ngày sinh nhật. Bạn vào trung tâm thương mại, lượn vài vòng. Bạn tạt qua hàng quần áo, chiếc váy maxi treo ngoài cửa thu hút bạn, bạn đắn đo rồi quyết định mua dù chưa có kế hoạch đi biển. Đi qua gian hàng mỹ phẩm thấy mấy chị tiếp thị xinh đẹp đang giới thiệu dòng phấn phủ kiềm dầu mới, sau khi dùng thử bạn mua ngay 1 hộp dù rằng hộp phấn ở nhà bạn vừa mua tháng trước với lý do tương tự. Kết quả là trước khi đến quầy bán túi xách, bạn đã tiêu gần hết số tiền dự tính để mua quà sinh nhật. Bạn tự trách mình nhưng rồi thói quen này vẫn được duy trì. Có ai thấy mình trong câu chuyện không? Tôi thấy mình của ngày xưa trong đó.
Mách nhỏ các bạn một giải pháp đặc trị căn bệnh này, tôi gọi nó là giải pháp “trì hoãn”. Ai cũng bị lay động bởi những thứ đẹp đẽ. Tuy nhiên bạn cần tỉnh táo để phân biệt rằng đó có phải là sự rung động trong khoảnh khắc hay không. Có thể là bạn đã bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài như thời gian, không gian hay thậm chí là tâm trạng. Để biết được đó có thật sự là món đồ cần thiết bạn buộc phải xuống tiền để sở hữu hay không, bạn hãy cho mình thời gian 1 tuần suy nghĩ. Một tuần sau nếu bạn không còn thích nữa thì có nghĩa là bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền để làm những việc khác ý nghĩa hơn. Còn nếu bạn vẫn nhớ đến nó, hãy dứt khoát quay lại mua. Đừng sợ sự trì hoãn sẽ làm bạn bỏ lỡ thứ gì đó. Cuộc sống vốn dĩ không có “nhất”, chỉ có “hơn”. Rồi bạn sẽ lại gặp được những thứ khác còn lộng lẫy hơn thế.
#Tintin