Mọi người nghĩ gì khi thấy một cô gái mặc áo hai dây?
Mình sinh ra ở một vùng nông thôn Nghệ An yên bình, nơi có những quan niệm “không cởi mở như thành phố”. Đôi khi việc mặc áo hai dây sẽ bị gắn cho cái mác “phản cảm”, “thiếu lịch sự”, “khoe thân”. (Đôi khi cũng không hẳn là đôi khi!)
Cách đây 2 năm, mình béo, và lẽ dĩ nhiên thì người béo mặc áo hai dây sẽ không đẹp bằng người có thân hình thon thả (mà đúng ra mặc cái gì cũng thế). Áo hai dây là một thứ trang phục rất dễ phô bày những khuyết điểm của cơ thể, nên mình chẳng dám mặc bao giờ.
Những lý do này khiến cho những chiếc áo hai dây gần như chẳng bao giờ xuất hiện trong tủ quần áo của mình. Mặc cảm, tự ti, xấu hổ, sợ hãi và sợ người khác nói ra nói vào (ôi cái nỗi sợ người khác nói ra nói vào là điều ngu ngốc nhất thế gian!)
Còn đây là thứ mà nửa năm gần đây mình vẫn thường mặc:
Đúng là mình đã thay đổi môi trường sống, đến với những thành phố nơi mà người ta xem việc mặc áo hai dây là một điều hết sức bình thường. Nhưng điều thay đổi nhất chính là cách mà mình phá vỡ những định kiến, những hoài nghi, mặc cảm như một hành trình rực rỡ của tuổi đôi mươi.

1. Gì cơ, mình mặc áo hai dây xấu á?

Không biết cái tư duy BÉO = XẤU nó xuất hiện từ bao giờ mà lại mạnh mẽ và dai dẳng đến thế. Nó khiến nhiều người điên cuồng giảm cân bằng những thứ thuốc độc hại, khiến những người gầy trơ xương vẫn cố gắng nhịn ăn, khiến không ít idol Hàn Quốc hứng chịu trăm ngàn lời chỉ trích chỉ vì có dấu hiệu tăng cân một chút.
Béo, dĩ nhiên là có hạn chế, nhưng không có nghĩa là không thể nào đẹp hay mặc đẹp, ngay cả với những chiếc áo hai dây. Điều quan trọng là: MÌNH CÓ DÁM LÀM KHÔNG?
Bây giờ thì mình dám!
Cùng với quá trình giảm cân - giảm mỡ, mình đã học được cách tự tin hơn vào chính bản thân mình. Mình của bây giờ không phải là lúc mình gầy nhất, vẫn là bắp tay to, vẫn là chiếc bụng còn nhiều mỡ, vẫn là khung xương không đẹp, nhưng mình yêu chính cơ thể của mình.
Mình tin rằng mình không phản cảm, không lố lăng, không khoe thân!
Mình tin rằng mình vẫn đẹp, trong mắt những người nào đó, theo một cách nhìn nào đó!
Mình tin rằng khi mặc nó mình vẫn toả ra năng lượng trẻ trung và yêu đời!
Học cách tin vào bản thân và thể hiện điều đó ra là một quá trình không hề dễ dàng, bởi thứ gọi là định kiến sẽ dội cho chúng ta một tư tưởng ngược lại. 
Có lẽ không chỉ nói “hãy tự tin lên” là đủ, mà phía sau đó là những ngày không ngừng thay đổi tư duy, thấu hiểu bản thân, chọn cho mình một môi trường phù hợp, và rồi can đảm tiến về phía trước!

2. Béo = mặc xấu? Vậy làm sao cho đẹp?

Cho dù mệnh đề phía trước hoàn toàn sai, nhưng vì nó đã ăn sâu cắm rễ trong suy nghĩ, nên khi chưa kịp thoát khỏi nó, mình đã đặt câu hỏi: Làm sao để mặc đẹp?
Mình chọn hoàn thiện bản thân hơn bằng việc giảm cân - giảm mỡ!
Khi mình hiểu MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN rằng cơ thể của mình không được đẹp, mình tìm hiểu một chế độ ăn và tập luyện phù hợp với mình. Và mình dám khẳng định rằng hành trình giảm cân, giảm mỡ của mình diễn ra vô cùng nhẹ nhàng và thoải mái. Mình không bắt buộc bản thân phải quá khắt khe hay chăm chỉ, vì mình luôn nhớ rằng: Mình giảm để mình đẹp, mà đẹp thì mình sẽ vui. Vậy hoá ra mình làm những điều này cũng là vì để bản thân thực sự vui vẻ, nên nếu quá trình của nó khiến mình stress, chán nản, bất lực thì mục đích cuối cùng vẫn không hề đạt được.

3. Ý kiến của những người xung quanh liệu có quan trọng đến thế?

Chúng ta luôn dặn lòng mình rằng phải biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của mọi người, không được bảo thủ, vân vân và mây mây. Những điều này đúng, nhưng người nói trái, người nói phải, bạn sẽ nghe ai?
Đúng rồi đấy, mình nghe chính bản thân mình!
Câu chuyện áo hai dây của mình không lấy được ví dụ nào ở đây hết, vì nó là nỗi sợ của chính mình chứ trước đây mình chẳng mặc áo hai dây nên cũng chẳng có lời khen chê nào được cả. Nhưng mình của bây giờ vẫn hay “được” mọi người nhận xét là “gầy quá, như trước đẹp hơn”, và mình biết có rất nhiều người cũng nghĩ “ủa vẫn béo mà chứ có gầy gì đâu”. Những ý kiến này, với mình, chẳng có vấn đề gì hết!
Đó là bởi vì mình có một bộ tiêu chuẩn riêng, thế nào là gầy, thế nào là béo, thế nào là vừa đủ. Mình biết cách điều chỉnh cân nặng của mình trong một phạm vi nhất định, biết mình muốn hướng tới hình ảnh như thế nào, và mình nên làm gì để phù hợp với tiêu chuẩn của chính mình. Mình hài lòng với những điều đó.
Quá trình phá vỡ định kiến đã giúp mình nhận ra những bài học để đời: 

1. Nhận thức đúng đắn 

Không biết bạn có để ý rằng mình đã viết hoa từ “một cách đúng đắn” ở phía trên không, nhưng mình muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng khi bắt đầu nỗ lực cho bất kì việc gì chính là có một tư duy đúng đắn.
Nếu bạn không hiểu rằng cơ thể bạn đang thiếu chất gì thì làm sao bạn có thể chú tâm bổ sung nó được. Bạn không biết mình muốn học ngành gì, trường gì thì làm sao biết chọn khối nào để ôn thi!
Nếu nhận thức sai lầm thì chuỗi hành động phía sau cũng sẽ kéo theo một loạt những hậu quả sai lầm. Cũng như việc cho rằng cứ nhịn ăn là giảm, hay điên cuồng tập luyện thì sẽ hiệu quả cao, những điều này đều sẽ mang đến kết quả trái ngược với những gì mình và bạn cùng mong đợi!

2. Chấp nhận rằng mỗi người có một hệ đo lường riêng. Đó là thế giới quan của họ, không phải của mình!

Chúng ta sinh ra đã khác biệt, khác bố mẹ, khác anh chị em, khác những người chúng ta gặp hàng ngày, khác thứ chúng ta thấy, điều chúng ta nghe, khác sách chúng ta đọc, phim chúng ta xem… Giữa hàng trăm nghìn những điều khác biệt đó, làm sao hệ đo lường của chúng ta giống nhau được đây!
Mình luôn tâm niệm rằng: Người khác không sống cuộc đời của mình! Họ nêu ra những ý kiến của họ, nhưng bao nhiêu trong số đó tự hỏi rằng những ý kiến đó liệu có những tác động tiêu cực đến người nghe hay không? Và bao nhiêu người sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những lời nói của chính họ? Bao nhiêu người biết rằng khi nói sai thì cần phải nói thêm lời xin lỗi? 
Xã hội này tất nhiên sẽ có những tiêu chuẩn nào đó, nhưng hầu hết chúng lại dựa trên những thang đo vô hình. Khi chúng ta có nhận thức đúng đắn thì ý kiến của người khác cũng chỉ là một nguồn thông tin, như hàng triệu thông tin mà chúng ta thấy trên Google vậy, cái đúng cái không!

3. Chủ động tránh xa những tư duy độc hại

Vào một ngày đẹp trời, mình unfollow những page chứa những thông tin nhảm nhí, quá nhiều những câu chuyện vô thưởng vô phạt, đánh nhau cãi nhau, nói xấu người này người kia, vì mình thấy không vui khi đọc những bài như vậy (tất nhiên mình vẫn giữ lại một số page cần cho công việc của mình). Mình không muốn mỗi buổi sáng thức dậy lại đọc được những lời tấn công vào một cá nhân nào đó!
Những hình ảnh, nội dung, tư duy độc hại vẫn nhan nhan hàng ngày có thể khiến cho đầu óc mình bị nhiễm những điều độc hại đó, khiến thế gian quan của mình bị lệch đi ít nhiều, còn cảm xúc dần trở nên tiêu cực. Và cảm xúc tiêu cực lại có xu hướng thu hút những thứ tiêu cực lại gần mình! 
Do vậy, mình cố gắng follow những trang thông tin chính thức, những câu chuyện về tình yêu thương, những bài học phát triển bản thân, và biến mạng xã hội trở thành một lớp học mà ở đó mình nhận lại nhiều giá trị tích cực hơn! Từ đó, tâm trạng của mình cũng trở nên vui vẻ và yêu đời!

4. Chỉ cần 1% thôi!

Nỗ lực để làm một điều gì đó chưa bao giờ là dễ dàng cả, nhất là khi thay đổi những thói quen cố hữu. Mình đã từng lên những kế hoạch vô cùng hoàn hảo, ngày dậy lúc mấy giờ, tập bao nhiêu phút, tận dụng tối đa thời gian của bản thân, để rồi mình nhận ra rằng, đó không phải là kỷ luật, mà là quá sức. Mình cần cho chính bản thân mình thời gian để thích nghi với mọi sự thay đổi.
Ám ảnh hoàn hảo khiến chúng ta dễ dàng stress, vì chỉ cần một thứ không theo kế hoạch thì sự hoàn hảo đó sẽ biến mất. Thay vào đó, mình học cách tin rằng: chỉ cần ngày hôm nay tốt hơn hôm qua 1% thôi là đủ!
Nếu vận dụng bài toán lãi kép, thì 1% nhỏ bé kia sau nhiều ngày sẽ là một con số to đùng đó chứ.
Có lẽ khi đọc bài viết này, một vài người sẽ nói “người hay nói đạo lý thường sống như …” Không sao cả. Vì mình vẫn còn nhiều điều chưa được tốt. Và mình luôn muốn lắng nghe ý kiến của mọi người. 
From LT - trong những ngày vẫn đang còn nỗ lực!
Đọc thêm những bài viết của mình tại Blog: