Tách trà con trẻ: Vì sao một số bà mẹ đánh con rất dữ đòn?!
Việc nuôi dưỡng trẻ con nhiều khi không làm thức dậy tình mẫu tử, mà nó lại là nguồn cơn của sự đố kỵ từ đứa trẻ trong nội tâm đối với những đứa trẻ mình sinh ra...
Đã lâu rồi, nơi này chưa viết lại những bài viết về vấn đề giáo dục con trẻ. Phần vì bận việc, phần vì những ý tưởng cứ bị dồn nén lại, đẩy vào một góc nào đó trong trí nhớ, mà không có dịp được lôi ra. Thành ra, nó bị đóng bụi. Thì nay, nơi này cố gắng viết lại những điều muốn chia sẻ, qua những tách trà.
Vì sao nơi này thích viết những dạng bài kiểu này? Bởi, trong cuộc sống, những thứ bề nổi thì rất dễ thấy. Nhưng những thứ thực sự quan trọng, chi phối nhân sinh, thì lại nằm ở một tầng thứ khác, mà phải chậm lại, ta mới chiêm nghiệm được nhiều điều. Do đó, nơi này chọn viết những điều hơi khó đọc, nhưng đảm bảo đủ dư vị, để kéo bạn dừng chân lâu thêm một chút, và cũng giúp bạn có thêm những góc nhìn khác, trong cuộc sống.
Vậy thì, hôm nay, thứ sáu, cũng dịp cuối tuần, chúng ta cùng đả động đôi chút về chuyện con trẻ. Có lẽ cũng chẳng phải là chuyện của riêng ai. Khi những áp lực, gánh nặng xung quanh đã đủ làm ta vất vả, thì chuyện con trẻ ở nhà cũng chẳng kém cạnh là bao. Nhưng nơi này sẽ đả động ở một góc nhìn khác, hơi thiên về tâm lý, nên mong bạn hãy cởi mở, nhẹ nhàng thư giãn, thưởng thức một tách trà, trong khi đọc bài.
Người trưởng thành trên rất nhiều phương diện, họ vẫn là những đứa trẻ. Đa phần người ta giành cho con trẻ những thứ mà họ thiếu trong những năm tháng tuổi thơ, chứ không hẳn là người ta muốn đứa trẻ được tự do phát triển nhân cách. Nếu họ là những người hay bị phạt đòn ở tuổi thơ, thì khi lớn lên, họ sẽ có xu hướng tránh phạm phải những hành động trong quá khứ của cha mẹ họ, lên những đứa con của mình. Thế nên, nếu để ý, trong mỗi người đều có tiếng kêu khóc của một hay nhiều đứa trẻ, những đứa trẻ đó chính là âm vang từ vô thức về một ước muốn nào đó, được đối xử khác, để được cao lớn, và phát triển bình thường như những đứa trẻ hàng xóm. Sở dĩ, những đứa trẻ đó không được cao lớn, phát triển bình thường là bởi vì con người tồn tại không đơn độc, mà trong một tập thể. Trong tập thể đó, cái vô thức của tập thể quyết định sự tồn tại của cá nhân ở bên trong đó. Nên người ta khi nói về giáo dục, kỳ thực chính là gò tâm hồn đứa trẻ, sao cho phù hợp với sự tồn tại của đứa trẻ đó, chứ không hẳn là để cho đứa trẻ có thể được phát triển tự nhiên.
Carl Gustav Jung, nhà tâm lý học người Thụy Sỹ, có lần đối diện với ý tưởng là nhân cách của đứa trẻ phải được huấn luyện. Ông thấy khó hiểu, ông nói đó là cái gì? Khi các bà mẹ có con trẻ rối loạn tâm thần tìm tới ông, chia sẻ với ông về việc những sai lầm họ mắc phải khi còn nhỏ, và họ không muốn con trẻ của họ cũng mắc phải các sai lầm đó. Ông đều hỏi thế này: "Chị có chắc chính chị đã vượt qua các lỗi lầm đó hay chưa?"
Họ đều trả lời chắc nịch rằng, họ đã vượt qua nó. Sự tình Carl Jung thấy là chưa. Và ông thấy một điều gần như chắc chắn là thế này, tuổi thơ của cha mẹ khắc nghiệt, thì khi có điều kiện một chút họ lại làm hư con trẻ bằng tiện nghi; nếu có điều gì hết sức đau đớn trong tuổi thơ, những thứ này xuất hiện trở lại ở con trẻ bằng cách này hay cách khác, dưới một dạng thứ nào đó khác biệt bên ngoài, nhưng là cùng một vấn đề như cha mẹ. Từ cha mẹ tới con trẻ, chính xác là giữa hai đứa trẻ, một trong thân xác người trưởng thành, và một trong thân xác trẻ thơ, kỳ thực đều đong đưa qua lại, giữa các cực hạn của những lỗi lầm xưa cũ.
Nếu ta muốn thay đổi điều gì ở đứa trẻ, ta phải kiểm chứng lại rằng điều đó có nhất thiết trở nên tốt hơn nếu chúng ta làm thế với bản thân mình hay không? Đây là ý của Carl Jung. Làm sao có thể nói với đứa trẻ rằng nó nên làm thế nào, khi ngay cả bản thân mình không phải là một tấm gương cho tình huống đó. Đứa trẻ có thể không hiểu được chi tiết của đời sống người trưởng thành, nhưng không gian, cảm xúc, và các hành vi từ nội tâm người trưởng thành đều để lại dấu ấn lên đời sống. Đứa trẻ sống trong tình huống đó, nên nó cảm nhận được sự sai biệt giữa lời người trưởng thành, và hiện thực người trưởng thành mang lại. Nên Carl Jung kết luận rằng, cách giáo dục con trẻ hiệu quả, thực ra, chính là giáo dục đứa trẻ trong lòng mình trước.
Chắc hẳn, nhiều người đã thấy cảnh mẹ chồng con dâu chăm em bé. Nếu ta nhìn dưới giác độ của Carl Jung, rằng đứa con dâu kỳ thực chỉ đang chăm bẵm cho đứa trẻ tuổi thơ, và người mẹ cũng là nhớ lại những sai lầm từ năm tháng nuôi con, mà nay muốn bù đắp cho sai lầm đó thông qua đứa cháu. Hai đứa trẻ hoàn toàn có nhu cầu khác nhau, sẽ tranh giành nhau, và sự tình là xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu qua đứa bé là như thế. Điều này rất dễ thấy ở xung quanh bạn, khi người ta phải lấy chồng quá sớm, khi tâm hồn của các cô gái vẫn chỉ là những đứa trẻ, và việc nuôi dưỡng trẻ con nhiều khi không làm thức dậy tình mẫu tử, mà nó lại là nguồn cơn của sự đố kỵ từ đứa trẻ trong nội tâm đối với những đứa trẻ mình sinh ra. Nhiều bà mẹ vì thế, đánh con cái rất dữ đòn, đặc biệt là các bà mẹ trẻ.
Chúng ta nói về sự thiêng liêng của tình mẫu tử, nhưng chúng ta không biết được rằng không phải người mẹ nào cũng xuất hiện thứ tình mẫu tử đó, nhất là khi tâm hồn người mẹ vẫn còn là một đứa trẻ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất