Có những ngày Sài Gòn mưa rả rích, nắng ngủ quên trên những bậc thềm, ngày cứ vậy mà lãng đãng trôi đi chậm rãi. Người ta tay nắm tay nhau đi trên những con đường ướt át bóng mây, quá vãn tìm cho nhau một góc riêng, lặng lẽ ngồi cạnh nhau uống một cốc trà chiều, nhìn ngoài kia cuộc sống đang trôi đi vội vã, chợt nhớ về những ngày đã qua, những ký ức còn vương vấn trong lòng người chật chội. Muốn tìm cho ra một tấm vé khứ hồi quay ngược thời gian, quay về thời thơ bé, lại ước chi thời gian tuần hoàn theo một quỹ đạo riêng của nó, đi hết một vòng lại quay về vị trí mà nó xuất phát, con người cứ vậy mà chẳng cần phải lớn lên, chẳng cần phải trưởng thành, cứ vậy, đi hết những tháng năm này, lại trở về thơ bé… Ước gì, một lần thôi, ta có thể quay ngược chiều năm tháng.

Tôi đang mơ một giấc mơ rất lạ. Trong giấc mơ, mọi thứ xung quanh chuyển động không ngừng, hệt như một thước phim quay chậm. Những khoảnh khắc hiện ra trước mắt cứ kéo dòng suy nghĩ của tôi miên man bước theo nó, ký ức dường như mon men theo một cái lối cũ xưa vương đầy kỷ niệm, len lỏi trong từng suy nghĩ của một chiều thu chậm chạp, kéo chủ nhân của nó lãng vãng bước theo. Có những điều đến thật ngẫu nhiên, nhưng rồi là điểm bắt đầu của những điều rồi sẽ trở thành tài sản. Giấc mơ này cũng vậy, mọi câu chuyện đều có tính hồi ký khác, còn giấc mơ này lại chính là ký ức tuổi thơ của tôi. Có những điều đã đi qua, ta cứ tưởng nó đã ở bên kia của dấu chấm, như một lẽ hiển nhiên. Có những khoảnh khắc trong cuộc đời nằm im trong tiềm thức như một chiếc ngăn kéo tủ, chỉ cần mở ra, thổi nhẹ đi lớp bụi, mọi thứ lại như mới chỉ ngày hôm qua.

Đây là quang cảnh nhà tôi năm tôi lên 6, giàn sưa đỏ vẫn rủ một góc đỏ rực xuống sân thềm nhà. Trong nhà, mẹ đang chuẩn bị cho tôi bộ quần áo mới, ba đang lau lại chiếc xe cà tàng đã đưa tôi suốt 12 năm ròng rã đến trường, chưa một ngày ngơi nghỉ. Ngày mai thôi, tôi sẽ vào lớp 1. Đêm trước ngày khai trường, cả căn nhà rộn ràng hơn hẳn. Tôi chạy lòng vòng quanh những thứ đồ mới, hỏi mẹ về trường, về lớp học của con, tuyệt nhiên bằng một sự háo hức mà giản đơn vô cùng. Có lẽ đối với tôi khi ấy, đi học chỉ dường như là một chuyến đi xa, đối với tôi, có những điều trọng đại như thế của cuộc đời mình, vẫn vô tư vô nghĩ. Giấc ngủ đến dễ dàng như ăn một cái kẹo, tôi nằm im trong cái thân hình 6 tuổi, má áp vào bờ gối êm, mắt nhắm nghiền rồi ngủ quên trong những tưởng tượng vô thức về một ngày mai đầy hứng thú. Chỉ có ba và mẹ vẫn còn đang trằn trọc. Tôi nào biết sau những con chữ là cơm áo gạo tiền - đến bây giờ khi chính mình nhìn lại cái giây phút thiêng liêng như thế của cuộc đời, mới nhận ra điều đó. Tôi còn nhớ cái cảm giác đó, nỗi chơi vơi, lo lắng, nỗi hụt hẫng cho lần đầu tiên rời xa trong khoảng cách gần cái sự bảo bọc yêu thương của người lớn, nỗi sợ hãi khi cánh cổng trường từ từ khép lại. “Mẹ ở ngoài kia thôi, sau cánh cổng đó, can đảm lên, không có gì phải lo cả”, tôi đã tự nhủ mình như thế. Và bài học đầu tiên, là bài học về nỗi nhớ, nỗi nhớ mẹ trong khoảnh khắc lo sợ của chính lòng mình. Lúc đó, tôi đâu biết rằng mình đã vậy mà lớn lên, cứ an nhiên trong suốt 18 năm đó, với sự yêu thương bảo bọc của ba mẹ, vậy mà từng ước gì mình lớn thật nhanh. Người ta bảo tuổi thơ như một chiếc gối êm cho tuổi già úp mặt nằm mơ, tìm lại chút tự tại ngây thơ mà mình từng không biết trân quý. Thi đại học, rồi đi học, rồi đi làm, thật kỳ lạ, mất 18 năm đầu đời mong mình lớn thật nhanh để rồi mất cả đời phía sau để mong mình bé lại.

Tôi tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trong một căn phòng lạ. Mùi etanol, ga giường trắng toát và thứ dây đang chuyển từng giọt máu vào người tôi. Bệnh viện, năm tôi 15 tuổi. Đó là lần đầu tiên tôi có ý định muốn chết và thật sự đã làm như vậy. Tôi bị bệnh, thứ bệnh nan y lúc đó còn đang đứng trước sự đầu hàng của y học. Ba mẹ đã bán đi nhiều thứ, nhà cửa, vườn tược, tài sản tư trang còn lại cũng chẳng đủ cho tôi tiếp tục duy trì cuộc sống bằng thuôc thang và máy móc. Khi đó, tôi đã muốn chết. Muốn chết để không làm ba mẹ bận tâm, muốn chết để giải thoát cho chính sự mệt mỏi và đau đớn của bản thân mình, muốn chết để không còn nhìn thấy người ta nhìn mình bằng cái nhìn ái ngại, thương hại và xót xa. Tôi thấy mẹ ngồi ngoài hành lang và khóc, khóc ướt tay áo tôi mỗi đêm khi tôi giả vờ đã ngủ say, còn ba thì đang gục mặt xuống đầu gối, càng ngày càng ít nói , trầm tư hơn. Ánh mắt của ông rất buồn, vương những nét buồn kỳ lạ, không phải là buồn khổ vì những chất chứa trong cuộc đời này, mắt ông buồn như thể ai đó đã gom hết hết những hư vô dồn vào đáy mắt của người đàn ông ấy. Tôi thấy thương ba, thương mẹ, thấy thương cả bản thân mình, và đã giải thoát cho tất cả bằng một cái lưỡi lam, máu vương khắp sàn nhà trắng xóa, nhuộm đỏ chiếc áo tôi đang mặc, mọi thứ xung quanh mờ đi và không khí xung quanh trở nên im lặng một cách đáng sợ. Ánh đèn trong phòng cấp cứu vụt tắt, vị bác sỹ có gương mặt hiền hậu bước ra, mọi thứ đã ổn. Tôi biết điều đó, vì chính tôi đã trải qua cái cảm cảm giác đau đớn đến tận cùng đó, không phải vì thể xác, mà là vì tâm hồn. Sau này khi tôi lớn lên, vết sẹo trên tay vẫn còn, nó như một phần của cơ thể để nhắc nhở về những thứ đã qua, để mình không bao giờ phạm phải sai lầm nữa. Vì người khổ tâm nhiều nhất là ba và mẹ. Thời tuổi trẻ, con người ta sống có nhiều lý do hơn, nhưng cũng có lẽ vì thế mà không khó để tìm ra một lý do để chết. Nhưng dường như người ta vẫn vịn vào cái cớ là sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ đó để làm tổn thương những người còn sống, đó là đấng sinh thành. Lúc đó, mẹ chỉ nói với tôi rằng, “thân thể của con, là của ba mẹ trao cho, con có quyền sử dụng nó, nhưng không có quyền làm tổn thương nó, vì người đau nhất, không phải là con, mà là ba và mẹ”. Tôi biết có những người mải miết chạy theo, có những người bám riết lấy, lại có người là níu kéo trong vô vọng, lại có người âm thầm hành hạ bản thân, họ cứ khoét sâu vào cái nỗi đau của riêng họ mà chẳng có cách nào thoát khỏi trong khi chúng dễ dàng và cần thiết để buông cho nó trôi đi, thay vì chọn lựa cách trôi đi là cái chết – coi đó là cách kết thúc nỗi đau của chính bản thân mình, và rồi, gieo vào người khác những nỗi đau mới, còn cay đắng và sót xa hơn hàng vạn lần. Tôi đã quên mất mình đã trải qua cơn thập tử nhất sinh đó của cuộc đời như thế nào, chỉ nhớ khi trở về nhà, thấy cuộc sống lại bình yên như một lối mòn lai vãng, xa xôi. Rồi con người ta lại sống, lại vui cười, lại hồn nhiên vô tư mà đi tiếp theo những bậc thang của năm tháng. Chỉ biết chẳng bao giờ nhìn lại, chẳng bao giờ nhìn về những điều đã qua, cất nó, gói ghém nó vào một cái hốc tủ của ký ức. Cho đến khi ngồi đây và nhìn lại, thấy những gì còn đọng lại là chút dư vị của cuộc sống từng trải: đắng cay, ngọt ngào, mặn nồng hay chua chát… tất cả đều bạc phếch màu của tháng năm và nhàu nhỉ như một tờ giấy loại, tất cả chẳng còn nguyên vẹn như xưa.

