TỪ GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG NHẬT ĐẾN DIỄN VIÊN KỊCH ỨNG TÁC: KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN CHUYỂN NGÀNH
Khi bắt đầu những bước đầu tiên với kịch ứng tác cách đây 3 năm, vào thời điểm vẫn đang làm việc cho một tổ chức của Chính phủ Nhật Bản, Thanh hẳn đã không ngờ rằng vào năm 2021, mình sẽ “nhảy ngành” sang làm kịch ứng tác.
Từ tháng 5 năm 2021, tổ hài kịch Haha Hanoi bắt đầu cải tổ. Vẫn giữ tinh thần tôn vinh tiếng cười và khích lệ sự kết nối giữa những cá nhân, không phân biệt nghề nghiệp, khu vực, văn hóa; điểm khác biệt là từ thời điểm này, các show diễn, video hài kịch sẽ ngày càng đa dạng về thể loại và “xịn” hơn ở cả chất lượng lẫn số lượng.
Là một trong 2 cái tên đứng đằng sau sự cải tổ này của Haha Hanoi, Thanh Lê hiện đang phụ trách công việc Chỉ đạo nghệ thuật, Chịu trách nhiệm truyền thông và Huấn luyện viên Kịch ứng tác. Khi bắt đầu những bước đầu tiên với kịch ứng tác cách đây 3 năm, vào thời điểm vẫn đang làm việc cho một tổ chức của Chính phủ Nhật Bản, Thanh hẳn đã không ngờ rằng vào năm 2021, mình sẽ “nhảy ngành” sang làm kịch ứng tác. Hãy cùng tìm hiểu hành trình đặc biệt này của Thanh, cũng như những dự định của bạn nhằm phát triển bộ môn nghệ thuật mới này ở Việt Nam.
Xin chào Giáo viên, Thông dịch viên, Dịch giả Chỉ đạo nghệ thuật, Diễn viên Ứng tác, Huấn luyện viên ứng tác, Thiết kế website, Nhà sáng tạo nội dung, Designer, Lê Kim Thanh! Trong số rất nhiều đầu việc đã từng trải qua, đâu mới là công việc định hình bản thân Thanh nhất?
Thanh xuất thân là một người học sư phạm tiếng Nhật và từng là giáo viên tiếng Nhật trong khoảng 4 năm. Còn ở Haha Hanoi, bên cạnh việc đi diễn thì Thanh cũng hướng dẫn các lớp học ứng tác và liên hệ các bên để tổ chức sự kiện nữa. Tất cả đều liên quan đến con người nên không biết dùng từ “người đồng hành” có hợp lý không nhỉ?
Vậy nguyên do nào mà từ một giáo viên tiếng Nhật, Thanh lại “bẻ lái” sang theo theo đuổi kịch ứng tác?
Lần đầu tiên Thanh trực tiếp được xem kịch ứng tác cũng là buổi hẹn đầu tiên. Anh ấy là người diễn festival ứng tác hôm đó luôn. Sau hôm ấy, thấy Thanh có vẻ rất thích “món này”, ảnh ra sức rủ Thanh thử tham gia. Ban đầu Thanh hơi ngại. Cho đến một hôm tham gia workshop kịch ứng tác trong sự kiện TEDxHanoi 2018, Thanh thấy hay. Thế là Thanh đăng ký và giành được học bổng cho 2 lớp kịch ứng tác tiếng Việt và tiếng Anh do Long Lê mở.
Ban đầu Thanh học chơi thôi, về sau Thanh nhận ra kịch ứng tác có thể ứng dụng được cho công việc dạy tiếng Nhật mà mình đang làm. Kịch ứng tác có một công cụ gọi là “Yes, and” mà mình có thể áp dụng vào việc dạy học. Trong lớp, kiến thức không chỉ truyền đạt một chiều, mà đôi khi mình cũng học từ học sinh nữa. Kịch ứng tác đã giúp mình nâng tinh thần tương tác của lớp lên rất nhiều. Thế nên, Thanh cảm thấy vô cùng bị cuốn hút bởi: nó mới, nó hay, nó có tác dụng cho công việc và quan trọng là vì mình thích nó.
Sau này, Thanh mất nhiều thời gian suy nghĩ xem mình có nên dấn sâu hơn vào bộ môn này hay không. Ví dụ đối với mẹ Thanh, một công việc ổn định ở cơ quan chính phủ nước ngoài, đi về đúng giờ, có nhiều ngày nghỉ là rất đủ rồi. Nhưng Thanh lại cảm thấy nếu đây là việc mình làm được mà người khác cũng làm được thì mọi thứ sẽ rất mờ nhạt. Rồi dần dần, càng ngày Thanh cứ càng đam mê mà lao mình lúc nào không biết.
Thích là một chuyện, biến nó thành công việc của mình là một chuyện khác. Từ đâu mà Thanh quyết định gắn bó với Haha Hanoi một cách nghiêm túc?
Có một khoảng thời gian Long Lê, người phụ trách chính của nhóm, phải tạm nghỉ vài tháng vì lí do cá nhân. Khi ấy, mọi người phải tự vận hành nhóm diễn tiếng Anh và tiếng Việt cùng nhau. Thanh trở thành người phụ trách chính nhóm tiếng Anh. Trong quãng thời gian đó, Thanh cũng nhận ra ‘A, thực ra mình có thể làm được’. Thanh được trải nghiệm cảm giác tổ chức show, liên hệ đối tác, tổ chức workshop,.. Trước đây, khi chỉ diễn, mình cảm thấy “sướng” cho bản thân mình thôi. Nhưng khi làm người tổ chức, lúc xong, mình cảm thấy vui cho tất cả mọi người, từ khán giả, người diễn, cho đến cô bán pepsi cho show luôn.
Thanh rất thích việc nhìn thấy mọi người vui như thế. Và Thanh bắt đầu tham gia vào khâu tổ chức của nhóm nhiều hơn.
Đến giữa năm 2020, Thanh thấy mình bắt đầu dồn rất nhiều tâm sức cho Haha Hanoi. Khi đó chúng mình có một show ở viện Goethe, đòi hỏi mọi khâu tổ chức phải chỉn chu hơn. Từ đó bắt đầu phải phân xem ông nào làm đạo diễn, ông nào điều phối sân khấu, vân vân và mây mây. Tiếp đến có một show tổ chức sau khi dịch bùng lần 2. Vì quy định thời điểm ấy là không được tụ tập trên 30 người, nên Haha Hanoi vẫn chưa làm được show (có khán giả). Thanh nảy ra ý tưởng là tổ chức show kín và livestream lên mạng. Thanh đếm cả nhóm tiếng Việt cộng nhóm tiếng Anh là vừa đủ 29 người. Nên Thanh đánh liều lần đầu tiên tổ chức show kết hợp Anh - Việt. Sau đấy, liên tiếp có những show lớn: Show tổ chức cùng Saigon Tếu (hơn 250 khán giả), show lưu diễn trong Sài Gòn,.. Và đỉnh điểm cuối năm là Comedy Ơi Festival dài cả một tuần!
Cho đến cuối năm 2020, Haha Hanoi vẫn hoạt động dưới mô hình CLB. Sau một loạt sự kiện lớn, Thanh bị quá tải. Nhưng cũng nhờ đó, Thanh nhận ra nếu vẫn tiếp tục hoạt động dưới mô hình CLB thì tương lai sẽ còn nhiều lần quá sức như vậy nữa.
Tại thời điểm ấy, Thanh cũng bắt đầu suy nghĩ nhiều về công việc chính (cán bộ chương trình tình nguyện viên tại một tổ chức chính phủ của Nhật). Vì dịch nên đáng lẽ công việc đáng-lẽ-phải-đi-rất-nhiều lại không cho Thanh đi đâu, công việc đáng-lẽ-phải-gặp-rất-nhiều-người cũng không cho Thanh gặp ai. Hai điều ấy chạm phải Thanh đúng thời điểm: vừa cảm thấy công việc này không còn phù hợp với mình nữa, vừa muốn bỏ công sức vào cho Haha Hanoi nhiều hơn. Đó chính là thời điểm quyết định của Thanh. Và mặc dù nghỉ công việc chính này, Thanh không cảm thấy hối tiếc vì mình đã học được rất nhiều điều. Bác sếp lúc nghe Thanh thông báo nghỉ việc rất từ tốn. Bác bảo “Nếu đã quyết định nghỉ việc theo công việc mình thích thì bản thân phải rất cố gắng. Bác sẽ dõi theo bước của Thanh”.
Về phía Haha Hanoi, Thanh lờ mờ đoán Long cũng có cùng ý định phát triển Haha Hanoi như Thanh. Còn giả sử nếu Long không có cùng ý định, thì Thanh cũng sẽ là người kêu gọi thay đổi Haha Hanoi.
Nghỉ việc, bắt đầu một công việc mới vào đúng thời điểm dịch bùng phát trở lại. Thanh có hoang mang không?
Hoang mang chứ! Nhưng Thanh không hối tiếc. Thời gian dịch, Thanh không chỉ dành thời gian cho Haha Hanoi mà còn cho bản thân mình, xem xem mình có đang đi đúng hướng không, và nếu đi đường dài thì mình sẽ cần những gì. Kết quả là Thanh quyết định đăng ký học MBA.
Lúc Hà Nội thông báo kéo dài cách ly lần thứ hai, Thanh tranh thủ tự cân bằng lại sự hoang mang. Trước đây, ứng tác là cách Thanh “chơi”. Bây giờ ứng tác thành công việc rồi nên Thanh phải tìm cái khác. Thế là Thanh học làm nhạc, học tiếng Pháp. Những cái trước đây Thanh xem là "công việc" giờ lại thành cái chơi và ngược lại.
Quay lại với kịch ứng tác. Theo Thanh, tại sao kịch ứng tác chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam?
Theo Thanh, thứ nhất là vì chưa có ai thực sự “làm” việc này đến nơi đến chốn. Kịch ứng tác còn mới, nên những người đầu tiên đứng lên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như về mặt luật pháp, để duyệt một show sẽ cần kịch bản trước. Mà việc chuẩn bị kịch bản trước hoàn toàn không phù hợp với kịch ứng tác. Ngay từ bước luật pháp như vậy đã bắt đầu trúc trắc rồi. Ngoài ra, kịch ứng tác cũng chưa xây dựng được một cộng đồng lớn. Nên những người làm kịch ứng tác hiện nay Thanh sẽ không gọi là những người “đặt viên gạch đầu tiên”, mà là phải “đào móng” luôn!
Về phía khán giả, họ thấy kịch ứng tác vẫn mới. Khán giả đến với kịch ứng tác vì chữ “hài kịch” nhiều hơn là “ứng tác”. Nên nhiệm vụ của những người diễn ứng tác là phải giới thiệu kịch ứng tác đến cho khán giả một cách dễ hiểu nhất. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, tỉ lệ những người biết đến kịch ứng tác ở lại và gắn bó với bộ môn này là rất cao!
Định hướng về tương lai của Haha Hanoi của Thanh là như thế nào?
Thanh hình dung trong tương lai tới, Haha Hanoi sẽ có một nhóm diễn kịch ứng tác cứng (house team). Thanh sẽ diễn thường xuyên cho nhóm diễn cứng này. Bên cạnh đó sẽ còn những nhóm diễn khác và Thanh sẽ phụ trách huấn luyện những nhóm này cũng những thành viên khác.
Ở viễn cảnh lớn hơn nữa, Haha Hanoi sẽ trở thành một tổ hợp dành riêng cho bộ môn hài kịch. Mỗi buổi tối, Haha Hanoi có những suất diễn dành cho các nhóm có nhu cầu, ai muốn diễn giờ nào sẽ đăng ký với người tổ chức. Khi đó, Thanh sẽ tận hưởng công việc tổ chức này.
Về mặt cộng đồng nói chung, Thanh hy vọng sẽ cùng xây dựng được: cộng đồng người diễn, cộng đồng người học và cộng đồng khán giả. Và còn một điều nữa, năm ngoái Thanh đã tổ chức thành công festival Comedy Ơi!. (Dù mệt) Thanh rất muốn năm nào mình cũng tổ chức được festival như vậy. Thanh mong không chỉ Hà Nội mà những nơi khác cũng có cộng đồng như trên, để mỗi năm một lần, tất mọi người sẽ gặp nhau và cùng tổ chức sự kiện hài kịch trong một tuần liền. Thanh để ý festival ứng tác nói riêng và hài kịch nói chung sẽ diễn ra theo mô hình: đầu festival là một show rất lớn để giới thiệu tất cả tên tuổi có mặt tại đó; trong tuần sẽ có show, workshop hoặc những gameshow cho khán giả cùng chơi; cuối festival sẽ là gala show để tôn vinh tất cả những người từng tham gia đóng góp cho cộng đồng này, giống như liên hoan phim của điện ảnh vậy. Festival năm ngoái Thanh tổ chức vẫn chỉ đơn giản là một chuỗi sự kiện thôi. Thanh muốn tổ chức được một tuần lễ hội hẳn hoi như trên. Và đó sẽ là mục tiêu cuối cùng, vì tất cả những công việc xây dựng công đồng, tổ chức show đều sẽ thể hiện hết trong festival như vậy.
Với tư cách là người tổ chức, Thanh nhớ nhất show diễn nào?
Thanh có 2 show. Show đầu tiên là chuỗi sự kiện Comedy ơi! Festival. Vì đó là show đầu tiên cho Thanh thấy mình có khả năng đưa người diễn từ những nơi khác đến, hỗ trợ các loại chi phí cho họ. Đó cũng là lần đầu tiên Thanh tổ chức show kết hợp với những người Thanh chưa gặp bao giờ. Ban tổ chức show đó gồm 3 người, Thanh là người Việt duy nhất, và 1 người thì Thanh chưa từng hợp tác tác tổ chức. Trước đây, Thanh quen làm việc theo lối của người Nhật: có kế hoạch và deadline rõ ràng, nói chung là khá công nghiệp và bài bản. Còn với Comedy ơi! Festival, Thanh làm việc có kế hoạch nhưng cũng linh động để bất cứ việc gì phát sinh, mình cũng có thể xoay sở được.
Sau đó, Thanh nhìn thấy việc tổ chức festival về hài kịch như vậy có tương lai, và cảm thấy tham vọng muốn tổ chức nhiều festival xịn hơn như vậy.
Thanh cùng các "đồng nghiệp" trên sân khấu Comedy ơi! Festival
Show thứ hai là show online kết hợp giữa nhóm tiếng Anh và tiếng Việt. Show này thể hiện một phần con người Thanh. Thanh rất thích nhìn một môi trường có nhiều văn hóa giao lưu với nhau. Chẳng hạn như khi đi dạy học, thì không chỉ kiến thức mà việc hiểu văn hóa của người kia cũng rất quan trọng. Thanh thắc mắc tại sao phải chia ra nhóm tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi tất cả có thể xuất hiện cùng nhau trong một show? Và đặc biệt, những người nước ngoài tại show hôm đó vẫn ngồi xem những phần diễn tiếng Việt rất chăm chú. Về ngôn từ, mọi người có thể không hiểu, nhưng mọi người lại để ý rất nhiều về hình thể và sắc thái của diễn viên, nhờ đó mà vẫn hiểu được câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu. Hết show, một thành viên người nước ngoài thốt lên: “Tao chưa bao giờ để ý là nếu bỏ phần tiếng thì hình thể của bọn mình trông sẽ như thế nào!”
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Thanh nghĩ Haha Hanoi nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung nên giữ một tinh thần thế nào?
Thanh nghĩ mình phải chuẩn bị tâm thế vững vàng. Như trong ứng tác, phần cơ thể quan trọng nhất là chân. Nếu như chân chắc, mình có thể đỡ được tất cả biến động xảy đến với mình. Nói cách khác, việc tổ chức sẽ phải giữ tinh thần “ứng tác”. (lại một lý do nữa khiến Thanh thích ứng tác: vì nó áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh).
Ví dụ, khi bắt đầu mở cửa một chút rồi, mình có thể tổ chức những show nhỏ, trong điều kiện cho phép, để mọi người có thể trải nghiệm trực tiếp. Vì cảm nhận nghệ thuật nói chung và hài kịch, ứng tác nói riêng thì trải nghiệm trực tiếp vẫn thích hơn.
Nhưng, mình vẫn phải xây dựng cộng đồng online, phòng trường hợp lại rơi vào cảnh hoạt động bị đóng băng. Như vậy, chúng ta sẽ có một bệ đỡ sẵn sàng, giúp mình có thể nhanh chóng đứng lên và hoạt động trở lại. Hơn nữa, việc phát triển online cũng giúp mình nhiều điểm khác. Sau dịch, mọi người sẽ có xu hướng di chuyển rất nhiều. Thanh muốn mọi người dù đến đâu cũng có thể tìm thấy cộng đồng ứng tác cho mình. Nói tóm lại, Thanh nghĩ mình cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi trường hợp có thể xảy ra.
Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Minh Phạm - biên tập nội dung HahaZine.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất