Cuộc đời vốn rất đơn giản nếu như ta nghĩ rằng cứ nỗ lực hết sức thì sẽ có những gì đáng có. Kỳ thực là cuộc đời không đơn giản như vậy. Chính là trong cuộc đời này đã có rất nhiều người nỗ lực, nhưng rất nhiều trong số họ kết cục nhận được cuối cùng không mấy tốt đẹp.
Chuyện thành công người ta kể rất nhiều, vì câu chuyện đó là chuyện nhiều người muốn nghe, nó làm người ta thêm hy vọng, làm các synapses trong não bộ sản sinh ra thật nhiều Dopamine. Cảm giác nghe chuyện thành công trong đời cũng như nhìn thấy người khác thắng cược ở sòng bài, ráng thảy thêm một chút tiền vào, rồi sẽ như họ? Cuộc đời dễ quá, phải không?
Chính là không dễ dàng như vậy.
Và chính vì những lúc như vậy, người ta nên bình lặng lắng nghe những tín hiệu từ cõi vô thức, rằng có thể trong quá trình nỗ lực, đã có một điểm gì đó không đúng, có một điều gì đó mấu chốt quan trọng, dẫn tới kết cục không hề mong muốn.
Vì sao mà tụi trẻ trai rất thích chơi đồ chơi siêu anh hùng, và người lớn lại thích xem phim của Marvel. Vì trong vô thức, người ta luôn mong muốn có được sức mạnh của siêu nhiên, để bước ra chiến đấu với những con quái vật, thế lực hung ác xâm chiếm miền đất linh thiêng của họ.
Các hình mẫu anh hùng rất quan trọng với các bé trai, vì những anh hùng Marvel, hay DC đều là những anh hùng gánh trách nhiệm. Điều đặc biệt của anh hùng trong Marvel hay DC, chính là dẫu họ có quyền năng tới đâu, họ vẫn sẽ gặp một đối thủ mạnh tới độ một mình họ không thể đương đầu, hoặc họ phải trải qua khó khăn gần như chết đi sống lại như Batman trong Dark Night Rise.
Khi Boston Dynamics huấn luyện robots. Họ cần phải tạo ra môi trường mà Robot có thể học cách tự đứng dậy khi bị ngã. Học bước đi đã khó, học cách tự đứng dậy sau khi bị ngã còn khó hơn. Nên họ đặt Robots bước đi trên máy treadmill, xô ngã hàng ngàn lần từ các góc độ tình huống khác nhau, áp lực khác nhau. Từ đó, các thuật toán dần dần tự động cập nhật các thông số mới, các biến được điều chỉnh, nên robot có thể đứng dậy rất nhanh.
Boston Dynamics học hỏi từ đâu để có thể thực hiện như vậy?
Chính là từ quan sát những đứa trẻ!
Bạn hãy thử đếm, đứa trẻ khi bắt đầu tập bước đi những bước đầu đời, chúng ngã bao nhiêu lần? Ai mà biết! Nhưng sau những lần ngã phịch xuống đất, chúng lại lồm ngồm bò dậy, hết lần này đến lần khác. Một cơ chế tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực vô cùng phức tạp, đứng sau toàn bộ hành động đó, đang vận hành liên tục trong bộ não còn non nớt kia.
Chúng đang liên tục học hỏi từ những sai lầm!
Carl Jung rất thông minh, và cái thiên tài của ông ở chỗ ông nhìn ra rằng nhân cách của con người chỉ có thể hoàn thiện khi người ta dám dũng cảm dấn bước vào những đất chưa hề biết tới, ông gọi đó là sự hỗn loạn (Chaos). Sự hỗn loạn chính là nguồn cơn của rất nhiều hiểu biết mới, khám phá mới, và cũng là nguồn sức mạnh mới.
Chúng ta phần đa đều mong muốn làm điều thiện, chính nghĩa. Nhưng cái nhu cầu sâu thẳm đó lại chỉ có thể tồn tại trong vô thức, nơi mà những ước mơ và lý tưởng bị chôn giấu theo thời gian. Chốc chốc, những ước vọng đó lại trồi lên, muốn đạp phăng những xiềng xích vốn đã giam cầm họ trong nhà tù của tiềm thức quá lâu, để được một lần sống hết mình trong cõi nhân sinh vô thường.
Người lớn, kỳ thực vẫn là những đứa trẻ mang trên mình hình hài của những bộ xác to lớn. Rất nhiều người trong số họ, vẫn không thoát khỏi những gông cùm đó. Nhưng bất hạnh hơn trẻ nhỏ, người lớn phải chứng minh cho người xung quanh họ là người lớn.
Họ muốn làm hiệp sỹ, nhưng số phận lại trêu ngươi khi vô tình hay cố ý, lại cướp đi tầm nhìn của họ, khiến họ thực sự rất lơ ngơ dưới khói bụi của thời cuộc. Và vốn sự đời chẳng bằng phẳng chút nào, khi tiếp tục bồi thêm sự chông gai cho con đường đi phía trước bên cạnh những vấn đề của tâm lý, trăn trở, lo lắng, và ám ảnh từ quá khứ.
Hiệp sỹ mù cưỡi nhím, đi giải cứu quê hương. Liệu có % nào chiến thắng không?
Bạn thường nghe người đi nhà thờ nói "Lòng chúa nhân từ", nhưng tại sao đấng YHVH lại để con độc sinh của Ngài chịu đựng trên thập tự giá. Người trong nhà thờ có thể nói với bạn rằng chúa Jesus chịu tội cho người thế gian, và để cứu độ người thế gian. Nhưng mà tại sao lại là chịu nạn trên Thập Tự Giá. Ta biết rằng các tiên tri trước đều không bị chịu thống khổ như vậy. Ngay cả vất vả như Moses, nhưng ông cũng không tới nỗi bị đau đớn như thế, tuy rằng lang thang 40 năm trên sa mạc với một nhóm người sẵn sàng phản bội cũng không phải là ngày tháng dễ chịu gì cho lắm. Nếu ta sắp đặt vấn đề ở dưới góc nhìn thế này: YHVH muốn Jesus đi con đường đó, và đêm chúa Jesus cầu nguyện trong vườn Gethsemane chính là nhận được thông điệp đó. Con đường đó là con đường chưa từng một tiên tri nào trước đó đã đi qua. Một tâm hồn thánh khiết nhất đón nhận cực hình tàn khốc nhất.
Quan điểm từ việc này chính là nếu như không đặt một sinh mệnh bị dồn ép tới mức cực hạn của sinh tồn, không thể biết được khả năng sinh tồn của sinh mệnh tới đâu.
Những hạt giống tốt nhất đang được lựa chọn.
Dân tộc Do Thái, sở dĩ có thể phục quốc, chính là một phần nhờ các Biểu tượng. Một trong những biểu tượng giúp cho người dân Do Thái luôn luôn can trường, tiến bước bất chấp nghịch cảnh, khó khăn ngoài kia, chính là câu chuyện về David và Goliath.
Goliath là tên một dũng sĩ của dân tộc Philistines trong thời kì chiến tranh dai dẳng giữa người Israel và người Philistines trên vùng đất theo Kinh Thánh là Đất Hứa vào khoảng thế kỉ X trước Công nguyên. Vua của người Israel là Saun đang yếu thế trước người Philistines, nhất là khi người Philistines có Goliath. Goliath có thân hình to lớn và một sức mạnh phi thường. Chưa từng có ai xứng đáng làm kẻ địch của Goliath.
Trận chiến quyết định rồi cũng đến. David là một tráng sĩ trẻ tuổi của người Israel và đã xung phong đánh nhau với Goliath. Khi quân đội hai bên giàn trận, David nhỏ bé đối diện với người khổng lồ Goliath. Goliath khinh thường và nhào đến để đè nát Đavid và băm Đavid ra như bao trận giao chiến khác bằng thanh kiếm khổng lồ. David đối đầu với Goliath bằng một cung nạng và một hòn sỏi nhọn. Chờ cho Goliath lao tới, David bắn hòn sỏi vào ngay đỉnh đầu Goliath. Goliath thất bại và người Philistines thua trận thê thảm.
Người Philistines chính là dân Palestine sau này.
Nhưng bài học rút ra sau tất cả là gì?
Điều gì giúp ta có được kết quả mong muốn, nếu vẫn giữ nguyên cách làm cũ? Câu trả lời là trong giấc mơ! Ngoài sự nỗ lực, tin tưởng thuần thiết, giờ đây, người ta nhận ra rằng cần phải học hỏi, học hỏi không ngừng.
Hàn Quốc sở dĩ phát triển được nền công nghiệp vi mạch điện tử vì đã lợi dụng được chất xám từ những bộ óc thiên tài của Nhật Bản. Dân tộc Nhật Bản là dân tộc làm việc trọn đời, họ không ngừng làm việc và cống hiến. Nhưng sau thập niên 90, những tầng lớp lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực công nghiệp, điện tử của Nhật Bản lại bị cho về vườn. Chớp lấy thời cơ này, Hàn Quốc đã trải thảm đỏ mời về những chuyên gia đầu ngành của Sony, Toshiba... để rồi sau này, họ tự dựng xây nên những chaebol của riêng mình, như Samsung, Hyundai...
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng hai bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt. Hàn Quốc, từ một nước nghèo đói nhất châu Á, vào thập niên 1960, giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất.
Kỳ tích sông Hàn đã được gầy dựng lên từ những sự học hỏi thần tốc như thế.
Bài post cũng đã dài, xin hẹn ở post tiếp theo.
Nơi này đang phát triển kênh youtube, chuyên về các kiến thức tâm lý. Có lẽ âm thanh, hay lời nói dễ nghe hơn con chữ tại trang này. Hữu duyên, bạn có thể truy cập vào đường link đính kèm ở dưới đây để có thêm những kiến thức bồi đắp cho chính bản thân mình. Nếu thấy hay, vui lòng cho một like video và subscribe kênh để nhận được những thông báo sớm nhất. Xin cảm ơn.