Hôm nay là một ngày hiếm hoi tâm trí mình được thảnh thơi, cảm thấy không quen nên xin phép làm hại não các bạn một tí =))).
Chả là mình vừa đọc xong cuốn "Bạn không thông minh lắm đâu" của David McRaney nên rảnh rỗi muốn làm một bài review cũng như tóm tắt về nó. Do nội dung khá cao siêu, mình lại còn vướng víu chuyện trường lớp nên phải mất hơn một tuần để mình có thể đọc xong 400 trang sách này. Theo cảm nhận của mình, đây là một cuốn sách khá màu sắc và lôi cuốn, nó khiến các độc giả vừa tập trung vào câu chữ trong sách vừa nhìn lại bản thân mình, hay nói đúng hơn là nhìn lại bộ não, cách suy nghĩ của mình về mọi thứ xung quanh. Nếu bạn luôn nghĩ mình là một người vững chắc, quyết đoán; mọi suy nghĩ, hành động của bạn đều dựa trên những lý lẽ logic rõ ràng; có cái nhìn lý trí đối với mọi sự vật trong cuộc sống thì sau khi đọc xong cuốn sách, hay ngay trong khi đang đọc nó, thì bạn cũng sẽ nhận ra bản thân mình cũng chẳng thông minh hơn mọi người lắm đâu.
Về nội dung: Tác giả đã chỉ ra tường tận cách bạn suy nghĩ, quyết định và cảm nhận về những điều xung quanh mình hay nói chính xác là cách bạn tự lừa dối bản thân về những điều đó; cho bạn thấy những nguyên nhân, cụ thể là những "công cụ" mà bộ não sử dụng để tự bịa ra logic của những câu chuyện, hay giả vờ ta đủ khôn ngoan để thấu hiểu hết mọi thứ; cùng với đó là vô số những dẫn chứng, thí nghiệm sinh động về 46 hiện tượng tâm lý ta đang đối mặt hàng ngày. Ngoài ra, người đọc còn có thể tự nghiệm ra những giải pháp, điều chỉnh từng suy nghĩ, hành vi sai lầm của bản thân và giúp bạn nắm bắt thông tin một cách khách quan, đầy đủ hơn. Nếu bạn cảm thấy có hứng thú với bộ môn Tâm lý học, nhưng chán ngấy những giáo trình nhàm chán, khô khan kia, hay đơn giản chỉ là muốn khám phá bản thân thì đây sẽ là một cuốn sách hay cho bạn. Còn nếu đọc rồi mà vẫn thấy chán thì đừng ngại gì mà giở ra đọc lại đi nhé, bạn sẽ hiểu hơn nhiều về nội dung sách đấy.
nguồn: phản hồi của độc giả trên Tiki
Ba chủ đề chính của cuốn sách, cũng là ba thành phần cấu tạo nên tâm trí của bạn, đó là thiên kiến nhận thức, sự tự nghiệm và những phương pháp ngụy biện. Trong điều kiện tốt, những thành phần này sẽ phục vụ bạn một cách đầy đắc lực và ngược lại. Nhưng ố ồ, đời chẳng như là mơ và phần lớn thời gian đầu óc ta lại nằm trong cái "ngược lại" kia. Những thành phần này có tính phụ thuộc cao, do đó rất dễ bị bắt bài và đó chính là thứ mà những kẻ lừa đảo hay những tên kinh doanh hàng giả đang làm để kiếm lời từ bạn. Phải cho tới khi bộ môn tâm lý học phát triển và đưa ra những nghiên cứu, dẫn chứng khoa học thật chặt chẽ về ý nghĩ, hành vi của con người thì những hành động trên cùng việc con người tự lừa dối bản thân mới được phân loại và định lượng.

1. Thiên kiến nhận thức (Cognitive biases)

Đây là những khuôn mẫu suy nghĩ và hành xử thường dẫn bạn tới những kết luận sai lầm. Ngay từ khi chào đời, bạn, cũng như tất cả mọi người, đều phải bước vào một thế giới đã được lập trình sẵn những phương cách nhận thức đầy sai lệch này, và chẳng mấy ai nhận ra chúng. Nhiều thiên kiến có tác dụng giúp bạn tự tin trong cuộc sống hàng ngày và không tự coi mình là một kẻ đần độn. Việc giữ hình tượng có vẻ quan trọng với trí não con người đến mức nó đã phát triển một loạt những công cụ để khiến bạn luôn tự cảm thấy thỏa mãn với bản thân. Thường thì những thiên kiến nhận thức này sẽ dẫn tới những lựa chọn sai lầm, những đánh giá tồi tệ và những ý kiến vớ vẩn rất xa với sự thật. 
Một số công cụ tiêu biểu của thiên kiến nhận thức:
Thiên kiến xác nhận. Bạn vẫn nghĩ rằng, những trải nghiệm, phân tích qua bao nhiêu năm cuộc đời đã hình thành nên quan điểm cá nhân của bạn; nhưng thật ra bấy lâu nay, não bộ bạn chỉ tập trung chú ý tới các thông tin xác nhận những điều vốn đã nằm trong niềm tin của bạn, trong khi bỏ qua những thông tin trái ngược với quan niệm có sẵn. Ví dụ như, bạn lướt Facebook và chỉ chú ý tới ba, bốn bài viết liên quan tới trận đấu bóng đá bạn vừa xem, trong khi chẳng để ý đến hàng chục, thậm chí hàng trăm bài viết khác có khi được quan tâm hơn rât nhiều so với trận đấu đó (bị động); hoặc khi hâm mộ một nhân vật nào đó, bạn chỉ tìm kiếm những bài viết với nội dung ca ngợi họ mà cố tình lờ đi những bài viết với nội dung ngược lại (chủ động).
Thiên kiến tự đề cao. Bạn luôn tự cho mình thông minh, thành đạt hơn so với bản thân ngoài đời thực và luôn tìm lí do để biện hộ cho thất bại của mình; trong khi cứ tưởng rằng bản thân đã được đánh giá khách quan thông qua những thành tựu cũng như thất bại trong quá khứ.
Hiệu ứng bàng quan. Trong phim, khi ai đó gặp tai nạn ở nơi đông người, mọi người xung quanh sẽ cùng nhau đến giúp đỡ. Nhưng thực tế đã chỉ ra, càng nhiều người chứng kiến một người bị nạn thì khả năng ai đó ra tay giúp đỡ sẽ càng nhỏ, bởi ai cũng nghĩ rằng: "Mình có thể giúp đỡ họ đó, nhưng ở đây nhiều người thế này, hẳn sẽ có người giúp họ trước mình thôi."
Hiệu ứng Dunning-Kruger. Bạn không giỏi trong đánh giá khả năng của bản thân và độ khó của những công việc phức tạp, trong khi lại nghĩ mình giỏi việc đó. Chẳng hạn, bạn là một thằng đá bóng hay nhất nhì cái xóm nhỏ nơi bạn sống. Chiều đến ra sân là auto thắng, đếch ngại bố con thằng nào. Nhưng khi có dịp đá với mấy thằng xóm kia, bạn lại bê luôn cái khuôn được tạo ra ở xóm mình mà tự tin thái quá, rốt cuộc bị vả không trượt phát lào.

2. Sự tự nghiệm (Heuristics)

Là những con đường tắt trong tâm trí mà bạn sử dụng để giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Chúng giúp tăng tốc độ xử lí của não bộ, nhưng đôi lúc khiến bạn nghĩ quá nhanh và bỏ qua những chi tiết quan trọng. Thay vì chọn con đường dài và suy ngẫm thật cẩn thận để tìm ra giải pháp hợp lí nhất, bạn thường dùng sự tự nghiệm để đi tới kết luận trong khoảng thời gian cực ngắn. Một số sự tự nghiệm là học được, số khác lại được cài đặt sẵn trong mỗi phiên bản bộ não của con người. Khi sử dụng đúng cách thì chúng giúp cho tâm trí của ta được thảnh thơi và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng có những lúc chúng lại khiến ta nhìn nhận cuộc sống một cách quá đơn giản. Ví dụ như khi thấy số lượng bài báo về việc cá mập tấn công con người tăng đột biến, bạn sẽ có xu hướng tin rằng có điều gì đó đang kích thích lũ cá mập và khiến chúng cắn người nhiều hơn, mặc dù điều duy nhất bạn thực sự biết chỉ đơn giản là các hãng thông tấn đang đưa tin về vấn đề này nhiều hơn bình thường mà thôi. Phổ biến nhất về sự tự nghiệm là:
Tự nghiệm về sự phổ biến. Ngày nay ai cũng biết truyền thông phát triển như thế nào. Bạn nghĩ rằng qua đây, bạn sẽ nắm rõ mọi thứ vận hành ra sao từ những thống kê, ví dụ. Nhưng thực tế, bạn dễ dàng tin rằng điều gì đó là bình thường chỉ với một ví dụ cụ thể mà bạn tìm được, trong khi lại khó chấp nhận những thông tin mà bạn chưa từng biết tới. Ngay đoạn trên ta đã có ngay một ví dụ về tự nghiệm về sự phổ biến. Hoặc như, bạn thử nghĩ xem trong tiếng Anh số từ bắt đầu bằng "r" liệu có nhiều hơn số từ có chữ "r" ở vị trí thứ ba? Hẳn nhiều người sẽ thấy liệt kê những từ bắt đầu bằng "r" sẽ dễ hơn rất nhiều, từ đó khẳng định chúng có số lượng nhiều hơn, cho dù "r" ở vị trí thứ ba trong một "word" sẽ nhiều hơn là ở vị trí "first" đấy.

3. Ngụy biện (Logical fallacies)

Đây giống như việc giải một bài toán sử dụng ngôn từ, và bạn bỏ qua một vài bước quan trọng, hoặc là bị mắc bẫy mà không biết. Chúng là những lý lẽ bạn tự đưa ra trong tâm trí để dẫn tới một kết luận khi không biết hết tất cả những thông tin liên quan tới vấn đề. Có thể do bạn đã không để ý và bỏ qua những thông tin đó, hoặc là bạn không nhận thức được sự hạn chế của lượng thông tin bạn đang nắm trong tay. Và thế là bạn trở thành một thám tử vụng về. Ngụy biện còn có thể là hệ quả của những mơ tưởng không thực tế. Có những lúc bạn đưa ra được những lập luận tốt, nhưng chính những cơ sở thông tin và giả thiết ban đầu lại không chính xác, và khi khác thì bạn lại áp dụng những lập luận sai lầm trên nền sự thật.
Có những kiểu ngụy biện phổ biến sau:
Lập luận dựa vào thẩm quyền. Địa vị và uy tín của một người ảnh hưởng rất lớn tới cách bạn nhận thức về thông điệp của họ, cho dù bạn có nghĩ bản thân quan tâm đến độ chính xác của thông tin hơn là người đưa ra nó. Chẳng hạn như, một giáo sư với một đống bằng cấp, chứng chỉ với ông anh họ suốt ngày chơi Bảy viên ngọc rồng cùng lên tiếng nói về lịch sử văn minh nhân loại, bạn nghĩ thông tin ai đưa ra sẽ chính xác hơn? Chắc hẳn là ông giáo sư kia rồi. Nhưng khi họ lại cùng nói về gu âm nhạc của họ, bạn cũng thấy vậy và còn tự xem lại gu của bản thân, thì bạn đã mắc bẫy rồi đấy. Hoặc gần đây, mấy phóng viên đã hỏi Jurgen Klopp - một HLV bóng đá về vấn đề dịch bệnh Covid-19 thì họ cũng đang tìm cách mắc bẫy dư luận rồi (mình thấy câu trả lời của ông khi nghe câu hỏi kia rất hay luôn, các bạn có thể tự tìm kiếm nhé, mình hơi lười kiếm link ^^).
Lập luận từ sự thiếu hiểu biết. Khi không thể giải thích được điều gì đó, bạn nghĩ bạn sẽ tập trung vào những thứ có thể chứng minh? Sự thật là khi đó, bạn sẽ có xu hướng chấp nhận những lời giải thích kì lạ. Tâm linh là một ví dụ.
Ngụy biện về thế giới công bằng. Trong tiểu thuyết hay phim ảnh, người tốt thường chiến thắng và kẻ xấu sẽ thất bại. Đó là điều bạn luôn muốn thấy trong cuộc sống xung quanh mình - công bằng và đúng đắn. Những kẻ thất bại trong cuộc sống hẳn phải làm điều gì đó sai nên mới đáng bị như thế. Thật ra thì, những người may mắn thường chẳng phải do đã làm điều gì đó xứng đáng, và kẻ xấu thì cũng thường xuyên thoát tội mà không phải trả giá. Lấy ví dụ từ những người Ấn Độ khi được hỏi về nạn hiếp dâm phụ nữ, đã nói rằng bởi những người phụ nữ kia ăn mặc quá khêu gợi, không phù hợp nên đáng bị như vậy. Nhưng có một sự thật là hiếp dâm hiếm khi là hệ quả từ những hành vi không hay của nạn nhân. Thống kê cho thấy những kẻ thủ ác thường là người thân quen, và yếu tố trang phục hay hành động của nạn nhân thì không có ảnh hưởng nhiều. Kẻ hiếp dâm luôn là người đáng bị lên án, vậy mà hầu hết các chiến dịch tăng cường nhận thức về thực trạng này đều luôn nhắm tới phụ nữ chứ không phải đàn ông. Để tạo nên một thế giới công bằng hơn, bạn sẽ phải tìm cách ngăn chặn tội ác sinh sôi, chứ không phải tìm cách giảm đi số nạn nhân tiềm năng. Còn nếu bạn muốn một ví dụ về bản thân thì, bạn vẫn thật khó chịu khi bọn lừa đảo, gian lận có thể thành công và thu lợi mà lính cứu hỏa và cảnh sát chân chính làm việc cật lực mỗi ngày với đồng lương ít ỏi đấy?
Kết quả hình ảnh cho một số loại tự nghiệm tâm lý học

Nãy đã nói về ưu điểm rồi, giờ mình sẽ nói thêm về những nhược điểm của cuốn sách cho thêm tính khách quan. Vì cuốn sách này xuất phát từ trang blog của tác giả, do đó những mục bài viết có sắp xếp (theo mình thấy) không thật rõ ràng, khiến người đọc khó khăn trong phân biệt chủ đề. Và cũng vì lẽ đó, nên đa số bài viết đều được viết theo cùng một form, dễ gây ra nhàm chán khi quá trình đọc kéo dài lâu. Kể cả những khuyết điểm như vậy thì đây vẫn là một cuốn sách rất cuốn hút, cá nhân mình đánh giá 4 trên 5 sao, một cuốn sách đáng đọc.

Ghi chú: Phần tóm tắt mình bê phần lớn nội dung trong sách vào để trình bày sao cho đúng ý tác giả, còn những mục nhỏ kia có tính chọn lọc cao nên chắc chắn không cho thấy hết chi tiết câu chữ trong sách, các bạn có thể mua sách để có cái nhìn cụ thể hơn. Và, đây là bài review đầu tiên mình làm, mong các bạn có thể đưa ra những góp ý để mình tự xem xét, cải thiện khả năng viết lách cùi bắp của bản thân trong tương lai. Cảm ơn mọi người.