Phần sợ nhất và ngán ngẩm nhất của Tết là dọn nhà.
Đó là suy nghĩ của tớ, cách đây mấy năm. Hồi đó, thậm chí nhé, tớ còn cố về muộn để được thoát khỏi cảnh tượng đấy. Và nếu như về hôm 27 mà nhà vẫn chưa dọn, thì thật chẳng khác gì ngày xưa trốn 15 phút đầu của tiết vì sợ kiểm tra vở soạn, nhưng cuối cùng cô lại kiểm tra vào 15 phút cuối tiết.
Ấy vậy mà ba năm lại đây, dọn nhà ngày Tết lại là phần tớ khá thích thú. Đối với tớ đó như một nghi lễ vậy. Giống như các thợ săn trong HTB có nghi lễ nhảy nhót với các cô gái trong làng vào thứ Năm hàng tuần, tớ dọn nhà vào các ngày trước Tết. Nghi thức này đã hằn in trong tớ 26 năm qua. Mẹ tớ lại nói 28 năm rồi. Đúng là, người lớn luôn có vấn đề với các con số.
Tớ không ngại việc dọn nhà. Tớ thậm chí là một tay dọn dẹp cừ khôi. Chỉ là tớ có vấn đề với bụi. Cụ thể là não tớ ghét bụi, tiện thể thì mũi tớ cũng thế. 
Thực ra thì bụi cũng chưa hẳn là vấn đề. Vấn đề là bụi ở các ngóc ngách cả năm trời, nó thực sự rất đáng ghét. Nó có thể nằm ở mấy cái hộp đựng đồ ở góc nhà. Hoặc ở cái giá nhựa đựng giấy tờ gì đó cả năm không đụng tới cạnh cái TV. Nó cũng ở mấy khe nếp của chiếc đài cát sét. Ồ kìa. Cạnh cái đài catset là chiếc đầu đĩa CD siêu mỏng mua cách đây gần 20 năm và đã không dùng 19 năm. Tớ chỉ được lau chúng mà không được vứt đi.
Nghĩ đến tớ đã thấy bực bội và chán ghét.
Mấy năm trước, tớ đề nghị bố sắp xếp lại đồ đạc. Vốn có tư tưởng gần giống với chủ nghĩa tối giản, tớ nói bố: Thứ gì không cần thì vứt đi. 
Như vậy vừa gọn nhà. Tớ lại đỡ phải lau chùi gì sất. Đó là mục đích của tớ.
Bố tớ gắt gỏng vứt gì mà vứt. Có cái gì mà không cần.
Tớ đã rất bực. Những thứ trong nhà tớ đều là những thứ có từ hồi tớ sinh ra. Nhiều thứ đã cũ đã xấu đi lắm rồi, thế mà bố vẫn giữ. 
Cái tủ ly đã yếu, giấy gỗ bong tróc ra hết. Gương bên trong thì đã vỡ. Xấu ghê gớm. Mẹ bảo tủ đó không phải do bà mua. Ngày xưa bà cho ai đó vay tiền mà người ta không trả, đành chịu mất tiền mà cầm cái tủ về. Cuối cùng tủ bán không được, đành để dùng. Thế mà đến nay bố vẫn giữ. 
Cái đài cát sét ngày xưa đặt ở chân giường của mẹ. Hàng ngày vang từ đó giọng của Quang Lê với Như Quỳnh. Cũng gần 20 năm rồi đâu dùng đến cái đài nữa. Nay cũng chẳng còn cục băng vuông vuông có 2 bánh xe tròn tròn nào mà thử xem đài còn hoạt động được không. Thế mà đến nay bố vẫn giữ.
Mấy con hổ đá ngày xưa ai đi đâu về làm quà, thiệt tình chẳng để làm gì ngoài việc một năm đem ra lau bụi một lần rồi cất lại vô góc tủ. Thế mà đến nay bố vẫn giữ.
Với sự quan sát sắc lẹm mà một chiều, tớ nhận ra là trước nay bố chẳng bao giờ vứt hay bán gì cả. Chiếc xe Rim cũ thời xửa xưa bác Lập được cơ quan cấp, bố bỏ cả đống tiền sửa lại rồi đưa bác Thắng đi. Chiếc xe máy Wave màu xanh đầu tiên của mẹ cũng thế. Dù đã mua xe mới bố vẫn sửa rồi đưa cho dì Bình. Mỗi chiếc xe đạp mini là bị trộm, chứ nếu không chắc chắn đến giờ vẫn còn. Hồi học trong Sài Gòn, tớ thấy người ta có thói quen bán đồ hiện tại để mua lên đồ mới xịn hơn. Nói bố, bố bảo Bán làm gì. Được mấy đồng.
Riết rồi tư tưởng đó ngấm vào tớ. Tớ dùng gì cùng dùng cho mòn cho nát, không dùng được nữa thì thay mới. Tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý nghĩ bán thứ gì đó mình đang dùng. Bạn tớ bảo tư tưởng như thế thì không làm kinh tế được. Phải biết bán lúc nào còn giá và mua lúc nào được giá. Tớ chỉ cười. Mày đã điên ngay từ ý nghĩ tao có thể làm kinh tế.
Lại lạc đề rồi. 
Hôm nay tớ lau đồ. Chuẩn bị 4,5 chiếc giẻ màn giặt nước vắt kỹ. Lau qua rồi lau kỹ từng đồ một. Mặt tủ ly. Chiếc đài cát sét. Cái đầu đĩa CD nữa. Chầm chậm lau bụi từng cái một, thấy ủa đâu có phiền phức đáng ghét như ngày xưa. Thấy rõ từng vết bụi, cũng cảm nhận rõ từng thứ đó là từng tế bào từng hơi thở của nhà mình. Chúng chính là nhà, nhà là nơi chứa chúng. Nghĩ thế mà thấy dễ chịu muốn ấp ôm yêu thương vô vàn. Ý tớ là mấy đồ vật đó, không tính số bụi kèm theo.
Cầm cái khung ảnh gỗ đã lỏng lẻo có hình bà nội đang ngồi. Bà mặc áo dài tím, ngồi thẳng lưng trên ghế, bàn tay phải đặt lên bàn tay trái và để lên đùi. Lau lau khung hình, sửa sửa lại cho nó vuông vức, tớ nhớ bà muốn òa khóc. 
Nếu thứ gì không cần cũng vứt hết, thì đâu còn lại thứ gì mà lau mà giữ. 
Những thứ đó được giữ, bởi đó là thứ ta CẦN. Ta chỉ CẦN nó là đủ rồi, không phải nhất thiết CẦN DÙNG nó.
-
Thực ra tớ tính viết kể quá trình dọn nhà. Nhưng lạc đề mất rồi. Mà sự thực là chẳng có gì để kể, tớ cũng chỉ lau được mấy thứ đó. Còn lại cả sáng chỉ có hắt xì, hắt xì và nằm thở.
Nếu có gì để kể thì đó là Cún nhà tớ làm hết. Tớ phát hiện ra là khi bắt đầu nó rất uể oải, nhưng khi bắt tay vào làm thì Cún còn kỹ tính hơn cả tớ. Cẩn thận từ lau những cái chén trên bàn thờ đến từng góc bàn, cái khung màn của các giường nữa.
Chẳng phải đến lúc thắp hương mâm cỗ nghi ngút khói mới cảm nhận được cái Tết, cái "gia đình'' đâu, nhìn Cún những lúc này đây, sự ấm cúng của gia đình đã hiện hữu trong tớ tròn đầy rồi.
Nếu các cậu có đang ngán việc lau dọn nhà, thì thử năm nay bình tâm làm lại xem sao. Các cậu không phải đang dọn dẹp bụi  bẩn đâu, các cậu đang vun bồi chất "nhà" cho nhà mình đó. 
Đừng dọn một mình, phải kêu đứa em mình cùng làm nữa. Cho đỡ mệt. Đương nhiên rồi. Và có thể các cậu sẽ thấy, không chỉ mình cậu đâu, tất cả cùng đang chuẩn bị đón Tết, đang gìn giữ, xây dựng và vun đắp một ngôi nhà, là nhà mình đó. Mà trên đời này đâu có nơi đâu hiện hữu và vô giá như Nhà mình được đâu?
Cứ thử xem nhé.
Vì các cậu chính là một phần của ngôi nhà đấy.
Và có cách nào khác đâu, đằng nào các cậu chẳng trốn được việc dọn nhà?