Rồi mọi thứ xung quanh lại thay đổi. Đây là năm tôi 18 tuổi, lần đầu tiên rời xa ngôi nhà có gốc sưa đỏ để đi học. Tôi và cô bạn thân đang cắm cúi vào hai quyển sách dày cộp. Tôi nhớ cảnh này, đó là trước kỳ thi tốt nghiệp đại học. Không còn mùi của hoa lài hoa bưởi, gác trọ nhỏ chật chội ẩm thấp dưới gốc cây hoa sữa nồng. Căn phòng vỏn vẹn 8m vuông, hai đứa sống qua những ngày cuối tháng chỉ có mỳ, trưa nay ăn mỳ, tối nay cũng mỳ, ngày mai cũng thế. Muốn thấy cầu vồng, phải chịu đựng cơn mưa, đã không màng khổ nhọc mà bước đi về phía trước. Tôi đã nhớ mình ngủ một tuần chưa được 10 tiếng, tối chông đèn mà sợ tốn điện, lại lọ mọ sân si tý ánh trăng dưới thềm nhà để đọc cho xong trang tài liệu cho kịp giờ lên lớp. Cuộc đời là một cơn bão kéo tôi đi, cuốn xoay tôi vào, tôi bị bão quật ngã, rồi lại tự mình đứng dậy, từ đó mà trưởng thành. Đó là khi nhớ cái gốc sưa đỏ mà mình vẫn cắn nhằn khi quét sân, nhớ món canh chua cá kho tộ cay thật cay của mẹ, nhớ cái mùi thuốc lào và tiếng rít từng hồi của bố… cảm thấy nhớ nhà. Nhưng rồi thời gian cũng chẳng vì điều đó mà dừng lại, con người vẫn phải bước tiếp mà thôi. Chỉ có điều, tôi nhớ mình đã cố gắng hoàn thành thật sớm bài tập cuối năm, điên cuồng đi làm thêm để kiếm tiền về quê thật sớm, ở đó có ba mẹ, có gốc sưa đỏ, có canh chua cá kho tộ cay thật cay đang chờ. Tốt nghiệp đại học, cuộc đời trả xứng đáng cho những gì mình đã bỏ ra, một công việc tốt, một chốn nương thân tốt, mọi thứ lại chạy theo cái guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật, đầy lo lắng, đầy toan tính, đầy mệt nhọc. Duy chỉ có điều con người ta đâu còn có đủ thời gian để nhìn lại những gì đã qua đi, đâu còn thời gian để nghĩ về những hoài niệm, những ký ức, để vương lòng cho những điều xa xôi xưa cũ đầy vị của tháng năm, đang giục giã gọi người ta quay về lối cũ.

Tôi tỉnh dậy và thấy mình đang ngủ quên trên sàn nhà, xung quanh ngổn ngang những tấm hình trong quyển ambul cũ. Có những thứ từng là điểm bắt đầu, sau này sẽ trở thành tài sản vô giá, đó là giấc mơ này, là những tấm hình cũ đã ố vàng từng góc theo tháng năm. Người ta đâu có thể tự nhìn nhận sự vô tình của năm tháng nếu không có ai đó nhắc nhớ về những kỷ niệm đã qua, có điều gì đó gợi lại những thứ vốn chẳng quên nhưng vẫn nằm im trong tiềm thức.

Hiện tại đang là tháng mười. Tháng mười – tháng của yêu thương. Người ta bảo tháng của “ngày dụi vào đêm, nắng chưa vàng rực đã loang thềm ướt trăng”, đó là tháng mà con người ta cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn bao giờ hết, nên có lẽ vì thế mà trên khắp mọi nẻo đường, họ vội vàng hơn, bận rộn hơn, vì dường như khi trời tối, cuộc sống sẽ kết thúc, hay không còn quay theo cái guồng quay điên đảo của thời gian. Tôi trở về nhà khi đồng hồ điểm 11h tối, mệt nhoài sau một ngày dài với những bộn bề của cuộc sống. Một đống tài liệu cần giải quyết, một mớ những thứ cần đến sự hiện diện của tôi, nhà của đã rất lâu rồi chưa được dọn dẹp, cũng chả có chút hơi người nào. Mọi thứ trong nhà nằm im như một bức tranh tĩnh vật, bụi phủ lên nó một thứ màu lạnh lẽo của thời gian. Đã rất lâu rồi tôi mới về nhà, đã rất lâu rồi mới nhìn mọi thứ trong căn nhà này – những tưởng chừng quen thuộc, nào ngờ không phải vậy, khi tôi ngồi đây, bây giờ. Nhưng rồi rất nhanh, tôi phải đứng dậy, một đống những công việc còn đang chờ tôi giải quyết. Mẹ gọi điện. Rất lâu rồi tôi không về nhà, nhớ ba mẹ, nhớ gốc sưa đỏ, nhớ mâm cơm nóng có canh chua cá kho tộ cay nồng, nhớ mùi thuốc lào của bố, làn khói bay trong tiếng rít một hồi thật dài. Ước gì con đang 6 tuổi mẹ nhỉ! Đầu dây bên kia im lặng một hồi thật lâu: về nhà đi con gái, mệt mỏi quá thì về nhà, ở đây vẫn có một vòng tay dang rộng chờ đợi, chào đón và mong ngóng con từng ngày, từng giờ quay trở về. Mẹ sống cả đời, chỉ cần có thế thôi!

         

Tôi nhớ lại về giấc mơ lúc nãy. Có những người, vì những điều khác đang làm lu mờ ta trong cuộc sống, như chính sự bận rộn mà họ lấy nó làm cái cớ cho sự vô tâm thờ ơ của mình. Mọi thứ đều như một giấc mơ, mà giấc mơ nào rồi cũng phải thức dậy, có điều gì đó vụn vỡ, tiếng vụn vỡ nghe lạnh lẽo và xa lạ, tất cả biến mất, xa rời ta, thế là qua rồi những yêu thương trong vô vọng mà từng là những giây phút ngọt ngào nhất trong cái giấc mơ kia. Dụi mắt, tỉnh dậy, những gì còn lại là mớ sắt vụn mang tên ký ức. Những thứ đã qua đi – tuổi thơ, hồi ký , ký ức, kỷ niệm… đôi khi đâu đó len lỏi vào những mảnh cảm xúc thường nhật, cảm giác như mình đang đứng cách xa mặt đất, chân quơ quơ vô định vào khoảng không gian,  muốn chạm chân tới mặt đất nhưng nhận ra đã đi quá xa, đang cách rất xa, chân có đạp như thế nào vẫn lửng lơ, dù biết dưới cái mặt đất kia, giống hệt như cái ta đang tìm kiếm: sự an toàn, sự êm đềm, sự an nhiên và tự tại. Thời gian nào giống như những chuyến tàu, tức là luôn có vé khứ hồi, luôn có lượt đi và lượt về, nhưng thời gian thì lượt đi được ban phát một cách rộng rãi, chỉ là nó làm ta phải đánh đổi bằng nhiều thứ, trong đó có cả lượt về, người ta dần dà sẽ chỉ còn nhìn lại mọi thứ đó bằng nỗi nhớ, bằng những giấc mơ giống như tôi. Giấc mơ đã dạy tôi nhiều hơn những bài học từ câu chuyện vòng quay của tháng năm. Chúng ta đã học được, là sự thứ tha, là lòng vị tha của ba và mẹ, là giá trị của những ngày tháng tuổi thơ êm ả mà cả đời có đi khắp nơi, cũng chẳng thể nào tìm lại được, cho dù chỉ là chút xíu cảm xúc. Là bài học về đạo làm con, về cách sống cho trọn vẹn một chữ “hiếu”, là hiểu được tấm lòng làm của người làm cha, làm mẹ. Và nhận ra sự vô tâm của chính bản thân mình. Mẹ từng nói với tôi rằng: “Nếu cuộc đời là một hành trình dài, con người ta đi lênh đênh trên khắp mọi nẻo đường, thì chỉ cần ngoảnh đầu nhìn lại, phía sau luôn có một gia đình”. Hiểu được tình cảm là có hy sinh, cha mẹ đã hy sinh cho chúng ta quá nhiều, nhưng họ chưa bao giờ mong nhận lại. Như J.H.Pame nói :"Dù nơi đó có tồi tàn đi chẳng nữa nhưng không có nơi nào có thể so sánh bằng gia đình" ,hay Eripides đã từng bộc bạch :" Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chỗ nương thân chống lại những tai ương của số phận".

Những năm tháng ấy trôi đi vội vã, chẳng vì một ai, vì bất cứ điều gì mà dừng lại, con người ta sống nhanh hơn, để cho trọn vẹn những điều cuộc sống mang lại. Tuổi thơ sẽ dần thay đổi bằng những ký ức của hiện tại, là sự sai lầm phải cần đánh đổi để trưởng thành – có dằn vặt và tổn thương mà chả có cách nào chữa khỏi, cái mà ta gọi đó là trưởng thành. Người ta lớn lên và dần quên đi, hay cuộc sống bận rộn làm người ta quên đi. Rằng nền tảng của sự trưởng thành, là vòng tay bảo bọc yêu thương của cha mẹ. Chỉ khi bão cuộc đời đẩy ta vào những chuỗi ngày giông tố, quật ta ngã khụy, lúc đó nhớ về tuổi thơ, chỉ là muốn tìm lại chuỗi ngày bình yên dù trong lòng hiện tại vẫn đang rối bời, để biết rằng nó đáng được khắc ghi, được trân trọng như một thứ bảo bối, thay vì vứt bỏ nó. Đó là cái gọi là bản năng, cái mà thực tâm trong mối người đều có. Dù ta là ai, dù ta đang ở đâu trong cuộc đời này, vẫn luôn có một góc khuất trong lòng, là ký ức của những ngày xưa cũ. Tôi biết một chân lý rất hay: " Ta hôm nay không còn là ta của ngày xưa nữa, nhưng lại được xây dựng nền móng từ những ngày đó."

Tôi quyết định xin nghỉ phép ở công ty một thời gian, về nhà với mẹ. Khi con người ta tạm thời dừng chân lại, không bước nữa và nhìn về chặng đường đã qua, tức tưởi lần tìm về quá khứ để chỉ thốt lên rằng “nếu như có thể quay ngược chiều năm tháng”, để tìm lại quãng thời gian đó, nhớ lại, góp nhặt lại ký ức, phủ cho nó một màu sơn mới. Cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ làm được, vì đó dường như là điều không thể, vì năm tháng đã rút hết đi cảm xúc của mỗi người, nhưng hiện tại thì có thể thay đổi được, ngày mai vẫn chưa đến, và sẽ chẳng bao giờ là muộn để ta quay về, trước khi mọi thứ hoàn toàn biến mất.

Quá khứ đã trôi qua không lấy lại được, mà ở đó sự cố gắng vớt vát trở nên vô nghĩa. Chợt nhận ra thời gian trôi bình lặng nhưng sức mạnh của nó không ai có thể chống trả, và sau này, con người ta sẽ chỉ có thể tìm lại những ký ức đẹp của tuổi thơ, của những khoảnh khắc bên gia đình trong hiện tại. Đó là gốc sưa đỏ nhuộm màu một góc sân, là mâm cơm có canh chua, cá kho tộ cay nồng, có mùi thuốc lào bên cốc trà chiều, để nhận lấy những an yên, những tự tại mà một thời đã trải qua. Nếu có thể quay ngược chiều năm tháng, tôi sẽ chọn trở về thời thơ bé, có một nơi tôi gọi là nhà, còn người ta gọi là mái ấm, là gia đình, là nơi có một vòng tay giang rộng chờ đợi tôi quay về. Cho dù cuộc sống có đưa mỗi người đi đến chân trời nào đi nữa, thì nếu không có một gia đình ở phía sau, tất cả chỉ là hư vô.