NGÔN NGỮ CHỨC NĂNG (ENGLISH AS A LINGUA FRANCA)

Không có gì bàn cãi khi Tiếng Anh đã và đang giờ đang trở thành ngôn ngữ chức năng (English as a lingua franca - ELF) được sử dụng rộng rãi trên thế giới giữa những người từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ (first language - L1).
Trên thế giới, xét về cách phát âm, cách biểu đạt cũng có cả trăm, nghìn thể loại khác nhau. Người Anh, Mỹ, Úc, v.v. mỗi người một kiểu khác nhau. Nếu như bạn không bận tâm đến các kì thi tiêu chuẩn (TOEIC, IELTS, TOEFL) thì nguyên tắc sử dụng tiếng Anh là phải làm người khác hiểu được ý mình, kể cả phải dùng chân tay, Google Translate hay bất kì phương tiện hỗ trợ nào phù hợp. Sự hiểu được (intelligibility) được đề cao trong trường hợp này.
Nói tiếng Anh bồi ở đây được hiểu là cách sử dụng tiếng Anh để truyền đạt thông điệp mà chấp nhận sự không hoàn hảo của phát âm. Sự "hoàn hảo" này được định nghĩa là phát âm giọng chuẩn - Received Pronunciation (RP), hay nôm na còn được gọi là tiếng Anh mà Nữ Hoàng hay Nhà Vua Vương Quốc Anh sử dụng. Điều thú vị ở đây là chúng ta có thể nhận ra sự thay đổi trong cách phát âm tiếng Anh của Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị trong những bài phát biểu ở thời điểm 50 năm trước và ở hiện tại.

LÀM SAO ĐỂ GIAO TIẾP TIẾNG ANH TỐT?

Bí quyết của việc giao tiếp tiếng Anh tốt không có gì to tát cả, đó đơn giản là cứ dùng nhiều đi rồi sẽ tốt.
Nhưng để làm để sử dụng nhiều trong khi mình khả năng giao tiếp còn hạn chế?
Giống như việc đi xe đạp vậy, đi xe đạp là một kĩ năng khi đã học rồi thì sẽ không bao giờ mất đi. Giao tiếp tiếng Anh phải đạt được mục đích như vậy. Vây làm sao để đi được xe đạp? Ngồi và nghĩ cách thăng bằng? Ngồi và nghĩ xem sẽ đặt bao nhiêu sức xuống bàn chân phải, chân trái? Không! Chúng ta học đi xe đạp bằng cách nhảy lên xe và đi, ngã rồi leo lên đạp tiếp. Cách học này không có gì mới lạ mà nó chinh là học từ thực hành (Learning by doing). Cứ làm nhiều đi rồi sẽ giỏi. Chỉ có thể càng làm càng giỏi thôi, chứ không có chuyển giỏi thì ta mới làm đâu!

LÀM SAO ĐỂ NÓI TIẾNG ANH NHIỀU MÀ TIẾNG ANH LẠI ĐANG KÉM?

Khi giao tiếp, nếu mình nói chậm, vừa nói vừa phải nghĩ thì sự tự tin sẽ lập tức giảm xuống và kéo theo hiệu quả giao tiếp cũng giảm theo. Vậy để xây dựng sự tự tin này, cốt yếu phải thay đổi được sự nhận thức (awareness). Sự thay đổi trong nhận thức tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong hành động (action) và quan trọng hơn cả là thay đổi trong thói quen (routine) –- nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc giảng dạy tiếng Anh. Nếu như đã hình thành thói quen giao tiếp tiếng Anh thì chẳng sớm thì muộn, tiếng Anh của bạn cũng sẽ tốt lên và không cần một thầy cô nào hướng dẫn nữa cả.

Nhận thức số 1: Người nước ngoài phải tập quen với tiếng nói của người Việt Nam.

Nếu bạn đang sử dụng tiếng Anh trong công việc với đối tác và sếp ở nước ngoài thì bản thân họ cũng đã ngầm chấp nhận với việc chúng ta nói tiếng Anh không tốt. Họ đang muốn làm việc tại thị trường châu Á thì họ phải chấp nhận điều này. Rất nhiều trường hợp trong khi làm việc bằng tiếng Anh, đối tác và sếp của chúng ta cũng không phải người bản ngữ mà cũng dùng tiếng Anh để giao tiếp công việc.
Tất nhiên, chúng ta sẽ cố gắng nói tốt hơn nhưng ở chiều ngược lại, không cần thiết phải cảm thấy tự ti với việc nói tiếng Anh chưa tốt cả. Họ sẽ phải quen dần. Mình cứ cố nói và cố làm họ hiểu bằng mọi cách là được.
Trong video ghi lại buổi truyền hình chương trình Rainbow West Clip vào năm 1966 dưới đây, cố nhạc sĩ Phạm Duy truyền tải thông điệp về âm nhạc cho 3 nhạc sĩ người Mỹ. Cố nhạc sĩ phát âm rất nặng tiếng Pháp, thiếu âm đuôi, thiếu chia động từ nhưng chả quan trọng gì hết --- Họ vẫn hiểu nhau bình thường.

Nhận thức số 2: Không cần phát âm đúng, ngữ pháp đúng. Ghép từ cũng được.

Nếu không phải nói về chủ đề văn thơ nhạc họa thì vốn từ học tiếng Anh sau cấp 3 đã là tương đối đủ. Kết hợp với từ vựng tiếng Anh chuyên ngành và ghép từ là người nước ngoài có thể hiểu đến 50%-70% rồi. Như có khẳng định lại, nếu không phải sinh viên hay nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học thì ngôn ngữ chỉ dừng lại ở mức độ phương tiện giao tiếp không hơn không kém! Làm sao giao tiếp được là được!

Nhận thức số 3: Người bản ngữ kém trong việc vận dụng linh hoạt tiếng Anh

Đỉnh cao của giao tiếp tiếng Anh không phải là nói tiếng Anh như người bản ngữ mà là khả năng nói để ai cũng hiểu được. Từ Anh-Úc-Mỹ-Sing đến Ấn-Nga-Trung Quốc-Việt Nam họ hiểu được hết.
Ví dụ: Nếu một anh bạn kỹ sư người Mỹ đến Campuchia để làm nhà thầu xây dựng nhà máy điện. Anh này phải báo cáo cho sếp người Mỹ đang ngồi ở Mỹ, thuyết trình giải pháp cho lãnh đạo người Việt ở công trường, giải thích cho chủ đầu tư người Trung Quốc, trao đổi với kỹ sư người Việt, và đôi khi là chỉ đạo những công nhân người Việt luôn. Yêu cầu giao tiếp ở đây với các bên liên quan là ai cũng có thể hiểu được. Nếu anh này chưa bao giờ làm việc với người châu Á, hẳn anh ta sẽ gặp không ít khó khăn và phải tự học rất nhiều. Điều này có thể dễ dàng nhận ra ở những người ngoại quốc ở Việt Nam lâu năm, họ không dùng thứ tiếng Anh khi giao tiếp với nhau để giao tiếp với chúng ta!

KẾT LUẬN

Như đã đề cập phía trên, nếu không cần quá quan tâm đến các kì thi chuẩn mà muốn gia tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh thì cứ tìm mọi cách để thực hành thật nhiều -- hãy luôn nhớ đến việc chúng ta học đi xe đạp như thế nào. Cùng với đó, thay đổi sự nhận thức sẽ là chất xúc tác quan trọng hỗ trợ trong khi thực hành giao tiếp tiếng Anh.
Chúc các bạn may mắn.
Phế Tiến Sĩ.