Tôi còn nhớ năm học cấp 3 nào đó, lúc học đến 2 câu thơ trong bài "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bỗng chợt giật mình và gãy đầu khó hiểu. 
"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao"
Với đầu ốc của một đứa trẻ chưa trải sự đời ở những năm 17, tôi thắc mắc vì sao cuộc sống có nhiều điều vui đến vậy nhưng tác giả vẫn thích sống cuộc đời "vắng vẻ". Lớn lên một chút, tôi được những nhà "hướng nghiệp học" truyền đạt tư tưởng cho rằng "sống là phải phấn đấu, phải dồn sức vượt qua bao khó khăn để thành công chứ nhất quyết không chọn an nhàn". Rõ ràng, đây là 2 quan điểm mâu thuẫn nhau. Trong thời điểm đó, những case study thành công từ con đường đi lên không ngại khó khăn càng làm mạnh thêm luận điểm này. Tôi như một con rối, luôn cố gắng trong mọi bước đi, dù đôi khi nó quá sức đối với mình. Và rồi tôi lại nghĩ về 2 câu thơ.
Đến thời điểm hiện tại, tôi lại nhận thấy một quan điểm sống khác. Thật ra, việc chọn cách sống như thế nào, nó tùy thuộc vào tính cách, tài năng, kiến thức, và quan trọng hơn cả tôi nghĩ là lứa tuổi. Công bằng mà nói, tuổi trẻ chịu chút cọ xát, va chạm cũng chẳng sao, vì mọi thứ đều được đánh đổi bằng sự trưởng thành. Nhưng lớn tuổi rồi, việc tìm về nơi vắng vẻ đúng là quyết định sáng suốt, tránh xa sự đời. Nhưng sẽ ra sao nếu vào những năm tuổi của sự nghỉ hưu, chúng ta có thể vừa sống "vắng vẻ" nhưng vẫn có thể "cống hiến cho đời".
Nếu bạn không biết, người tôi đang muốn nói tới là ông ĐOÀN NGỌC HẢI - Nguyên Phó chủ tịch UBND Q.1. 
Đối với những người hay theo dõi tin tức, cập nhật Facebook, chắc hẳn ai cũng đã từng biết đến ông - người ra quân dọn dẹp vỉa hè trong năm 2017. Nhưng ít ai biết, phía sau vỏ áo "quan quyền" đó, là một con người có lý tưởng, nhân hậu, sẵn sàng rời bỏ chốn lao xao. 
"Tôi cũng chẳng ngờ cuộc đời mình lại như vậy"
Có lần, trao đổi với phóng viên báo Thanh niên sau khi "rủ áo từ quan", trong trang phục vận động viên chạy marathon, ông nói "51 tuổi chạy marathon, tôi cũng chẳng ngờ cuộc đời mình lại như vậy". Thật đúng là chẳng ngờ, vì có mấy ai từ chức ngay trong ngày mình nhậm chức như ông, để đi chạy marathon. 
Có lần, ông đã chạy 42km trong 6 giờ 47 phút.
Vào cuối năm 2019, ngay trong ngày đầu tiên nhận chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn, ông đã xin từ chức. Đối với ông, chức vụ đó vốn dĩ không thuộc về mình, vì đã có kiến thức chuyên môn gì đâu mà nhận. Nhưng tham gia vào hàng ngũ của Đảng, ông buộc phải tuân theo sự điều động này. 
Ông ước mong được về làm Phó chủ tịch UBND của một huyện nghèo nào đó, như Cần Giờ, để sát cánh cùng dân nghèo. Tuy nhiên, nguyện vọng cũng chỉ nằm trong lá thư, mãi đến giờ vẫn không được xem xét. Nhưng điều đó không dập tắt ước mong giúp người khác, ông tham gia chạy marathon từ thiện, kêu gọi bán đồng hồ, điện thoại siêu sang để mua nhà giúp người vô gia cư có chỗ nương trú. Ông còn có nguyện vọng giao quyền đứng tên lại cho 1 ngôi chùa nào đó, để tránh tình trạng tranh chấp thừa kế.
Thật, không ai ngờ cuộc đời của một người có chức vụ tại 1 trong những nơi phát triển bậc nhất của cả nước, lại từ quan, tìm đến nơi vắng vẻ như ông. 
"Tôi giúp người nghèo không phải để làm màu"
Dạo gần đây, cái tên ông một lần nữa xuất hiện khắp mạng xã hội. Những chuyến xe ấm áp chở bệnh nhân nghèo về quê được ông thực hiện đều đặn. Ai không có tiền, đến gặp ông, ông đều sẵn lòng hỗ trợ mà không nhận bất cứ đồng lợi nào. Khi thông tin trở nên viral trên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân liên lạc một mực hỗ trợ, quyên góp, nhưng ông cũng không nhận. Ông chỉ nhận 66 triệu đồng của những người rất thân, nhưng lại lấy tiền đó để tặng cho người nghèo sau mỗi chuyến đi. Hết tiền, ông lại tự lấy của bản thân.
Có ai nghĩ một người đang ngồi bên chiếc xe cứu thương này lại từng là một Nguyên Phó Chủ tịch UBND Q.1
Chia sẻ điều này với báo chí, ông nói rằng mình làm điều này bằng tấm lòng muốn giúp người nghèo, chẳng phải muốn nổi tiếng hay làm màu. Thật vậy, nhìn hình ảnh của một Nguyên Phó Chủ tịch UBND Q.1 lót dép ngồi giữa bóng râm, bên cạnh chiếc xe cứu thương, không ai không thấy chạnh lòng. Có thời điểm, số bệnh nhân cần được chuyển đi trở nên quá tải, ông vẫn cố hết sức để chạy mà không có bất kỳ sự khó chịu, hay bỏ cuộc giữa chừng. Không biết rằng như ông, là "khôn hay dại"?
Đến đây, chẳng biết bạn nghĩ như thế nào, nhưng với tôi, hình ảnh của ông Hải mới chính là những gì tôi nhìn thấy ở những người "dại khờ" thật sự. Đó chẳng phải là cuộc sống "tìm về nơi vắng vẻ" chỉ để hưởng trọn sự giải lao, hứng thú bên những giờ câu cá. Đó là cái "dại" giúp người khác mà quên cả bản thân mình. 
Tôi lại tự hỏi, tại sao càng lớn, người ta lại càng muốn cho đi? Ở thời điểm hiện tại, lứa tuổi đầu những năm 20 chưa cho tôi câu trả lời chính xác. Nhưng dần dà, tôi cũng cảm thấy mình có thiên hướng cho đi, đầu tiên là người nhà, tiếp đó là bạn bè. Một ngày nào đó, tôi cũng mong mình có thể trở thành người giúp đỡ người khác như ông Hải, là một người "dại khờ" thật sự. Nhưng chí ít, tôi không muốn mình thực hiện điều đó một mình. Vì chúng ta, sẽ lan tỏa nên những điều to lớn hơn, ý nghĩa hơn, thiết thực hơn, có đúng không?
*Bài viết có sự tham khảo thông tin từ những tờ báo trong nước.