Sau nhiều năm đèn sách và kết hợp với kinh nghiệm thực tế tôi đúc kết lại tất cả những kiến thức tốt nhất của mình thành một mục được gọi là TRÍ TUỆ TÀI CHÍNH. Đây là chuyên mục sẽ luôn được cập nhật liên tục vì tôi vẫn sống, vẫn ngu dốt và vẫn không ngừng học hỏi mỗi ngày. 
Những kinh nghiệm, nguyên tắc này chỉ là xuất phát dựa trên quan điểm cá nhân, nó có thể đúng ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ sai lệch trong tương lai, đúng với thị trường này nhưng không chính xác ở thị trường khác và còn tùy thuộc vào phương pháp, tiềm lực của mỗi người vậy nên đừng cứng nhắc mà hãy vẫn dụng nó một cách linh hoạt sao cho phù hợp nhất với phương pháp của chính bạn.
Tôi có một nguyên tắc nhỏ đó là mỗi ngày phải tự nhủ xem mình đã học được những gì, nếu không sẽ không đi ngủ, tôi duy trì nó nhiều năm qua, như một thói quen, như một người bạn cũ ngập tràn những niềm vui giản dị. 

1. Nguyên tắc là gì
Đầu tiên chúng ta hãy nói một chút về nguyên tắc, bạn không thể đặt ra những thứ mà mình không hiểu rồi lại nhất nhất làm theo nó được, tôi sẽ nói rất nhanh thôi nhưng chắc chắn là sẽ vô cùng dễ hiểu.
Nguyên tắc về cơ bản là sự lựa chọn có xác suất, ví dụ bạn có 10 lựa chọn cho một tình huống nào đó, sau rất nhiều lần lựa chọn những phương án khác nhau thì bạn nhận thấy rằng, lựa chọn thứ 2 luôn mang lại kết quả thành công với tỷ lệ cao nhất, từ đó trở đi, trong những trường hợp tương tự, bạn sẽ luôn lựa chọn phương án thứ 2, nguyên tắc ra đời từ đó.

Nguồn pexel
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ bắt gặp nguyên tắc hay quy trình ở khắp mọi nơi. Trong nhiều trường hợp, nó vô cùng cứng nhắc và khó hiểu, tuy nhiên nếu mở rộng hơn thì những nguyên tắc đó cũng chỉ là lựa chọn mang tính xác suất mà thôi, vì nó mang lại tỷ lệ thành công cao hơn, trên diện rộng hơn và chúng ta chấp nhận thất bại trong một vào trường hợp nhỏ lẻ, để quản trị được cả một hệ thống lớn thì đó là điều cần thiết. 
Từ đó có thể thấy nguyên tắc không phải là điều gì quá thần thánh, nó được đặt ra sau một loạt những sự lựa chọn có xác suất thành công cao vượt trội vậy nên khi muốn thay đổi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên xác suất và dữ liệu thực tế chứ không chỉ dựa vào cảm xúc nhất thời, và thay đổi một cách từ từ chứ không phải là thay đổi ngay lập tức. 
Bạn hãy ghi nhớ một điều, chúng ta có thần đồng về âm nhạc, thần đồng về bóng đám toán học, đủ mọi thứ nhưng chưa từng xuất hiện thần đồng trong lĩnh vực đầu tư, sẽ không có đường tắt để trở thành một nhà đầu tư giỏi, tuyệt đối là không có, bạn phải bước đi thật chậm rãi, kiên trì, nghiên cứu thật kỹ, và gần như hạn chế đến mức tối đa cảm xúc trong giao dịch thì mới hy vọng có thể có được lợi nhuận trong dài hạn, đó là sự thật.

2. Muốn thoát nghèo về vật chất thì trước tiên phải thoát nghèo về tri thức
Bạn đã từng đi phỏng vấn để xin gia nhập vào một công ty nào đó bao giờ chưa? Ngày nay tôi nghĩ phần lớn các bạn trẻ đều đã từng ít nhất một lần, thậm chí là nhiều lần. Khi đến phần thỏa thuận mức lương, bạn thường đưa ra đề nghị dựa trên yếu tố nào? Ngoại hình xinh đẹp, chiều cao lý tưởng, thân hình sáu múi, có nhà ở Vinhomes hay sở hữu một chiếc Vinfast Lux A2.0?
Tất cả những điều ấy chẳng có ý nghĩa gì nếu như công ty không cần, mức lương của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào giá trị mà bạn mang lại cho công ty, đó là yếu tố quyết định. Từ đó chúng ta có công thức đơn giản như thế này:
Mức lương = Giá trị bạn tạo ra + Môi trường làm việc
Đôi khi bạn tạo ra giá trị cao hơn nhưng do công ty hay môi trường nơi bạn làm việc chỉ có mức ngân sách như vậy, họ dù rất muốn cũng không thể nào trả cho bạn một mức lương cao hơn được. 
Trong trường hợp khác, bạn không hài lòng với mức thu nhập của mình nhưng không phải do công ty hay môi trường làm việc mà đó là do giá trị bạn tạo ra chưa đủ để bạn có thể nhận được mức lương như bạn mong muốn, điều bạn cần làm lúc này đó là bạn phải tạo ra nhiều giá trị hơn. Mà giá trị bạn tạo ra là một hàm số như thế này:
Giá trị bạn tạo ra = Sức lao động + Năng lực + Môi trường + May mắn
giá trị bạn tạo ra được chuyển hóa thành nhiều thứ nhưng thứ dễ nhất để đong đếm đó chính là tiền, vậy chúng ta sẽ sửa lại như này cho trực quan hơn, và cũng phù hợp hơn trong bài viết này:
Thu nhập = Sức lao động + Năng lực + Môi trường + May mắn
Tôi không cần biết bạn tài giỏi đến đâu, muốn tạo ra giá trị thì trước hết bạn phải lao động, phải làm đã. Có những người làm việc rất chăm chỉ, môi trường cũng tốt nhưng do năng lực có hạn, nên không thể nào tiến xa được. 
Có những người làm việc rất chăm chỉ, năng lực cũng rất tốt nhưng do môi trường hạn chế nên họ không phát huy hết được năng lực của mình, từ đó thu nhập không cao như họ kỳ vọng. Tuy nhiên đó chỉ là những yếu tố khách quan.
Tại sao tôi lại đặt sức lao động và năng lực lên đầu, vì nó là 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định đến những yếu tố ở phía sau. Sức lao động là nguồn gốc, từ lao động chúng ta có năng lực, có năng lực rồi thì có môi trường để phát huy năng lực ấy, và sau tất cả thì càng cố gắng nhiều hơn nữa thì may mắn sẽ xuất hiện càng nhiều.

Đầu tư vào tri thức mang lại giá trị nhiều nhất
Nếu bạn tự nhận mình là người rất chăm chỉ, rất tài giỏi thì tại sao bạn phải làm việc ở một công ty với mức thu nhập thấp? Dù bạn có giải thích như thế nào đi nữa thì cũng chẳng có ai tin điều đó, trừ khi bạn nói bạn đang làm cho start up, bạn làm vì đam mê hoặc bạn đang tự làm cho chính mình nhưng chúng ta đang nói về thu nhập, và chúng ta sẽ chỉ tập trung vào thu nhập mà thôi, những yếu tố khác, có lẽ đợi đến khi nào chúng ta thực sự đủ vững mạnh về kiến thức và tài chính thì sẽ bàn tiếp, trong phần này tôi sẽ chỉ nói về tiền. Chỉ có thu nhập, chỉ có tiền mà thôi, nhớ kỹ điều đó nhé.
Tôi có phức tạp hóa mọi chuyện lên không, sao không nói luôn là giỏi thì sẽ giàu, vậy cho nhanh. Không hề, giỏi có nhiều loại, và trong phạm vi về tài chính thì chúng ta chỉ bàn về ai giỏi kiếm tiền hơn mà thôi. Thêm nữa, giỏi chưa chắc đã giàu, họ có thể giỏi về chuyên môn có thu nhập rất cao nhưng kỹ năng quản lý tài chính kém, thì chưa chắc đã giàu. Và điều quan trọng hơn là làm thế nào để trở nên giỏi? Đó mới là vấn đề bạn cần phải thực hiện. 
Nếu bạn cảm thấy tất cả những điều này thật phiền phức, bạn có thể dừng đọc, ra ngoài kia mua vé số và hy vọng ngày đó sẽ trúng giải độc đắc, lúc đó bạn sẽ giàu có hơn rất nhiều người. Nhưng xác suất trúng giải là rất thấp, bạn biết chứ và nếu cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi như vậy thì bạn học hành hay cố gắng để làm gì, bạn đọc những dòng này để làm gì, nó chẳng có giá trị gì hết, vì chúng không hề giúp bạn chọn lựa được số nào là số sẽ trúng giải.
Chúng ta bỏ công sức học hành, nghiên cứu, khổ luyện là để làm giàu bằng trí tuệ của mình chứ không phải học xong lại đi đổ lỗi cho chuyện may rủi, như vậy thì thật vô nghĩa và uổng phí mất bao nhiêu năm đèn sách. 
Tôi vẫn thích câu nói: Nếu chúng ta đầu tư mà không có kiến thức thì đó là đánh bạc, nếu chúng ta đánh bạc mà có kiến thức thì đó chính là đầu tư.
Bạn đừng bao giờ tin vào chuyện một thằng ngốc cũng có thể trở nên giàu có, đó là chuyện nhảm nhí nhất trên đời. Trí tuệ của con người là vô hình, không ai có thể tước đoạt nó khỏi bạn. Trí tuệ là sự thông minh kết hợp với khổ luyện trong nhiều năm, chúng ta có rất nhiều thần đồng, rất nhiều người được mệnh danh là thiên tài, rất nhiều người thông minh nhưng những người được coi là có trí tuệ thì thực sự không nhiều.
Nếu ai đó hỏi vậy phải dùng cái gì để làm thước đo cho trí tuệ thì tôi vốn dĩ là một kẻ thực dụng, tôi sẽ không dùng chức vụ hay học vị, mà sẽ dùng cái đã nói ở bên trên, đó là TIỀN, chỉ có TIỀN mà thôi. Hay hiểu theo cách cực kỳ đơn giản đó là ai có nhiều tiền hơn thì người đó là người có trí tuệ tốt hơn. Có rất nhiều bạn sẽ cho rằng nó không hoàn toàn chính xác nhưng tôi nghĩ nó đúng trong rất nhiều trường hợp, cùng nhìn qua một vài ví dụ xem sao:
  • Một cầu thủ tốt là một cầu thủ đắt tiền.
  • Cùng là người đi bán dâm nhưng người nổi tiếng thì có giá cao hơn, nếu có thêm danh xưng hoa hậu thì càng được giá.
  • Cùng là một môn học nhưng thầy giỏi hơn thì có giá tiền cao hơn
  • Cùng là một nhà hàng nhưng nếu cách phục vụ tốt hơn thì giá sẽ cao hơn.
  • Cùng là ca sỹ nhưng ai hát hay hơn, biểu diễn tốt hơn thì sẽ có có giá vé cao hơn
  • Bạn nói mình có trí tuệ, nhưng mức lương chỉ có 10 triệu 1 tháng? Ai tin vào điều đó?
  • Hãy tìm Google xem danh sách những người giàu nhất thế giới hay Việt Nam, có ai trong số họ là kẻ ngốc không?
  • Ngay cả chính bạn, có phải cũng đang khó khăn về tiền bạc phải không? Bạn muốn lờ nó đi bằng cách cho rằng tiền bạc không quan trọng nhưng sâu thẳm bên trong bạn biết rằng, nó là tất cả, nó quan trọng v..kl..
  • Trong công ty, lương và thưởng của sếp tại sao lại có sự chênh lệch. Sếp liệu có phải là người thông minh nhất?
  • Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa...

Không khó để nhận thấy rằng, tiền chính là một chiếc thước đo quyền năng trong vô số những trường hợp trong cuộc sống, và hầu hết theo quan điểm của cá nhân tôi thấy nó đều vô cùng xứng đáng.
Đến đây bạn vẫn chưa thực sự thỏa mãn và sẽ ngụy biện bằng cách cho rằng có những thằng giàu là do buôn bán phi pháp, là do cha mẹ nó giàu hoặc ăn may phất lên nhờ tiền đền bù nhưng chúng ta hãy bỏ qua việc đó, mà hãy nhìn vào sâu bên trong một chút:
  • Những kẻ làm ăn phi pháp, đúng là họ vi phạm về mặt pháp luật nhưng họ có giỏi không? Có chứ, họ rất giỏi, thằng nào bảo họ không giỏi tao vả vỡ mồm.
  • Những người được sinh ra trong gia đình giàu có họ có giỏi không? Có chứ, giỏi vãi ra ấy, vì đầu thai trúng nhà giàu, vì họ đã chiến thắng hàng triệu con tinh trùng khác.
  • Những người có tiền được đi trên một chiếc xe ô tô sang trọng, nắng không đến mặt mưa không tới đầu. Con cái của họ được học ở một người trường tốt, được ăn nhiều món ngon. Họ ở trong một ngôi nhà sang trọng và hưởng những dịch vụ đẳng cấp và họ chẳng mấy bận tâm đến những kẻ nghèo khó ngoài kia làm gì.
  • Những người nghèo, như tôi chẳng hạn, dù có tài giỏi hay tự nhận mình là người có tri thức đến thế nào thì đi uống một cốc trà đá vẫn mất ba nghìn, đi mua sách cũng vẫn mất tiền và vi phạm pháp luật thì vẫn sẽ bị đi tù, tệ hơn bạn tự hào về bản thân mình bao nhiêu thì người trong xã hội lại coi thường bạn nhiều bấy nhiêu.

Bạn hãy nhớ là chúng ta đang sống trong một xã hội điên loạn. Nơi mà những người đóng phim sex thì được gọi là ngôi sao phim khiêu dâm, được ca tụng khắp các mặt báo còn những anh chàng kỹ sư, lập trình viên thì đang chạy cơm từng bữa.
Bạn đi mua xe, hay bất cứ sản phẩm nào khác, người ta chỉ quân tâm đến việc bạn có đủ tiền hay không thôi, còn tiền đó bạn kiếm được bằng cách nào thì không ai người ta quan tâm hết. Vậy nên điều tôi rất mong muốn đó là bạn thực dụng hơn, và bớt mơ mộng lại đi. Nếu không có đam mê gì thì hãy mê tiền. Mê tín mới xấu chứ mê tiền đâu có gì xấu. Bạn phải hiểu mục đích cuối cùng  của đầu tư hay kinh doan là lợi nhuận, là tiền, không có cái khác quan trọng hơn những điều đó. 
Tôi tham lam lắm, thực dụng nữa, nhưng tôi kiếm tiền bằng sức lao động của tôi, bằng trí tuệ của tôi thì có gì mà phải ngại. Thấy tôi mua nhiều quần áo, có người bạn bảo sao quần áo nhiều thế mà không làm từ thiện, tôi không nói gì nhưng tôi luôn cho rằng mình không cần phải làm thế. Mỗi tháng đi làm đóng các loại thuế nọ thuế kia, sau nhiều năm thì là bao nhiêu tiền? Đấy là từ thiện rồi còn gì, là đóng góp cho xã hội rồi còn gì? Chỉ có những người ăn bám xã hội thì mới đáng xấu hổ và bạn cũng nên như vậy.
Người giàu họ cực kỳ ghét những kẻ ăn bám, lười nhác vì những kẻ đó đang sống dựa trên những đồng tiền thuế mà họ đóng mỗi tháng, cả một tầng lớp quan chức nữa, nhìn những đồng tiền của mình bị tiêu xài hoang phí như vậy, sao có thể không tức cho được.
Muốn thoát nghèo về vật chất thì trước tiên phải thoát nghèo về tri thức. Đó là điều hiển nhiên, là chân lý. Ngu thì không giàu được đâu, tôi nói thật. Ngu mà lại còn lười nữa thì hết từ để nói. Tuy nhiên tất cả những điều này sẽ chỉ có ý nghĩa khi bạn hành động. Trên Spiderum có nhiều bài ngẫm rồi nghĩ, rồi suy đoán, rồi dạy . Tôi thì thực sụng dơn, nhảy vào chiến đấu luôn. Kỹ năng thực chiến của tôi cũng không
Vậy nên nếu muốn giàu có thì đừng mơ mộng viển vông nữa, làm việc đi, lao động đi, kiếm tiền đi, giàu có đi, rồi sau đó những thứ tuyệt vời khác trong cuộc sống sẽ đến với bạn. 
Các cụ dạy rồi: Mạnh vì gạo bạo vì tiền mà, làm tới đi, sợ gì.

3. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt
Từ hồi còn là sinh viên tôi đã có một thói quen đó là ghi chép, phân bổ những khoản tiền sẽ tiêu. Thường thì khi nhận được tiền mẹ cho tôi sẽ ghi chép xem là mình mua những gì, ăn những gì áng chừng xem hết khoảng bao nhiêu, dư bao nhiêu...kiểu kiểu như vậy. Sau này quen rồi thì không cần nữa, tự tính nhẩm trong đầu được.
Tôi có một chiếc ví cầm tay và một chiếc ví nhỏ, tùy từng trường hợp mà dùng ví nào. Tôi hay có thói quen sắp xếp lại tiền của mình theo mệnh giá từ thấp đến cao, để lúc trả tiền cho ai đó sẽ dễ tìm hơn và cũng là để biết xem mình còn bao nhiêu tiền nữa. Cũng thỉnh thoảng thôi chứ không phải ngày nào tôi cũng làm, thế thì thành kỳ quá. Tờ 500 ngàn rồi đến tờ 200 rồi 100, rồi 50, rồi 10 ngàn cho đến 5 trăm đồng. Việc này đơn giản mà, tôi nghĩ ai cũng làm được, phải không?
Hồi mới tham gia thị trường tôi cực kỳ thích trade Forex, xem biểu đồ suốt ngày không chán, tối về là ngồi lỳ với nó luôn, cuối tuần thị trường đóng cửa tôi vào BO ra trade tạm cho đỡ thèm, tôi từng nạp 10$ vào sàn Olymtrade và lỗ hết sạch. Hồi đó lịch làm việc của tôi sẽ như này:
- Sáng đọc tin trên Traderviet, sau đó tìm kiếm cơ hội vào lệnh, nếu có lệnh rồi thì sáng dậy là phải xem ngay khi mở mắt. Cuối tuần thì xem các video phân tích, tự mình phân tích, làm kế hoạch cho tuần tới, ghi lại những sai lầm mình mắc phải để lần sau còn sửa. Tôi đặt ra 10 nguyên tắc vào lệnh, quan trọng nhất là luôn phải đặt Stoploss. Đấy, có một thời gian cứ lặp lại như thế suốt, nhưng đó là chuyện của ngày trước rồi.
Bây giờ tôi vẫn giao dịch nhưng ít lắm, mà chỉ là demo thôi. Có lần nạp vào 200$ nhưng trade lỗ hết 100$, đúng lúc hết tiền ăn nên rút ra, nghèo lắm.
Tôi có chuyên mục này để tổng hợp, chi chép lại những điều thú vị mà mình giác ngộ được được trong quá trình đầu tư.
Tôi cũng hay đăng những ý tưởng của mình trên tradingview, hồi trade forex thì còn hay đăng, giờ thì ít hơn nhiều, mà có phân tích thì chủ yếu là cổ phiếu, của cả Việt Nam lẫn thế giới.
đợt tham gia lớp học được nhận giải luôn

Tôi có danh sách một vài mã cổ phiếu mà mình theo dõi, mỗi ngày ngó qua chút xít, xem qua các chỉ số DJ30, SPX, VN30, BTC, ETH, đọc mấy bài phân tích xem tình hình kinh tế ra sao, biến động như nào và sắp tới có thể có sự kiện gì đặc biệt.
Hồi mới học lập trình, tôi cứ hay tò mò xem cái thiết bị kia chạy phần mềm gì, ngôn ngữ nào. Sau này thì mỗi khi nghe được tên công ty nào đó là tôi mò ngay vào xem báo cáo tài chính, rồi nghĩ xem mô hình kinh doanh của họ là gì, phân tích tới lui, nhìn biều đồ xem giá cổ phiếu tăng trưởng thế nào, ngấm vào máu rồi.
Tối về, lại ngồi phân tích các công ty và tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới mẻ, chán thì lại ngồi xem phim, chơi CS Go, đọc sách về đầu tư, viết bài...
Đấy tôi chỉ đơn giản vậy thôi, chả có gì đặc biệt hết, bạn thấy đầu tư có đơn giản không? Có nhàm chán không? Nếu từ trước đến nay bạn nghĩ  sống của một nhà đầu tư là sang chảnh, là nhìn biểu đồ suốt ngày, là kiếm được cả đống tiền trong chớp mắt thì bạn đã nhầm. Tôi không bắt đầu hay làm được những điều lớn lao như thế. Tôi không hề thông minh đúng hơn tôi là người cực kỳ ngu dốt, chậm hiểu và lười biếng. Tôi cũng rất nghèo nữa, ngày ngày vẫn đi làm và cuối tháng nhận lương như bao người, không có thời gian rảnh mà đọc sách cả ngày như bác Buffet được. Nhưng tôi lỳ, và đã thích là sẽ theo đến cùng. Tôi nghĩ đó là điểm mình mạnh nhất, đã thích cái gì, là thích cả đời luôn không bỏ được.
Andy Grove, cựu CEO của Intel từng nói: "Khi khủng hoảng xảy ra, công ty yếu sẽ chết, công ty tốt thì tồn tại, còn công ty vĩ đại sẽ ngày càng lớn mạnh hơn".
Nhiều người xem đầu tư là một cuộc dạo chơi, họ đến rồi đi. Tôi xem đầu tư như là một sự nghiệp của cả đời, vậy nên một năm thua lỗ không đáng gì hết, tôi vay tiền để đầu tư mù quáng, tôi thua lỗ hết, tôi nợ cả đống, tôi đi làm và một năm sau tôi trả hết. Nhiều người tôi rủ quay lại nhưng họ không dám, họ sợ, tôi mặc kệ, tôi lại tiếp tục, tôi có lợi nhuận và tôi lại tiếp tục, chỉ đơn giản như vậy.
Tôi thấy nhiều người luôn đặt những mục tiêu lớn lao, luôn nói về những điều vĩ đại, tôi thì khác, tôi đơn giản hơn, tôi thích nói về những điều bình thường, những thứ gần gũi trong cuộc sống và tất nhiên là cũng phải hài hước một chút. Bạn đừng nghĩ đầu tư là điều gì đó phức tạp, nó thật sự không phải như vậy. Và nếu nó thực sự là như vậy thì hãy tìm cách đơn giản nó, hãy tìm cách để phù hợp nếu bạn muốn tiếp tục. Đừng có mới vào mà đã nghĩ mình phải kiếm vài triệu đô, đừng có nghĩ kiếm được vài trăm ngàn rồi thì mình là người giỏi nhất, thực ra bạn vẫn chẳng là gì hết.
Tôi không đao to búa lớn, không nói triết lý sâu xa, tôi chỉ đơn giản là làm những công việc bình thường. Tôi quản lý tốt số tài sản mình đang có và hy vọng sau này có thể quản lý được tài sản của thêm nhiều người khác nữa. Đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, tôi vẫn sẽ cứ làm những công việc bình thường của mình thôi, và tôi nghĩ bạn cũng nên như vậy để trở thành một nhà đầu tư thật sự.
Tôi nghe thì tôi biết, tôi đọc thì tôi hiểu, tôi làm thì tôi có kinh nghiệm nhưng khi tôi ghi chép, tôi sẽ ghi nhớ chúng, mãi mãi

4. Quản trị rủi ro
Có rất nhiều nhà đầu tư học ngày học đêm về những phương pháp đầu tư trên trời dưới biển với mục đích trở thành triệu phú đô la trong tương lai nhưng lại bỏ qua điều quan trọng nhất trong lĩnh vực đầu tư đó là Quản trị rủi ro
Dường như khi đầu tư vào một dự án nào đó thì họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đến thời gian hoàn vốn, đến số tiền mà họ sẽ kiếm được sau một thời gian mà quên mất tự hỏi bản thân một điều: 
- Nếu thua lỗ thì sao? Những rủi ro của dự án này là gì?
Có thể là do lòng tham nên chúng ta đã phớt lờ những điều này nhưng lòng tham mà thiếu đi kiến thức và sự cẩn trọng thì đó là điều vô cùng nguy hiểm. Xác định rủi ro của một thương vụ hay một dự án không phải là điều dễ dàng nhưng có nếu chịu khó học về những phương pháp đó thì bạn sẽ thấy nó thực sự vô cùng có giá trị. 
Trong đầu tư hay kinh doanh thì quản trị rủi ro là quan trọng nhất, nếu bạn chưa biết thì hãy học về nó ngay hôm nay. Chưa học về quản trị rủi ro mà đã mong có lợi nhuận chẳng khác nào chưa biết đi đã đòi học chạy, sẽ ngã sấp mặt thôi. Và hãy luôn luôn ghi nhớ một điều: Đừng bao giờ đánh đổi rủi ro bằng lợi nhuận, sẽ luôn nhận được kết cục đau đớn thảm hại.

Ranh giới giữa đầu tư và đánh bạc là quản trị rủi ro
Rất nhiều người, đặc biết là những nhà đầu tư thiếu kiến thức luôn coi rủi ro như kẻ thù nhưng thực ra nó chính là nguồn gốc của lợi nhuận, hay nói cách khác lợi nhuận của chúng ta đến từ sự thua lỗ của những kẻ khác.
Từ rủi ro có nguồn gốc từ động từ riscare trong tiếng Italia, có nghĩa là dám. Do đó thực thể kinh doanh dám tạo ra lợi nhuận bằng cách tận dụng các cơ hội có nguy cơ rủi ro.
Bốn quá trình quan trọng trong quản lý rủi ro tài chính mà bạn nhất định phải biết đó là:
1. Xác định rủi ro: Có hai loại rủi ro chủ yếu mà bạn cần phải nhớ đó là rủi ro chính và rủi ro phụ. Rủi ro chính là những rủi ro được xảy ra hoặc gây nên bởi chính mô hình kinh doanh đó, hoặc trong quá trình kinh doanh đó. Rủi ro phụ là những rủi ro ngẫu nhiên xảy ra ngoài ý muốn như thiên tai, dịch bệnh, nắng mua thất thường, chiến tranh thương mại, những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Với mỗi một ngành nghề thì rủi ro chính và rủi ro phụ lại có những sự khác biệt, chính vì vậy sẽ rất khó để bạn có thể xác định được rủi ro của thương vụ, mô hình kinh doanh hay dự án này là gì nếu không có kinh nghiệm thực tế từ chính sự trải nghiệm của cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà trong bất cứ một lĩnh vực hay ngành nghề nào, kinh nghiệm làm việc luôn là một thước đo quan trọng. Muốn xác định được rủi ro, ngoài những lý thuyết mà bạn học được từ sách vở hoặc qua sự truyền đạt lại của người khác thì bạn phải là người am hiểu lĩnh vực đó một cách sâu sắc, không ai có thể dạy cho bạn được, chỉ có thể tự mình trải qua và đúc kết kinh nghiệm mà thôi.
2. Đánh giá rủi ro: Nếu bạn xác định rủi ro sai thì bước đánh giá sẽ không còn nhiều ý nghĩa, vì vậy hãy chắc chắn là bạn đã xác định đúng rủi ro của thương vụ mình sẽ đầu tư, của mô hình kinh doanh mà bạn sẽ triển khai. Khi đã chắc chắn là mình xác định đúng, đủ các rủi ro có thể gặp phải hãy đánh giá xem mức độ tác động của chúng đến thương vụ của bạn, đánh giá xem bạn sẽ cần bao nhiêu chi phí để loại bỏ rủi ro đó, hay nếu khi nó xảy ra thì bạn cần bao nhiêu chi phó để khắc phục, từ đó tạo tiền đề để đưa ra những quyết định tiếp theo.
3. Giảm thiểu rủi ro: Sau khi đã xác định được những rủi ro và đánh giá được mức độ của chúng, bạn phải tìm cách hạn chế, giảm thiểu những rủi ro ấy xuống mức thấp nhất, một vài chiến lược đơn giản như sau:
- Rủi ro giữ lại: Không có rủi ro thì cũng đồng nghĩa là không có lợi nhuận vậy nên không thể nào loại bỏ hoàn toàn được. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định rủi ro nào cần được giữ lại sau khi tính toán và cân nhắc giữa lợi ích nó mang lại so với chi phí và công sức mà chúng ta phải bỏ ra. Điều này rất dễ nhận thấy trong kinh doanh nhỏ lẻ. 
Ví dụ: Bạn muốn mở một cửa hàng nhỏ, với số vốn ít bạn chấp nhận không thuê nhân viên mà tự làm hết tất cả mọi việc, điều này tất nhiên là sẽ có rủi ro nhưng bạn chấp nhận nó để đổi lấy lợi nhuận cao hơn, đây chính là rủi ro mà bạn chấp nhận giữ lại. Trong bất cứ thương vụ đầu tư nào cũng đều có rủi ro giữ lại, các doanh nghiệp kinh doanh cũng vậy, điều quan trọng là bạn phải biết cái nào nên giữ lại, cái nào không nên giữ lại để 
- Trung hòa rủi ro: Nếu bạn không muốn giữ lại một rủi ro được xác định thì có thể trung hòa hoặc chuyển giao rủi ro đó cho một bên khác. Trung hòa rủi ro là một chính sách quản lý rủi ro theo đó một doanh nghiệp hoặc cá nhân đưa ra những chính sách quản lý của riêng mình để giảm thiểu thiệt hại dự kiến từ những rủi ro xác định mà không chuyển giao rủi ro đó cho một bên thứ ba. Trong trading Hedging là phương pháp trading đối ứng - vào lệnh ngược nhau trên cùng 1 cặp tiền nhằm giới hạn rủi ro xuống mức thấp nhất, đó cũng có thể được coi là một hình thức trung hòa rủi ro. Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia sự chênh lệch về tỷ giá cũng là một rủi ro, có tên gọi là rủi ro tỷ giá. Nếu không muốn bị thiệt hại hoặc giảm thiểu rủi ro tỷ giá xuống mức thấp nhất, các doanh nghiệp có thể không mang tiền về trong nước đồng nghĩa với việc họ nắm giữ nhiều loại tiền tệ khác nhau ở những quốc gia khác nhau. Thêm nữa nắm giữ quá nhiều tiền cũng đồng nghĩa với việc tiền thuế phải nộp cũng tăng lên đáng kể, bạn có thể đọc về thương vụ sau để biết thêm, công ty càng lớn thì trốn thuế càng nhiều.
- Phân tán rủi ro: Nếu không hứng thú hay không thể trung hòa rủi ro bạn có thể phân tán rủi ro. Giả sử bạn muốn mở một quán cafe với tổng số tiền cần phải có là 600 triệu. Bạn có nhiều hơn số tiền đó nhưng nếu bạn tự mình mở khi thua lỗ bạn sẽ mất hết toàn bộ 600 triệu và bạn không muốn điều đó xảy ra, bạn tìm cách giảm thiểu số tiền bị mất xuống mức thấp nhất. Bạn kêu gọi thêm năm người bạn khác, mỗi người sẽ góp 100 triệu và sau này khi quán có lãi sẽ được chia đều. 
Nếu trong trường hợp thua lỗ, thì số tiền bạn mất đi cũng chỉ là 100 triệu chứ không phải là 600 triệu như khi bạn muốn làm một mình. Tất nhiên, nếu có lãi thì số tiền mà bạn nhận được cũng sẽ ít hơn nếu bạn làm một mình nhưng đó không phải là vấn đề bạn cần quan tâm. Rủi ro trong trường hợp này bạn và năm người kia sẽ ra sao khi kinh doanh có lãi? Bài học thất bại xương máu được rất niều start-up liên tục nhắc đến đó là mâu thuẫn nội bộ dẫn đến công ty không thể phát triển được thậm chí là phá sản.
Dù bạn lựa chọn thế nào thì cũng cần phải xác định rủi ro cho mỗi lựa chọn đưa ra để giái quyết rủi ro đó, cái này gọi là xác định rủi ro cho phương pháo giảm thiểu rủi ro, tôi tự nghĩ ra đấy, không biết thuật ngữ kinh tế của nó là gì. 
Khi bạn kết hợp sự thiếu hiểu biết với đòn bẩy tài chính, bạn sẽ có được những kết quả rất thú vị - Warren Buffet
- Chuyển giao rủi ro (Bán rủi ro): Nếu không có rủi ro nào xuất hiện, những công ty bảo hiểm sẽ là những công ty phá sản đầu tiên, thật thú vị phải không nào. Đối với những rủi ro đã được xác định, các doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân có thể quyết định chuyển giao rủi ro sang cho bên thứ ba, thông qua việc ký hợp đồng với những đối tác sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hoặc gắn những rủi ro vào trong giao dịch tài chính. Các công ty lớn kiểu như Google, Apple, Facebook đều rất giỏi việc này. 
Trước khi chúng ta sử dụng sản phẩm của họ, sẽ luôn có một đoạn thông báo về điều khoản sử dụng với nội dung rất dài hiện ra, muốn tiếp tục chúng ta phải nhấn nút Accept. Phần lớn mọi người chả ai thèm đọc và tôi cũng vậy, nội dung tuy dài nhưng gói gọn trong vài chữ: CHÚNG TÔI KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM, họ đẩy hoàn toàn rủi ro về phía người dùng, họ không chịu trách nhiệm nếu như này như kia, thế nên dù họ có vi phạm hay lấy dữ liệu của chúng ta thế nào thì cũng không ai kiện được, chúng ta đã nhấn nút Accept rồi mà. 
Ví dụ ở trên khi bạn muốn mở một cửa hàng nhỏ nhưng bạn không muốn giữ lại rủi ro, bạn liền mang cửa hàng đó cho người khác thuê, và nhận tiền thuê mặt bằng mỗi tháng, đó là chuyển giao rủi ro.
Bạn sáng lập nên một doanh nghiệp, sau khi doanh nghiệp lớn mạnh bạn bán doanh nghiệp đó cho một công ty khác, đó gọi là bán rủi ro.
Bạn mua bán cổ phiếu, hay tài sản, đó cũng được coi là bán rủi ro.
Bạn có người yêu, đứa này vừa hâm vừa dở, nếu lấy nó thì xác định là đời bạn tan nát, vậy nên bạn quyết định chia tay đẩy nó cho thằng khác, cũng có thể gọi đó là bán rủi ro. 


4. Loại bỏ rủi ro:  Trong trường hợp bạn đã xem xét hết tất cả các khả năng mà vẫn không thể nào hạn chế hay trung hòa được rủi ro, hoặc bạn có thể nhưng chi phí để làm được điều đó là quá lớn thì bạn hãy loại bỏ thương vụ đầu tư đó và cân nhắc cho những thương vụ đầu tư khác, cơ hội luôn xuất hiện trên thị trường vậy nên đừng cố đâm đầu vào một thương vụ mà 99% là sẽ thua lỗ, trong trường hợp đó hãy nhớ: Ba mươi sáu kế chuồn là thượng sách.

Trong lúc chờ đợi những phần tiếp theo mọi người có thể đọc những bài viết về đầu tư của mình ở đây: