Trong khoảng cuối tháng 11 vừa rồi, tôi vừa tích góp được chuyến đi đầu tiên theo kiểu trekking cho cuộc đời mình. Điểm đến lần này là Tà Năng – Phan Dũng, một cung đường mòn nổi tiếng đi qua 3 tỉnh là Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cả đoàn chúng tôi có tất thảy là 13 người, chúng tôi khởi hành tại TPHCM vào tối thứ 6 và lại yên ả nằm trên chiếc giường ngủ của mình ở Sài Gòn vào rạng sáng ngày thứ 2 kế tiếp. Khoảng 2 ngày 1 đêm lang thang giữa cái mênh mông và bạt ngàn của rừng núi cao nguyên, tôi như trút được cái năm 2020 nặng nề của bản thân lại phía sau. Và như để lưu lại một chút vấn vương cho vài ngày tươi đẹp đó của tuổi trẻ, tôi muốn viết cho bản thân vài dòng và cất giữ nó như một kỷ niệm đáng nhớ.
Xe khách thả chúng tôi tại Đức Trọng – Lâm Đồng vào khoảng 4 giờ rạng sáng ngày thứ 7. Sau khi chuẩn bị xong xuôi hàng họ và ăn sáng, cả đoàn vừa người vừa vật được một chiếc Mes cũ đưa thẳng đến điểm đầu cung trek. Bước đến đoạn bìa rừng chuẩn bị vào cung Tà Năng – Phan Dũng, chúng tôi có gì? Dưới chân là một đôi giày mang đến mức sờn cũ, trên đầu là một chiếc mũ chắc cũng chẳng để trụ lâu với nắng mưa, sau lưng là một cái balo thùng thình nặng đến oằn vai, và trước mặt là một đoạn đường mòn dài dăng dẳng 30 cây số. Chân thì cứ lăm le lội suối, vượt đèo, mắt thì hướng tìm dốc cao, rừng rậm, hai tay thì thủ sẵn nước nôi, gậy gộc, còn con tim thì hừng hực một ngọn lửa nhiệt huyết của chinh phục và khám phá. Cả một thể thống nhất muốn hòa vào trời đất, cả một nguồn năng lượng muốn tỏa đi năm châu. Không gì có thể ngăn cản đoàn chúng tôi dũng tiến, chúng tôi quyết tâm lấp đầy cung đường mòn trước mặt bằng nhuệ khí của thanh xuân rực rỡ. Đi nào!
Ba hoa vài câu cho có tí không khí hổ báo, gai góc vậy thôi, chứ tính ra đoạn đầu đi cũng hơi nhàn. Chúng tôi bắt đầu cung đường vào tầm khoảng gần 7h sáng. Cả đoàn cũng chỉ phải lội bộ trên một quãng đường mòn dài kha khá nhưng tương đối dễ đi. Không dốc cao hiểm trở cũng chẳng nước độc rừng thiên. Thi thoảng thì mẹ thiên nhiên chen ngang cho dăm ba cái đồi thông hay một hai chiếc suối gọi là giữ được vị núi rừng xứ cao nguyên. Trừ lúc đầu khi có vài thanh niên vẫn còn say xe trung chuyển thì đa phần đoàn lúc này còn phấn khởi chán, cứ được vài bước sẽ thấy anh nọ chị kia lôi máy ra chụp hình, không chụp người thì cũng chụp cỏ, cây, hoa, lá. Mười ba người cứ thế sải những bước dài, vừa đi vừa nói cười rôm rả, và chẳng ai có một chút mảy may nhăn mặt, nhíu mày.
Đến đoạn tầm gần trưa, sau 2-3 tiếng đồng hồ đã quen với cái dễ dãi của tạo hóa, chúng tôi bắt đầu đối mặt nhiều hơn với những con dốc khó nhằn. Vượt qua chúng cũng không thực sự quá khổ nhọc, nhưng so với đoạn đầu thì đây đúng là một thử thách mới mẻ. Quãng đường này vẫn còn nằm trong khuôn viên rừng thông, nên việc leo dốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nắng gắt. Tuy vậy, nếu so giữa việc leo dốc cường độ cao liên tục với lội bộ giữa trưa nắng, thì việc lội bộ vẫn tạo cho chúng tôi cảm giác an nhàn hơn hẳn. Nói chứ tuổi trẻ thì mấy ai lại chọn an nhàn bao giờ, chúng tôi cứ thế bước đi, cũng dần dà vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác. Chỉ là những đứa con vốn đã quen với thành thị lâu ngày nay lại phải kéo lê thê trên những cung đường đất đỏ nghiêng ngã, bập bênh. Chúng tôi bắt đầu uống nước nhiều hơn, tay chăm chăm nhiều hơn bánh trái, hoa quả, miệng thì cứ liên tục thúc bảo nhau rằng đoạn thoải hơn vẫn đang nằm trước mặt, còn những đôi chân thì cứ từng bước từng bước nặng nề đưa đoàn người lên cao dần hơn so với mực nước biển. Đến độ quá giữa trưa, sau khi đã hả hê với mớ ảnh bìa và avatar vừa săn được ở một khu đồi trọc khi vừa qua khỏi rừng thông, chúng tôi chọn nghỉ trưa trong một khu cây lá um tùm khá khuất với đường mòn. Một vài mẫu chuyện pha trò, một vài món ăn đạm bạc, một vài giấc ngủ trưa vội vã, nhưng thế là đủ để chúng tôi tổng kết lại nửa ngày đầu trên cung đường Tà Năng Phan Dũng trứ danh này.
Đầu giờ chiều, chúng tôi lại tranh thủ lên đường để kịp giờ đến điểm cắm trại đêm. Lúc này, núi rừng cao nguyên mới bắt đầu thể hiện cái uy quyền của nó: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Liên tù tì là cả trăm chục cái dốc lên xuống ngoằn ngoèo. Hết đồi cỏ hồng này đến đồi cỏ hồng khác, hết con dốc đứng này đến con dốc đứng khác. Chúng tôi bắt đầu thấm mệt khi phải liên tục đi giữa cái hanh khô của những đồi cỏ trọc. Ngẫm mới thấy nể nang lão Điền dẫn đoàn, dù phải quẫy cái balo nào lều nào chiếu nặng gấp 3-4 lần người khác, nhưng miệng lão thì cứ liên tục giục cả đoàn người nhanh chóng bước đi để kịp giờ lên trại. Sau độ khoảng 1 giờ đồng hồ nếm mật nằm gai, chúng tôi cuối cùng cũng đến cái điểm được mong chờ nhất chuyến đi, cái cột mốc mà nếu bạn không chụp choẹt gì với nó, thì sẽ chẳng ai tin là bạn đã từng kinh qua cung Tà Năng – Phan Dũng. Tứ phía chúng tôi lúc này, nhìn đâu đâu cũng thấy cái chập chùng, cái bạt ngàn của đất mẹ. Đúng là tuổi trẻ, phải đi cho xa, cho cao thì mới ngẫm ra được trái đất này to, phải nhìn cho tận mắt cái hùng vĩ, cái oai vệ của núi rừng thì mới thấy cái ước mơ, cái khao khát hằng ngày của chúng ta cũng nhỏ bé và chóng tàn như một trận mưa rào. Thanh xuân ngông cuồng, khờ dại là gì? Há chẳng phải là việc lội hơn chục cây số đường bộ, đi đến nỗi chân cẳng mỏi nhừ. Há chẳng phải là việc dải nắng dầm sương hơn nửa ngày trời, bậm môi vượt hết suối này đến đèo nọ. Để rồi lúc này đây, chúng tôi chỉ có thể đổi lấy được vài giây vài phút ngắn ngủi sống với cái khoái cảm “Đứng trên Thái Sơn chê thiên hạ nhỏ” của Mạnh Tử. Chúng tôi cứ đứng đó, chụp hết kiểu ảnh này đến kiểu ảnh khác, nhưng cái chúng tôi muốn lưu giữ hẳn không phải là hàng cỏ xanh hay vầng mây trắng, mà là cái chiến tích, cái thành tựu mà cả đoàn tất thảy 13 con người đã cùng nhau đoạt lấy trong một ngày trời lộng gió của những tháng năm trẻ tuổi.
Cột mốc không chụp không phải đi Tà Năng – Phan Dũng
Mơ mộng nhiều thì chúng tôi cũng phải gác lại và tiếp tục chặng hành trình. Đường thì vẫn còn khoảng hơn 5 cây số mà ông sao chủ thì đã càng lúc càng gần hơn với chân trời. Vẫn cứ là dốc và dốc. Có những đoạn chúng tôi phải từ tốn, cẩn trọng từng bước để trèo xuống những con dốc gập ghềnh và đầy sỏi đá. Tất nhiên cũng chẳng ít lần cả đoàn lại phải hì hục, thúc giục nhau làm điều ngược lại. Đường không những ngày càng khó đi hơn, mà bầu trời còn ngày càng lộng gió. Những đám mây đen ngòm xa tít cứ nhắm vào dòng người mà lũ lượt kéo tới treo lơ lững trên đỉnh đầu. Rồi cũng chẳng mấy chốc sau đó, chúng lại lướt qua chúng tôi như cái cách mà những người xa lạ vô tình va vào nhau rồi dần dà rời bỏ. Và trong cái tình cảnh nửa mưa nửa ráo đó, điều gì đến ắt cũng phải đến. Cầu vồng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy cầu vồng gần đến thế. Những tia nắng đơn sắc vốn dĩ hằng ngày vẫn ẩn mình sau cái đơn điệu của ánh sáng trắng mặt trời, nay nhờ mây mưa mà chúng tỏa mình ra nhiều hướng với bước sóng dài ngắn khác nhau, từ đó vẽ lên trên cái nền thăm thẳm của rừng xanh một đường cong 7 sắc vừa lu vừa tỏ. Bức tranh đó quả thật khiến người ta bối rối không rõ liệu nó là mơ hay thật. Nhưng rồi thì chẳng mấy chốc mọi thứ đều trở thành một phần của quá khứ. Chỉ có đoàn người thì vẫn lặng lẽ băng qua cái chập chùng của Tà Năng – Phan Dũng. Vẫn những câu chuyện phiếm, vẫn những lời thúc giục, và vẫn những đôi chân không bao giờ mệt mỏi. Tầm năm rưỡi chiều, chúng tôi đến được điểm cắm trại đêm.
Sau khi loay hoay phụ họa để chuẩn bị cho xong lều trại. Tôi đến với một trong những hoạt động thú vị nhất ngày hôm đó: tắm. Trên gần mép đồi đã có người đóng sẵn cho khoảng 4-5 cái buồng tắm thẳng tắp. Mà gọi là buồng tắm cho sang mồm vậy thôi, thật ra chúng là một dãy liên tiếp các cây cột phủ bạt tứ phía và được dùng để tắm gội. Tiêu chuẩn duy nhất cho việc đánh giá một buồng tắm 5 sao tại cái nơi hoang vắng này là có nước và cửa chắn trước không bị gió thổi bay. Không đèn đuốc, không sàn gạch, không xà phòng, và cũng không nốt sự riêng tư. Tôi và thằng cốt tắm 2 phòng cạnh nhau. Chả ai canh cửa cho nên nhiều lúc hai đứa phải thi triển cái bài một tay giữ cửa một tay dội nước, lâu lâu lại còn phải với tay nhặt cái đèn pin vừa bị gió thổi bật rơi xuống đất. Gió thì cứ ri rít thổi từng cơn liên hồi, còn nước lạnh buốt thì cứ phải xối từng ca lên da lên thịt. Tắm mà hay kiểu này, biết bao lâu mới được tắm lại lần nữa. Rồi thì quãng thời gian khắc nghiệt ấy cũng trôi qua êm ả. Mưa lúc này cũng bắt đầu lã chã rơi, chúng tôi chui vào lều và hăm hở chuẩn bị mớ đồ ăn đã đem theo sẵn. Và sau khi đã no nê, cũng như bao cuộc trekking rừng núi khác, chúng tôi làm những chuyện thành thị tại nơi hoang dã. Nói cười, nhậu nhẹt, uno, ma sói. Cái không khí ấm cúng giữa cái rét lạnh của mưa rừng đó khiến tôi khó lòng mà quên được. Độ khoảng gần nửa đêm, chúng tôi giải tán và tản về lều riêng mà ngủ, mưa thì vẫn cứ rơi nặng hạt, nghe bảo có lều phải cắn răng nằm ướt mà ngủ. Chúng tôi đều cố chợp mắt cho lại sức, dẫu sao cũng còn hơn 10 cây số đường rừng nữa thì cả đoàn mới đến được Bình Thuận.
Sáng hôm sau, chúng tôi gói ghém đồ đạc xong xuôi vào lúc khoảng 8 giờ. Đoàn chúng tôi lại tiếp tục động viên nhau dấn thân vào phần còn lại của chặng hành trình. Do lúc này đang là đường rời khỏi cung trek, nên số lượng dốc lên sẽ ít hơn hẳn so với số lượng dốc xuống. Và có lẽ ngày hôm đó đã không mấy khổ sở nếu cơn mưa tầm tã từ tối qua không tiếp tục kéo dài thêm 6-7 tiếng đồng hồ nữa tính từ lúc chúng tôi dở trại. Tin tôi đi, quãng đường kế đến là dùng để thử lòng người. Đặt chân ở đâu, đặt gót thế nào, mỗi bước đi đều phải được xem xét kỹ lưỡng. Có những đoạn chúng tôi phải dựa thế chân lên cỏ dại ven đường để mà đi, rồi cũng có lúc lối đi chỉ là một mép đường nhỏ cắt ngang sườn đồi. Chân thì vẫn cứ phải thoăn thoắt bước, còn đầu thì cứ liên tục nghiệm xem phải đi thế nào cho khỏi lao ùm xuống vực. Ấy thế mà chúng tôi vẫn bình tĩnh cân hết mọi thể loại địa hình. Từ dốc sâu, đá đỏ cho tới rừng cỏ, suối siết, cả đoàn cứ chậm rãi vượt qua hết cây số này đến cây số khác giữa tiếng mưa âm ỉ. Dăm ba bước lại cứ phải ngoái đầu nhìn quanh giúp đỡ, vài ba cây lại phải ngồi bệt trên đá mà nghỉ ngơi. Trượt ngã thì tự thân đứng dậy, đói bụng thì giăng áo mưa nấu đồ ăn. Mười ba con người cứ thế dũng tiến bước qua cái gian truân, khổ ải mà tạo hóa hôm đó đã hữu ý sắp đặt cho.
Đến đoạn bìa rừng Phan Dũng, khi hầu hết đã thấm mệt và có người bị bong gân, chúng tôi đành phải nương nhờ vào kỹ năng của mấy anh Grab rừng nội địa trong khoảng gần 4km còn lại. Cũng biết sơ qua tài nghệ vận hàng của mấy anh suốt dọc đường đi, nhưng phải đến khi làm hàng cho mấy anh chở thì mới thấy nể nang cái khả năng luồn lách thượng thừa đó. Con xe ương ngạnh cứ liên tục dùng dằn, hất nảy, còn chúng tôi thì cứ phải bám chặt vào yên xe hay tài xế cho khỏi ngã. Độ khoảng hơn 20 phút, chúng tôi cũng đến được Quán Ớt, điểm kết thúc nghe có vẻ khá nổi danh trên cung đường mòn này. Và sau khi tranh thủ nghỉ ngơi, tắm rửa, chúng tôi lại leo lên một chuyến xe trung chuyển khác và dần dà bỏ lại rừng núi hoang dã phía sau. Tối hôm đó, chúng tôi cuối cùng cũng làm được những chuyện thành thị ngay chính tại thành thị. Xử xong vài nổi lẩu hải sản và một hai chai bia, chúng tôi vội kiếm ngay một quán cà phê gần đó để lao vào tìm xem rốt cuộc con sói nào đã giết hại người làng đêm qua. Đến tầm 9 rưỡi tối, chúng tôi yên vị trên xe khách tiến về Sài Gòn và chính thức khép lại chặng hành trình đáng nhớ trong những ngày mưa gió cuối tháng 11.
Một chuyến đi tuy có phần gian truân nhưng cũng chất chứa đầy ý nghĩa. Được đi với những người bạn này trên một cung đường tuyệt vời như thế. Tôi thầm nghĩ chắc là sẽ tiếc nuối lắm nếu tôi hôm đó quyết định bỏ qua cơ hội nghìn năm có một này. Tạm biệt tất cả và tạm biệt luôn Tà Năng – Phan Dũng. Những kỷ niệm đó sẽ mãi được lưu giữ tại đây.