Tư duy, lòng quyết tâm và ARC trong sự nghiệp của bạn
Thiết Kế Sự Nghiệp Cá Nhân chứa đựng nhiều ý tưởng và công cụ có thể giúp bạn không chỉ có cuộc sống ý nghĩa hơn, mà còn giúp bạn hạnh phúc và cảm thấy đủ đầy hơn trong công việc thường ngày.
Có những ngày bạn thấy sao dài lê thê.
Khi bạn không hào hứng với công việc, ngày cứ như dài mãi không dứt và không có thứ gì, kể cả video của các chú mèo, có thể khiến thời gian trôi nhanh hơn dù chỉ là một chút để bạn có thể về nhà và than vãn với gia đình (và con mèo của bạn) về sếp, về công việc, về khách hàng hay về công ty. Kế hoạch hiện tại của bạn là: đến tháng lãnh lương, làm cho hết giờ, và cứ như thế cho đến lúc nghỉ hưu – chỉ khi đó bạn mới thật sự sống cuộc đời mình. Bạn sẽ làm tất cả những gì công ty yêu cầu: báo cáo cho sếp, gật đầu chào và cười thân thiện với đồng nghiệp, và nghĩ thầm trong đầu “một ngày nào đó khi tôi nghỉ hưu thì tất cả những điều này sẽ thành vô nghĩa”. Ngày bé, chẳng bao giờ bạn mơ ước trở thành nhân viên bán bảo hiểm, hay viết hướng dẫn kỹ thuật cho công ty phần mềm, hay lắp đặt mái che bể bơi. Nhưng bằng một cách nào đó, giờ đây bạn lại làm đúng những công việc này.
Nghe có quen không? Nếu câu trả lời của bạn là “có” thì bạn thuộc 70% số người đi làm mà chẳng thấy có chút nào hào hứng hay bằng lòng với thời gian họ bỏ ra cho công việc.
Vậy bạn có thể làm gì để thay đổi điều này?
Ai là người chịu trách nhiệm cho việc này?
Tôi sẽ nói luôn ở đây.
Bạn chỉ có thể tìm thấy sự hài lòng ở một nơi duy nhất. Không phải là một công việc khác ở một công ty khác, cũng chẳng phải trong cuốn sổ tay hội nhập mà phòng Nhân sự phát cho bạn khi bạn mới vào công ty. Công ty bạn không thể mang lại sự hài lòng cho bạn, dù đôi khi họ có thể giúp bạn đôi chút. Bạn là người thiết kế sự nghiệp cho chính bản thân bạn, vậy bạn phải tìm kiếm sự hài lòng ở đâu?
Ai là người làm chủ?
Mỗi khi chúng ta cảm thấy bế tắc, thường chúng ta sẽ tìm cách đổ lỗi – “những điều tiêu cực xảy đến với tôi là tại một người nào đó hay một điều gì đó, không phải tại tôi”.
Công việc của tôi tệ đến mức này không phải tại tôi, anh đã gặp sếp tôi chưa?
Công ty phải chịu trách nhiệm cho văn hóa doanh nghiệp tồi tệ, đây là lý do vì sao mọi người chả ai vui.
Thành thật với bản thân xem nào, những người khác không hẳn là nguyên nhân khiến chúng ta không hạnh phúc. Dĩ nhiên, một người sếp tồi hay một công ty tồi chắc chắn sẽ không khiến ta vui hơn, nhưng đã đến lúc bạn phải dừng lại và tự hỏi: Ai mới là người quyết định hết thảy những điều này?
Nếu bạn muốn thiết kế cuộc sống của mình, chỉ có một câu trả lời duy nhất.
Bạn chính là người sáng tạo nên cuộc sống của chính bạn, và bạn có đủ sức mạnh để biến cuộc sống ấy thành cuộc sống mà bạn luôn mong muốn. Bạn sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn một chút cũng như cần phải có thời gian (vì chúng ta sẽ đặt ra mục tiêu vừa tầm và từ từ thực hiện thay đổi), nhưng sau cùng thì câu trả lời cho câu hỏi trên vẫn luôn là như vậy.
Bạn chính là người làm chủ cuộc đời bạn.
Nếu bạn không thích câu trả lời này, thử nói chuyện với sếp bạn xem.
Nếu bạn muốn vui vẻ hơn, hài lòng hơn và tìm được nhiều ý nghĩa hơn trong công việc, hãy bắt tay vào thiết kế lại toàn bộ trải nghiệm trong công việc của mình. Điểm xuất phát nằm ở chính bản thân bạn – thái độ và cách tư duy của bạn là hai nhân tố quan trọng nhất góp phần viết nên câu chuyện sự nghiệp mà bạn mong muốn.
Phát triển tư duy
Một nghiên cứu của Giáo sư Carol Dweck – Giáo sư Khoa Tâm lý học Đại học Stanford – đã cho thấy: Dựa vào cách suy nghĩ về cuộc sống hay cách tư duy, con người nhìn chung có thể được chia thành hai nhóm – tư duy cố định và tư duy phát triển. Người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh và khả năng của mình là cố định, tài năng là thiên bẩm và không thể thay đổi được. Khi họ thành công, đó là nhờ khả năng thiên bẩm. Và họ thất bại cũng bởi cùng một lý do: “không giỏi làm việc đó”.
Tôi không phải là người sáng tạo.
Tôi không thể làm kinh doanh được.
Tôi rất dốt toán.
Ngược lại, người có tư duy phát triển lại tin rằng: bất kể khả năng thiên bẩm của mỗi người là khác nhau, song, trí tuệ và tài năng luôn có thể được rèn luyện; con người có thể học tập và thành thạo những kỹ năng mới. Họ cho rằng thành công đến từ nỗ lực và cố gắng chứ không phải từ tài năng trời ban. Nghiên cứu của Dweck có ghi: “Khi bạn cho rằng tài năng của mình là cố định – cũng tức là bạn có tư duy cố định – bạn sẽ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chứng tỏ bản thân hết lần này đến lần khác. Trong khi đó, người có tư duy phát triển lại tin rằng năng lực là thứ có thể được bồi đắp bằng nỗ lực, chiến lược và sự giúp đỡ từ người khác,... Điều đó cho thấy tiềm năng của mỗi người là vô hạn...”.

Hai cách nhìn nhận này và các thử thách có được từ chúng sẽ tạo ra hai kết quả vô cùng khác biệt. Những người mang tư duy cố định thường dễ bị sự thay đổi “đánh gục”, họ dễ bỏ cuộc hơn vì “đây không phải lỗi của tôi, đây không phải là sở trường của tôi”. Người có tư duy phát triển thì thường quyết tâm hơn và luôn cố gắng để đạt được mục tiêu, kể cả khi lĩnh vực mà họ tham gia không phải là thế mạnh của họ ngay từ đầu.
Hình ảnh từ quá trình chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI các hoạt động của não bộ (đây là cách để chúng ta quan sát các kết nối thần kinh trong não bộ khi chúng ta làm một việc gì đó) cũng cho thấy: hai cách tư duy này khác biệt cả về cách hoạt động của hệ thần kinh. Khi hai người với hai cách tư duy khác nhau cùng trả lời một câu hỏi rồi nghe nhận xét về câu trả lời của mình, biểu đồ hoạt động não của họ khác biệt đến mức đáng kinh ngạc.
“Những người có tư duy cố định chỉ chú ý tới các nhận xét phản ánh được khả năng của họ. Sóng não của họ cho thấy họ rất chú ý đến việc câu trả lời của họ đúng hay sai. Khi đứng trước thông tin mới, họ không có dấu hiệu quan tâm gì. Thậm chí khi họ trả lời sai, họ cũng không có hứng thú tìm hiểu câu trả lời đúng. Còn những người có tư duy phát triển lại chú ý kỹ đến những thông tin có thể giúp họ tăng kiến thức và sự hiểu biết. Những người này quan tâm đến việc học hỏi hơn.”
Tuy nhiên, việc hai cách tư duy này có liên quan đến cách hoạt động của não bộ không có nghĩa là chúng ta sẽ mãi mãi gắn với một trong hai. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy não bộ có thể phát triển các liên kết mới khi được luyện tập. Khi bạn bắt đầu quá trình thiết kế công việc bạn yêu thích, bạn phải nghĩ về cách rèn luyện bản thân để tư duy phát triển. Các nghiên cứu cho thấy rèn tập tư duy phát triển sẽ giúp bạn hào hứng hơn trong việc học hỏi (tăng tính tò mò), tăng khả năng đương đầu với thử thách cũng như tiếp nhận ý kiến của người khác, đồng thời giúp bạn quyết tâm nỗ lực và rèn luyện để đạt được những gì bạn mong muốn.
Thật ra, chúng ta không chỉ tư duy theo một kiểu nhất định nào. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trong chúng ta luôn tồn tại cả hai loại tư duy này và chúng ta vẫn thường liên tục chuyển từ loại tư duy này sang loại tư duy còn lại. Nếu bạn cảm thấy bạn nghiêng về tư duy cố định hơn, tôi có thể giúp bạn nghiêng sang hướng phát triển. Nếu tư duy phát triển đã là cách tư duy tự nhiên của bạn, hãy tiếp tục rèn luyện để ngày càng trở nên nhanh nhạy hơn.

Bước đầu tiên, hãy tìm hiểu xem khi nào thì bạn thường tư duy theo hướng cố định. Hãy tự hỏi xem điều gì khiến bạn nhìn thế giới theo lối tư duy này. Có phải là khi bạn gặp phải vấn đề mà bạn không biết cách giải quyết (Tôi ngốc quá), khi bạn cứ mãi trì hoãn những việc cần làm (Tôi lười biếng quá), khi bạn không biết cách nói lên suy nghĩ của mình (Tôi ngại quá), hay không thể hành động trước những điều chướng tai gai mắt (Tôi hèn nhát quá).
Những ví dụ trên cũng là ví dụ cho những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hay có thể gọi là kể chuyện một cách tiêu cực. Khi bạn tự nói với mình những câu như “Mình ngốc quá” hay “Mình vừa ngu dốt vừa lười biếng”, bạn cũng đang tự kể cho bản thân những câu chuyện về việc bạn ngốc hay lười biếng như thế nào. Cứ tự nhắc đi nhắc lại với bản thân những điều này, bạn sẽ dần dần tin chúng là sự thật.
Để đảo ngược quá trình này, hãy luyện tập nhận ra những lúc bạn tư duy theo hướng cố định – đừng phán xét bản thân, hãy chỉ nhận ra thôi. Sau đó, sử dụng sức mạnh của thay đổi góc nhìn để thay đổi vấn đề của bạn và sử dụng sức mạnh của kể chuyện để thay đổi kết quả của vấn đề.
Mỗi khi bạn nhận thấy mình đang tư duy theo hướng cố định, hãy xem câu chuyện bạn đang kể cho bản thân là gì và thay đổi góc nhìn để viết lại một câu chuyện tích cực hơn. Ví dụ, thay vì nói “Tôi ngốc quá”, hãy kể câu chuyện theo hướng này:
“Tôi đang gặp một chút rắc rối với vấn đề này và tôi cần tìm ra những ý tưởng mới. Tôi sẽ tìm một chiến lược giải quyết vấn đề mới (hiếu kỳ), hoặc tôi có thể nhờ ai đó giúp đỡ (hợp tác). Tôi cũng có thể cho mình nhiều thời gian hơn, chăm chỉ hơn và học hỏi những kỹ năng cần thiết trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề”.
Câu chuyện này hay ho hơn nhiều đấy!
Hoặc, thay vì “Tôi thật ngu ngốc và lười biếng”, bạn có thể viết một câu chuyện thế này:
“Tôi nhận ra rằng tôi chưa muốn bắt tay vào giải quyết vấn đề này, tôi cứ chần chừ mãi. Tôi quyết định sẽ thu thập tất cả những thông tin cần thiết và nghiên cứu một số tài liệu trước khi bắt đầu. Tôi sẽ đặt lại vấn đề và tìm những cách thức mới để đi đến kết quả như mong đợi. Tôi cũng sẽ lập một danh sách những lợi ích có được khi giải quyết xong xuôi vấn đề này, và dùng danh sách này để tự khích lệ bản thân bắt tay vào hành động”.
Bạn thấy không? Chỉ cần bạn thay đổi câu chuyện bạn kể cho chính mình.
Bước cuối cùng trong quá trình rèn luyện tư duy phát triển là tự vấn. Hãy tự hỏi bản thân: Tôi có thể học được gì hôm nay? Liệu tôi có thể thay đổi cách nhìn về những thử thách này để biến chúng thành cơ hội học hỏi và phát triển? Tôi có thể dùng những kiến thức mới này để giúp đỡ người khác không – tôi có thể dạy người khác điều gì hôm nay? (Và bạn thấy đấy, tất cả những nhà giáo giỏi đều là những người kể chuyện tuyệt vời). Học hỏi, phát triển và chia sẻ là cách tuyệt vời để rèn luyện tư duy phát triển.
Ưu tiên số một của bạn là rèn luyện và tăng cường tư duy phát triển! Hãy lập kế hoạch để giữ bản thân luôn tư duy theo hướng này. Bạn sẽ phải rèn luyện nhiều để có thể biến tư duy phát triển thành cách tư duy tự nhiên khi bạn tiếp cận một vấn đề nào đó!
Và dù bạn đã biết cách vận dụng lối tư duy phát triển và làm việc chăm chỉ để biến công việc đáng chán hiện tại thành công việc mà bạn luôn ao ước, thì trên hành trình đó, có đôi lúc bạn cũng sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn cản bước chân bạn. Đó là lúc sự kiên cường của bạn phát huy tác dụng. Bởi, khi con đường đi đến đoạn khúc khuỷu, người mạnh mẽ càng quyết chí tiến lên.
Cuốn sách Thiết Kế Sự Nghiệp Cá Nhân này dành cho ai?
Nếu bạn là một người làm công ăn lương, lợi ích của những thay đổi này có thể là tự do làm việc tùy theo lối sống cá nhân.
Nếu bạn là một nhà quản lý, bạn có thể học được cách làm việc mới với các nhân sự trong đội ngũ: quản lý dựa trên kết quả làm việc, gây dựng lòng tin, sự hào hứng, gắn kết và nâng cao hiệu suất trong toàn tổ chức.
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp hoặc CEO, bạn sẽ thấy những xu hướng của tương lai đến nhanh hơn đáng kể – thị trường lao động trải rộng hơn, nhân tài ở khắp nơi, và không cần phải tốn kém nhiều chi phí vận hành doanh nghiệp nữa vì Internet và “văn phòng tại gia” đã thay thế các tòa nhà văn phòng đắt tiền.
Thiết Kế Sự Nghiệp Cá Nhân chứa đựng nhiều ý tưởng và công cụ có thể giúp bạn không chỉ có cuộc sống ý nghĩa hơn, mà còn giúp bạn hạnh phúc và cảm thấy đủ đầy hơn trong công việc thường ngày.

Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất