Tác phẩm Universe trong manga Hi no tori của Osamu Tezuka và Sáu đợt thức tỉnh của Mur Lafferty
Trong thời gian cày các tác phẩm của tác giả Osamu Tezuka (tác giả của bộ Black Jack (Bác sĩ quái dị) rất nổi tiếng), tôi đã tình cờ...
Trong thời gian cày các tác phẩm của tác giả Osamu Tezuka (tác giả của bộ Black Jack (Bác sĩ quái dị) rất nổi tiếng), tôi đã tình cờ đọc được một manga rất hay trong series Hi no tori (tiếng Anh là Phoenix). Cần nói thêm rằng manga này được sáng tác vào năm 1969, nó cho thấy tầm nhìn và khả năng tưởng tượng về tương lai của tác giả kinh khủng đến như thế nào. Và khi vừa đọc vài trang đầu của manga này, tôi chợt nhớ đến một tác phẩm từng làm mưa làm gió trên các group (trinh thám lẫn Sci-fi) tại Việt Nam vào thời điểm nó ra mắt, là Sáu đợt thức tỉnh. Quyển Sáu đợt thức tỉnh này tôi cũng đã đọc vào đợt ấy rồi, nhưng thực sự không ấn tượng mấy.
Đã có rất nhiều bài review về Sáu đợt thức tỉnh nên tôi xin không tóm tắt lại nữa. Bài viết này tôi xin chủ yếu đề cập đến Universe. Bối cảnh của Universe diễn ra vào tương lai, trên một con tàu vũ trụ xuất phát từ trái đất để đi đến một hành tinh khác, với một phi hành đoàn gồm 5 người. Mọi người lần lượt ngủ đông (vì thời gian đi sẽ kéo rất dài) và mỗi người sẽ lần lượt ở trong phòng điểu khiển trong một ca trực kéo dài một năm. 4 người đang ngủ đông, chợt con tàu gặp chấn động và họ tỉnh giấc, chạy vào phòng điều khiển, và phát hiện ra anh chàng Makimura được giao trực trong năm đó đã chết khô. Ban đầu mọi người tưởng anh ta bị chứng loạn thần kinh vũ trụ nên tự trói mình lại và qua đời. Đồng thời lúc này con tàu cũng bị hỏng, 4 người đành phải bỏ tàu, chia tay nhau và lên 4 con tàu cứu hộ riêng biệt (nhưng vẫn dùng hệ thống tiếp tục liên lạc với nhau). Trước khi rời tàu, tình cờ làm sao một anh chàng khác trong phi hành đoàn phát hiện ra trên tay ghế dưới lòng bàn tay Makimura có dòng chữ “Tôi đã bị giết”. Khi 4 con tàu đã tách ra, anh ta tuyên bố tin động trời này, và khiến cho 4 người bọn họ bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau. Vậy, ai là người đã sát hại Makimura, và ai sẽ là người còn sống sót đến cuối cùng?
Nói đến đây thì có lẽ nhiều người đã thấy sự tương đồng giữa hai tác phẩm. Nội dung về sau thì hoàn toàn khác nhau, và mặc dù đọc Sáu đợt thức tỉnh tôi không ấn tượng mấy, nhưng tác phẩm manga này thực sự làm tôi ấn tượng với cú twist và kết thúc của nó. Tác phẩm này chỉ là một trong số 12 tác phẩm thuộc series Phoenix của Osamu Tezuka (mà tôi vẫn đang cày), 12 tác phẩm riêng biệt kéo dài từ quá khứ đến tương lai, với nhiều tầng ý nghĩa, với hệ thống nhân vật đồ sộ và có liên quan với nhau, mà nói không ngoa là một “vũ trụ” mà bậc thầy manga này đã tạo ra. Trước đây tôi hầu như ko đọc manga, và tôi biết nhiều người còn không coi truyện tranh là sách. Dĩ nhiên với số lượng manga đồ sộ như thế, vàng thau lẫn lộn là điều không tránh khỏi, nhưng bạn hãy thử một lần đọc tác phẩm bất kỳ của tác giả Osamu Tezuka , ví dụ như The crater, Clockwork Apple, Pluto, Phoenix… sẽ thấy manga không phải đơn thuần chỉ để giải trí, mà nó ẩn chứa rất nhiều triết lý, tâm huyết, và cả một tầm nhìn không thể ngờ tới vào thời đó của tác giả. Các one-shot của Osamu Tezuka hay của Fujiko F. Fujio viết về thế giới trong tương lai, đa số đọc xong đều khiến chúng ta phải suy nghĩ ngay từ hiện tại.
Bài viết hơi lan man và tản mạn, nhưng nội dung chính xin tóm lại là: giới thiệu tác phẩm Universe, đọc xong làm liên tưởng tới Sáu đợt thức tỉnh nhưng ấn tượng hơn, và khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm về manga vì nhiều bộ rất là ý nghĩa.
P/S: Các bạn xem thêm các bài review khác tại page Gặm Sách nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất