Tách trà Nem chua: Văn hóa chính là biểu tượng, mà con người thường mơ...
Văn hóa, kỳ thực là tổng hợp của những niệm lành, được huân tập theo thời gian, vương vấn lên ký ức của từng lớp người, tạo thành vô thức tập thể. Vì sao nó trường tồn? Vì nó tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống...
Hà Nội hôm nay bất chợt đổ cơn mưa lớn và dài. Thời tiết này được cuộn trong chăn ấm, đánh một giấc là sướng nhất, chẳng phải lo nghĩ gì xa xôi. Nhưng vì có cuộc hẹn trước, nơi này vẫn có mặt tại quán cafe để bàn việc. Trò chuyện xong, bất giác, lại thèm cái vị nem chua của những quán bia cỏ ven đường ngày xưa. Ý nghĩ thoáng vụt qua trong đầu. Trời vẫn đang không ngớt rả rích xuống từng mái hiên của quán. Nhưng mưa thế này, rất khó tạnh ngay.
Muốn thì phải thực hiện. Đoạn phi xe đến cửa hàng gói nem tay nổi tiếng ở Hà Nội, gặp ông chủ đang ngồi, vẫn miệt mài đóng từng chồng nem chua với cơ số nhân viên, trò chuyện rôm rả.
"Chết vì ăn bác ạ!"
"Haha, đúng rồi. Cơ mà không ăn cũng chết, cháu ạ!"
Nem chua, là thứ gắn bó với nơi này từ hồi còn rất nhỏ. Thời Hà Nội, bia được uống bằng cốc cổ loe, tạo hình bằng thủy tinh lượn sóng. Người ta gọi là bia hơi, hay bia cỏ. Uống 1, 2 cốc ban đầu sau khi đi làm thì cực đã khát. Giờ, một số quán bia ở Hà Nội vẫn còn duy trì loại cốc này. Mà bia, phải ăn kèm nem chua, lạc luộc và bánh đa mới đúng chất của Hà Nội.
Nem chua ở quán bia, là thứ nem chua nhỏ, dẹt, dầy độ 2 ngón tay, dài khoảng chừng nửa gang tay, cuốn trong lá chuối. Khi bóc lá chuối ra, lớp trong cùng còn dính vào nem chua, rất khó rời nên phải nhẹ nhàng, tước từng đoạn lá chuối mỏng, xé ngược lên, để phần thịt của nem chua không bị xé nát ra thành mảnh nhỏ. Bóc lá xong, đoạn chấm với tương ớt loại lỏng, người ta hay gọi là ớt ăn phở, pha với chút đường cho ngọt ngọt đầu lưỡi, rồi tỏi, để át cái mùi của thịt chua, dậy lên cái mùi thơm nồng. Vị chua, ngọt nhẹ của nem chua, hòa quyện với vị cay, nồng của ớt và tỏi, rồi vị chát của lá ổi, được đính trên từng miếng nem chua, rồi cái mát lạnh sảng khoái của bia hơi Hà Nội, làm giảm đi vị cay nồng đó. Tất cả, hợp lại, giống như 1 bản giao hưởng đồng điệu, hòa quyện một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một nét độc đáo của Hà Nội, ký ức của bao người, ít nhất là 2 thế hệ những người con sinh sống, và làm việc ở nơi này.
Mọi mệt mỏi, buồn phiền, tan cùng tiếng trò chuyện rôm rả, không đầu, cũng chẳng cuối, ở những nơi như thế này, quán bia cỏ Hà Nội.
Đó chính là lý do, các quán bia này vẫn còn tồn tại. Mặc cho thời gian, con người, cuộc sống đã có quá nhiều đổi thay. Cái ẩn ức bên trong của những người con Hà Nội lớn lên, vẫn có một chỗ đứng riêng của nó. Và lâu lâu, nó lại trồi lên, đòi đáp ứng, như một cách để giải khát, để thoát ra khỏi thực tại, trở về thời của trẻ thơ với những ký ức, để hàn huyên, quên đi khói bụi của thường nhật.
Carl Jung, sở dĩ được coi là kỳ tài của tâm lý học, vì ông thuộc số ít dám dấn thân vào nơi không ai dám đi sâu vào, cõi vô thức. Trong một giấc mơ, khi Carl Jung thiếp đi, ông nghe thấy hồ như đâu đó văng vẳng có một tiếng nói, rằng con đường ông đi, là đúng đường rồi, cứ nỗ lực bước tiếp đi. Một luồng ánh sáng từ đâu không rõ, phát ra rực rỡ. Ông không biết đó là gì. Chỉ đến khi tỉnh lại, ông biết đó là mơ. Nhưng vì sao, cảm xúc lại thật đến như vậy. Vậy đây là mơ, hay là thực? Sigmund Freud là người sáng lập ra phân tâm học. Người đời sau tìm hiểu về tâm lý học, đều biết ông có những sai lầm. Chính vì thế mà Carl Jung bỏ ông mà đi theo con đường riêng của mình, tạo nên một biến thể khác của phân tâm, gọi là tâm lý học chiều sâu (hay tâm lý học phân tích).
Cuộc đời, ai mà chẳng có những sai lầm, vì họ có những giới hạn của con người, đặt để trong một phạm vi nghiên cứu bị chia cắt, nên sự nghiên cứu, nhìn nhận bị khu trú trong một khu vực. Giống như thày bói xem voi, sờ được cái chân của con voi, thì nói con voi to như cột đình. Cũng đừng vội chê trách, vì ai trong chúng ta cũng có những sai lầm đó. Chính vì họ dám phạm sai lầm, nên lịch sử vẫn ghi nhận họ là những người có công trong việc lần tìm ra những manh mối quan trọng, thể hiện dưới các học thuyết, để hiểu thêm về miền đất rất khó hiểu, khó học, và khó nắm bắt của con người, là tâm lý. Nếu bạn sợ không dám làm gì cả, chẳng ai buồn nhớ đến bạn.
Trong nhà Phật, có nói đến Chánh niệm. Trong Chánh niệm, có cái gọi là Ức niệm. Ức niệm là nhớ nghĩ đến quá khứ. Trong cái Ức niệm đó, lại phân ra thành Ức niệm chân chánh, tức là nhớ đến những điều tốt đẹp trong quá khứ, để mà nỗ lực, cố gắng duy trì nó, sống tốt hơn ở hiện tại, và nỗ lực hướng đến tương lai, là những bước đầu tiên trong tu tập. Do đó, văn hóa, kỳ thực là tổng hợp của những niệm lành, được huân tập theo thời gian, vương vấn lên ký ức của từng lớp người, tạo thành vô thức tập thể. Vì sao nó trường tồn? Vì nó tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mà hiện tại rất khó làm sống lại chính xác khung cảnh đó, nên người ta cứ muốn mơ về những điều tốt đẹp trong quá khứ, thông qua những hình ảnh, biểu tượng của hiện tại.
Miếng nem chua hôm nay cắn vào, thấy khác so với miếng nem chua hồi bé được ăn. Nhưng có phải là nem chua khác, hay con người đã khác. Cho dù ai khác, thì cái ẩn ức này vẫn nằm sâu bên trong đó, vẫn gìn giữ một hình ảnh, biểu tượng đẹp đẽ trong tâm hồn, mà mỗi khi có dịp nhắc lại, người ta lại thổn thức, khắc khoải về một thời, mà cái đẹp, là sự thiếu thốn. Chính vì thiếu thốn, nên người ta thấy ngon, và thấy đẹp.
Nem chua là quá khứ, tách trà là hiện tại. Nem chua đặt lên bàn hôm nay, chính là hình ảnh của quá khứ đặt lên dòng thời gian của hiện tại. Vẫn là nem chua đó, nhưng miếng nem đó đã không còn là nem chua của quá khứ xưa kia nữa. Văn hóa chính là biểu tượng. Nó mượn hình ảnh để nhắc con người về một miền quê xa xôi, nơi con người lớn lên, phát triển.
Nay có hơi bia ngấm vào người, lại trời lạnh. Nên tức ảnh, sinh tình viết linh tinh vài dòng.
Chúc mọi người một ngày vui vẻ.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất