Chắc hẳn rằng bạn thường rơi vào tình trạng muốn viết rất nhiều thứ, tuy nhiên không biết bắt đầu từ đâu, rồi cuối cùng bạn chẳng viết gì nữa? Tôi cho rằng rất nhiều người như vậy, và tôi cũng đang như thế, nên thay vì lấy "miếng trầu" làm "đầu câu chuyện" thì thôi tôi lấy ví dụ này vậy :)) Đây là một điều rất nhỏ nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng cuộc sống này cũng thật là nhiều mâu thuẫn, và đó cũng là những gì đã xảy ra với tôi trong năm 2016 vừa rồi.


Có kha khá bài báo khẳng định rằng tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp là rất lớn, cũng có kha khá bài báo nói về khủng hoảng tuổi 23 - cái tuổi vừa kết thúc cuộc đời trong trường học để bước vào trường đời. Tôi đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho bản thân, và mong rằng mình sẽ không gặp phải khủng hoảng tuổi 23. Là một đứa học cũng không đến nỗi tệ, cũng tham gia hoạt động này kia, chủ nhiệm cả 1 câu lạc bộ ở trường ... tưởng như đã đủ cho tôi để không gặp khủng hoảng. Ai ngờ cuộc đời vẫn "ưu ái" đẩy cho tôi một cục khủng hoảng to tướng. Cục khủng hoảng ấy xảy ra không phải là do tôi đi làm, mà đó là do tôi có tham gia vào nhóm X - một nhóm có nhiều nội dung khá chất và cũng khá có tiếng trên FB.


Nhóm X khác hẳn những nhóm khác mà tôi đã từng tham gia, về content, về tính cách của từng con người trong nhóm. 

Khi tham gia nhóm, mọi nhận thức về xã hội của tôi vốn đã được xây dựng bấy lâu đã bị đạp đổ. Tôi phải công nhận rằng họ là những người cũng có sức khỏe khá tốt, đến nỗi đạp một vài phát thôi là bức tường thành của tôi bị đổ tóe loe tóe khói. Và khi bức tường thành về niềm tin của bạn bị đạp đổ, bạn sẽ có cái cảm giác mông lung không thể chịu được, bạn nhìn ra bên ngoài và thấy cái khỉ gió gì cũng cần phải nghi ngờ. Khi bị phá bỏ bức tường thành về niềm tin, có lẽ đó là giai đoạn bạn dễ bị tổn thương và tác động nhất bởi không còn cái gì phòng ngự cho mình. Đó là lúc mà bạn có thể coi người đạp đổ nó như một ân nhân hoặc một kẻ thù, nhưng chắc chắn rằng tư tưởng của bạn sẽ bị tác động rất lớn bởi người đã phá vỡ nó. 

Lúc đó, tôi cho rằng mình đã rơi vào khủng hoảng khá lớn, điển hình đó là chứng Cognitive Dissonance. Mọi quan điểm của tôi về thế giới gần như bị xáo trộn hết thảy. Những điều trước kia tôi luôn tin rằng nó tốt, thì họ đã chỉ cho tôi thấy nó vớ vẩn ra sao. 


Giai đoạn đầu tiên - Tin tưởng tuyệt đối

Khi bức tường thành bị phá vỡ - tôi tin gần như tuyệt đối vào những quan điểm người phá vỡ nó (tôi coi họ là những người khai phá cho mình) đưa ra. Ở giai đoạn ấy, tôi gần như thấy ngột thở vì tiếp nhận thông tin quá nhiều mà không có thời gian cân đo, xem xét lại nó. Tôi cứ để trong đầu cái dạng thô của thông tin chưa được xử lí, vậy nên tôi ngốn cả 1 đống tư tưởng dạng thô ấy, tin tưởng gần như hoàn toàn vào những thứ mình được cho. Những thông tin tôi nhận ấy có thể nói là hơi "tối" 1 chút, nó cho tôi những cái nhìn khá là tiêu cực về cuộc đời và bản thân tôi đã có những lúc muốn đứng lên chống lại cả thế giới. Nếu có 1 nút xanh và 1 nút đỏ - nút xanh để cứu thế giới, nút đỏ là để phá hủy thế giới thì lúc đó tôi đã sẵn sàng sẽ chọn ấn nút đỏ. Tôi đã luôn thấy rằng bản thân mình "thượng lưu" hơn những người khác. Từ "thượng lưu" được họ định nghĩa là biết hưởng thụ, biết nhìn nhận đâu mới là cái tinh hoa, còn đâu là rác thải của xã hội. Tôi thấy rằng mình đang phải sống trong một thế giới toàn rác là rác, nhìn đâu cũng thấy rác và tôi coi thường gần như mọi thứ - trừ những thứ mà họ đã đưa cho tôi.

Nhóm khiến cho tôi thấy mình vừa cao hơn người khác, nhưng lại không hề tăng tự tin cho tôi mà lại luôn làm tôi thấy bản thân mình rất kém cỏi. Đó có thể coi là động lực để tôi tìm hiểu nhiều hơn, đọc nhiều hơn nhưng nó cũng là một bức tường cản tôi khiến tôi không dám làm gì cả. Tất cả mọi thứ tôi đều để trong cái đầu ong ong của mình đang gượng dậy để tiêu hóa mấy thức ăn thô. Tôi không dám viết vì tôi cho rằng tôi lại sẽ viết ra những thứ toàn rác, tôi nửa muốn thay đổi cái A lại vừa sợ phải thay đổi nó, vì tôi thấy nó không tốt nhưng tôi lại sợ rằng mình thay đổi nó thì còn tệ hại hơn. Tôi muốn đạp lên trên mọi thứ vớ vẩn của xã hội, lại muốn tách mình ra khỏi xã hội, để bản thân được ở yên một chỗ như mấy nhà tu hành, nhưng lại không đủ dũng cảm để rời bỏ những gì tôi đang có.


Giai đoạn thứ 2 - bắt đầu tiêu hóa và nghi ngờ.

Sau khi tôi đã ngốn đống thức ăn thô vào đầu rồi, thực chất đầu tôi cũng đang cố gắng thích nghi để tiêu thụ nó. Não tôi dần dần hoạt động tốt hơn khi tôi hạn chế hơn lượng thông tin cho vào đầu, không ăn nó ngấu nghiến nữa. Lúc này tôi bắt đầu nhận ra những sự không thống nhất và mâu thuẫn trong từng tư tưởng của nhóm đưa ra. Tôi cũng nhận ra nhóm đó không hề hoàn hảo như tôi đã tưởng tượng, họ phê phán vào vấn đề của người khác, nhưng họ cũng như tôi, cũng như mọi người khác cũng có những điểm yếu và vấn đề của mình. Lúc này, mọi tư tưởng được đưa cho tôi, tôi đều xem xét nó khá cẩn thận. Tôi cũng bắt đầu đi nhặt nhạnh lại vài mảnh vỡ to to từ bức tường thành đã bị đổ vỡ của tôi. Đây là công việc của sự lựa chọn. Tôi chọn cho mình vài điều được gọi là core value, để từ đó soi chiếu và tiếp nhận những cái khác phù hợp với những gì mình tin tưởng. Tôi lấy những tư tưởng họ đưa cho mình, bắt đầu lấy "kính chiếu yêu" để soi chiếu nó. Cái nào phù hợp, không xâm hại gì đến core value (giá trị cốt lõi) của mình thì tôi chấp nhận, còn cái nào ngược lại, tôi để nó sang một bên. Tại thời điểm đó, giá trị cốt lõi của tôi là respect others perspectives (tôn trọng quan điểm của người khác) và question myself (tự vấn bản thân).


Giai đoạn thứ 3 - Xây dựng lại niềm tin

Nhờ việc có được "kính chiếu yêu" trong tay, tôi bắt đầu dùng nó để rà soát lại những tư tưởng và quan điểm mà nhóm đã đưa cho tôi và muốn tôi tin vào. Tôi lại tiếp tục công cuộc lựa chọn các giá trị, các quan điểm để hình thành lên 1 cái tôi mới. Trong quá trình đó, tiếp xúc với nhiều tư tưởng khác nhau, đọc nhiều bài article khác nhau mà dần dần tôi cũng đã tạm ổn. Tất nhiên, tôi vẫn liên tục question bản thân mình, vẫn có những sự xung đột khác nhau trong tư tưởng. Cái này tôi tin ngày hôm qua, có thể ngày hôm nay vì một sự việc nào đó xảy ra, tôi phải xem xét lại. Cuộc sống này dạy cho chúng ta cách tin tưởng vào một điều gì đó, rồi dạy chúng ta cách nghi ngờ nó và chúng ta lại phải học cách tin tưởng một cái gì đó khác. Bạn của tôi (cũng tham gia vào nhóm X giống tôi) cũng đã tâm sự với tôi rằng, giờ đây nó thực sự không biết tin vào cái gì nữa. Tôi trả lời rằng "Cuộc sống này không có cái gì tuyệt đối cả, nó cũng không có đúng sai, chỉ là sự lựa chọn của mình. Khi nghi ngờ đủ rồi, đủ biết cái nào cũng đều có lỗ hổng của nó, thì hãy chọn cho mình điều mình sẽ tin vào. Điều quan trọng là hãy chọn niềm tin nào thấy phù hợp hơn với mình thôi."


Sau đó tôi đã rời nhóm X bởi nhóm có nhiều điểm đi ngược lại niềm tin và giá trị của tôi, và cũng bởi vì tôi đã học đủ từ họ và đây là thời điểm thích hợp để rời đi. Dù sao thì tôi cũng thấy bản thân mình cũng rất ngầu khi đã lựa chọn tham gia vào nhóm X, để bị đập phá, chịu đựng cảm giác rất hoang mang, đau lòng, nhưng rồi khi đứng được lên, cảm giác thật là "đã"! 

Nếu bạn có đọc tập truyện Narnia, bạn sẽ thấy rằng Narnia là 1 vùng đất hoàn toàn khác, nơi đấy giúp những đứa trẻ trưởng thành. Và khi chúng đã học đủ từ đó, chúng sẽ rời đi và không quay lại thế giới đó nữa. Tôi cho rằng, thế giới của nhóm X cũng chính là 1 Narnia phiên bản khác mà tôi đã đi qua. Có thể, tôi sẽ còn gặp rất nhiều thế giới khiến tôi struggle như vậy nữa trong những năm tháng tiếp theo. Bởi qua những gì tôi đã trải nghiệm, tôi tin rằng:

"You continually come back to things you thought you understood and see deeper truths."


Hiện tại, tài sản của tôi sau một năm vừa qua là những gì tôi đang tin vào. Tôi cũng xin viết ra đây, vừa để cho bản thân thỏa mãn, biết đâu lại có thể giúp bạn nào đó có đọc qua bài này suy nghĩ lại về niềm tin của mình.


+ Tình yêu: Nếu bạn không học cách thấy ok với việc một mình, thì sẽ khó thể có được một true love. Bạn sẽ luôn đòi hỏi trong tình yêu, ích kỉ và muốn người khác thỏa mãn những điểm thiếu sót đó cho mình. Hơn nữa, đừng bao giờ đặt kì vọng vào tình yêu, bởi nếu nó diễn ra đúng như bạn kì vọng, đó chỉ là bạn đang yêu cái sự sắp xếp khéo léo của mình thôi. 

Trích Osho

Đừng tin tưởng vào "The One", bởi con người luôn luôn thay đổi, chúng ta không thể ép buộc tình cảm được của người khác bằng những từ ngữ như vậy. Hãy tận hưởng những giây phút, khoảnh khắc của tình yêu bạn đang có thôi.


+ Quan điểm, góc nhìn: Mọi quan điểm nào đưa ra cũng đều có lí lẽ của nó, không có quan điểm nào là ít giá trị hơn quan điểm nào, hãy học cách tôn trọng những quan điểm đó. Tuy nhiên, mọi quan điểm đều có những lỗ hổng của nó, cho nên, hãy học cách nghi ngờ trước khi tin tưởng. Khi biết mọi thứ đều có vấn đề của nó, bạn sẽ thấy việc 2 người tranh cãi đúng - sai sẽ chẳng còn quá nhiều ý nghĩa nữa. Cái quan trọng là bạn chọn ở bên nào hay chọn ở ngoài không liên quan? Để thuyết phục 1 người khó có thể dựa vào logic hay tỏ ra hiểu biết, để thuyết phục 1 người hãy thuyết phục bằng tình cảm, bởi hơn ai hết bạn hiểu rõ, chẳng có gì đúng, chẳng có gì là sai.


+ Cuộc sống: Hãy sống thế nào để bạn thấy thoải mái và tạo ra những thứ mà bạn cho rằng nó có giá trị. Đó là những thứ bạn để lại cho cuộc đời này, dù giá trị bạn có hữu dụng cho người khác hay không, nhưng đừng lo về vấn đề ấy. Hãy sống, hãy học, hãy đọc, để thấy cuộc sống này hay ho và nhiệm màu. Bạn đừng để bản thân mình bị "gắn mác" bởi căn tính của mình. Nhớ rằng, I am nothing but I'm everything. Bạn thay đổi, và bạn có thể trở thành bất cứ ai bằng cách vứt đi cái nhãn mác đã được gắn cho mình.
Tập trung phát triển bản thân và đừng quá để tâm đến những gì người khác nói. Liên tục tự hỏi bản thân, đấu tranh với chính mình, và tin rằng bạn có thể làm chủ bản thân mình, tự chọn cho mình sứ mệnh. Một số câu hỏi tôi hay sử dụng để tự hỏi bản thân mình, viết ra đây để chia sẻ cho bạn nào đọc được bài của tôi :))

- WHY? Tại sao mình lại làm điều này? (hỏi tại sao đến khi nào không trả lời được thì thôi, tiếp tục thi thoảng lại "nhai" lại câu hỏi ấy xem mình đã trả lời được thêm nấc nào chưa?"

- BIAS OR NOT? Có phiến diện hay không? Tôi hay hỏi câu này trước khi đánh giá một điều gì đấy.
- WHAT IF? Nếu cái này diễn ra, thì liệu cái kia có như thế không? Liệu rằng trong tình huống này, tôi sẽ ra sao?

- WHAT'S THIS FEELING? Tôi làm cái này thì tôi đang cảm thấy gì, thực sự tôi muốn gì? Cảm giác đấy bắt nguồn từ đâu? Nó chứng tỏ điều gì? Làm thế nào để có được/ tránh cảm xúc đó?

- WHAT'S MY ULTIMATE PURPOSE? Mục đích cuối cùng của tôi là gì? Tôi hay hỏi câu này để đảm bảo rằng mọi thứ tôi làm vẫn đang phục vụ mục đích cuối cùng của mình.


Khi viết đến đây tôi lại hỏi, rút cục tôi viết bài này để làm gì? Giải thưởng chỉ là một cái gì đó là chất xúc tác để tôi viết đúng cho kịp deadline gửi bài :))) Phần lớn nhất là để thỏa mãn bản thân mình chút ít, tiếp đó là mong muốn để lại được một cái gì đó chứ không còn giữ trong cái đầu lùng bùng của mình nữa. Và tôi hi vọng bài viết này không phải chỉ là để kể chuyện hay bày tỏ cảm xúc đơn thuần, tôi mong rằng bài viết này sẽ có ích cho một ai đó hoặc cho tôi vào 1 thời điểm khác trong tương lai. Tôi vẫn luôn tin rằng: "You continually come back to things you thought you understood and see deeper truths."

Best regards,