TỰ TỬ LÀ BẤT HIẾU?
Mình không phải người học về Tâm lý học nhưng mình rất quan tâm tới những nỗi đau, khó khăn của người trẻ trong giai đoạn trưởng thành...
Mình không phải người học về Tâm lý học nhưng mình rất quan tâm tới những nỗi đau, khó khăn của người trẻ trong giai đoạn trưởng thành nên mình xin chia sẻ một số ý kiến về 1 câu chuyện gần đây.
Đó là câu chuyện của bạn nam sinh tử tự khi nhập học. Ở dưới phần comment có rất nhiều người trách móc em, một trong số comment được tới hơn 700 like ở bài viết trên VNEpress: (https://vnexpress.net/nam-sinh-tu-vong-cung-10-kg-da-trong-ba-lo-4428373.html) với nội dung là:
“Còn trẻ mà em.
Còn Cha mẹ già ai lo hả em
Tự tử là Em bất hiếu với cha mẹ”.
Và rất nhiều comment khác: "Dại dột để rồi đau khổ cho người thân của mình! Bao nhiêu công lao của cha mẹ, thầy cô."; "Em học lực giỏi, nhưng có 1 môn học mà em thiếu, đó chính là kỹ năng sống lạc quan! Tiếc cho gia đình và xã hội."; "ích kỉ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại." ; "lý trí yếu đuối..."
Điều này làm mình suy nghĩ rất nhiều về 2 từ rất rất tiêu cực mà mình chỉ nghe thôi cũng đủ rùng mình là "Tự tử là Bất hiếu". Tới vài ngày gần đây mình suy nghĩ kỹ hơn để chọn cách tiếp cận và nhận thức về vấn đề sâu bên trong của câu chuyện này.
Đầu tiên phải nói tới vấn đề "tự tử" của một người trẻ thường bắt nguồn từ nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau. Nhưng mình muốn nói đến một lý do, đó là sự trầm cảm. Nói một chút về số liệu trích từ cuốn sách Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang, cứ 1000 người thì có 70 người mắc trầm cảm, trong số đó cứ 5 người thì có 1 người muốn tự tử.
Những nỗi đau của trầm cảm được báo cáo của Đại học Amsterdam và Đại học Eramus, Hà Lan, so sánh với những nỗi đau về thể xác cũng rất đáng chú ý như là trầm cảm nhẹ tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối, Trầm cảm vừa tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng; trầm cảm nặng tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn. Sự so sánh này giúp chúng ta dễ dàng hình dung hơn về những điều người trầm cảm đã trải qua. Thế nhưng, sự nhận thức về trầm cảm chưa được thực sự có được ánh nhìn nghiêm túc từ đại chúng khi họ vẫn soi xét sự trầm cảm như một căn bệnh tâm lý không quá nghiêm trọng, hay trầm cảm là bệnh của nhà giàu, thậm chí là chỉ trích rằng những người trầm cảm là những người không đủ mạnh mẽ, thiếu bản lĩnh và yếu đuối. (khá giống với những chỉ trích của câu chuyện tự tử bên trên).
Vậy thì những sự chỉ trích này bắt nguồn từ đâu? Mình có biết đến một khái niệm mà khi nhìn qua lăng kính ấy sẽ giúp mình dễ hình dung về vấn đề này hơn. Đó là sự tích cực độc hai. Tích cực độc hại là hành vi có thể từ bên ngoài hoặc từ bên trong của một cá nhân, mà phủ nhận hoàn toàn cảm xúc thật của một con người. Họ buộc phải tìm kiếm một cảm xúc tích cực "giả tạo", được vay mượn từ bên ngoài để phủ tấm mặt nạ "tích cực" lên những cảm xúc thật từ bên trong. Làm cho con người luôn áp đặt lên chính mình hay là người để để phải có cảm xúc tích cực trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời điểm.
Tích cực độc hại hiện đại xuất hiện tràn lan trên văn hóa đại chúng, từ những khóa học truyền cảm hứng tích cực một cách cực đoan bằng việc hô khẩu hiệu hay chỉnh từ những lời nói thúc ép tích cực từ những người xung quanh của bất cứ ai. Sự tích cực độc hại này khác với sự tích cực thông thường là nó hoàn toàn triệt tiêu đi những yếu tố căn bản để tạo nên cảm xúc tích cực thuần túy, đó là sự chân thành, tự nguyện với cảm xúc bên trong (có thể là sự lo sợ khi bước vào những kỳ thi quan trọng, sự tuyệt vọng trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, hay là sự mất mát khi người thân qua đời). Sự tích cực độc hại đem tới sự gượng ép hay áp đặt từ một ai khác, có thể là gia đình, bạn bè, người xa lạ thay vì họ được tự nguyện đón nhận và chấp nhận bất cứ cảm xúc gì phát sinh trong quy nghĩ của một con người. Cái thứ hai đó là sự tích cực độc hại hoàn toàn làm mất đi sự thấu cảm với cảm xúc của mỗi người (có thể thấy rõ nhất ở những người buông ra những lời chỉ trích dành cho bạn nam sinh kia là "tử tử là bất hiếu", hay như trong cuốn Đại Dương Đen thì đó là "Ăn học cho lắm vô rồi dở chứng bị trầm cảm"; "trầm cảm là yếu đuối.) Những người này đưa ra góc nhìn rất phiến diện, một chiều và hoàn toàn chối bỏ việc đặt mình vào vị trí của "nạn nhân" và gần như họ không cần quan tâm đến việc những người mình chỉ trích ấy họ đã trải qua những gì trong hiện tại, hay đã gặp phải nỗi đau nào trong quá khứ hay không để có được góc nhìn thấu hiểu hơn.
Thế nên, điều mình muốn nhắn nhủ trong câu chuyện này sẽ là việc mỗi con người chúng ta nên mở rộng góc nhìn (open-minded), trước là để tiếp cận thông tin để không có sự phán xét với những câu chuyện tương tự như vậy, sau là để chúng ta có thể có được sự thấu cảm hơn với nhiều câu chuyện khác nhau của mỗi con người để có được sự lạc quan tích cực xuất phát dựa trên nền tảng cảm xúc thực từ sâu bên trong.
Nguồn tham khảo:
Sách: Đại dương đen của Tác giả Đặng Hoàng Giang.
Hội Đồng Cừu Channel: https://www.youtube.com/watch?v=tjxhTi1xWEc
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất