TTTN - Càng lớn càng cô đơn?
Đó liệu có phải là lựa chọn đúng đắn nhất? Có một lần, tôi đã nhắn tin hỏi cô bạn từng ngồi chung một bàn hồi cấp 3, bây giờ...
Đó liệu có phải là lựa chọn đúng đắn nhất?
Có một lần, tôi đã nhắn tin hỏi cô bạn từng ngồi chung một bàn hồi cấp 3, bây giờ cùng là bạn đại học, nhưng lại khác chuyên ngành, rằng:
- Mày có thấy tao phiền phức không?
Câu trả lời mà tôi nhận được là điều mà tôi vẫn luôn hi vọng, đó là không. Bạn tôi bảo nếu cảm giác bị tôi làm phiền, cô ấy sẽ nói thẳng thắn, không giấu giếm hay che đậy. Tôi cảm thấy biết ơn vì điều ấy.
Nhưng đó là cô ấy, còn người khác, người khác nghĩ sao về tôi?
Một sáng ngủ dậy, bỗng dưng không đâu đi hỏi bạn bè một câu bâng quơ rằng liệu bản thân có bao giờ trở thành trở ngại với họ, lấy đi thời gian của họ, tôi chợt nhận ra, dù muốn hay không, tôi vẫn đang lớn lên theo cách đó.
Rằng thay vì hồ hởi mà kể cho một người nào đó tôi cho là quan trọng về một tiểu tiết nhỏ nhặt bất kì trong cuộc sống như tôi của cấp 3 trước đây, tôi sẽ mở lời kiểu “Cậu rảnh chứ” hay đại loại thế, để chắc chắn rằng họ có một chút thời gian cho tôi. Rằng thay vì bận rộn cho những chuyện không tên bất tận của mình, họ vẫn có thể tạm thời gạt chúng sang một bên, và lắng nghe lấy những vụn vặt không tên bất tận của chính tôi.
Rồi cũng một cách vô thức, tôi rút ngắn lại những điều định nói ra, chỉ giữ lại những gì cốt lõi nhất.
Rồi dần dần, tôi thôi không mở lời nữa, và tự tìm cách giải quyết cho mình.
Không phải là cảm giác tình cảm dành cho nhau ngày càng nhạt nhòa, mà chỉ đơn giản là càng lớn sẽ đồng nghĩa với việc sẽ càng có nhiều thứ phải lo âu và trằn trọc, vô hình chung mỗi người dù muốn hay không, sẽ đều trở nên ích kỉ hơn đôi chút, phải tìm cách lo cho bản thân mình đã, rồi mới đến người khác. Như cô bạn của tôi đấy, là người tôi gắn bó nhất suốt những năm tháng 12 chỉ một lòng hướng về cánh cổng trường đại học, là người cùng tôi mỗi buổi chiều bấm đồng hồ luyện đề toán, vừa lo lắng vừa hồi hộp chờ điểm mỗi lần thi thử cùng nhau. Nhưng bây giờ, điểm hướng mắt của hai đứa về phía trước không còn giống nhau nữa, thế nên tôi, dẫu vẫn thi thoảng tựa vai cô ấy mà ủ ê thậm chí khóc lóc, nhưng đi cùng với nó luôn là sự áy náy và băn khoăn.
Hồi bé, trong mỗi bữa giỗ, dẫu đã ăn no rồi, mẹ vẫn luôn đưa cho tôi một chiếc đùi gà và giục tôi không ăn vẫn cứ cầm đi. Lúc ấy đúng thật không hiểu, tại sao tôi đã cảm thấy mãn nguyện với những gì mình có, còn mẹ lại không?
Sau này mới nhận ra, những ai sống vì người khác nhiều nhất, suy nghĩ cho người khác trước, sẽ luôn là những người thiệt thòi nhất. Vì thời gian và suy nghĩ của họ, sẽ phải chia ra cho than ôi biết bao người.
Trước đây, tôi gọi nó là ích kỉ, nhưng bây giờ thì có lẽ là thực dụng. Và có lẽ đó là cách mà tôi sẽ lựa chọn cho quãng đường đi còn bấp bênh hơn nữa sau này.
Sẽ không bao giờ đủ thời gian và cảm xúc để chia sẻ cho người khác, khi mà chính bản thân mình còn không đủ sức để vùng vẫy mà ngập lặn trong hố đen trưởng thành và lớn lên do chính mình tạo nên.
Người lớn có cách suy nghĩ riêng của người lớn mà con trẻ sẽ mãi không bao giờ hiểu được.
Con trẻ tìm cách để chia sẻ cảm xúc của mình theo một cách đơn thuần nhất, vui thì cười, buồn thì khóc, cậy có bố mẹ mà tự cho mình đặc quyền làm mình làm mẩy, nhưng người lớn thì không.
Vì nếu đã ngưỡng cuối 19, đầu 20, việc gọi về cho mẹ kể về chuyện điểm số hay bữa ăn mỗi ngày sẽ không còn là điều đáng yêu của tuổi thơ nữa, mà sẽ là việc sau này không ngừng tự vấn bản thân về việc không tự tổ chức được năng lực cuộc sống, dẫu chuyện nhỏ nhặt cỏn con cũng cần có sự khuyên can che chở của đấng sinh thành.
Tôi trước đây mỗi khi vấp ngã vẫn đâu đó trong lòng cảm thấy yên tâm rằng dù sao vẫn có mẹ ở nhà, vẫn luôn có người khác xoa đầu an ủi bao không sao đây sẽ ổn thôi mà, cơ hội làm lại còn bạt ngàn ở phía trước.
Nhưng bây giờ vấp ngã, điều đầu tiên hiện ra trong đầu sẽ luôn là hai từ “đừng khóc” và “đứng dậy”.
Hay chính xác hơn là đừng yếu đuối.
Để đến một lúc nào đấy, tất cả những lúc bản thân chật vật cựa quậy xoay sở trong cái suy nghĩ lối mòn tại sao mọi thứ vẫn cứ mãi như vậy - những đêm nằm dài nhìn lên trần nhà, nghe hết cả list nhạc rồi lôi hết cả nông trại cừu ra đếm vẫn không tài nào ngủ được, những suy nghĩ lan man từ những khoản chi tiêu vụn vặt thường ngày cho đến chuyện bè bạn đồng lứa tiến xa hơn mình được bao nhiêu, rồi thở dài mà chỉ muốn gọi về cho mẹ hay tìm một đứa bạn để than thở đôi điều, những khát khao chỉ mong nhận được một cuộc gọi hay tin nhắn từ một ai đó thân thuộc – tất cả rồi cũng sẽ trở thành một trong những mốc dấu ấn nhỏ nhoi trong cả một quãng hành trình gọi là lớn lên và điên cuồng thay đổi bản thân.
Điều của tôi bây giờ nhận ra so với tôi non nớt của năm nhất e sợ mọi thứ là gì?
Cô đơn cũng được, miễn là làm sao lớn lên nhanh hơn trước khi mái đầu bố mẹ bắt đầu bạc trắng.
Nếu học được cách tự chấp nhận, không than thở thì sẽ tự ắt hẳn lớn lên thôi.
Thay vì cứ nằm dài mãi ôm suy nghĩ, sao chuyện này cứ mãi xảy ra mới mình, sao cứ mãi kém may mắn, sao không học cách tự vượt qua?
“Đời loài người này ngắn lắm tứ chi ai ôm hết âu lo?"
Ngồi gõ những lời này, tôi lại chợt nhớ về mỗi lần ôm mặt khóc với mẹ lúc bị điểm kém lúc còn tiểu học.
Bản thân sẽ luôn luôn tìm cách biện hộ, cúi đầu xuống so sánh chính mình với những đứa bạn điểm thấp hơn nữa để cảm thấy được an ủi, rằng mình vẫn chưa là người tệ nhất
Nhưng mẹ luôn bảo rằng, phải ngẩng đầu lên và nhìn vào những đứa điểm cao hơn kia, và tại sao nó làm được, còn con lại không?
Cũng như việc tự hỏi tại sao bóng mình đổ xuống chỉ như một hạt cát, trong khi người khác lại có thể ôm trọn cả đại dương?
Học cách thầm lớn lên trong im lặng, giành nhiều hơn thời gian để lắng nghe chính mình, và đừng than thở.
Đó có phải là con đường đúng đắn, tự ngã rồi tự băng bó vết thương?
/su-kien-spiderum
- Hot nhất
- Mới nhất