Mấy ngày nay câu chuyện "Tắc đường" trở thành một chủ đề vô cùng nóng sốt. Mình sinh sống ở Hà Nội đã 30 năm và cảm nhận rõ thực tế tình trạng tắc đường mỗi dịp cận tết ở trung tâm thủ đô. Nó khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều. Mà nếu chỉ nghĩ trong đầu thì mình sẽ bị overthinking mất, bởi có nhiều thứ không thể "nghĩ" mà "thoát" được. Mình vốn quan niệm: phải có hành động mới giải quyết được vấn đề. Vậy nên mình chọn hành động, sau khi suy nghĩ chán chê. Hành động đầu tiên là viết ra hết những điều mình suy ngẫm.
Ảnh: PHẠM TUẤN - tuổi trẻ online
Ảnh: PHẠM TUẤN - tuổi trẻ online

1. Trước hết là nỗi sợ khi phải ra đường vào những ngày này.

Những năm trước, mình chỉ lo sợ việc đường tắc thôi, còn bây giờ thì nỗi sợ ấy tăng lên nhiều lần, bao gồm:
- Sợ vì tắc đường: tắc dài hơn, mất nhiều thời gian di chuyển hơn. Dù có một điểm tốt là không bị tắc nghẽn, kiểu đan xen lẫn lộn ở các ngã tư do vượt đèn đỏ, nhưng nó chuyển sang trạng thái xếp hàng dài cũng ngán ngẩm không kém.
- Sợ bị phạt. Việc tuân thủ luật giao thông thì mình khá tự tin là mình làm tốt, nhưng vẫn sợ bị phạt. Bởi ta có thể mắc lỗi bất cứ khi nào, đặc biệt lúc mình mệt mỏi, căng thẳng, hay gặp vấn đề gì mà cảm xúc lấn át lý trí. Những khi ấy người ta thường khuyên là không nên lái xe, nhưng làm sao đảm bảo được 100%? Liệu ai dám khẳng định mình không bao giờ vi phạm giao thông? Sợ bị phạt ở đây chủ yếu lại từ vấn đề mức phạt - mà mình cũng cho là cao bất thường.
- Sợ khói bụi, tai nạn. Khói bụi thì rõ rồi, bởi mấy ngày nay HN luôn ở vị trí top1 về ô nhiễm không khí. Tai nạn thì sao? Trong bối cảnh ai cũng trở nên hối hả, áp lực, trong khi giao thông đang ùn ứ, rất dễ có ai đó làm liều. Mình đã tận mắt chứng kiến những người cố vượt đèn, cố leo lề, cố đi ngược chiều trong bối cảnh xử phạt nghiêm khắc như hiện nay. Vậy nên vẫn sẽ có tình trạng có kẻ làm liều, khiến việc tham gia giao thông trở nên nguy hiểm hơn.
Mình không phải người hiểu biết nhiều về quy hoạch, về luật nên mình không dám phán xét điều gì. Mình chỉ nói theo góc nhìn của bản thân mà thôi. Vậy nên tổng kết lại là mình sợ khi phải ra đường. Nếu có phải ra đường thì cũng cố gắng đi vào giờ thấp điểm, đi thật đúng luật và về sớm nhất có thể, không la cà nữa. Mình đã bỏ thú vui đi dạo phố 1 mình bằng xe máy để tận hưởng cảm giác tự do rồi. Có thể ai đó sẽ nói mình nhát chết - well, mình nhát chết thật sự.

2. Suy nghĩ về việc mua xe điện, xe đạp, đi tàu điện và đi bộ

Đầu tiên là đổi xe máy điện

Lý do của suy nghĩ này là để giảm ô nhiễm không khí từ khí thải của xe máy và chính sách giảm xe chạy xăng, kiểm định khí thải với xe máy. Nhưng suy nghĩ này gặp một số ý kiến phản bác từ người quen, gồm 2 ý chính:
- Xe máy điện thì vẫn bị phạt chẳng khác gì xe máy thường, sao không mua xe đạp điện cho đỡ bị phạt? Mình mới nghĩ - xe đạp điện người ta chưa sờ đến thôi, chứ sờ đến thì nó cũng tính vào dòng xe gắn máy cả. Vậy nên xét về dài hạn thì xe đạp điện hay máy điện thì như nhau cả. Mà xe máy điện thì nguồn gốc và bảo hiểm có vẻ tốt hơn là xe đạp điện - khi mà xét về nơi sản xuất, cung cấp các xe này.
- Vấn đề sạc điện tốn thời gian, dễ cháy nổ. Cái này mình tin là bản thân mình và người đưa ra ý kiến phản bác đều chưa có cơ sở đánh giá đúng. Mình thấy nó giống như tranh cãi về việc dùng bếp ga với bếp từ vậy. Ban đầu người dùng bếp ga rất lo sợ bếp từ cháy nổ, tốn điện, nấu ăn không đảm bảo... nhưng rồi người ta nhận ra việc ôm bình ga trong nhà cũng không khác gì ôm bom nổ chậm. Dần dần nhiều người đã bỏ bếp ga mà dùng bếp từ. Vậy nên mình cũng tin vào việc xe máy điện, ô tô điện sẽ thay thế xe xăng, xe dầu. Vấn đề là khi nào mà thôi. Bởi ô nhiễm quá nan giải và nghiêm trọng, nếu không thay đổi thì chết vì bệnh phổi trước khi chết vì cháy nổ do sạc điện.
À mà nói về sạc, người ta vẫn dùng sạc điện thoại trôi nổi suốt, vẫn vừa sạc vừa dùng điện thoại, thế mà chẳng ai sợ, dẫu báo chí nói về tai nạn do việc này rồi.

Sau đó là Đi xe đạp

Đổi xe máy điện khó khăn thì mình muốn đổi từ xe máy sang đi xe đạp, vừa đảm bảo vấn đề môi trường, vừa tốt cho sức khỏe. Ấy thế mà vừa nói ý định đó, "ai đó" đã nói ngay: ông điên à? đi lùi lịch sử... bla bla...
Đi quãng ngắn thì xe đạp tốt hơn, đó là chắc chắn. Nhưng đi từ 6km trở lên, vấn đề sẽ khác. Đi ban ngày hay ban đêm cũng khác. Lúc xe hỏng thì ai sửa? cũng khó nghĩ đấy. Xe đạp cũng có thể bị phạt các lỗi giống xe máy như ngược chiều, đèn đỏ... nên vẫn phải chen chúc trong đám tắc đường. Mùa hè nóng đạp xe cũng khổ, mùa đông lạnh mặc nhiều áo mà đạp xe thì toát mồ hôi bên trong cũng khổ. Rồi còn chở vợ con, rồi còn gửi xe? Nhìn tổng quan ra thì đi xe đạp khổ hơn xe máy nhiều. Khi mà cả xã hội đi xe máy, mình mình đi xe đạp thì cũng "hơi dở". Rất nhiều thứ khiến mình phải suy nghĩ lại và tạm thời từ bỏ ý định này.
Nếu có mua xe đạp, mình sẽ coi như mua 1 phương tiện tập thể dục. Để bản thân mình đi thôi, không chở ai, và đi vào những khi muốn tập thể dục thôi. Vậy thì đi xe đạp có tốt hơn đi bộ không?

Đi tàu điện và đi bộ

Mình thích chạy bộ, do đó mình thuộc nhóm ủng hộ bỏ xe đi bộ, và đi tàu điện, xe bus khi cần đi xa. Đây là cách di chuyển phổ biến ở các nước Singapore, Nhật, Hàn... nơi mình đã từng ở đó, trải nghiệm phương pháp giao thông đó. Lý do phương tiện cá nhân ở những nước này ít cũng bởi:
- Chi phí cho việc sử dụng phương tiện cá nhân cao (trong đó luật giao thông nghiêm minh, phạt nặng cũng có góp phần nhé)
- Hệ thống tàu điện phát triển. Cái này ở HN còn thua xa. Cần 10 nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được 1,5. Cạn lời!
Chi phí cho việc đi phương tiện công cộng có rẻ hơn cho phương tiện cá nhân không? Mình chưa đi đủ nhiều để đánh giá được. Nhưng điều mình nhận ra rất rõ là cái cảm giác "tự do khi một mình một xe, đi bất cứ đâu" là thứ rất giá trị mà chỉ ở VN mới có, thì nay không có nữa rồi. Nguyên nhân thì ở trên mình đã nói. Không phải là người ta cấm, mà cái cảm giác đó bây giờ đi kèm quá nhiều rủi ro, bất an, khiến nó không còn thú vị nữa.

Tạm kết

Mình nghĩ là mức phạt vi phạm giao thông sẽ cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Mình sẽ giảm dần việc đi xe máy, mà thay vào đó đi bộ nhiều hơn.
Luyện tập đi bộ cho cứng chân, cho quen cảm giác mỗi ngày đi 1000 bước sẽ giúp thích nghi với cuộc sống ở trung tâm thành phố tốt hơn. Bởi trong bối cảnh này, kiểu gì cũng phải giảm bớt phương tiện cá nhân nếu muốn thoát khỏi thực trạng lo lắng, bất an khi ra đường. Khi đi bộ tốt, chân khỏe rồi thì đi bộ, đi xe đạp hay đi bất cứ thứ gì cũng dễ dàng.
Thay đổi có lẽ là điều tất yếu sẽ xảy ra. Vấn đề là mình không nên mất thời gian phàn nàn về nó, mà phải tìm cách thích nghi, càng sớm càng tốt.
---
duongAQ
19/01/2025