"Phải chăng không mộng mơ là điều xấu?"

Khi tôi hỏi các bạn tôi, những người đang học đại học, những người sắp ra trường để tìm kiếm việc làm câu hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”, hầu hết mọi người đều tỏ ra bối rối. Một số ậm ừ cho qua với câu trả lời: “Lương cao là được thôi”. Có những người có định hướng tương lai, nhưng tôi không muốn nói đến định hướng nghề nghiệp. Tôi đang hỏi về điều mà các bạn mơ ước. Có những người có, nhưng trả lời khá rụt rè, như sợ người khác sẽ biết rằng họ không đủ chín chắn và thực tế. Người ta bớt mơ mộng hơn khi học lớn lên, vì không phải ai cũng là chàng Peter Pan của xứ Neverland, không thể cứ mộng mơ mãi được.

Đã từng có những lúc, tôi chẳng hiểu được, thậm chí còn coi khinh điều đó.

 Hồi còn nhỏ, tôi rất kiên định với ước mơ của mình, dù đôi khi chưa biết tương lai đi về đâu. Tôi tin rằng mình sẽ trở thành một nhà văn, và tôi bắt đầu cho điều đó một các vô cùng tự nhiên, chẳng bị cản trở bởi điều gì. Viết là điều hạnh phúc nhất trần đời. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều là những kẻ mộng mơ khi còn bé, và bị cơn sóng hiện thực khi bước vào tuổi trưởng thành.

Trải nghiệm đầu tiên của tôi khi bước qua tuổi mười tám, chính là bị đánh gục như vậy.

Tin tôi đi, nếu là tôi, bạn cũng sẽ sớm bị đánh gục. Bạn sẽ bị đánh gục ngay khi nhìn mức học phí cao chót vót và không ngừng tăng trên trang tín chỉ của trường. Bạn sẽ bị đánh gục ngay khi điểm số không tốt như bạn mong muốn. Bạn sẽ bị đánh gục bởi kiến thức quá nặng ở trường, và những con số học lại không ngừng tăng. Bạn sẽ bị đánh gục khi biết rằng “viết”, nó chẳng hề đơn giản như bạn tưởng. Bạn sẽ bị đánh gục khi bạn bước ra đời, đi làm thêm, bị lừa, bị ăn mắng, bị chơi đểu, và rơi nước mắt. Cuộc đời bạn không phải là một bộ phim, vì vậy sẽ chẳng có đoàn hậu kì tốt bụng nào cắt bớt cho bạn những khó khăn hiện thực, những vấn đề “nghe có vẻ thô tục” như tiền bạc, vấn đề tài chính, để bạn bước lên vinh quang với giấc mơ.

Chúng ta đều sống trong quả bong bóng do mình tao ra quá lâu rồi.

Tôi cũng biết rằng mỗi người đều là một dũng sĩ. Nhưng chẳng phải là một dũng sĩ vẹn toàn khi bạn vẫn phải ăn bám bố mẹ để thực hiện những mơ ước vốn mông lung. Kẻ mơ mộng về một quán cà phê thật chẳng đáng giá khi mở một quán cà phê bằng tiền vay từ bố mẹ và thua lỗ. Kẻ mơ mộng thành nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn chẳng đáng giá khi tạo ra những tác phẩm có giá trị nhưng vẫn làm gia đình phải khổ. Ừ thì bạn cũng có thể là Van Gough, là một thiên tài, bạn sẽ được tôn vinh khi bạn chết đi, nhưng chẳng có giá trị gì khi là một người trẻ mà lại không thể gánh vác gia đình và giúp đỡ bố mẹ. Và còn nực cười hơn nữa nếu bạn chỉ là “thiên tài trong tưởng tượng”, nghĩa là nói hay nhưng chẳng làm được cái gì sất, chỉ ăn bám là giỏi. Bố mẹ nuôi bạn đến mười tám tuổi không phải để ăn bám cả đời.

Tôi đã từng rất coi thường những người không có ước mơ, nhưng giờ tôi có thể hiểu được. Đôi khi mơ ước không cần là cái gì to tát, chỉ cần là những điều giản đơn. Có mơ ước mà chưa làm được bạn cũng chẳng hơn ai, và không mơ ước mà sống tốt thì bạn vẫn chẳng đánh mất điều gì. Con người sinh ra đại diện cho những giá trị khác nhau trong cuộc sống này, và tỏa sáng vì bản thân của họ chứ chẳng vì bất kì điều gì khác.

Trước khi là kẻ mộng mơ, hãy là kẻ thực tế. Học cách đối mặt với hiện thực đầy những gian nan này sẽ khiến bạn cảm thấy kiên định hơn hẳn với ước mơ của mình. Người mơ giỏi không phải người nói giỏi, người cứ thao thao về mơ ước của mình, mà là người làm trong lặng lẽ và giơ cao chiến thắng với một nụ cười.