Photo: Réhahn
Người đầu tiên mình tiếp xúc ở Hội An là một người đầu bếp, ông là ông chủ của quán Cao lầu Thanh nổi tiếng. Chiều hôm ấy, sau khi đã sắp xếp đồ gọn gàng, mình rời homestay, thẳng tiến trên con đường Hai Bà Trưng rồi rẽ phải qua đường Thái Phiên. Vừa bước tới số 26 đường Thái Phiên thì mình hơi sựng lại bởi vẻ ngoài cũ kĩ của quán và đúng lúc đó, lại không có một vị thực khách nào trong quán cả. Đang lóng ngóng trước cửa quán thì ông bước ra; ông không nói gì, tay trái ông duỗi thẳng chỉ về phía ghế, bàn tay ngửa lên còn tay phải thì nhẹ nhàng đặt lên tay trái, người ông hơi nghiêng, miệng ông cười hiền và thế là mình bước vào. Mình và ông vẫn lặng im thin thín, trong lúc ông đang mải miết chuẩn bị Cao lầu thì mình ngồi đó, lặng lẽ quan sát ông và gian nhà của ông. Làm xong, ông đặt bát Cao lầu của mình lên bàn, mình ăn, ăn xong, mình tính tiền và tiến vào Phố cổ.

Phố cổ hiện ra thật lạ lẫm với mình, nơi đây có những ngôi nhà cổ kính với những bước tường và chiếc lồng đèn màu vàng vô cùng đặc trưng. Vừa rảo bước, vừa nhìn ngắm xung quanh, bất chợt mình nở một nụ cười vì ngạc nhiên khi nghe tiếng Trống Múa Lân của ba đứa nhóc vừa chạy vụt ra từ cửa hàng lụa mà mình mới lướt qua. Mình dừng chân, nở một nụ cười hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi cho đến bây giờ mình nghĩ lại vẫn cảm thấy hạnh phúc trong lòng. Thưởng thức màn trình diễn đó trong giây lát, mình rút ra vài tờ tiền lẻ và đặt vào trong cái thùng giấy được đặt phía trước đội trống tí hon đó. Tụi nhỏ mừng quýnh, rối rít nói lời cảm ơn: “Cảm mơn chú! Cảm mơn chú!”, mình nhìn tụi nhỏ, mỉm cười rồi tiếp tục bước đi. 
Chỉ trong chốc lát, mình đã đứng trên đường Bạch Đằng, con đường nằm uốn mình theo dòng sông Thu Bồn, con đường “huyền thoại” mà mình đã nhìn thấy trong nhiều bức ảnh về Hội An. Dòng sông Thu Bồn thì triều mến, cứ lặng lẽ trôi, cuốn theo những bông Hoa Đăng với những ánh đèn vàng lấp lánh và mặc cho khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập đang phản chiếu trên mặt sông. Phải có đến hàng trăm người đang dạo bước dọc hai bên bờ sông. Thoạt đầu, vẻ ngoài đông đúc của Hội An khiến mình hơi mất hứng nhưng suy đi nghĩ lại, trước đây, nơi này đã từng là một thương cảng sầm uất bậc nhất và một nơi như thế thì không thể thiếu rất nhiều người từ những nơi khác nhau đến đây làm ăn và sinh sống. Và cũng chính điều này đã làm Hội An thêm phần thú vị nên mình xin phép được “bàn” về những con người tới đây để “chơi”. Những người Mỹ, Pháp, Đức, Ý,...mà mình gọi chung là người phương Tây, họ luôn cư xử thân thiện, hòa nhã với người khác nhưng khá cẩn trọng trong việc mua bán với những người dân địa phương. Về phần người Á Đông, đầu tiên là người Hàn Quốc, ở đây thì người Hàn nhiều như “rươi” mà phần lớn là người trẻ, họ thường đi dạo phố theo từng cặp đôi, một nam và một nữ, bạn nữ thì xinh, bạn nam thì đẹp, nói chung là lãng mạn y chang phim Hàn. Hầu hết các bạn nữ Hàn đều tung tăng trong tà áo dài truyền thống của nước ta, với các bạn nam, chỉ một số bạn diện trên mình chiếc áo dai cách tân (chắc do chiều bạn gái) còn số khác thì không. Họ nắm tay hoặc chở nhau trên những chiếc xe đạp dạo quanh các tuyến phố, họ chụp rất nhiều hình ở rất nhiều nơi và với nhiều kiểu dáng khác nhau, các bạn nam lúc nào cũng găng la, nào là che nắng, nào là gắng gượng để chụp hình thật đẹp, nói rồi thì cũng phải quay lại với phim Hàn thôi. Tiếp theo là người Nhật, dù họ đi một mình hay cùng với gia đình, họ đều hành xử vô cùng lịch sự trong cách đi đứng và ăn nói của mình, đặc biệt là họ luôn rất tôn trọng người khác. Nhóm người cuối cùng trong nhóm người Á Đông là người Trung Quốc, gần như trái ngược hoàn toàn với người Nhật, người Trung Quốc vẫn ồn ào như thường lệ. Họ thường đi chung với gia đình, họ cũng chụp nhiều hình giống như người Hàn nhưng khác ở chỗ là từng thành viên trong gia đình cần mẫn chụp hình cho nhau một cách rất tự nhiên và thoải mái. Qua đó, mình thấy được rằng họ rất yêu thương nhau còn đối với người khác như thế nào thì có vẻ họ không để tâm mấy. Ở Hội An dĩ nhiên phải có người Việt Nam mình, tuy nhiên thì mình thấy người Bắc nhiều hơn người Nam nên mình xin chia sẻ về người Bắc. Họ thường đi với gia đình, họ vui vẻ, hoà nhẵn, và đặc biệt, mình thích cách họ sử dụng câu từ và chất giọng rõ ràng của họ. Khi mình mua nước ở tiệm nước MÓT,  một tiệm bán nước trà thảo mộc, vừa cầm ly nước rồi quay ra thì nghe thấy câu nói dễ thương của một em bé gái nói với mẹ khi vừa được mẹ cho hút một ngậm nước Mót, chất giọng lảnh lót, từ trầm tới bổng rồi vút lên cao được thể hiện qua câu nói: “Uôi, nước Mót ngon thế!”.
Đến với Hội An mà không nói về con người nơi đây thì thật là đáng trách, Hội An nhộn nhịp bao nhiêu thì người Hội An hối hả bấy nhiêu. Người Hội An bận bịu lắm, người cô thì rao hàng chè, hàng nước bằng vốn tiếng Anh bồi ít ỏi của bản thân cho cả Tây và Ta, người chú chèo thuyền cho khách phương xa trên dòng sông Thu Bồn, người bà thì bán Hoa Đăng, người giáo viên thì bận dạy hát điệu hát quen thuộc của mảnh đất này và cứ thế từ sáng đến tối họ vẫn cần cù làm việc. Hiếm lắm mới có người chịu tán gẫu với mình nhưng nói xong vài câu rồi lại họ quay trở lại công việc ngay lập tức. Mình nghĩ vậy là đúng vì nếu ở nơi chúng ta đang sống mà ta không cần cù lao động thì sớm hay muộn gì những rắc rối cũng sẽ tìm đến với chúng ta.

Trong đêm cuối cùng ở Hội An, mình tình cờ bắt gặp được một hình ảnh khiến mình suy nghĩ một hồi, hình ảnh về một cô gánh hàng rong trên chiếc xe đạp. Để ngồi lên được chiếc xe đạp cô đã phải bỏ ra một nỗ lực đầy vất vả, cô bước đi nhanh để lấy đà để ngồi lên yên xe đạp dù quang gáng vẫn nặng trĩu ở một bên vai, ngồi được lên yên cô bắt đầu đạp và chỉnh lại đôi quang một cách ngay ngắn rồi cô đạp dần về phía trước. Điều đó quả thực vô cùng khó nhằn bởi lẽ trong từng khoảng khắc của thời gian, cô đã phải cân bằng cùng một lúc cả hai vật cần phải được cân bằng. Chiếc xe đạp di chuyển xa dần, chiếc xe đạp cũ, cô và đôi quang gánh nặng trĩu, một hình cầu đặc biệt.
p.s: Ở Hội An, mình thường chơi trò giả làm người nước ngoài với những người bắt chuyện với mình bằng tiếng Anh và mình thấy khá thú vị.