Những người trẻ như chúng ta hiện nay đang sống trong một thời kì mà đồng tiền có giá trị hơn bao giờ hết, bạn sẽ hầu như không thể sinh tồn trong bất kì hoàn cảnh nào nếu không có tiền, bước chân ra khỏi cửa nhà, nhẹ thì 3k một gói mì, 25k bữa cơm ven đường, 50k tiền xăng (nay là 25k một lít) nặng thì mấy chục cho đến cả trăm triệu, tỉ đồng trong thẻ để làm ăn, phòng hờ bệnh tật, tai nạn,…
Người Việt chúng ta sẵn đã có máu làm ăn, đâu phải tự nhiên mà câu chúc đầu năm không phải là “Năm mới hạnh phúc” như bên trời Âu mà lại là ‘Phú quý dồi dào, tấn lộc tấn tài’,’ An khang thịnh vượng’, máu mê tiền đã ăn sâu vào trong máu đặc biệt thể hiện ở các bạn sinh viên, trong khi sinh viên ở các quốc gia khác làm những việc khá là "lành mạnh" như bồi bàn, tạp vụ, phục vụ ở siêu thị, dạy kèm ngoài giờ, thì sinh viên Việt Nam ngoài những công việc kể trên, nhắc lại là ngoài làm những việc kể trên thì còn: bán quần áo online, bán mỹ phẩm, chạy quảng cáo, quay phim, đóng phim, livestream quảng cáo sản phẩm, đào Bitcoin, làm hacker, viết luận văn thuê, viết blog, làm tele, làm chatbox, xe ôm, quản lý page,... Sinh viên chúng ta lăn lộn cả trên mạng lẫn thực tế để kiếm tiền, và có một vấn đề là chúng ta quá tập trung vào việc kiếm tiền mà không nghĩ khi đã có tiền trong tay chúng ta còn phải học cách xài như thế nào, chúng ta cần biết số tiền mà chúng ta lăn lộn, vật vã mới kiếm được được quản lý ra sao,… cái số tiền mà chúng ta ngày đêm quay cuồng mới có, trong một đêm yên bình, bạn thức đến 12h đêm săn sale và sáng mai thức giấc, bạn từ một ông chủ tư bản giàu có trở thành một con nợ khốn cùng. Chúc mừng bạn bạn đã thành chúa tể shopee, con nợ tư bản rồi đó…
Ảnh bởi
Travis Essinger
trên
Unsplash
Học được cách kiếm tiền là chưa đủ, học được cách quản lý, sử dụng đồng tiền mới là tối quan trọng. Quản lý ở đây là quản lý về mình đang xài tiền như thế nào xài ra sao, có đang phung phí hay tằn tiện quá, có thể sử dụng sao cho tối ưu với bản thân mình nhất. Đầu tiên là tùy vào gia đình và thói quen chi tiêu của mỗi người mà cách quản lý tiền tất yếu cũng sẽ khác nhau, vậy nên các tips mình nói sau đây chỉ mang tính chất tương đối:
Chia tiền ra các hũ:
Ảnh bởi
Michael Longmire
trên
Unsplash
Tiền hàng tháng mình nhận được của bố mẹ là khoảng 5tr, và tiền làm thêm ( trước covid) của mình cỡ khoảng 1tr5, vậy là mình có khoảng 6 tr5 để chi tiêu cho cuộc sống sinh viên, mình chia đều số tiền này cho 5 hũ:
Thiết yếu: ăn uống, ở, di chuyển (4tr)
Giải Trí: tiền mua game này (đam mê), mua sắm(600- 650) , ngồi chill quán cafe( mang tính chất tự thưởng thường là đi một mình),…
Giáo dục: (học phí là lại xòe tay xin bố mẹ thôi chứ không tự chi nổi) mua sách, đi cafe mục đích học tập, in tài liệu,…. (600)
Tiết kiệm: Làm gì thì làm cũng phải nghĩ đến tương lai đúng không, ngoài ra còn tập cho mình thói quen tiết kiệm nữa, mình dành khoảng 500k cho các mục đầu tư của mình, và thường thì ngay khi nhận được tiền thì các bạn hãy bỏ vào mục tiết kiệm này ngay vì có khi cuối tháng xài lố quá thì lại không còn hai chữ tiết kiệm nào nữa đâu.
Có một số bạn sinh viên đã biết được tư duy “Đồng tiền trên giấy là đồng tiền chết” lên đã quăng tiền vào các quỹ đầu tư mong đó là một khoản đầu tư cho tương lai của mình, mong rằng mình sẽ không dùng đến nó trong 20-30 năm nữa, nhưng rồi lại lên các hội nhóm facebook, lên các blog về tài chính hỏi những câu đại loại như: Em nên mua mã nào, mã nào đang ngon, đã chạm đáy chưa ạ vân vân và mây mây. Nên nhớ tiền là tiền của bạn, bạn đầu tư là đầu tư cho bạn, tương lai của bạn, vậy nếu họ bảo mua A là bạn mua A à? hay bảo đừng mua B là bạn không mua? Hãy có trách nhiệm về đồng tiền của mình, quản lý bằng kiến thức, nếu bạn muốn một hành trình ‘không làm mà vẫn có ăn’ hãy trang bị kiến thức về tài chính, tự mình phân tích và trải nghiệm, tất nhiên việc học hỏi các tiền bối là cần thiết nhưng trước hết hãy đầu tư kiến thức.
Khác: cái này thì tùy vào mỗi người thôi, mỗi người đều có một cái “khác” riêng, nếu tháng nào bạn không xài đến “khác” thì có 2 cách xử lý một là chia đều số tiền dư cho các khoản của tháng sau, hai là bỏ tiết kiệm.
Tập thói quen ghi chép:
Ảnh bởi
Thought Catalog
trên
Unsplash
Đừng để mới đầu tháng ngậm ngùi nhìn vào ví mà thốt lên, tiền đâu hết rồi, ủa mới thấy 3tr đây mà, đôi khi chỉ là đang đi trên đường thấy thèm cốc trà sữa, mua! đi vô siêu thị thấy bộ đồ đẹp, mua! đi chơi với bạn hào hứng, bao! những cái nhỏ đó nó tích dần tích dần rồi bạn sẽ chợt sock vì không biết tiền có cánh không mà bay nhanh thế. Bạn có thể ghi chép theo các mục như trên và mình khuyên là dùng các app trên điện thoại như moneylover, Ghi chép chi tiêu,…  vì điện thoại là vật bất ly thân trong thế kỉ này mà, mua gì xài gì, nhận được gì là ghi vô, tạo thói quen này sẽ giúp bạn lỡ có mất tiền thì cũng biết và học cách xài tiền trong khuôn khổ.
Ghi chú lại các khoản nợ:
Có thể là các bạn nghĩ sao mình không đưa vào phần 2 luôn mà lại nói riêng, ủa cũng là ghi chép mà. Theo mình đây là một vấn đề khá nhạy cảm, đôi khi bạn đi học rồi có cần đóng tiền gì đó trên lớp, rồi cho bạn bè mượn tiền, 10-15k đơn lẻ thì nó không đáng gì nhưng mà tích tiểu thành đại mà, rồi sẽ có lúc bạn nhận ra mình hết sạch tiền mà không nhớ đã cho ai vay, và đôi khi số tiền khá nhỏ nên bạn đó cũng không cố ý mà quên đi và… tèn ten, bạn mất tiền. Cái thứ 2 là bạn nợ người khác, tương tự như trên hãy ghi số tiền nợ và khi nào gặp lại họ hãy trả số tiền càng sớm càng tốt, giữ chữ tín là một điều quan trọng để kết bạn và sống sót trên dòng đời đốn mạt.
Mua đồ có mục đích
Ảnh bởi
CardMapr
trên
Unsplash
“Đừng đợi sale rồi mua đồ, hãy chọn đồ rồi đợi săn sale”
Hỡi các thần dân của shoppee, các tín đồ lazada, tiki,… săn sale không phải là xấu nhưng hãy biết mình đang làm gì, cần gì.
Biết cái gì nên có trong tủ đồ chật chội nằm trong góc phòng trọ bé xíu đất Sài thành. Đừng có xa rời mục tiêu ban đầu của mình, ví dụ mình muốn đợi sale để mua cuốn Ngành kinh tế có gì của spiderum, sau đó thấy cuốn SENECA những bức thư đạo đức đang sale ngon quá, thế là tậu cả hai, thời gian đọc một cuốn còn chưa xong mà lại còn ham hố, đến cả 2 tháng sau chưa chắc đã đọc hết 2 cuốn mà xếp chật phòng trọ, tiền thì không có mà ăn, không thì như các bạn nữ ( hi vọng mình đoán đúng) có thể mục đích ghé shop là mua một thỏi son Black rouge thôi, nhưng rồi thấy các quý cô trong cửa hàng đó đang rôm rả về một loại mặt nạ dưỡng trắng da, sang xịn mịn, thế là rút hết hầu bao, không có black rouge black red gì nữa,  tậu về một đống mặt lạ, rồi về đến nhà phát hiện không có son là toang, lại lập cập rút ví mua, chẳng biết mấy cái mặt nạ kia thế nào rồi,  mà tiền là vút bay lên trời cao mà mỉm cười nhẹ nhàng nói ‘ đỗ nghèo khỉ nha con!’
Nói chung có mục đích cho các cám dỗ này thì cuộc sống bạn sẽ bớt lo toan, và nếu được hãy tắt thông báo các app đó nếu tháng này bạn không có nhu cầu mua gì.
Trên đây là một vài ‘kĩ nghệ sương sương’ cho môn phái quản lý tiền của sinh viên, hi vọng nhưng chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bạn, nếu có thêm phương pháp gì đừng ngần ngại để lại comment để chúng mình bàn bạc thêm ha. Thank you for reading this shit, giờ mình đi kiếm cái gì ăn đây, au revoir!!!