Ta không thể sống cuộc đời của "MAI"
Câu nói, "Phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác để mà hiểu!", là một câu nói sai! và câu, "Bạn có phải là tôi đâu để mà hiểu!?", lại là một câu nói rất chính xác.
Trong tâm lý học, có hai thuật ngữ mà nhiều người không nghiên cứu sâu, hoặc ngoài ngành rất dễ nhầm lẫn.
Đó là "thấu cảm" và "đồng cảm". Trong tiếng Anh, "thấu cảm" là sympathy, còn "đồng cảm" là empathy.
Thấu cảm là lắng nghe, có thể cảm thấy buồn trước những điều đối phương đang trải qua. Tức vẫn là hai cá thể độc lập. Ví dụ, khi bạn đi ngang đường thấy một người ăn xin, bạn động lòng với sự khó khăn của họ. Hoặc khi một người bạn mất đi người thân trong gia đình họ, bạn đến chia buồn với họ.
Đồng cảm là sau khi lắng nghe, còn đi xa hơn. Đó là đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của đối phương để thật sự "sống" với tâm trạng của họ. Ví dụ, một chuyên gia tâm lý sau khi làm việc với thân chủ, nghe những câu chuyện đời của thân chủ, chuyên gia tâm lý cảm đến độ dường như "sống" luôn trong cuộc đời của thân chủ. Chuyên gia lúc này khóc, cười cùng thân chủ của mình. Vậy thân chủ đến gặp chuyên gia để làm gì? tìm người tán chuyện?
Nếu xem xét những hành động cực đoan hơn một chút, chúng ta bắt gặp rất nhiều trường hợp trong lĩnh vực điện ảnh, đó là hành động hóa thân vào nhân vật của các diễn viên. Chúng ta đều biết biểu tượng Joker, mà đặc biệt là qua màn hóa thân kinh điển của Heath Ledger, trong tác phẩm xuất sắc The Dark Knight của đạo diễn tài danh Christopher Nolan.
"Tôi tự nhốt mình trong khách sạn, viết nhật ký, và thử nghiệm với giọng nói nhân vật. Điều quan trọng là cố gắng để tìm thấy một giọng nói mang tính biểu tượng..."
"Đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ, trong khi cơ thể lại quá mệt mỏi..."
Hay sự hóa thân của Christian Bale trong việc thay đổi cân nặng đột ngột để phù hợp vào hình tượng nhân vật trên phim. Năm 2004, anh xuất hiện với tạo hình "da bọc xương" để vào vai thợ máy Trevor Reznik, trong bộ phim The Machinist. Anh giảm 28 cân trong vòng 4 tháng, vì vai diễn là một nhân vật gầy gò, hốc hác vì chứng mất ngủ. Tiếp đó, anh tăng lên 99 cân để vào vai Người Dơi trong the Dark Knight. Nhiều năm sau, anh tăng tiếp 18 cân để vào vai Phó Tổng thống Mỹ thứ 46, Dick Cheney trong bộ phim Vice.
Mặc dù xác định đó là công việc, nhưng việc "hóa thân" hay để "đồng cảm" với nhân vật, hay con người khác, cũng là điều quá nguy hiểm.
Heath Ledger đã ra đi vĩnh viễn, sau khi để lại vai diễn bất hủ Joker. Người ta tìm thấy thuốc được và không được cấp phép sử dụng...
Còn Christian Bale đã phải tự thú nhận: "Tôi không thể tiếp tục làm việc đó. Tôi đã lớn tuổi và cảm thấy nếu tiếp tục như vậy, thì tử thần sẽ ghé thăm tôi, và tôi không muốn điều đó!"
Do vậy, "đồng cảm" có thể nói là một hành vi tiềm tàng nguy hiểm. Ban thương người ăn xin, nhưng bạn không thể sống cuộc đời của họ, phải vậy không?
Trong các bộ phim Việt Nam hiện nay, do khả năng và kinh phí, nên đề tài mà các nhà sản xuất tập trung vào là khai thác diễn biến tâm lý trong cuộc sống đời thường.
Càng nhiều "cảm xúc" càng tốt. Đó là cách họ làm "viral" sản phẩm của họ. Việc làm phim là của ekip sản xuất, nhưng việc xem và cảm nhận tác phẩm là của khán giả.
Sẽ có người khen, người chê, người chẳng quan tâm. Đó là điều bình thường. Cái bất thường ở chỗ, sau khi xem phim, một số người nâng cao quan điểm. Đặc biệt là quan điểm về giới.
"Phụ nữ phải thế này, đàn ông là thế nọ!?"
Ủa, liên quan?
Bạn đem cuộc đời của một người diễn viên được thiết kế tỷ mỷ để lấy nước mắt của khán giả, cài cắm những câu thoại mà nếu nói ra ở đời sống thường nhật chỉ là những câu nói sáo rỗng, vô tri nhất, ra để áp cho toàn bộ những con người ngoài kia?
Sự giống nhau nào giữa bạn và con người trên phim, để mà ta phải sống và hành động như họ? Nhiều người xem phim mất vài ngày mới thoát "vai", dù họ không đóng một phút nào, vì thấy cuộc đời của nhân vật sau giống mình quá vậy?
"Đang yên lành, tán tỉnh, hi vọng, chia tay, sụp đổ..."
Đó là motif của những phim tình cảm lãng mạn. Với đa phần những người quen sống trong cảm xúc, họ sẽ thấy cảnh đời của họ diễn ra ở mọi nơi. Họ khóc với mọi bộ phim chứ chẳng phải chỉ riêng phim nào. Còn đối với những người có lý trí mạnh hơn, tôi hi vọng rằng bạn chỉ nên coi những bộ phim là những sản phẩm giải trí đơn thuần. Tránh "sống" cùng nhân vật, "đồng cảm" cùng diễn viên. Rồi nâng cao quan điểm, dẫn tới những quyết định sai lầm trong cuộc sống của chính bản thân mình. Rồi lại thành một vòng lẩn quẩn, giữa phim và đời.
Bạn khóc, nhưng có người cười.
Nên câu nói, "phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác để mà hiểu!", là một câu nói sai!
và câu, "Bạn có phải là tôi đâu để mà hiểu!?" lại là một câu nói rất chính xác.
Đôi lời góp nhặt, nếu không phù hợp xin cứ bỏ qua.
Jung Indi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất