TỰ SỰ CỦA GUNDOGAN - Phần 1
Tôi chỉ muốn bắt đầu câu chuyện bằng cách nói với bạn rằng tôi yêu Champions League đến mức nào....
Tôi chỉ muốn bắt đầu câu chuyện bằng cách nói với bạn rằng tôi yêu Champions League đến mức nào.
Ai cũng vậy mà nhỉ?
Với tôi, đó luôn là giải đấu danh giá nhất trên đời. Có gì đó về nó, vượt xa hơn cả chiếc cúp và bài nhạc chủ đề nữa, nó gợi cho tôi nhớ lại tuổi thơ của mình.
Tôi nghĩ tôi đang thay mặt cho khá nhiều người ở thế hệ của mình khi nói rằng các trận bóng vào đầu những năm 2000s thật sự rất đặc biệt, nhất là với một đứa trẻ nhập cư như tôi.
Ý là, tôi đã lớn lên ở Gelsenkirchen với bố mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ, và bất cứ khi nào một đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu ở giải châu Âu, cả nhà tôi sẽ dừng tất cả mọi việc lại và hò hét như thể cuộc sống của họ phụ thuộc vào nó vậy (các trận đấu).
Tôi sẽ không bao giờ quên thời khắc mà Galatasaray vô địch UEFA Cup năm 2000. Lúc đó tôi mới 9 tuổi. Thật ra gia đình tôi là fan Galatasaray hết, trừ mẹ tôi ra, bà là fan Fenerbahçe cơ. Dù sao thì cả nhà cũng đã xem trận chung kết đó cùng nhau, và khi Arsenal bị hạ gục trên chấm luân lưu, chú Ilhan của tôi, hơn tôi có 6 tuổi, đã khóc sướt mướt luôn.
Hahaha! Khóc gì mà như con nít ấy!
Đó là một trong số rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của tôi.
Đó là UEFA Cup, với tất cả sự tôn trọng.
Highlight chung kết UEFA Cup 2000: https://youtu.be/S75hTDHl7nc
Vậy… Bạn có thể tưởng tượng ra Champions League ý nghĩa lớn như thế nào với tôi không? Khi mà sau này, tôi đã thực sự chơi bóng ở đó?
Thử tưởng tượng xem tôi sẽ vui đến nhường nào khi giành được danh hiệu ấy?
Có một trận đấu trong sự nghiệp mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Có lẽ bạn vẫn còn nhớ trận chung kết Champions League năm 2013. Dortmund vs. Bayern. Chúng tôi đã rất hưng phấn. Tôi thì có một trong những mùa giải tốt nhất từ trước đến nay, thậm chí tôi còn ghi bàn trong trận chung kết đó. Tưởng như mọi thứ đều màu hồng… nhưng chúng tôi thua 2-1.
Đó đúng là một cơn ác mộng. Thậm chí sau trận đấu, tôi vẫn chưa nuốt được thất bại. “Sao vậy nhỉ? Tại sao lại…?!”.
Rồi tôi tự hỏi không biết khi nào mình mới có cơ hội được chơi trận chung kết thêm một lần nữa nhỉ?
Thành thật mà nói, trận chung kết đó đã ám ảnh tôi. Khao khát có được chiếc cúp đó day dứt tôi.
Nhưng tôi cũng sợ rằng khi con người muốn có cái gì đó thật mãnh liệt, họ lại không bao giờ có được nó.
Đống suy nghĩ ấy đôi khi làm tôi mất ngủ cả tối. Tôi biết lẽ ra phải quăng hết sự nghi ngại và thất bại sau lưng mình, nhưng để mà làm được thì đâu có dễ. Tất nhiên tôi có thể nói rằng tôi tự tin, chả việc gì mà phải bất an cả. Mọi chuyện vẫn sẽ ổn mà phải không?
Nhưng như thế là tôi dối lòng, tôi đánh lừa bản thân, và lừa cả bạn nữa.
Thật sự là rất nhiều lần, tôi thức dậy trên giường và việc đầu tiên tôi làm là suy nghĩ về mọi thứ. Não không cho tôi gạt công tắc. Nghĩ về bóng đá này, rồi về gia đình, về cuộc sống hằng ngày. Cái tính tôi nó vậy, nếu có thể thì chắc tôi cũng không thay đổi gì đâu.
Tôi cứ có cảm giác rằng ai cũng nghĩ cầu thủ bọn tôi đều có một cuộc sống hoàn hảo. Giống như chúng tôi đang bay bổng trong chiếc bong bóng xà phòng của niềm hạnh phúc và nó sẽ chẳng bao giờ vỡ ra vậy. Thật sự có phải lúc nào cũng vậy đâu.
8 tháng rồi tôi chưa gặp bố, mẹ hay anh em tôi,với họ hàng xa hơn thì tầm 1 năm. Bằng hữu chí cốt của tôi đều ở xa. Một phần là do đại dịch, tất nhiên rồi, không phải câu chuyện của mỗi mình tôi.
Nhưng thật lòng thì, tôi đã cảm thấy cô đơn kiểu gì ấy, xuyên suốt sự nghiệp của mình. Nó đã như vậy từ lúc tôi rời khỏi nhà năm 18 tuổi rồi.
Chắc khó mà tránh khỏi cảm giác đó khi bạn là một cầu thủ.
Mà cũng khó để phàn nàn. Tôi có thu nhập tốt, nổi tiếng và được làm những gì mình yêu. Cho tôi ước tôi cũng ước mình sống được như hiện tại thôi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ về cái ngày mà tôi bắt đầu chơi chuyên nghiệp. So với bình thường thì nó tới hơi trễ, và trong một khoảng thời gian dài, tôi cứ bâng khuâng không chắc rằng nó có xảy đến thật không. Sau đó thì tôi đổi đời.
Mắc cười nhỉ, khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ sự nghiệp của mình sẽ đẹp không khác gì cổ tích.
Nhưng lại có vài điều khiến tôi ước rằng “giá như hồi đó mình biết sớm hơn…”.
Lúc phát hiện ra cuộc chơi này khốc liệt như nào, tôi mới có tám tuổi.
Khi ấy, tôi có được một suất ở học viện Schalke 04, giấc mơ của mọi đứa nhóc ở Gelsenkirchen. Tự hào vãi. Chỉ cần đeo cái huy hiệu là tôi đã sướng đét rồi.
Họ cho lính mới tập ở đó một năm, đá tốt thì được giữ lại, còn đá tệ thì bay màu.
Tôi nghĩ rằng, “Ngon! Ít nhất thì mình cũng sẽ ổn trong 1 năm nhỉ”.
Nhưng sau đó tôi bắt đầu có chút vấn đề với mắt cá chân. Tôi đến gặp bác sĩ và ông ấy bảo tôi nên nghỉ trong 6 tháng.
Ở trường, tôi phải mang một chiếc tất đặc biệt cho mắt cá chân, nghĩa là tôi phải đi một chiếc giày nhỏ và một chiếc to. Đi bộ còn làm khó tôi chứ đừng nói tới việc đá bóng.
Khi mùa giải kết thúc, Schalke để tôi ra đi.
Hay theo góc nhìn của tôi thì… họ túm áo tôi và ném thẳng ra khỏi cửa.
Tôi đã rất đau lòng. Lúc đó tôi tưởng chừng như giấc mơ của tôi tới đây là xong rồi, sự nghiệp của tôi tới đây là xong rồi.
“Xin lỗi nhóc, đến lúc phải rời đi rồi”.
Và thế là năm 8 tuổi trôi qua.
Tôi trở về nhà và chơi cho đội bóng địa phương cùng với lũ bạn. Khi ấy tôi chỉ muốn tìm lại niềm vui cho mình.
Ba năm sau, bố mẹ tôi nhận được một cuộc gọi. Schalke muốn tôi trở lại.
Tôi nói bố mẹ, “Từ chối họ đi, con không quay về đó đâu”.
Nỗi đau vẫn còn hằn sâu.
Tôi nghĩ có vẻ bố mẹ cũng hiểu tôi - nhưng không hẳn. Thêm một cánh cửa nữa hé mở để tôi bước tới giấc mơ của mình, nhưng tôi đã đóng nó lại, sao lại thế nhỉ? Schalke là lần thất bại đầu đời của tôi, và nó thật sự rất đau.
Dù sao thì bố mẹ cũng chưa bao giờ ép tôi đến Schalke. Họ chỉ muốn tôi học tốt ở trường. Họ thực sự muốn tôi học tốt ở trường.
Tôi vẫn còn gặp ác mộng về chuyện trường lớp.
Không đùa đâu. Nhiều lúc thức dậy, tôi toát hết mồ hôi hột vì nghĩ tới mấy bài kiểm tra cũ.
Bố mẹ tôi lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong văn hóa của người Thổ, bạn phải thật sự tôn trọng những người lớn hơn. Cả bố và mẹ tôi đều thất học. Mẹ tôi đứng bếp trong một nhà hàng có hồ bơi, còn bố thì làm tài xế xe tải cho một công ty bia. Họ không được học hành đủ để có một mức thu nhập tốt.
Thế nên khi tôi và anh trai bắt đầu đến trường, bố mẹ muốn đảm bảo rằng bọn tôi tập trung vào việc học. Mà lúc đầu tôi cũng nghiêm túc thật.
Sau này thì tôi quan tâm tới việc đá bóng nhiều hơn, và điểm số thì bắt đầu tệ đi. Tôi đã vật lộn lắm để không ở lại lớp. Nỗi sợ thi trượt bao vây tôi như đám mây đen phủ kín bầu trời vậy.
Tôi phải làm gì nếu tôi thi trượt? Phải đối mặt ra sao với nỗi thất vọng của bố mẹ?
Tuổi 12, và tôi vẫn mắc kẹt trong đống suy nghĩ ấy.
Rõ ràng, bố mẹ đã nuôi nấng tôi và anh Ilker rất tử tế. Nhưng tôi phải học nhiều quá nên không có nhiều thời gian cho chuyện khác. Cuộc sống của tôi khi ấy chỉ xoay vòng giữa trường học và sân bóng. Khi lũ bạn tụ tập đi chơi vào tối thứ sáu, tôi phải ở nhà vì tôi có trận đấu vào hôm sau.
Tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ. Cứ như tôi đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình vậy.
Và điều điên rồ nhất là tôi còn không chắc rằng sau này mình có thành cầu thủ chuyên nghiệp hay không. Mấy đứa hoài bão thì kiểu “Ui, nhất định mình sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”. Nhưng tôi thì chưa bao giờ như vậy. Tôi còn bài kiểm tra ở trường. Và với tôi, đá bóng chỉ để thỏa mãn sở thích, để cho vui. Mãi tới tận năm tôi 17, tôi mới lần đầu nghiêm túc nghĩ tới việc chơi bóng chuyên nghiệp.
Lúc đó tôi được chơi vào giai đoạn tiền mùa giải cho đội một của Bochum, lần đầu tiên mà tôi thi đấu cho một đội bóng chuyên nghiệp. Được chơi trong 2 trận giao hữu, tôi ghi được 1 bàn, và 1 kiến tạo trong trận còn lại. Khi ấy tôi nghĩ rằng “OK, mình sẽ làm được thôi”.
Khoảng 6 tháng sau thì ngày đó đến. Tôi rời xa gia đình để ký hợp đồng chơi chuyên nghiệp cho Nürnberg (năm 2009).
Tiếp đó là chuỗi ngày mà tôi chưa từng mơ tới.
Tôi phải sống xa gia đình và bạn bè. Tưởng tượng mà xem, cậu bé dành cả đời sống ở một thành phố, gần gia đình và họ hàng, nay phải đi xa 450km để tự lập. Cuộc sống chuyên môn của tôi cũng bước lên một tầm cao mới, nó khác hoàn toàn với việc đá bóng ở các đội trẻ. Chấn thương đầu tiên đến sau 2 tuần. Rồi cả những cảm xúc tiêu cực dành cho mấy gã lớn tuổi hơn nữa, bởi vì họ đã sai về nhiều thứ - nhưng văn hóa người Thổ là tôn trọng những người lớn tuổi hơn, thế nên tôi giữ im lặng.
Đó là tôi ở Nürnberg. Hết sức bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới.
Nghĩ lại thì, tôi rất biết ơn Schalke vì đã từ chối tôi. Khi bạn đã vấp ngã trong đời, thì kiểu gì bạn cũng sẽ sẵn sàng cho lần vấp ngã tiếp theo. Cuối cùng thì chuyện đó giúp tôi bức phá ở Nürnberg và có 2 mùa giải thành công ở đó.
Đừng sợ khi bạn sớm gặp thất bại, hãy sợ khi bạn không sớm gặp thất bại.
(Còn tiếp).
Dịch từ: I Have Some Things I’d Like to Say - Ilkay Gündoğan
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất