Sau nhiều năm đèn sách và kết hợp với kinh nghiệm thực tế tôi đúc kết lại tất cả những kiến thức tốt nhất của mình thành một mục được gọi là TRÍ TUỆ TÀI CHÍNH. Đây là chuyên mục sẽ luôn được cập nhật liên tục vì tôi vẫn sống, vẫn ngu dốt và vẫn không ngừng học hỏi mỗi ngày. 
Những kinh nghiệm, nguyên tắc này chỉ là xuất phát dựa trên quan điểm cá nhân, nó có thể đúng ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ sai lệch trong tương lai, đúng với thị trường này nhưng không chính xác ở thị trường khác và còn tùy thuộc vào phương pháp, tiềm lực của mỗi người vậy nên đừng cứng nhắc mà hãy vẫn dụng nó một cách linh hoạt sao cho phù hợp nhất với phương pháp của chính bạn.
Tôi có một nguyên tắc nhỏ đó là mỗi ngày phải tự nhủ xem mình đã học được những gì, nếu không sẽ không đi ngủ, tôi duy trì nó nhiều năm qua, như một thói quen, như một người bạn cũ ngập tràn những niềm vui giản dị. 

1. Luôn có khoản dự phòng
Đây là một nguyên tắc mà phải sau rất nhiều lần trải nghiệm tôi mới đúc kết ra được.
Hồi mới tham gia vào thị trường, tôi luôn muốn tiền phải được chuyển thật nhanh đến những nơi có khả năng sinh ra lợi nhuận, nên cứ nhận lương xong là tôi đầu tư luôn, chỉ giữ lại tiền ăn và tiền nhà, cộng thêm một chút chi phí phát sinh nữa. 
Để tiền nằm im là một tội ác - Hoàng Vũ Anh
Tuy nhiên do nóng vội khiến tôi đầu tư vào một vài thương vụ có lợi nhuận không quá cao, không quá bền vững, cho đến khi gặp được một thương vụ thực sự tốt thì tôi lại hết sạch tiền, không có cách nào xoay sở để đầu tư được nữa, đây là một sai lầm rất sơ đẳng và vô cùng đáng tiếc. 
Tệ hơn nếu trong thời gian đó phát sinh thêm chi phí, thì tôi không có một khoản dự phòng nào, thường sẽ phải đi vay, nếu không vay được thì lại phải bán tài sản mình đang nắm giữ để lấy tiền và mất chi phí cho các sàn giao dịch khi mua bán, rút nạp.
Từ đó về sau, nó không chỉ đơn thuần là một nguyên tắc trong đầu tư mà trở thành một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống: Luôn có khoản dự phòng.
Nếu bạn có một số tiền dư mỗi tháng, hãy chì đầu tư bảy mươi phần trăm số tiền đó mà thôi, đừng bao giờ đầu tư hết tất cả số tiền bạn đang có vì những biến cố hay chi phí phát sinh có thể ập đến bất cứ lúc nào, nếu không có tiền, bạn sẽ rất khó để xoay sở và rất dễ sa lầy vào những khoản nợ.

hãy nhớ là luôn có khoản dự phòng
Một yếu quan trọng  khác mà bạn nên lưu ý thêm đó là hãy để ý đến tính thanh khoản của tài sản mà bạn đầu tư, tức là nó có thể mua và bán một cách nhanh chóng, dễ dàng. Đối với sàn giao dịch thì bạn nên chọn lựa sàn giao dịch uy tín, đa dạng phương thức nạp rút và nhanh chóng. Bởi vì nếu có những sự cố ngoài ý muốn và bạn cần bán rồi rút tiền đó về thật nhanh thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. 
Những điều này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, không có nhiều người hay cuốn sách nào nói cho bạn biết mà chỉ có thể tự mình trải nghiệm rồi đúc kết ra mà thôi. Đừng bao giờ coi thường những điều nhỏ nhặt, chúng ta thường né được những hòn đá to đùng trước mắt nhưng rất hay bị ngã bởi những viên đá nhỏ phía dưới, nguy hiểm vô cùng.

2. Đầu tư chư đừng chơi
Thật khó để lý giải cho cụm từ "Chơi chứng khoán" ở Việt Nam. Hồi mới đọc được từ này tôi thấy rất lạ, tôi cứ nghĩ nó bị ghi nhầm vì đúng ra phải là đầu tư chứng khoán chứ sao lại chơi, hay đây là một trò chơi mới mà mình không biết. Tôi liền tìm kiếm Google cho cụm từ play stock và không có thuật ngữ nào như thế, nó ra kết quả là cổ phiếu của một công ty có tên Play, vậy nguồn gốc của từ này ở đâu ra, và còn nước nào trên thế giới dùng từ như Việt Nam mình hay không? Có lẽ chúng ta là nước duy nhất có cụm từ như thế này. 
Tôi không tìm hiểu kỹ về chuyện đó nhưng tôi cực kỳ ghét cụm từ này, nếu có ai đó đứng trước mặt tôi mà nói chơi chứng khoán, chắc tôi đấm vỡ mồm kẻ đó mất. Tại sao lại như vậy? Vì chính sự ngu dốt của những kẻ như vậy đã làm đánh mất đi cơ hội của rất nhiều người khác, khiến mọi người có cái nhìn sai lệch cũng như ác cảm về thị trường chứng khoán. 
Tệ hơn có nhiều khóa học mở ra với tiêu đề dạy cách chơi chứng khoán, đọc được những cái như vậy tôi tức lắm mà chẳng thể làm gì được, thế nên mới quyết xuống núi viết bài cho mọi người đây, chứ thực ra chưa bao giờ bản thân tôi có ý định viết về đầu tư hay này nọ đâu, tôi viết vì người Việt Nam đang suy nghĩ sai lầm quá, và tôi không thể chấp nhận điều đó.

hãy đầu tư chứ đừng chơi
Cái cụm từ chơi chứng khoán nge nó, thật khó diễn tả, tôi cứ có cảm giác nó hời hợt, trẻ trâu và cực kỳ thiển cận. Khi nhắc đến từ chơi thì người ta thường nghĩ đến sự vui vẻ, thoải mái nhưng khí gán nó vào chứng khoán thì lại sai lầm một cách khủng khiếp. 
Đầu tư chứng khoán là một công việc cực kỳ mệt mỏi, nó không hề dễ chút nào. Ban đầu thì mình máu lắm, quyết về xin tiền bố mẹ để khô máu với thị trường. Hồi đó xin được một số tiền khoảng năm trăm triệu ấy, lúc đầu thì hào hứng nhưng sau khi cầm số tiền đấy thì mình áp lực kinh khủng, còn nghĩ là thôi trả lại cho bố mẹ đi chứ chẳng may thua lỗ hết thì sao, rồi thế này thế kia, nhưng sau cùng mình vẫn quyết tâm là sẽ đầu tư.
Làm việc miệt mài luôn, mệt lắm, chán lắm mà vẫn phải cố, đấy là còn rất đam mê đấy nhé. Mình đâu có nhiều thời gian vì ban ngày còn phải đi làm công ty, rồi chẳng may công ty phát sinh thêm việc thì về nhà vẫn phải làm, vẫn áp lực chứ đâu có sung sướng đâu. Hồi đấy bạc trắng cả tóc phải đi nhuộm đen luôn, cái này là sự thật luôn nhé mọi người. 
Tức là thời gian rất ít mà việc phải làm thì rất nhiều, mà liên quan đến tiền bạc thì mọi người biết rồi đấy, lo lắm, không thể nào lơ đi được. Ban đầu lãi rất nhiều, kiểu cờ bạc đãi tay mới, mơ mộng mua nhà mua xe các thứ, tôi còn nói với người yêu lúc đấy là xin một lần được thua lỗ cơ mà, ai ngờ nói thế mà nó thành thật, ba dự án đầu tư sập luôn cả ba, mất hết sạch luôn. Cả tháng trời nằm không thể nào ngủ yên được, cứ tiếc nuối, giá như này nọ, giá như thời gian quay ngược trở lại rồi sao mà lúc đó mình ngu thế, tự trách mình rất nhiều. Nhưng mà tiền đã mất rồi, có trách móc thế nào thì cũng vô ích, phải đi làm để trả nợ, tiếp tục học tập để đi trên con đường mình đã chọn.
Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ nó là tốt vì nó đã dạy cho tôi nhiều thứ và cũng may mắn là tôi đã rất nhanh chóng trả được số tiền nợ trước kia, lại có thể tiếp tục đầu tư - công việc mà tôi yêu thích.
Sau tất cả, tôi chỉ muốn nói đầu tư là một công việc khó khăn và đầy thử thách. Bài viết đầu tiên của tôi về những nghịch lý tài chính được rất nhiều người upvote trên nhiều nền tảng khác nhưng đến những bài viết sau khi nó phức tạp hơn thì số lượng người đọc và upvote chắc chắn là sẽ giảm dần, dù tôi đã cố gắng đơn giản hóa những kiến thức ấy đi rất nhiều. Đó cũng chính là nghịch lý đầu tiên tôi nhắc đến: Giàu thì ai cũng muốn nhưng bảo học tập thì không nhiều người quyết tâm làm đâu. 
Đầu tư là đẳng cấp cao nhất trong xã hội, bạn bắt người khác phải làm ra tiền cho mình vậy nên sẽ không có đường tắt giúp bạn giàu nên một cách nhanh chóng, bạn phải thật kiên trì, cố gắng trong nhiều năm và tôi nghĩ việc đầu tiên bạn cần làm đó là hãy ngay lập tức loại bỏ cụm từ chơi chứng khoán ra khỏi tâm trí, nếu có nghe nhắc đến từ đó thì hãy tránh thật xa, càng xa càng tốt.

3. Đầu tư là
Có hai thuật ngữ mà mọi người thường hay tranh cãi rất nhiều đó là đầu tư và đầu cơ. Theo rất nhiều bài viết trên mạng và  cả trong cuốn Nhà đầu tư thông minh thì đầu tư là dài hạn còn đầu cơ là ngắn hạn, đó là điểm phân biệt rõ ràng nhất giữa hai khái niệm này. Cá nhân tôi thấy đầu cơ hay đầu tư đều chẳng có gì xấu hết, mục đích cuối cùng vẫn là kiếm tiền mà thôi, bạn kiếm bằng cách nào miễn sao không vi phạm pháp luật là được.
Tôi thì vẫn thường kết hợp cả hai, tôi đầu tư nhưng trong một vài trường hợp khi thị trường biến động mạnh, tôi đầu cơ, đâu có sao đâu, đâu có phạm pháp gì đâu. Tuy nhiên đầu cơ ẩn chứa rất nhiều rủi ro, đòi hỏi rất nhiều kiến thức về thị trường, về phân tích kỹ thuật. Đầu cơ giúp bạn kiếm được một số tiền lớn trong khoảng thời gian ngắn nhưng phần lớn những người đầu cơ đều thua lỗ nếu xét trên dài hạn, đó là lý do vì sao không ai khuyến khích việc đầu cơ hết. 
Thay vào đó hãy đầu tư!
Và đầu tư là gì? Sau một vài năm tham gian thị trường thì cá nhân tôi đúc kết lại được một vài đặc điểm mà theo tôi, phản ánh đúng nhất hai từ đầu tư bao gồm những đặc điểm sau: 
- Thiết lập mục tiêu rõ ràng: Rất nhiều người tham gia vào thị trường mà không hề có một mục tiêu rõ ràng, họ đúng với câu nói chơi chứng khoán, tham gia vào thị trường theo kiểu: Đầu tư một ít, được thì vui còn mất thì cũng không sao, có mấy triệu bạc thôi mà!
Điều này mới ngớ ngẩn làm sao. 
Đầu tư theo kiểu như vậy thì dù họ có đầu tư cả 10 lần sẽ đều mất tiền hết cả mười mà thôi, thậm chí là mất hết sạch vì theo thống kê của các sàn giao dịch, đặc biệt là Forex hay BO, nếu lần đầu chúng ta nạp vào một số tiền nào đó để giao dịch thì trong tương lai sẽ nạp thêm số tiền gấp 4 đến 5 lần số tiền ban đầu. 

đầu tư là đau đầu lắm đấy
Tức là lần đầu bạn nạp 1 ngàn đô thì rất có khả năng bạn sẽ mất thêm bốn đến năm ngàn đô cho những lần tiếp theo, đó là lý do mà tại sao các sàn giao dịch họ trả cho nhân viên môi giới hoa hồng rất cao và các IB ở VN bất chấp thủ đoạn để lôi kéo người chơi.
Trước khi tham gia thị trường tôi cần bạn trả lời những câu hỏi như thế này:
-  Tại sao bạn lại đầu tư? 
- Bạn đầu tư để làm gì? 
- Bạn dự định đầu tư trong bao lâu?
- Chiến lược đầu tư của bạn là gì?
- Số tiền mỗi tháng bạn có thể bỏ ra được là bao nhiêu?
- Sau cùng, bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền từ thị trường?
Có quá nhiều điều cần phải giải đáp nhưng hầu hết mọi người đều không có câu trả lời rõ ràng, hoặc đặt ra những mục tiêu quá xa vời như kiểu: Tôi sẽ trở thành triệu phú trong hai năm tới, sẽ kiếm hàng triệu đô...bla bla. Gặp tôi chắc tôi tát cho vài phát cho tỉnh, người đầu tiên tôi tát chính là bản thân mình :)).
Bạn đừng đặt những mục tiêu phi thực tế như vậy, hãy đặt mục tiêu trong khả năng của bạn mà thôi và nó phải có động lực mạnh mẽ để thôi thúc bạn mỗi ngày.
Hiện tại tôi lập cho chị gái tôi một tài khoản để đầu tư và mục tiêu là sau này sẽ có đủ số tiền cho hai đứa cháu nhà tôi đi học Đại học, mục tiêu rất rõ ràng và đây là tương lai của cháu mình nên tôi cũng giao dịch rất cẩn trọng.
Bạn thì sao? Tiền bạc thì phải thực tế, phải lý trí chứ không mơ mộng như phim HQ được đâu, đừng để đến lúc hết tiền, rồi nợ nần mới hối hận. Hãy đặt ra mục tiêu thật rõ ràng trước khi quyết định tham gia thị trường, đừng bao giờ lên một chuyến xe khi chẳng biết nó sẽ đưa mình về đâu, nhớ đấy.
- Học hỏi không ngừng: Nếu không có kiến thức thì bạn chẳng thể thành công ở bất cứ lĩnh vực nào được và đầu tư cũng vậy. Bạn sẽ phải cần rất nhiều kiến thức vì thị trường luôn thay đổi và điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cũng cần phải học hỏi không ngừng để thích ứng với nó. Warren Buffet thông minh tuyệt đỉnh như vậy mà còn phải đọc bao nhiêu sách mỗi ngày, ấy thế mà bạn, vừa ngốc nghếch, vừa lười biếng nhưng cứ mơ mộng thành công thì tôi không hiểu bạn dựa vào đâu để mà biến cái giấc mơ ấy thành hiện thực được. 
Bạn không thể học được hết trong một ngày thì học trong một tuần, một năm, hai năm, đừng bao giờ bỏ cuộc. Đừng bao giờ cố gắng để thành công như người khác mà hãy thành công trong khả năng của  mình, họ lãi 30, 40% 1 năm thì mình lãi 10% 15% một năm thôi cũng được, cùng lắm thì gửi ngân hàng, mua trái phiếu, quỹ mở, đâu nhất thiết đầu tư là cứ phải lãi mấy chục phần trăm rồi thành tỷ phú này nọ như người khác. 
Tiềm lực của chúng ta khác, phẩm chất của mình khác thì mình chơi kiểu khác, còn nếu nhát quá thì gửi ngân hàng, cũng 7, 8% 1 năm đấy chứ đâu có ít, hơn khối người đang lỗ sấp mặt ngoài kia rồi.
Đừng cố gắng trở thành ai đó, hãy cố gắng trở thành chính mình.

- Chờ đợi: Hồi mới vào thị trường tôi rất thích cổ phiếu của Masan nhưng hồi đó giá nó cao quá, tôi không mua. Và hai năm sau, khi giá ở mức hợp lý tôi bắt đầu mua vào. Thế nên tôi mới nói mình rất thích khủng hoảng là vì thế, nó là cơ hội tuyệt vời để thanh lọc những công ty yếu kém, và mua vào những công ty tốt nhất ở mức giá tuyệt vời nhất. 
Hồi còn nhỏ tôi thường hay xem chương trình thế giới động vật trên VTV2 và cảnh con báo săn mồi luôn gây ấn tượng mạnh mẽ. Nó rình rập, chờ đợ, vô cùng kiên nhẫn cho đến khi thời cơ thực sự đến, nó lao ra, nhanh chóng tung đòn kết liễu. Tại sao nó phải làm thế, với tốc độ của mình sao nó không cứ thế lao ra, đuổi theo rồi nhiều lần kiểu gì chẳng được một lần thành công. Nhưng làm vậy thì tỷ lệ thành công thấp hơn rất nhiều, thêm nữa lại vô cùng tốn sức, thậm chí chưa tiếp cận được gần thì con mồi đã cao chạy xa bay rồi, không khả thi chút nào.
Trong khi giao chiến, chúng ta chờ đợi khi kẻ địch xuất hiện rồi mới bắn, hay bắn trước? Bắn trước thì bắn cái gì, bắn vào đâu và đến khi kẻ địch xuất hiện chẳng may hết đạn thì sao?
Nhiều người đọc ví dụ thì thấy rất hay, rất trí lý nhưng trong khi giao dịch họ toàn làm ngược lại. Họ chuyên dò đáy, đu đỉnh và cuối cùng là thua lỗ. Đáy của một tài sản là 0, còn đỉnh thì vô hạn vậy nên đừng cố bắt đáy hay dò đỉnh làm gì. Hãy quan sát, chờ đợi, khi giá về một mức hợp lý hoặc xuất hiện những tín hiện rõ ràng của sự hồi phục chúng ta mua vào cũng không muộn, kinh nghiệm của tôi cho thấy sẽ luôn có cơ hội xuất hiện một cách bất ngờ, việc của bạn là phải chuẩn bị sẵn sàng để mua vào hoặc bán ra mà thôi.

- Dài hạn và đều đặn: Trong đầu tư thì đây là hai yếu tố quan trọng nhất. Đừng đầu tư theo kiểu tháng chơi chục triệu tháng không nghìn nào, tất nhiên bạn vẫn sẽ mua vào nhiều hơn khi cơ hội xuất hiện nhưng việc mua đều đặn mỗi tháng sẽ cho tỷ lệ lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc bạn mua bán một cách thất thường. 
Và thêm nữa nếu tháng này bạn đầu tư quá nhiều thì tháng sau, khi những cơ hội tốt hơn xuất hiện thì bạn lại không còn tiền mặt để đầu tư nữa, bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc. 
Hãy nghĩ về dại hạn thay vì một vài tuần. Khi bạn tư duy theo dài hạn, 5 năm, 10 năm thì cách suy nghĩ của bạn sẽ hoàn toàn khác.
Nhiều người thấy đầu tư cổ phiếu lãi được ít quá, chẳng đáng kể, họ thích Forex, BO, tiền mã hóa lãi cao hơn.
Nhưng họ đã nhầm.
Cổ phiếu chỉ lãi 25% một năm nhưng tôi có lãi trong 10 năm, 15 năm liên tiếp.
Còn những cái kia, lãi cả nghìn phần trăm nhưng trong một hai tháng là lại bay hết sạch, thậm chí về không, thậm chí thua lỗ.
Bạn chọn cái nào? Không cần vội đâu, hãy đưa ra lựa chọn thật sáng suốt, tôi đợi.

- Tương lai: Đừng nhìn vào quá khứ, hãy nhìn về tương lai. Chúng ta quá chú trọng vào quá khứ mà quên mất một điều đơn giản rằng số tiền bạn đầu tư ngày hôm nay có mang đến cho bạn lợi nhuận hay không phụ thuộc vào tương lai tài sản đó chứ không phải là quá khứ. 
Hãy tìm kiếm những mô hình kinh doanh mà ở đó tương lai vẫn sẽ có những cơ hội, tiềm năng để phát triển và mở rộng thị trường, hãy tránh xa những công ty già cỗi gần như không còn khả năng trưởng, nếu bạn đầu ty vào những công ty như vậy thì tỷ suất lợi nhuận chắc chắn sẽ không cao.
TESLA là một ví dụ. Chúng ta có rất nhiều công ty ô tô truyền thống nhưng xe điện thì TESLA đang là công ty nổi tiếng nhất, một mô hình kinh doanh mới mẻ, đầy chất công nghệ và cổ phiếu của nó thì vẫn đang ở mức có thể mua vào được.
Chúng ta vẫn sẽ ưu tiên đầu tư vào những công ty an toàn như chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng nhưng hãy luôn dành một khoản nhỏ thời gian và tiền bạc để đầu tư vào những mô hình kinh doanh mới mẻ, vì chúng có thể là những công ty rất khổng lồ trong tương lai và giúp chúng ta thu được những khoản lợi nhuận rất lớn.

- Đầu tư là một nghề: Không có một ngôi trường nào trên thế giới giúp bạn ngay khi học xong có thể trở thành Tổng thống, nhà văn nổi tiếng, diễn viên đoạt giải Oscar hay CEO của một tập đoàn khổng lồ, chẳng có một ngôi trường nào như vậy cả. Không có chuyện thực tập làm Tổng thống Mỹ trong hai tuần hay thử việc làm CEO của Apple trong hai tháng, không có chuyện như vậy xảy ra.  Tất cả đều cần đến cả một quá trình lao động, rèn luyện, thử thách hết sức khắc nghiệt để đảm bảo rằng bạn vượt trội hơn những người còn lại. 
Đầu tư cũng tương tự như vậy. Đừng bao giờ tin vào chuyện khi  theo học một trường về kinh tế tốt nhất thế giới thì sau khi ra trường bạn sẽ trở thành một nhà đầu tư vĩ đại. Nếu vậy, tại sao đã rất nhiều năm trôi qua chúng ta vẫn chỉ có duy nhất một Warren Buffet mà thôi?  
Tôi đã từng gặp rất nhiều người khi mới bỏ ra một khoản tiền cho một dự án nào đó và nhận lãi về mỗi tháng thì ngay lập tức tự nhận mình là một nhà đầu tư, là chuyên gia tài chính, đây quả thật là một sự ngộ nhận đến ngớ ngẩn và nực cười (nói hơi thô thì nghe ngứa hết cả...)

Đối với cá nhân tôi, đầu tư là một công việc, là một nghề nghiệp rõ ràng chứ không phải là sự tự phong, việc bỏ tiền vào một dự án chỉ là một hành động đầu tư đơn thuần, nó không thể nào biến bạn trở thành một nhà đầu tư được.
Do là một nghề nên nếu xác định sẽ trở thành một nhà đầu tư thực sự thì bạn cần phải mất nhiều năm, và muốn trở thành một chuyên gia thì bạn nên biết về con số mười nghìn giờ. Theo kinh nghiệm của những nhà đầu tư huyền thoại truyền lại thì sẽ mất khoảng 2 năm học hỏi và liên tục lăn lộn trên thị trường để bạn có thể hiểu được đầu tư là gì, và bạn phải luôn nghi nhớ trong đầu rằng, đây là một nghề, là sự nghiệp của cả cuộc đời bạn chứ không phải chỉ là một cuộc dạo chơi đơn thuần.

Rất nhiều người bước chân vào lĩnh vực này và lỗ sấp mặt, đơn giản vì họ đã tư duy sai ngay từ đầu. Nếu bây giờ cho một người chẳng biết gì về xây dựng đi xây nhà, thì liệu có xây nổi hay không? Nếu ngay lập tức cho một ông xe ôm vào làm phẫu thuật, thì liệu ca phẫu thuật đó có thành công hay không? Nếu cho một bác nông dân đi làm luật sư, thì liệu rằng có thắng nổi vụ kiện hay không? Kết quả như nào thì chúng ta cũng đều đã rõ.
Vậy nên một ông bác sỹ, luật sư, hay kỹ sư chẳng biết mẹ gì về đầu tư lại đòi nhảy qua nghề đầu tư thì việc họ bị thua lỗ là điều hiển nhiên, họ đâu có hiểu được đầu tư là một nghề, mất nhiều năm khổ luyện mới có thể thành thạo, đâu phải cứ ném tiền vào một dự án nào đó thì được tự phong cho mình cái danh xưng nhà đầu tư, đâu có ngon ăn như thế. 

Trong xã hội có nhiều công việc, mỗi nghề cần có dụng cụ hay công cụ để tác nghiệp. Đối với một nhiếp ảnh gia, công cụ để hành nghề là chiếc máy ảnh, bác lái xe là chiếc xe, lập trình viên là chiếc máy tính, một người lính là súng, là kiếm còn đối với một nhà đầu tư, công cụ hành nghề là tiền, đây chính là điểm đặc biệt nhất của nghề này.

Một nhà đầu tư muốn hành nghề được thì phải có tiền, đó là lý do tại sao mà rất nhiều nhà đầu tư thành công nói rằng tiền chỉ đơn thuần là công cụ mà thôi, nó cũng giống với việc một ông nhiếp ảnh gia mang máy ảnh đi hành nghề vậy, nếu trứng gà có thể dùng làm công cụ đầu tư được thì nhà đầu tư sẽ dùng trứng gà để hành nghề, nếu đó là cát thì dùng cát, nếu đó là sỏi thì dùng sỏi, nếu là tiền thì dùng tiền, chung quy lại chúng chỉ là công cụ mà thôi. 
Do công cụ hành nghề đặc biệt như vậy nên chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng vì nếu không có tiền thì không thể hành nghề được, đó là lý do tại sao nguyên tắc đầu tư số 1 của Warren Buffet là không để mất tiền hay nói theo một cách chính xác hơn thì đó là: Không để mất dụng cụ hành nghề.

4. Quản trị dòng tiền
Khi mới bắt đầu tham gia vào thị trường, có một điều lạ lùng xảy ra với tôi đó là rõ ràng đầu tư có lãi mà chẳng hiểu tiền nó cứ đi đâu hết, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền, phải đi vay khắp nơi để trả lãi ngân hàng. Điều này buộc tôi phải ngồi tính toán lại và nguyên nhân đó là do tôi chưa biết cách kiểm soát dòng tiền của mình. Vậy dòng tiền là gì, và nó quan trọng đến thế nào? Về cơ bản thì khái niệm dòng tiền sẽ là như thế này:
Dòng tiền (Cash Flow) được hiểu là sự chuyển động của vào, ra của đồng tiền (tức là nhận và chi) trong một cửa hàng, doanh nghiệp, dự án hoặc sản phẩm tài chính nào đó.
Khái niệm dòng tiền thực sự vô cùng đơn giản và dễ hiểu nhưng để làm chủ được nó thì lại không dễ dàng chút nào. Khi mới đầu tư tôi phạm phải một lỗi khá sơ đẳng đó là ngày tiền lãi về luôn chậm hơn ngày phải trả lãi ngân hàng, tức là ngày trả lãi là ngày 25 hàng tháng, còn ngày nhận lãi là ngày 26 hàng tháng, woa, đây quả là một sai lầm lớn và nó đã khiến tôi khốn đốn 1 thời gian. Nhưng chúng ta trưởng thành hơn nhờ những sai lầm cơ mà, dẫu sao tôi cũng chỉ phạm sai lầm trong một thời gian ngắn và giờ thì mọi chuyện đã ổn, tôi đã có thể sống khoẻ với thu nhập về mỗi tháng.


Sẽ rất dễ để làm chủ điều này khi dòng tiền ra vào một cách ổn định và đều đặn mỗi tháng, tuy nhiên trong đầu tư, hay kinh doanh không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi và suôn sẻ như thế, sẽ có những thời điểm lợi nhuận sụt giảm, khiến bạn thua lỗ và dòng tiền thu về không đủ để trả nợ, khi ấy bạn phải làm gì, bạn sẽ lấy đâu ra tiền để trả lãi đây. Và tệ hơn nữa là khi doang nghiệp ngày càng phát triển, thì sẽ có rất nhiều dòng tiền ra vào khác nhau, vô cùng phức tạp, để quản lý được tất cả không phải là điều dễ dàng với bất cứ ai, ngay cả những chuyên gia tài chính cũng phải đau đầu.
Tuy nhiên, nếu không đi vay thì thật khó để có thể tạo được một sức bật lớn trong tương lai, như bạn biết thì các quốc gia hay doanh nghiệp muốn phát triển một cách nhanh chóng thì đều cần phải đi vay. Khi đó bạn cần phải hiểu rằng số tiền lãi bạn phải trả là cố định, dù bạn có tìm cách trên trời dưới biển gì đi chăng nữa thì số tiền đó vẫn không thay đổi, nó không cao hơn, không thấp hơn, nó luôn luôn như vậy, và trả chậm sẽ để lại những hậu quả rất xấu cho chính bản thân bạn.
Vậy nên hãy chắc chắn rằng bạn sẽ làm ra lợi nhuận thường là cao hơn 1,5 lần so với mức trả lãi hàng tháng, mức lý tưởng là từ 2 lần trở lên, nếu không muốn bị ngân hàng lấy mất tài sản mà mình cầm cố, hoặc trả chậm và bị liệt kê vào danh sách nợ xấu. 
Quản lý dòng tiền không đòi hỏi bạn phải là thiên tài toán học, bạn không cần phải làm những phép tính cao siêu gì đâu, nó chỉ là những phép cộng trừ nhân chia rất đơn giản mà thôi. Hãy thực hành nó đều đặn và thường xuyên, như tôi đã nói trong phần Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, hãy tính toán số tiền ra vào mỗi tháng của chính bạn, nó sẽ giúp có một độ tư duy nhanh nhạy để sau này khi số tiền có thay đổi nhiều hơn thì vẫn sẽ thích ứng một cách dễ dàng.

5. Tiền không làm thay đổi bản chất con người
Không hiểu vì sao nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có quan điểm này, tôi nghĩ tiền không thể nào làm thay đổi bản chất con người được, nó chỉ làm cho bản chất ấy bộc lộ rõ hơn mà thôi. Sau này, càng có hiểu biết nhiều hơn thì tôi thấy lại càng đúng. 
Đừng sợ đồng tiền sẽ hủy hoại bạn, đó là những lo sợ có vẻ hơi thừa vì bạn đã có tiền quái đâu, vẫn đang nghèo mà phải không, tui cũng vậy nè.
Đâu phải ai trúng số xong cũng đều đổ đốn hết, đâu phải ai có vài chục tỷ trong tay cũng đều này nọ, chỉ những kẻ nghèo khó quá mới phải đi ăn cưới thôi chứ, vậy việc bạn lo sợ đồng tiền sẽ hủy hoại bạn thực sự là hơi thừa thãi, tôi chỉ thấy cái nghèo, cái đói nó hủy hoại con người thôi.
Vậy nên nếu có cơ hội có thể kiếm được tiền thì hãy cứ tận dụng nhé, đừng lo sợ gì hết, làm tới đi.

Phần này kết thúc ở đây, trong lúc chờ đợi những phần tiếp theo mọi người có thể đọc những bài viết khác về đầu tư của mình ở đây: